Cách gì để khắc phục trầm cảm?
BS Nguyễn Văn Dũng
(SKĐS) - Theo đánh giá của các chuyên gia tâm thần, ngày càng nhiều người bị rối loạn trầm cảm (tạm gọi là bệnh trầm cảm). Đây là một trong những rối loạn về sức khỏe tâm thần có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không chữa trị kịp thời. Lứa tuổi nào cũng thể mắc bệnh, nữ nhiều hơn nam gấp 2 lần. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng trên.
Một số hoàn cảnh dễ dẫn tới trầm cảm
Trầm cảm là trạng thái buồn rầu, chán nản, không còn hứng thú gì trong cuộc sống, ngủ không ngon, ăn nhạt miệng,.. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm trong đó chủ yếu là do sang chấn tinh thần, những cú sốc như mất người thân, áp lực công việc, khó khăn quá lớn, gãy đổ sự nghiệp, bất hòa kéo dài. Đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên quá nhiều bài vở, hẫng hụt, xuống sức học rồi đuối dần. Ở người cao tuổi thì có biểu hiện phiền muộn đau đớn, chậm chạp, ít nói, quên lẫn; dễ lầm với bệnh già. Đối với phụ nữ sau sinh cũng dễ mắc bệnh, tỷ lệ không nhiều nhưng khá trầm trọng phải phát hiện sớm.
Ngoài ra theo các nhà nghiên cứu thì trầm cảm không tìm ra nguyên nhân và có liên quan tới một số thói quen dễ mắc bệnh. Đối với một số người bỏ qua cơ hội giành chiến thắng thường thấy tiếc nuối. Nếu càng ngập sâu trong sự tiếc nuối đó khiến tâm trạng ngày càng xấu đi, ảnh hưởng không tốt đến thành quả của nhiều công việc khác lâu ngày khiến trầm cảm càng thêm trầm trọng. Đối với một số người không vừa ý với thành quả lao động, công việc của mình, hay so sánh với người xung quanh. Với bản tính tự ti thường cho rằng mình luôn yếu kém, bất tài, chẳng có gì nổi trội so với người khác, tự đánh giá thấp mình nên thiếu tự tin vào năng lực của bản thân. Từ những nhận thức sai lệch như vậy khiến họ trở nên thụ động, thiếu sự linh hoạt và sáng tạo trong công việc vì sợ thất bại, sợ chịu trách nhiệm…khiến cô lập, thiếu sự hoạt động nhóm và lâm vào những nguy cơ mắc bệnh về thần kinh.
Bí quyết dưới đây để khắc phục trầm cảm
Để khắc phục những tổn hại về tinh thần hoặc có một trong các biểu hiện chứng trầm cảm, cần chia sẻ với người thân, bạn bè. Ngoài ra, cần tới cơ sở y tế chuyên khoa tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn. Đối với trường hợp nặng cần phải uống thuốc điều trị.
Đối với người thân hãy giúp người bệnh sống lạc quan, cổ vũ các hoạt động lành mạnh. Người bệnh cần được làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Bạn bè người thân nên tạo điều kiện hoặc thiết kế các buổi nghỉ dưỡng, vui chơi. Điều quan trọng phải giúp người bệnh tham gia các hoạt động vui chơi để buông bỏ tất cả cho thân thể và tâm hồn được an dưỡng nghỉ ngơi thật sự. Có như thế mới đem lại hiệu quả điều trị.
Đối với ăn uống là chuyện phức tạp đối với người bị trầm cảm vì có người chán ăn, thậm chí không ăn, nhưng có người lại ăn nhiều, ăn liên tục gây tăng cân béo phì. Vì vậy bệnh nhân ăn uống như thế nào để cơ thể đầy đủ chất bổ dưỡng, không gây thừa cân.
Một số thực phẩm cải thiện:
Để cải thiện tâm trạng có thể làm giảm căng thẳng người bệnh, ăn một số thực phẩm có chứa nhiều vitamin B sẽ làm tăng sản xuất serotonin trong não, giúp con người thư giãn. Axit folic (còn gọi là folate) sẽ giúp cải thiện tâm trạng. Các loại hạt sẽ cung cấp cho vitamin B6...
Để nâng cao thể trạng, giảm nguy cơ mắc bệnh và gián tiếp nâng cao mức độ căng thẳng, người bệnh cần ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C. Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: cam, bưởi, bông cải xanh, ớt xanh, trái kiwi, dâu, cà chua,… rất tốt cho sức khỏe và kiểm soát được cân nặng.
Người bệnh đa phần là ngủ không ngon nên rất dễ nóng giận: Để khắc phục tình trạng này nên chọn các loại thực phẩm có rất nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C và E và khoáng chất. Thực phẩm này bao gồm: chuối, ngô... khoai tây. Các loại đậu như: đậu đen, đậu Hà Lan, đậu lăng, bột yến mạch, hạt bí ngô, rau bina, rau cải cung cấp magiê hoạt động như liều thuốc an thần tự nhiên để thư giãn các cơ bắp, mạch máu và hệ thống tiêu hóa.
Ngoài ra người bệnh nên sử dụng một số loại trà thảo dược như: trà hoa cúc, hoa nhài… mang lại sự nhẹ nhàng và êm dịu cho giấc ngủ tốt, làm dịu não bằng cách giúp ổn định tâm trạng. Bệnh nhân tâm thần phân liệt được khuyến kích sử dụng loại trà này.
Ngoài ra, người bệnh nên cần tránh một số thực phẩm dễ gây mất ngủ, căng thẳng như: đồ uống có chứa cafein như cà phê, trà, nước ngọt, sô cô la có thể gây ra sự lo lắng và làm tăng mức độ căng thẳng.
Hiện nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân cơ chế sinh học gây ra trầm cảm. Những triệu chứng của trầm cảm thường là khí sắc trầm, buồn bã. Người bị trầm cảm hay chán ăn dẫn đến bỏ ăn, thường xuyên mất ngủ, mệt mỏi, ít nói, sụt cân... Ở người bình thường nếu xuất hiện những triệu chứng này kéo dài trên hai tuần thì đã bị trầm cảm. Những người có biến cố hay xung đột trong gia đình, chấn thương về não, người bị bệnh lý mạn tính phải điều trị lâu dài dẫn đến lo âu, mất ngủ, chán ăn... cũng rất dễ rơi vào trầm cảm. Điều nguy hiểm là người bị trầm cảm nếu không được điều trị sớm, điều trị tốt sẽ dẫn đến sa sút tinh thần nghiêm trọng, chán ghét cuộc sống và tìm đến cái chết.