Sao phải ăn nhiều ‘xác chết’?
Trên đường lái xe đi làm việc hôm tuần rồi, tôi được nghe một bài phóng sự trên đài radio NPR (National Public Radio) về một “lò sát sanh” có khả năng “làm thịt’ trên 40,000 con gà một ngày. Tự dưng tôi bỗng nhớ đến những cái máy cắt cổ gà theo lối dây chuyền công nghệ qua một đoạn phim đăng trên Youtube: những chú gà lớ ngớ trên mâm dây chuyền xoay tròn, và những lưỡi dao bén quay như chong chóng máy quạt, chém phăng… những chiếc đầu nhỏ bé. So ra thì cũng đâu có khác gì ISIS cắt cổ… người ta?
Mỗi năm ở nước Mỹ, có khoảng 1/10 tỉ súc vật bị giết trong các lò sát sinh, mà phần lớn những con thú nầy được nuôi trong các trại chăn nuôi theo lối công nghiệp. Ở những trại chăn nuôi ấy, những bò, những lợn, những gà được nuôi trong những cái chuồng chật hẹp, chen chúc nhau, có khi không thấy ánh mặt trời từ lúc chào đời cho đến lúc vào lò sát sanh.
Sống kiếp đọa đày như thế, không ít thú vật bị nhiễm bệnh tật, lở loét cùng khắp. Để phòng ngừa bệnh tật, hơn một nửa tổng số thuốc trụ sinh sản xuất ở nước Mỹ được dùng cho thú vật, gây ra tình trạng lờn thuốc trụ sinh cho người tiêu thụ. Kế đến có hàng trăm loại hóa chất được sử dụng trong công nghệ, có thể gây ra ung thư, làm sẩy thai hoặc tăng nguy cơ bé sơ sanh với dị tật bẩm sinh. Những hóa chất có các tên lạ lẫm, dài lòng thòng như: benzne hexacholiride, chordane, dicholordiphenyltricholorethane (DDT), dieldrin, dioxin, heptachlor, hexacholorobenzzene… Chưa kể đến những loại thuốc như steroids, growth hormone, kích thích tăng trưởng, tăng cân, chóng béo, mà theo cơ quan FDA thì chỉ có 1700 loại được sử dụng, nhưng trên thực tế, con số hoá phẩm, thuốc, lên đến 20.000 loại khác nhau.
Nhớ năm đầu ở trường thuốc, mỗi lần tôi mổ qua những thớ thịt của những xác chết được ngâm thuốc ướp formol (formaldehyde), là tôi lại rùng mình nghĩ đến những thớ thịt heo trong nồi thịt kho tàu ở nhà. Cái mùi ngấy ngấy tương tự. Thế là nhịn ăn thịt cả tháng. Mỗi lần như thế lại thề thốt là sẽ ăn chay trường. Thế nhưng, có lẽ căn cơ chưa vững, nên lại lục tục ăn thịt trở lại sau một thời gian ngắn.
Có người nói, đường ruột của chúng ta không khác của loài khỉ, cho nên phải ăn rau cải và trái cây thì mới tốt. Tiêu biểu, đường ruột người ta dài hơn đường ruột của những loài thú ăn thịt. Đường ruột dài, trên nguyên tắc sẽ làm cho thịt bị ứ đọng, lên men, sình thối trong ruột. Trong khi đó, những loại thú ăn thịt có đường ruột ngắn nên thải chất bả ra ngoài rất nhanh, nhiều lần trong ngày. Thêm vào đó lượng acid trong bao tử của con người rất ít, chỉ khoảng 1/10 so với các loài thú như cọp báo chẳng hạn. Khi ăn thịt nhiều sẽ không tiêu hoá nổi: lá gan và trái thận của chúng không đủ khả năng tiêu hóa được nhiều thịt.
Ngược lại một số chủ thuyết khác lại cho rằng con người tiến hóa được nhờ có ăn thịt. Thí dụ như thuyết ăn theo lối người tiền sử (Paleo diet), lý luận rằng tổ tiên con người ăn sao thì ta ăn như vậy… để sống. Hoặc thuyết Atkin, cổ súy cho việc ăn thịt và tránh ăn trái cây.
Theo tôi thì cả hai bên đều có chỗ đúng và chỗ sai. Về cơ bản thì đường tiêu hóa của chúng ta vẫn còn tương đồng với họ hàng nhà khỉ, nhưng sau gần trăm ngàn năm ăn thịt, con người cũng có những đáp ứng để tiêu thụ được thịt ở một giới hạn nào đó, tuy không nhiều so với loài cầm thú.
Nói chung thì chúng ta cần chất protein để cơ thể có thể bảo trì và tăng trưởng. Một số protein đến từ động vật rất cần cho cấu trúc của bắp thịt con người, trong thời kỳ thanh niên cần tăng trưởng. Tuy nhiên khi lớn tuổi, nhu cầu bảo trì nhiều hơn, và đa số các loại protein nầy có thể đến từ thực vật, hay trứng gà và sữa tươi.
Chúng ta cần ăn một chế độ ẩm thực cân bằng giữa rau cải và thịt cá. Muốn sống lâu thì phải bớt ăn thịt càng nhiều càng tốt. Ăn thịt quá nhiều có hại nhiều hơn là có lợi cho sức khỏe. Một sản phẩm phụ trong việc tiêu hóa thịt là chất urea mà trái thận phải làm việc cực nhọc để thải nó ra ngoài như một chất độc. Rất nhiều nghiên cứu, khuyến cáo về việc ăn thịt đỏ, nhất là các loại thịt được chế biến, nướng cháy, có thể tăng khả năng bị ung thư các loại. Ăn chay có lẽ tốt nhất cho sức khỏe, tuy nhiên không nên ăn quá nhiều tinh bột như cơm gạo trắng, và nhiều sản phẩm chế biến từ đậu nành. Nên ăn gạo lứt, và thêm các loại đậu khác, không nhất thiết chỉ là đậu hũ.
Khi nhỏ tôi đã rùng mình khi đọc những chuyện kinh dị về chuyện ăn xác chết, khi con người ta đói. Và, trong những năm thuyền nhân vượt biển, trên đảo tị nạn, tôi cũng từng mắt thấy tai nghe những chuyện tương tự. Thế mà, ngày nay, ta không phải chết đói, tại sao lại tiếp tục ăn xác chết nhỉ?