Saturday, December 31, 2016

Tin Vui Ăn Chay: Người Úc tìm từ “ăn chay” trên Google nhiều nhất thế giới

Vegan food
Photo by Heather Poire
Người Úc tìm từ “ăn chay” trên Google nhiều nhất thế giới
Lê Tâm


(SBS) - Theo danh sách những xu hướng mới trên Google, nước Úc vượt qua New Zealand và Canada để đứng đầu danh sách các quốc gia tìm từ “ăn chay” (vegan) nhiều nhất trên thế giới. Trong đó, cư dân Hobart tại tiểu bang Tasmania tìm từ này nhiều nhất, xếp sau đó là người Newcastle, Gold Coast, Sunshine Coast và dân thủ đô Canberra.


Tại sao mọi tình cảm lại dần chuyển sang cho việc không ăn mặn và không sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc động vật nữa? 


Người Úc thích ăn chay bao lâu rồi? Hay xu hướng ăn chay vẫn luôn hiện hữu trong văn hóa Úc? 

 
Nếu nói món nướng BBQ là truyền thống trong lối sống Úc thì người Úc cũng thích ăn thịt lắm chứ. Vậy nên khi tin cho hay người Úc đứng đầu danh sách Google về tìm kiếm từ “ăn chay”, có lẽ nhiều người sẽ thật kinh ngạc.
Theo danh sách những xu hướng mới trên Google, nước Úc vượt qua New Zealand và Canada để đứng đầu danh sách các quốc gia tìm từ “ăn chay” (vegan) nhiều nhất trên thế giới. Trong đó, cư dân Hobart tại tiểu bang Tasmania tìm từ này nhiều nhất, xếp sau đó là người Newcastle, Gold Coast, Sunshine Coast và dân thủ đô Canberra.
Bà Karen Bevis, một thành viên tích cực của cộng đồng ăn chay Tasmania, cũng là điều hợp viên của tổ chức Vegetarian Tasmania, đã nhìn thấy sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cộng đồng này.
Bà kể: “Hồi mới quay lại Tasmania sống năm 2004, ở đây chỉ có vài người ăn chay. Tôi đã vận động thật tích cực, lập ra các bàn cung cấp thông tin tại nhiều sự kiện địa phương, cũng như đứng ra tổ chức những sự kiện về giáo dục trong nhiều năm. Cộng đồng Tasmania không lớn, và sống rất gần gũi. Vì vậy các thành viên có cơ hội chia sẻ thông điệp đến được nhiều người hơn. Cộng đồng Facebook Vegan Tasmania thật sự phát triển rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút hơn 800 hội viên”.
Bà Bevis cho hay có được sự phát triển này, ngoài cuộc vận động của cộng đồng những người ăn chay, còn là nhờ những nhà hàng và doanh nghiệp cuối cùng đã chú ý phục vụ cho những người ăn chay: “Tại Hobart có một tiệm bán cà phê tuy không dành riêng cho người ăn chay, nhưng mỗi ngày đều có thêm nhiều loại bánh chay để phục vụ nhu cầu khách hàng. Một tiệm pizza cũng mở ra sáu món pizza chay khác nhau để phục vụ trực tiếp cho thị trường. Đó là chưa kể trường dạy nấu ăn chay Otis Beanery, được thành lập và hoạt động ngay trong thành phố Hobart… Điều này cho thấy nhu cầu ăn chay ngày càng phổ biến và phong cách sống này ngày càng được nhiều người ưa thích.” 
Bà Suzy Spoon là người khai sinh Tổ chức Người bán thịt có đạo đức (Suzy Spoon's Vegan Butcher), trụ sở đặt tại Newtown, Sydney. Bà cho hay không ngạc nhiên chút nào trước vị trí dẫn đầu thế giới của nước Úc trên Google về xu hướng này: “Tôi nghĩ sở thích ăn chay và phong cách sống thanh tịnh đang phát triển rất nhanh ở quốc gia này. Tôi tin rằng nguyên nhân đến từ Internet. Tôi đã 45 tuổi nên không thường xuyên lên Internet, nhưng thanh niên thì khác. Họ không phải băn khoăn lâu dài về nguyên nhân của một vấn đề là gì, vì đã có mạng Internet trả lời những thắc mắc đó ngay lập tức. Người ta luôn thích tìm hiểu thức ăn mà mình đang ăn đến từ đâu và bằng cách nào. Họ google điều này, và nhận ra hệ thống các công ty cung cấp thực phẩm cũng như trang trại chăn nuôi chẳng phải là một bức tranh đẹp đẽ gì. Tôi nghĩ đây chính là một cú hích thật mạnh khiến người ta chuyển qua ăn chay, cũng như khiến cho bản đồ về người ăn chay thay đổi thật nhanh.”
Tại Nam Úc, sở thích ăn chay cũng phát triển nhanh không kém. Cherry Darlings Bakehouse là một tiệm bánh dành cho người ăn chay, mở cửa từ tháng 6 / 2014. Từ đó đến nay, chủ nhân Tim Salmon đã chứng kiến rất nhiều lứa tuổi và loại người đến ăn tại tiệm của mình. “Khách hàng thuộc rất nhiều nhóm khác nhau. Chúng tôi cũng có những thợ làm bánh từng không biết ăn chay là gì, nhiều khách hàng và đối tác cũng vậy. Quả thật đây là cộng đồng phát triển nhanh chóng và đa dạng nhất mà tôi từng thấy.” Anh giải thích: “Đây là một xu hướng chủ đạo, sau giai đoạn hippie. Ngày càng có nhiều ngôi sao ăn chay, ngày càng nhiều các bộ phim tài liệu trình bày hậu quả của kỹ nghệ chăn nuôi. Cũng như bây giờ người ta lên mạng rất nhiều, họ biết nhiều thứ hơn và thôi thúc muốn thay đổi cuộc sống.” 
Tuy nhiên anh Salmon cũng cảm thấy bản thân phong trào ăn chay còn đi xa hơn thế: “Tôi nghĩ phong trào này đã đi đến một mức cao hơn, đó là lựa chọn khẩu vị và chất lượng. Ngày càng nhiều người quan tâm đến thực phẩm sạch, khiến số lượng các doanh nghiệp về thực phẩm sạch và nguồn gốc thực phẩm có đạo đức có mặt ngày càng nhiều.  Thứ hai là mọi người cũng chú ý hơn đến việc bảo vệ môi trường khi ăn chay, họ nhận ra rằng mình vẫn có thể ăn ngon, mà đồng thời vẫn có thể làm một việc gì đó có ích cho trái đất.”
Trong khi đó tổ chức PETA Australia cho hay dữ liệu mà Google đưa ra là một chiến thắng dành cho những người bạn bốn chân trên khắp thế giới. Cô Claire Fryer điều hợp viên của tổ chức cho hay: “Thật tuyệt vời khi nước Úc dẫn đầu trào lưu sống chay tịnh này. Dù nguyên nhân là vì bảo vệ động vật, vì sức khỏe cá nhân hay vì sức khỏe của trái đất, thì chuyển sang ăn chay là một sự lựa chọn gây ảnh hưởng nhiều nhất và tích cực nhất mà cộng đồng có thể thực hiện.
Tuy nhiên ai mà biết được – có khi người Úc cũng chỉ tò mò muốn tìm hiểu về chuyện này trên mạng mà thôi, hoặc cũng có thể chúng ta đang chạy theo trào lưu  Meat Free Mondays, hoặc có lẽ thực sự việc ăn chay đang trên đà phát triển.