(Thế Giới Trẻ) - TIME 100 luôn là giải thưởng danh giá của tạp chí TIME dành cho những con người kiệt xuất có sức ảnh hưởng nhất thế giới hằng năm. Dễ dàng nhận ra hàng loạt những cái tên không ai là không biết như cựu Tổng thống Barack Obama, Bill Clinton, cho đến những diễn viên xuất chúng như Emma Watson hay vận động viên mới của thời đại Lebron James.
Tuy nhiên, đã từng có lần cả thế giới phải rúng động khi một bà lão bán rau bé nhỏ đến từ Đài Loan, bà Chen Shu-chu (Trần Thu Cúc) được xướng tên trong danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới năm 2010 của tạp chí TIME, sánh ngang với các tên tuổi sừng sỏ khác.
Mặc dù sở hữu thân hình thấp bé với chiều cao chỉ 1m39 thế nhưng tâm hồn của bà thật sự là của một người khổng lồ. Công việc hằng ngày của bà Cúc chỉ là bán rau ngoài chợ, tuy nhiên bà vẫn có thể để dành được những khoảng tiền đáng kể để làm từ thiện, giúp đỡ người gặp khó khăn. Tính đến năm 2010, bà đã cho đi hơn 10 triệu Đài Tệ (khoảng 7,6 tỷ đồng).
Đằng sau tấm lòng vĩ đại đó cũng là một câu chuyện cảm xúc không kém. Từ khi sinh ra, bà Cúc đã phải sống trong một gia đình hằng ngày phải chật vật lo miếng ăn. Nguồn thu nhập chủ yếu của cả nhà 8 con người đến từ gánh rau ngoài chợ.
Năm 12 tuổi, vừa học xong tiểu học Jen-Ai tại Đài Đông, bà Cúc đã nhận hung tin khi cả mẹ và cô em gái còn chưa ra đời đã mãi mãi ra đi do ca sinh bị khó (y học gọi là chuyển dạ ngừng tiến triển). Cả nhà lúc đó không thể trả được số tiền 5.000 Đài Tệ (3,7 triệu đồng) chăm sóc trong khoảng thời gian người mẹ nằm viện. Chính vì thế, bà Cúc đã quyết định bỏ ngang việc học và bươn chải cùng cha kiếm sống nuôi các anh em.
Hầu như người ta luôn thấy người phụ nữ thấp bé này tươi cười tại gánh rau ở chợ suốt 24/7. Là chị lớn trong nhà, bà Cúc luôn cảm thấy mình có nghĩa vụ phải nuôi các anh em của mình ăn học, mang lại một tương lai tươi sáng hơn cho gia đình.
Tuy nhiên, bất hạnh liên tục giáng xuống ngôi nhà nhỏ này. Từ năm 1969 đến 2003, bà đã liên tục phải chịu những mất mát khi 2 em trai thứ 2 và 3 cùng với bố đều qua đời. Có kiên cường đến cỡ nào, bà Cúc cũng không thể chiến đấu lại những nỗi đau này. Đó cũng là khi bà cảm thấy mất niềm tin vào cuộc sống quá đỗi tàn nhẫn này và quyết định quy y cửa Phật.
Sau một thời gian, nhờ ảnh hưởng từ tôn giáo, bà đã có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống và tha thứ cho quá khứ. Bà quyết tâm làm lại cuộc đời. Đã quen với việc ăn chay, bà Cúc đã tiết kiệm được đáng kể số tiền chi tiêu mỗi ngày. 100 Đài Tệ (khoảng 75 nghìn đồng) chính là số tiền chi tiêu cho một ngày của bà Cúc.
Nhờ vậy, sau khoảng 10 năm miệt mài bán rau ngoài chợ, bà Cúc đã mua được cho mình một ngôi nhà, tuy nhỏ nhưng cũng đủ ấm cúng hơn nơi ở trước đây. Bà cũng bắt đầu dùng số tiền dành dụm được của mình vào việc từ thiện.
Đầu tiên, bà đóng góp cho học viện Phật giáo Fo Guang số tiền 1 triệu Đài Tệ (760 triệu đồng). Tiếp theo đó là 5,5 triệu Đài Tệ (khoảng 4,1 tỷ đồng) cho trường tiểu học Jen-Ai để đem lại cho các bé trong trường điều kiện học tốt hơn. Bà Cúc cũng nhận nuôi 3 đứa trẻ mồ côi và chu cấp cho chúng 36.000 Đài Tệ (27 triệu đồng) mỗi năm.
Khi biết mình vừa được tạp chí TIME trao tặng danh hiệu danh giá này, bà Cúc vẫn còn bàng hoàng và thậm chí không biết đó là gì. Vốn không quen với những việc như vậy, ban đầu, bà đã từ chối qua Mỹ.
Thế nhưng, ông Mã Anh Cửu, cựu lãnh đạo Đài Loan đã biết chuyện và quyết tâm thuyết phục bà cho bằng được. Đây chính là cơ hội để người Đài Loan bước ra thế giới, việc bà Cúc nhận giải của TIME dường như đã không còn là chuyện cá nhân mà là của cả đất nước. Đó cũng chính là điều mà ông Cửu đã nói với bà Cúc.
Mặc dù là lần đầu tiên ra nước ngoài nhưng mọi thủ tục cho bà Cúc đều được thực hiện vô cùng nhanh gọn. Dưới sự hỗ trợ từ tất cả các cơ quan chính quyền, hộ chiếu và visa của bà đều hoàn thành chỉ trong 90 phút.
Ngày 2/5/2010, bà phải đến Đài Bắc để chuẩn bị cho chuyến bay đến New York. Thế nhưng, sáng sớm 2/5, hàng xóm vẫn thấy bà ra chợ, tưới lại gánh hàng rau đã gắn bó với mình hàng chục năm qua. Ai mà ngờ 1 trong 100 người ảnh hưởng đến thế giới lại có cuộc sống bình dị và gần gũi đến như vậy.
Vốn dĩ phải trải qua cuộc sống đầy sóng gió, bà Cúc chính là người hiểu rõ hơn ai hết ý nghĩa của 2 chữ "bất hạnh". Vì thế, bà không muốn nhìn thấy bất kỳ ai phải chịu cảnh giống mình và quyết định dùng cả đời đề thực hiện sứ mệnh thiêng liêng, cao cả này. Một tấm lòng khổng lồ trong thân xác nhỏ nhắn, đó chính là cách người ta ngước nhìn bà Cúc từ đó đến nay.