Thạc sĩ truyền thông về nước khởi nghiệp ẩm thực chay
Quỳnh Trang
Tốt nghiệp Thạc sĩ Truyền thông và Quảng cáo tại Úc, nhưng khi quay về Việt Nam, Hoàng Tiến Thịnh lại khởi nghiệp trong lĩnh vực hoàn toàn mới: Kinh doanh ẩm thực chay. Dù không có chút kinh nghiệm, nhưng sau 4 năm, nhà hàng chay Mani của anh đã có 2 chi nhánh và vẫn đang phát triển. (291/2 Võ Văn Tần, P. 5, Q. 3 & 58/5 Phạm Ngọc Thạch. P. 6, Q. 3)
Khởi nghiệp nhờ chữ “duyên”
Ngày Tiến Thịnh còn học ở Đại học New South Wales, gia đình tại Việt Nam đã mở quán chay Mani với mục đích tâm đạo và đối tượng khách chính là những người ăn chay trường, chay kỳ, chay tháng.
Thời gian đầu khi trở về nước, Thịnh ra nhà hàng phụ giúp quản lý. Nhưng không ngờ, dù chưa có chút kinh nghiệm nào, anh lại thấy rất thích dự án khởi nghiệp này. "Sau khi bỏ ra 3 tháng tìm hiểu, phụ quản lý, vận hành, không riêng gì bản thân tôi mà những người trong gia đình đều thấy tôi phù hợp với công việc này. Nhất là những thay đổi tích cực trong việc kinh doanh của quán. Vậy là cả gia đình quyết định chuyển giao toàn bộ việc kinh doanh này lại cho tôi”, ông chủ trẻ của nhà hàng chay Mani chia sẻ.
“Lúc đầu bắt tay vào làm, tôi gặp rất nhiều khó khăn vì đây lĩnh vực mình hoàn toàn không có chút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, kinh doanh đồ chay đòi hỏi nhiều ở yếu tố kiên nhẫn, phải để cái tâm mình vào, không chạy theo lợi nhuận được. Tôi chịu nhiều áp lực lớn và mất hơn 1 năm để vượt qua khủng hoảng ở Mani”, Hoàng Tiến Thịnh tâm sự về những ngày đầu khởi nghiệp.
Để vượt qua những khó khăn khi kinh nghiệm lẫn kinh phí cho việc đầu tư, cải tạo cũng không có nhiều, theo Thịnh, điều nay mắn là anh khởi nghiệp trên “nền móng” đã được xây sẵn, nên anh cải tổ mọi thứ theo hướng chậm mà chắc, làm đến đâu học đến đó.
“Để ổn định nhân sự, với trách nhiệm của một người quản lý tôi làm gương cho nhân viên, thể hiện sự nhiệt tâm, mỗi khi quán đông khách, từ việc nhỏ đến lớn như rửa chén, làm rau, chế biến, giao hàng,… tôi đều tham gia vào. Phải nói, tôi đã rất nỗ lực để giữ những nhân viên năng nổ, có trách nhiệm gắn bó lâu dài với Mani. Và trong 4 năm qua, những nhân lực chủ chốt vẫn ở lại với tôi từ những ngày đầu cho đến bây giờ”– người đứng đầu của nhà hàng chay Mani chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khó khăn.
Thành công nhờ mục tiêu rõ ràng
Khi tiếp cận với lĩnh vực này, Tiến Thịnh xác định ngay việc ăn chay chắc chắc sẽ là xu hướng toàn cầu, đối tượng ăn chay ngày càng trẻ hơn, người ta ăn chay vì lý do sức khỏe, lý do bảo vệ động vật hơn vì lý do tâm linh... Thế nên, khi tiếp nhận nhà hàng chay Mani từ gia đình, anh đã có những bước cải tiến mới.
“Ban đầu, Mani hướng vào đối tượng khách hàng truyền thống là những người ăn chay trường, chay kỳ, chay tháng. Khi tôi bắt tay vào làm, tôi đã làm hướng vào đối tượng khách hàng trẻ hơn và đồng thời tập trung hơn vào khách nước ngoài. Thông qua các trang như TripAdvisor hay trang ăn chay nổi tiếng Happy Cow, cũng như kết hợp với các tour du lịch, các trung tâm Anh ngữ, quáng bá những nơi có nhiều khách nước ngoài sinh sống, tôi tiếp cận được với rất nhiều khách nước ngoài. Với những nỗ lực ấy, khách nước ngoài hiện tại chiến 20-30% lượng khách của Mani”, Tiến Thịnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, một đối tượng khác mà chàng trai 8X nhắm đến cho Mani chính là khách văn phòng với cơm văn phòng. Anh nhìn được 1 “lỗ hổng” đó là những nhà hàng lớn thường không giao hàng, trong khi quán chay bình dân lại không đủ lực. Và để tiếp cận được khách hàng như mục tiêu đưa ra, ông chủ Mani đã cố gắng bù lỗ.
“Tôi muốn biến bữa cơm chay giống như bữa cơm mặn văn phòng. Có khi 1-2 người khách gọi, doanh thu không nhiều, chúng tôi vẫn đi giao, vì tôi nghĩ đó là kênh quảng bá tốt nhất, trực tiếp và hiệu quả nhất. Có lẽ, kiên trì với mục tiêu như vậy, cùng với những bưq ăn ngon, sạch, giá cả vừa phải mà khách hàng của Mani bây giờ đến ngày ăn chay họ ăn theo cả công ty. Và hễ nhắc đến cơm chay văn phòng, là sẽ nhớ đến chúng tôi”, Thịnh chia sẻ.