Friday, July 14, 2017

Người Trường Chay: Tổng giám đốc Capital House Đỗ Đức Đạt

Trích Pháp Luật Plus: "Tổng giám đốc Capital House Đỗ Đức Đạt: Công trình Xanh sẽ làm biến mất những khu nhà ổ chuột" (Nhật Linh)

(PL+) - Ông Đỗ Đức Đạt mong muốn sẽ có một cộng đồng các doanh nghiệp BĐS làm Công trình Xanh ở Việt Nam.
Là doanh nghiệp tiên phong tài trợ 1 triệu USD cho chương trình Phát triển Công trình Xanh, ông Đỗ Đức Đạt (Tổng giám đốc Capital House) mong muốn không chỉ doanh nghiệp mình phát triển các dự án BĐS Xanh mà sẽ có một cộng đồng các doanh nghiệp BĐS làm Công trình Xanh ở Việt Nam. Như vậy sẽ không còn cảnh doanh nghiệp BĐS Việt Nam đơn độc trên hành trình phát triển loại hình BĐS mang lại rất nhiều lợi ích và thực sự bền vững này.
Là một người theo nhà Phật, ăn chay trường, rất kiệm lời, hiếm khi phát biểu trước công chúng, cũng như trả lời phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông, phóng viên đã mất nhiều công để thuyết phục ông Đỗ Đức Đạt chia sẻ một vài điều khi là doanh nghiệp BĐS tiên phong tài trợ một số tiền không nhỏ là 1 triệu USD cho chương trình "Chương trình Phát triển Công trình Xanh và Bền vững" kéo dài trong 5 năm từ 2017-2022. Câu chuyện dưới đây sẽ cho chúng ta thấy những tâm huyết của một doanh nghiệp BĐS từng bước những bước chân “đơn độc” trong hành trình phát triển Công trình Xanh ở Việt Nam từ ngày đầu.

PV: Được biết các dự án hiện tại của Capital House đều là các Công trình Xanh từ phân khúc NƠXH, nhà đại chúng tới cao cấp, xuất phát từ đâu, ông lại có ý tưởng làm Công trình Xanh cho các dự án BĐS của mình?
Ông Đỗ Đức Đạt: Trước đây, tôi cũng hiểu về Công trình Xanh rất đơn giản là có nhiều cây. Tôi từng ở châu Âu một thời gian, dù ở thành phố nhưng bên cạnh chung cư lại có những cánh rừng rất lớn, không khí rất thích. Sống trong chung cư nhưng tôi vẫn có thể xuống đi dạo trong những cánh rừng. Tôi thấy rất thư thái và hài lòng với không gian sống tuyệt vời như vậy.
Sau khi về Việt Nam, cũng như có cái duyên, tôi bắt đầu tập trung vào làm BĐS. Khi làm BĐS, tôi thấy một vấn đề là khi đi tham khảo các nước như Singapore thấy các công trình Việt Nam nhất là chung cư cũ rất bí bách giống như nhà căn hộ cũ tôi từng ở. Thời xưa, chung cư cũ vẫn còn cây cối xung quanh nhưng bây giờ họ lấn chiếm hết và khu nhà xuống cấp, cuộc sống rất bức bối. Thậm chí ở Việt Nam hiện nay cũng có rất nhiều công trình mới thiết kế các phòng không có cả cửa sổ, không lỗ thoáng, cảm giác vô cùng khó sống.
Tôi nung nấu mong muốn tạo một môi trường sống thoáng đãng, trong lành, thân thiện nên dần tìm hiểu về Kiến trúc Xanh, Công trình Xanh. Tôi cũng giao cho các kiến trúc sư đi tìm hiểu thêm rồi vừa làm vừa học. Giai đoạn đó thông tin ít, khó khăn chứ không như  bây giờ. Quyết định phát triển các dự án theo Công trình Xanh là một cuộc cách mạng thực sự của doanh nghiệp.

PV: Phát triển Công trình Xanh là một xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi vấn đề biến đổi khí hậu đang thách thức, nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường báo động. Được biết ông là người theo đạo Phật, ăn chay trường, trong câu chuyện phát triển Công trình Xanh của doanh nghiệp mình, dường như có phần ảnh hưởng triết lý nhà Phật?
Ông Đỗ Đức Đạt: Bản chất vấn đề ở đây cũng là muốn cuộc sống mọi người tốt đẹp hơn, lợi mình lợi người. Nhìn xa trông rộng, chúng ta thấy sự phát triển của xã hội phương Tây rất lãng phí. Chính chúng ta xây dựng những công trình mà sau này phải đập đi. Ở châu Âu nhiều công trình không ai ở, phải đi chuyển đi nơi khác gây lãng phí rất lớn cho xã hội. Tại sao chúng ta không làm những Công trình Xanh ngay từ bây giờ để tránh lãng phí?!
.....

Để đọc trọn bài, xin bấm vào đường dẫn: http://www.phapluatplus.vn/tong-giam-doc-capital-house-do-duc-dat-cong-trinh-xanh-se-lam-bien-mat-nhung-khu-nha-o-chuot-d44696.html