Phương Diệu Thu
(KHPT) - Tôi có một năm sống và làm việc trong một nông trại phía nam nước Đức. Được trải nghiệm thiên nhiên và lối sống xanh gần gũi môi trường của những người trong dự án, tôi đã thay đổi rất nhiều về cách nhìn và lối sống.
Hai tuần đầu mới đến, nhóm chúng tôi gồm 5 người tham dự một khóa tiền tập huấn, gồm một chuỗi các chia sẻ và các buổi nói chuyện để chuẩn bị cho cuộc sống một năm tại nơi này. Tuần đầu tiên, chúng mình bàn luận về thực phẩm thuận tự nhiên. Chúng mình được nghe về thực trạng sản xuất thực phẩm thuận tự nhiên tại châu Âu, về lượng CO2 mà các loại thực phẩm khác nhau thải ra. Buổi tối, cả nhóm tụm lại ngồi xem Unser täglich Brot (tạm dịch: Thức ăn hàng ngày) - một bộ phim không lời về cách mà ngành thực phẩm vận hành. Xem phim xong tôi khóc, 3 ngày tiếp theo tôi ăn chay, bởi quá ám ảnh cách mà nền nông nghiệp hiện hành đối xử với động vật trong phim.
Nơi chúng tôi làm việc là một nông trại tọa lạc trên đồi, vùng Allgäu ở Đức, cách biên giới Áo và Thụy Sĩ 2 tiếng lái xe. Nông trại theo hướng sản xuất thực phẩm thuận tự nhiên, không thuốc trừ sâu, không chất hóa học, tất cả đều là từ đất nhổ lên rồi đem đi bán trực tiếp tại chợ địa phương. Để hạn chế tối đa mất mùa vì sâu bệnh, chúng tôi nuôi thêm động vật - vịt, gà để ăn sên hoặc sâu, trồng luân canh nhiều loại hoa màu để tạo một hệ sinh thái nhỏ trong trại, giúp kiềm chế sự phát triển của sâu bệnh.
Trong mấy tháng đầu tiên, tôi quay cuồng với các câu hỏi. Mình nhìn lại cách mình đã sống và thấy bản thân cần phải thay đổi rất nhiều. Ngày ở Việt Nam, mỗi năm mình cố gắng thay một chiếc điện thoại mới, bởi vì suy nghĩ cần phải bắt kịp xu hướng công nghệ. Mỗi mùa, quần áo lại có đồ mới chất đầy tủ, quần áo cũ cái thì vứt, cái thì đem cho. Giấy, hộp nhựa, thức ăn thừa, chai lọ... nhét chung vào một túi chờ đến 5 giờ chiều rồi đem vứt. Tôi thấy thế ổn. Tôi dọn nhà mình sạch, tôi đem rác đi đổ đúng chỗ, chứng tỏ mình yêu môi trường. Cuộc đời vẫn rất đẹp. Sang bên này, tôi đã biết đem túi vải mỗi lần đi chợ mua đồ. Tôi đã thay đổi cách nhìn về rác, thôi vứt tất cả những thứ đã-qua-sử-dụng vào thùng rác và biết cách tái sử dụng gần như tất cả mọi thứ.
Ngày ở Việt Nam, tôi gần như không có mối liên kết nào với môi trường. Con lạch gần nhà bị lấp đi để xây đường mới, hàng cây trước cửa bị chặt đi để mở rộng đường… mình đều tiếp nhận với thái độ dửng dưng. Tôi tự huyễn hoặc rằng đất nước đang phát triển, sẽ cần có những thứ phải biến mất. Sang bên này, lần đầu tiên thấy hoa nở lòng mình tràn ngập hạnh phúc. Ngồi ngắm đồi cỏ xanh mướt, xa xa là đám khoai tây đang lên mầm, hay là lũ cà-rốt mọc chen lên đám cỏ, tôi không chút ưu tư suy nghĩ. Tôi thấy biết ơn cả những ngày mưa gió lạnh, cả những ngày tuyết rét mướt bởi mình hiểu cây cối không chỉ cần ánh nắng mặt trời.
Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, ngẩng đầu lên tôi thấy sao trời. Có những đêm khó ngủ, tôi trải thảm ra đám cỏ nằm ngửa mặt ngắm trăng. Lặng nghe gió thổi qua đám lá, và tiếng dế kêu đâu đó, đám đom đóm lập lòe dưới ánh trăng non, tôi thấy mình đã đi một quãng đường rất xa chỉ để học cách trân trọng những thứ bị coi là “hiển nhiên” - như hàng cây trước ngõ, hay con lạch nhỏ, hay khóm hoa mọc dại đâu đó. Tất cả những thứ hiển nhiên ấy, sao mà quá đỗi khó tìm, quá đỗi dễ bị lãng quên ở nơi thành phố.
Còn gần hai tháng nữa tôi về. Thỉnh thoảng lại có người tạt qua hỏi thế tính làm gì sau khi quay về? Ôi, tôi chẳng muốn suy nghĩ xa xôi, nhưng có một điều tôi chắc chắn sẽ làm: Tôi muốn được sống cùng tự nhiên. Đơn giản vậy thôi!