Bà Nguyễn Thị Hoa (pháp danh Tịnh Hải), chủ quán cơm chay Tùy Duyên |
Mrs. Nguyễn Thị Hoa (Dharma name Tịnh Hải), a vegetarian, is the owner of Tùy Duyên Vegetarian Café at 116 Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội, across from K3 Hospital. At this special eatery, where customers are mostly patients, their relatives, and low-income workers, people take what they need and pay what they can. Mrs. Hoa's hope in serving vegetarian food is to help those facing difficult times. She finds that their happiness is also hers.
Quán cơm chay tùy tâm ở Hà Nội
Nguyên Hà
(CNO) - Xen lẫn với các hàng quán với đủ các biển hiệu xanh đỏ tím vàng, hòa lẫn cùng với cảnh tấp nập và bon chen ở thủ đô, quán cơm Tùy Duyên (116 Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội - đối diện bệnh viện K3) của bà Nguyễn Thị Hoa như một nguồn sáng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn giữa thời buổi "Đời không ai cho không ai cái gì”.
Quán cơm của tình người gieo duyên
Ghé thăm quán vào một buổi chiều tối, ngồi ở vị trí của người khách đến ăn cơm. Bà chủ quán đang tỉ mẩn hái từng chiếc lá chùm ngây nhỏ xíu, tay vừa làm vừa nói với một bạn sinh viên “Cháu tuốt như thế này thì bệnh nhân ăn làm sao, phải làm từ từ từng nhánh, cố gắng chỉ lấy phần lá thôi”. Nói đoạn, tay bà lại nhặt lại hết chỗ rau sai sót kia.
Quán cơm mở cửa cũng đã được 2 năm nay, khách hàng chủ yếu là bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện K3 Tân Triều, là người nhà bệnh nhân, là những chú xe ôm và là người qua đường. Họ chẳng biết bà chủ quán tên gì, mọi người chỉ nhớ hai từ Tùy Duyên.
Ai ăn ít lấy ít, ai ăn nhiều lấy nhiều và chọn món ăn theo sở thích, tuyệt đối không được để thừa. Sau khi ăn xong, chẳng có người nào đứng ở quầy thu ngân để bắt mọi người trả bao nhiêu mà tự cho tiền vào hòm, tùy tâm, người cho ít cho nhiều, ai không có cũng không sao. Bà Hoa bảo mình mở quán cơm này là muốn giúp đỡ những người nghèo, bệnh nhân khó khăn đang phải điều trị bệnh tật.
Nguồn rau chủ yếu của quán được con trai bà tận tay chọn lựa của người quen chuyên trồng rau sạch. Ngày thường, bà vẫn cùng con trai vào bếp tự tay chuẩn bị các món ăn chay. Sau đó, các bạn sinh viên ở gần đây cũng vào quán đỡ đần bà việc nấu nướng. Bạn Trần Thị Ngọc Ly – sinh viên năm 3 Học viện Quân y cho biết: “Cứ lúc rảnh là mình lại qua quán ăn của bà. Mình học y nên biết cách ăn uống như thế nào là tốt cho sức khỏe nên qua đây cùng nấu với bà”.
Chị Nhì (Hải Dương) đang điều trị bệnh ung thư vú chia sẻ: “Mọi người mách nước nên tôi vào đây ăn. Tôi chẳng đủ điều kiện để ăn những hàng cơm thịt cá. Hơn 1 năm nay, tôi thấy việc ăn chay như thế này có ích cho sức khỏe hiện tại của tôi. Món ăn ngon lắm, có khi tôi ăn hai khay cơm rồi vẫn còn đói, thấy bà nấu miến tôi ăn thêm bát nữa. Cơm bà vừa ngon lại vừa sạch, ăn thoải mái”.
Khác với những quán cơm khác, quán cơm của bà Hoa mang đúng tinh thần của nhà Phật. Ai bước vào quán, đầu tiên phải chắp tay nói “A Di Đà Phật”, sau đó bắt đầu lấy thức ăn. Mọi đồ ăn đã được chuẩn bị đầy đủ lên chiếc khay, nồi cơm vẫn còn nóng ấm.
Quán cơm chỉ phục vụ khách vào 2 buổi trưa và tối. Cứ hết lại nấu, cứ có người ăn lại nấu. Bà Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: “Quán cơm mở đến 7h tối, vì các bệnh nhân thường ăn sớm để về bệnh viện nghỉ ngơi, nên công việc nấu nướng kết thúc lúc 4 rưỡi chiều. Lúc cơm hết, chúng tôi lại nấu nồi cơm khác, có khi hết gạo lại nấu miến, cứ thiếu là nấu”.
Tấm lòng của người con Phật
Bà Nguyễn Thị Hoa là một người con Phật, ăn chay trường được 5-6 năm nay, hễ đi đâu thấy chùa chiền bà lại xin vào đó làm công quả. Ý tưởng mở quán ăn của bà cũng bắt nguồn từ lý do này: “Mai sau, là người con của Phật, nên làm một việc gì đó để giúp mình thanh thản và đúng với con đường mà mình đang đi”.
Mỗi tháng, quán ăn của bà cần 70 triệu đồng để duy trì, trong đó tiền thuê cửa hàng đã 10 triệu đồng, tiền mua thức ăn là 40 triệu đồng, vậy làm thế nào bà có thể duy trì được quán? Có ai biết được rằng, bà Hoa đã bán hết nhà cửa ở Thanh Trì để toàn tâm toàn ý lo cho quán cơm chay này. Đó là khoản tiền tích cóp trong những lần người ta đặt cơm chay, đó còn là những món rau sạch chính khách hàng là bệnh nhân đã ăn ở đây mang đến cho bà. Mọi khó khăn đều vượt qua được, với bà “Khi đang còn sức thì mình còn làm”.
Có ai biết được rằng, con gái của bà Hoa cũng đang một mình bên nước Đức xa xôi chữa trị bệnh tim. Vì không có điều kiện đi cùng con, chăm sóc cho con, nên bà vẫn tiếp tục nấu ăn mỗi ngày, vẫn luôn cầu nguyện mỗi ngày, chỉ có công việc này mới khiến lòng người mẹ được an yên.
Có ai biết được rằng, những chiếc ghế trong cửa hàng cũng chính là chiếc giường cho bà dựa lưng lúc đêm về, có khi bà trải chiếu xuống sàn nhà để ngủ. Với bà, hạnh phúc chính là đem những món ăn chay cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn, mong mọi người hiểu được ý nghĩa và giữ vững niềm tin của việc ăn chay.