(TP) - Trong lòng dân Sài Gòn và khắp các vùng miền đến nơi này sinh sống, lập nghiệp, ai cũng hiểu, Sài thành luôn là thành phố nghĩa tình.
Cái nghĩa tình đó đã “lậm” vào họ từ trong máu. Dẫu có bao nhiêu tính cách của vùng miền, nhưng tới đây rồi chỉ vài ba năm, cái tính cách đó cũng “cảm” được và rồi bị “Sài Gòn hóa” tự bao giờ chẳng hay. Những bình trà đá, bánh mì, nhà trọ sinh viên miễn phí hoặc giá “bèo”… dường như chưa bao giờ vơi, chưa bao giờ dứt như cái nghĩa tình của đất Sài Gòn ưa ra tay giúp người.
Những cái “lạ” bé xíu
Một cô bạn ở miền Bắc vô thăm bà con ở quận Phú Nhuận có một nhận xét rất nhỏ nhưng cực kỳ thú vị: “Người Sài Gòn coi cái sân, lề đường trước nhà là của chung, trong đó có phần mình nên có thể cầm chổi quét hai ba sân một lúc”. Cô còn “lạ” hơn nữa khi có người cho biết, cái cô gần nhà ngày nào cũng quét sân nhà rồi quét sang sân nhà hàng xóm, đổ rác rất đàng hoàng như mọi người dân trong hẻm đang là vợ một lãnh đạo cấp cao của thành phố. “Người Sài Gòn cởi mở, ưa giúp đỡ, chia sẻ nhưng hiếm khi “xía” vô chuyện nhà người khác. Quét sân nhà hàng xóm nhưng không “dòm” vô nhà người ta…”, cô bạn “phán” rất tinh tế.
Bé xíu như chuyện của Vĩnh Tân (19 tuổi, quê Bình Ðịnh, sinh viên Trường Ðại học Kinh tế TPHCM) vậy mà khiến chúng tôi không thể nào quên: “Ngay sau khi thi (tuyển sinh Ðại học) xong môn đầu tiên, cùng đứa bạn kéo nhau ra quán cạnh trường kêu hai dĩa cơm sườn. Ăn hết dĩa cơm, uống cạn mấy ly trà đá mà bụng vẫn trống không. Kêu thêm dĩa nữa thì không dám vì sợ không đủ tiền ăn cho ngày mai, ngày kia… Thấy bàn nào cũng để nải chuối, mọi người ăn xong cứ thuận tay bẻ. Thế là hai đứa sáng mắt, chuối này chắc người ta cũng… cho không như trà đá. Vậy là, chỉ một loáng “bay” nguyên cả nải. Khi tính tiền, thấy phụ quán cứ đếm đi đếm lại mấy cái vỏ chuối... thì đâm lo. Nhìn hai đứa gom từng đồng bạc bỏ lên bàn, bà chủ quán bước lại nói: “Thôi, cô chỉ tính hai dĩa cơm. Phần chuối khỏi tính tiền vì… lỡ ăn thì thôi. Ngày mai ăn có thiếu thì cứ kêu cơm thêm mà ăn, để bụng đói không làm bài được đâu”. Nghe mà muốn rớt nước mắt, chỉ có mấy trái chuối, mà thấy sự hồn hậu, nghĩa tình của người Sài Gòn phần nào đã toát lên.
Câu chuyện của anh xích lô gần khu phố nhà tôi kể những năm 80 của thế kỷ trước cứ “nằm lòng” trong ký ức. Anh nói: “Bữa đó tao đạp kiếm khách cả ngày muốn rã cẳng mà chẳng có “cuốc” nào, khát muốn cháy cổ, bụng kêu lục ục mà túi chẳng có “cắc” nào. Ngang qua chợ Tân Bình, thấy một đôi nam nữ đi ra, tay ngoắc, miệng kêu: Xích lô! Ngừng xe, tao hỏi: Anh chị đi đâu? Cho ra bến xe Miền Tây. Nhiêu? “Vã” quá, tao nói, từ sáng đến giờ chưa mở hàng, anh chị cho “bi nhiêu” thì cho. Họ chẳng ừ hử, leo lên xe một nước. Tao tính, “cuốc” này giá khoảng 5 đồng (thời đó). Nào ngờ, đến cầu Phú Lâm, tao “đuối” quá, biết sức không thể nào qua khỏi dốc cầu đành tính “bỏ của chạy lấy người”. Xuống giọng, em mới chạy xe, đi xa không nổi. Anh chị thông cảm đi xe khác giùm. Ai ngờ người con trai ngoái đầu lại, tui biết ông đuối từ hồi nãy rồi. Thôi leo lên đằng trước ngồi với bà xã tui. Ðưa xe đây tui đạp cho! Tới nơi, “chả” móc ra 10 đồng, nói khỏi thối. Ðúng là “bà độ”, vừa được khách chở, vừa có tiền gấp đôi. Cha này chịu chơi thiệt”.
Ấm áp thành phố nghĩa tình
Người dân khắp mọi miền đổ về Sài Gòn mưu sinh nhưng không phải ai cũng dễ kiếm tiền. Nhưng họ nhiễm cách sống, cái “máu” của dân Sài Gòn thì phải “làm chết bỏ, chơi hết mình”. Người Sài Gòn có thể nghèo vật chất nhưng rất giàu tình nghĩa, bao dung. Bình dân, dễ gần, không quan cách khách sáo. Người Sài Gòn cả trăm năm nay vẫn “kêu” cái nơi để điều trị bệnh là nhà thương. Cái tên gọi này sao mà nghe dễ gần, dễ thương lạ.
Lý giải, nhiều người dân Sài Gòn kỳ cựu khẳng định, vì đó là “cái nhà” chứa đựng tình thương thứ hai sau ngôi nhà riêng của mỗi người. Ở nơi này người ta đối xử với nhau bằng tình thương. Mới hay, khi đau ốm bệnh hoạn, ngoài việc điều trị bệnh lý, cái người ta cần chính là tình thương. Trước đây, Sài Gòn còn có nơi bệnh nhân vào khám và điều trị bệnh không tốn đồng xu nào nên nơi này còn được gọi là nhà thương thí. “Thí” hiểu theo nghĩa “bố thí” của nhà Phật chứ không hề mang ý nghĩa miệt thị người nghèo. Còn nhà thương chuyên trị bệnh tâm thần Chợ Quán, Biên Hòa thường được người dân gọi là nhà thương điên với đầy đủ sự trìu mến, san sẻ chứ không phải do thiếu tế nhị hay phân biệt.
Biểu hiện sống động nhất của một “nhà thương thí” ở Sài Gòn, là chùa Lâm Quang. Nằm nép mình trong một xóm nghèo ở Bến Bình Ðông, quận 8, tuy không bề thế như những ngôi chùa khác ở Sài Gòn, nhưng hàng chục năm qua nơi này là mái nhà chung của hơn 100 cụ bà neo đơn không nơi nương tựa. Tất cả họ đều có một điểm chung là, không chồng, không con và không một mái nhà. Năm 1990, sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến về trụ trì chùa, thời điểm ấy, sư cô thấy có rất nhiều cụ bà ban ngày đi ăn xin, ban đêm lại vào sân chùa tá túc. Khi “rước" các cụ về, thời gian đầu, các sư cô trong chùa vừa làm nhang đem bán, vừa nấu thức ăn chay kiếm thêm thu nhập để có tiền trang trải cho các cụ.
Khi số lượng mỗi lúc một đông hơn, gánh nặng về tài chính lại thêm phần nhọc nhằn cho ngôi chùa nhỏ. “Sống cái nhà, chết nấm mồ”, nơi đây cũng là nơi thờ tự, kinh kệ, nhang đèn hàng ngày của hàng trăm cụ đã khuất bóng.
Người Sài Gòn còn chia sẻ từ những chuyện cá biệt, những năm gần đây, Câu lạc bộ “Bác sỹ Niềm tin” do bác sỹ Trương Thế Dũng làm “thủ lĩnh” đi khắp mọi vùng miền ở dải đất hình chữ S, thậm chí ra nước ngoài để giúp đỡ cho người nghèo. Gần đây, nhóm thiện nguyện của vị bác sỹ này mỗi tháng đều đặn bốn lần đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM phát miễn phí nấm linh chi rừng, chăn, nệm, bình giữ nước nóng… hỗ trợ cho người bệnh.
Dạo một vòng các tuyến phố ở Sài Gòn, những quán trà đá miễn phí, những xe hàng chất đầy quần áo ủng hộ cho người nghèo được chở giữa phố, những quán cơm tình nghĩa giá 2 - 5 ngàn đồng một bữa ăn khá tử tế, là những hoạt động thường xuyên, bình dị ở Sài Gòn. Nhiều lãnh đạo TP cũng đã “thưởng thức” những bữa cơm tình nghĩa này, và đã đóng góp nhiệt tâm cho quán phát triển.
Sài Gòn còn bao nhiêu người nghèo? Có thể rất khó thống kê chính xác, cũng khó để vươn tay đến cho hết, nhưng với Sài Gòn thì, “không người nghèo nào bị lãng quên”. Nó đã được chứng minh và lan tỏa đến khắp các giới, khắp mọi miền đất nước. Hàng ngàn, hàng vạn con người sống hào hiệp nghĩa tình như vậy ở một thành phố lớn nhất nước đã như vô tình làm nên một thương hiệu của Sài Gòn - “Thành phố nghĩa tình”.