Cỗ chay giao thừa: Đón Tết không sợ thịt mỡ
Trần Huyền / Báo Hànộimới
(HNMO) - Giúp giảm bớt lượng thịt mỡ, tăng cường rau xanh và chất xơ trong thời gian cao điểm về ăn uống dịp Tết, đồ ăn chay đang được rất nhiều gia đình lựa chọn cho việc thờ cúng và thưởng thức trong những ngày đầu năm mới.
Không “thịt mỡ…” mà vẫn thấy Tết
Người Việt Nam không còn lạ lẫm với câu đối về ngày Tết cổ truyền của dân tộc: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Trong tiềm thức, đây là hình ảnh quen thuộc báo hiệu những ngày Tết sắp đến. Do điều kiện sống khó khăn, thiếu thốn đủ đường nên ông cha ta ngày xưa hiếm khi được "ăn ngon, mặc đẹp". Những xa xỉ phẩm thời ấy như thịt mỡ, bánh chưng chỉ xuất hiện vào dịp Tết Nguyên đán với ý nghĩa tượng trưng cho mong muốn có một năm mới được sống trong no đủ.
Cùng với sự phát triển của kinh tế, ngày nay không phải đến Tết người dân mới được "ăn ngon, mặc đẹp" khi những thực phẩm xa xỉ ngày xưa đã trở thành món ăn thường ngày. Cũng bởi vậy, khi nhắc đến Tết, ngoài niềm háo hức về kỳ nghỉ dài hơi, vui chơi với bạn bè, không ít người sợ... Tết vì đồ ăn có quá nhiều thịt.
Theo cô Nguyễn Thị Hồng Vân - chủ cửa hàng thực phẩm chay trên phố 8-3, trong mâm cỗ ngày Tết, người dân có thể thay đồ ăn là những thực phẩm mặn bằng những món ăn chay mà mâm cỗ trông vẫn rất bắt mắt và đầy đủ.
“Trái với suy nghĩ của nhiều người, những món ăn chay rất đa dạng và phong phú. Nhiều món được trình bày không khác gì đồ mặn nhưng thực tế lại hoàn toàn được làm từ những nguyên liệu thực vật”, cô Vân cho biết.
Mâm cỗ chay giao thừa cũng có những món cơ bản như mâm cỗ truyền thống. Giò, nem, bánh chưng, canh măng khô, chả… được chế biến hoàn toàn từ thực vật. Dồi chiên làm từ lạc rang, đỗ tương rang kèm húng quế và lá mơ. Gà hấp lá chanh được làm từ đậu nành cuốn trong váng đậu và đồ trong khuôn có hình gà. Nhờ vậy món gà chay hấp lá chanh nhìn bên ngoài không khác gì món gà luộc truyền thống. Bánh chưng chay được làm khá đơn giản, không cần sử dụng nhân thịt mà chỉ dùng đỗ xanh. Rau củ nấu đông thay cho món thịt đông không chỉ giúp giảm lượng thịt mỡ mà còn bổ sung rau xanh trong thực đơn ngày Tết.
Chia sẻ về nguyên liệu làm nên những thực phẩm chay này, cô Vân cho biết: “Phần lớn những món chay đều được làm từ đậu nành vì giàu dinh dưỡng, ít chất béo, giá thành lại rẻ, phù hợp với túi tiền người tiêu dùng bình dân. Đối với những món kỳ công như giò lụa, giò nấm, bánh chưng chay thì mọi người có thể đặt tại các cơ sở chuyên sản xuất đồ chay, ngoài ra có rất nhiều món có thể tự làm ở nhà”. Đây cũng là một trong những lý do khiến đồ chay được nhiều gia đình ưa chuộng.
Ăn chay để đón thêm nhiều Tết
Mùa lễ Vu Lan hàng năm là thời điểm mà người dân Việt Nam sử dụng đồ chay nhiều nhất để tưởng nhớ đến đấng sinh thành. Nhưng hiện nay, do những vấn đề về sức khỏe và tâm linh nên ngày càng có nhiều người lựa chọn ăn chay trong cả những ngày Tết Nguyên đán.
Mong muốn được ăn chay dịp Tết đã lâu nhưng còn chưa có điều kiện, năm nay chị Trần Thị Tâm (Hà Đông, Hà Nội) và gia đình nhỏ của mình mới được đón năm mới với những món chay. “Khi còn ở với bố mẹ chồng, mình không đưa ra ý kiến ăn chay ngày Tết vì nghĩ bố mẹ vẫn ưa chuộng mâm cỗ giao thừa truyền thống với đầy đủ các món mặn. Bình thường cũng chưa bao giờ cả gia đình cùng nhau ăn chay trong những ngày lễ. Năm nay vợ chồng mình xin phép ra ở riêng nên mình có đề nghị vấn đề này với chồng và đã được thống nhất”, chị Tâm bộc bạch.
Chia sẻ về lý do muốn thay đổi thực đơn của gia đình bằng những món chay, chị Tâm cho biết đây là cách để cả nhà cảm nhận được Tết trọn vẹn hơn. Đồ ăn chay khiến cơ thể nhẹ nhàng và dễ chịu hơn trong những ngày Tết, có thể ăn uống thoải mái mà không lo bị nóng trong người hay gặp những vấn đề về ngộ độc thực phẩm. Những băn khoăn về thực phẩm bẩn cũng bớt đi nhiều hơn.
Để chuẩn bị cho mâm cỗ giao thừa sắp tới, chị đã đặt mua một số món ở cửa hàng chay như giò lụa chay, giò nấm chay, bánh chưng chay, chả chay. Ngoài ra, chị Tâm còn tự nấu những món chay đơn giản hơn như rau củ nấu đông, đùi gà chay cuộn sả…