(GN) - Ăn chay ngày nay đã trở nên phổ biến và khá nhiều bạn trẻ hưởng ứng việc ăn chay. Có bạn cho rằng ăn chay sẽ được bình an - tránh tai họa, có bạn chỉ vì mong thi đỗ vào một trường đại học mà phát nguyện ăn chay…
Để phát triển tình thương với mọi loài…
Bạn Trần Tấn Phát - sinh viên tại TP.HCM - cho biết bản thân đã phát tâm ăn chay trường từ giữa năm 2014 và duy trì cho đến nay. Bạn chia sẻ, mình là con trong một gia đình Phật tử thuần thành, thường xuyên đến chùa lễ Phật và được nghe những bài thuyết pháp từ quý thầy.
Tuy còn trẻ nhưng Phát nhận thức được việc ăn chay chính là giảm bớt đi nghiệp sát sinh, là nuôi lớn lòng từ bi đối với loài khác, do vậy bạn càng kiên định hơn với quyết định này.
“Nhìn thấy các con vật cũng giống như mình, cũng có mạng sống, cũng mong muốn được sống - vậy thì tại sao chỉ vì một bữa ăn ta cho là ngon miệng mà phải giết chúng đi? Chỉ cần bị trầy nhẹ hoặc đứt tay ta cũng cảm thấy rất đau thì giết chết một sinh mạng, nỗi đau đó ở mức nào?”, Phát thấm thía chia sẻ sau khi nghe nhiều bài giảng về đề tài này.
Chia sẻ với Giác Ngộ, bạn trẻ này còn bày tỏ - ăn chay để cho thân tâm nhẹ nhàng, để được thanh tịnh, ít nóng nảy và biết kiềm chế, biết lắng nghe. Phát cho biết, bạn cảm thụ được điều đó rất rõ ràng nên mỗi ngày, những bữa cơm chay thanh tịnh đối với bạn là những bữa ăn thanh đạm và đầy an lạc chứ không phải là bữa ăn với “máu hồng chan cơm”.
Không chỉ vậy, Phát còn hiểu được rằng, việc ăn chay cũng góp phần trong “sự nghiệp” sống xanh mà xã hội hiện nay đang rất tích cực hưởng ứng với mục đích tự cứu chính mình.
Góp phần bảo vệ môi trường
Bạn Lê Ngọc Trâm, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ: “Dù có những lúc thói quen ăn mặn trước kia của mình khiến cho bước đầu ăn chay gặp nhiều khó khăn, nhưng dần dần mình cũng cởi bỏ được sự tham muốn, không còn nghĩ đến những món ăn mặn - chế biến trên sinh mạng của các loài vật khác”.
Bên cạnh đó, bạn Trâm còn cảm nhận được sức khỏe cũng như tinh thần ngày một tốt hơn chứ không như một số người vẫn lầm tưởng ăn chay là không đủ dinh dưỡng.
Trâm cho biết, bạn chọn ăn chay ngoài ý nghĩa sâu sắc của việc nuôi dưỡng lòng từ theo lời Phật dạy, thì còn có một lý do khác thôi thúc chính là góp phần bảo vệ môi trường.
Trao đổi với người viết, Lê Ngọc Trâm lý giải, theo các nghiên cứu cho thấy, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đều có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường mà chúng ta đang sinh sống. Lượng nước cung cấp cho những việc này là rất lớn, chưa kể đến những chất thải từ việc giết mổ gia súc, gia cầm gây ra ô nhiễm. Lượng thức ăn cũng như diện tích sử dụng cho mục đích chăn nuôi cũng không hề nhỏ, việc đó sẽ dẫn đến những phần xanh diện tích rừng bị thu hẹp - gián tiếp ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu...
“Việc ăn chay sẽ hạn chế đáng kể những điều ấy - thay vì lượng thịt cung cấp cho nhu cầu sử dụng hàng ngày là vô cùng lớn nay được giảm thiểu. Ngoài ra đây cũng là một cách để bảo vệ cho sức khỏe của chúng ta trong thời buổi dễ bị nhiễm bệnh mà các loài động vật là đối tượng dễ truyền sang người nhất”, Trâm bộc bạch.
Sống vui, sống khỏe từ ăn chay
“Ai bảo ăn chay là khổ, ăn chay vui lắm chứ...” - cùng nhau ăn chay để tu học, hay cùng nhau ăn chay để bảo vệ môi trường đều là những hành động đẹp. Rồi “Ăn chay một ngày, hai ngày... ăn được ngày nào thì hay ngày ấy...” là lời chia sẻ của cô Thanh Phương, giảng viên hướng dẫn thực hành nấu món chay dinh dưỡng tại TP.HCM.
Cô Phương cho biết thêm, hiện nay khuynh hướng ăn chay của giới trẻ đang mở rộng không chỉ vì tu học theo đạo Phật mà còn vì những lý do rất thiết thực. Việc ăn chay ngày nay cũng không phải gọi là ăn “kham khổ” như trước kia mà trở nên phong phú, đa dạng hơn. Không chỉ vậy, món chay được trình bày đẹp mắt, kích thích vị giác, trên nền tảng là đậu hủ và các loại rau củ.
“Ta biết nấu đúng cách, mùa nào thức đó và về vấn đề thổ nhưỡng thì ăn chay không những đem lại cho ta một sức khỏe tốt, tinh thần an lạc mà còn giúp chúng ta tránh được bệnh tật khi mà ngày nay việc ăn uống trở thành nỗi băn khoăn, lo sợ của nhiều người”, cô Thanh Phương bày tỏ.
Theo vị giảng viên này, nếu đã phát tâm ăn chay trường thì ít nhiều trong lòng chúng ta cũng đã có Phật, cũng xuất phát từ lòng yêu thương ở chung quanh ta. Nhận thức đúng về ăn chay sẽ giúp chúng ta không xem ăn chay như là một bổn phận, một trách nhiệm, một sự bắt buộc, mà chúng ta sẽ ăn với lòng từ bi, từ sự cảm thông những nỗi đau của loài khác, từ sự nhận thức đúng về bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái để ta cùng nhau sống xanh...
Tôi chọn ăn chay
An Lạc
Đến nay, tôi đã ăn chay được 15 năm! Khi phát tâm ăn chay trường, tôi và mẹ lấy động cơ từ... bà ngoại. Hồi đó, tôi mới học lớp 12, cũng là lúc ngoại tôi đổ bệnh, nằm liệt giường. Má nói với tôi, ngoại đã khổ vì má con mình nhiều rồi, nhất là vì nuôi má con mình mà ngoại đã sát sanh không ít (từ những buổi xúc cá, bắt lươn, tới việc chăn nuôi, giết gà...), nên ngoại bệnh vậy phần nào do nghiệp bà gây ra.
Nghe má nói vậy, tôi thấy thương ngoại quá nên quyết tâm cùng má trường chay để hồi hướng cho ngoại. Tất nhiên, ban đầu có gặp vài trở ngại nhỏ do thèm mặn, rồi thi thoảng nghe người ta nói ăn chay thiếu chất cũng có băn khoăn, song tình thương dành cho ngoại lớn hơn nên sẵn sàng chống lại “cám dỗ” cũng như nhẹ tênh trả lời với những người “bàn ra” chuyện mình ăn chay rằng: “Dù có thiệt thiếu chất hay có giảm tuổi thọ cũng ăn cho tới hết đời”.
Sau này, tôi với má tìm hiểu thêm các thông tin - từ bài giảng của quý thầy đến tin tức y học, sức khỏe liên quan tới việc ăn chay thì thấy nhiều lời khuyên ý nghĩa. Như ăn chay để tránh việc sát sinh gián tiếp, tránh duyên cho các loài khác bị sát hại nên đó cũng là một cách phóng sinh. Rồi thấy các nhà khoa học nói, ăn chay đúng cách (ăn nhiều rau củ, các loại đậu, nấm...) thì tránh được những bệnh nguy hiểm do ăn thịt, giảm nguy cơ tim mạch, ung thư.
Từ những gì đã nguyện và tìm hiểu đúng đắn nên niềm tin vào quyết định ăn chay trường trở nên kiên cố hơn; để từ đó tiếp tục phát nguyện với Phật rằng, “xin Ngài gia hộ cho con, hễ thọ thân người thì được ăn chay, sống thiện lành, biết Phật pháp, tu theo Đức Thế Tôn...”.