More than 200 artists from 30 countries attended a talk in Hà Nội on October 13, 2016 about đàn bầu (gourd lute), a one-string Vietnamese traditional instrument. The event was hosted by the Vietnamese Musicians Association.
Please enjoy "Ghost Riders in the Sky", a performance with Vietnamese traditional instruments, featuring the uniquely Vietnamese đàn bầu.
Đàn bầu là của người Việt Nam
Bài & ảnh: Ngọc An | 10:07 AM - 14/10/2016 | Thanh Niên
(TN) - Trong cuộc tọa đàm Cây đàn bầu Việt Nam diễn ra tại Hà Nội chiều qua 13.10, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc khẳng định: 'Đàn bầu là của người Việt Nam, duy nhất có tại Việt Nam'.
Giữa tháng 8.2016, Báo Thanh Niên đăng bài Cần sớm khẳng định “chủ quyền” với đàn bầu, trong đó nêu ý kiến cảnh báo của GS-TS Trần Quang Hải về việc Việt Nam có thể bị “mất quyền sở hữu” cây đàn bầu nếu không sớm có động thái phù hợp khi Trung Quốc đang lưu tâm đến cây đàn này.
Trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc mới Á - Âu do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức với sự tham gia của hơn 200 nghệ sĩ đến từ 30 quốc gia trên thế giới, buổi tọa đàm Cây đàn bầu Việt Nam đã được tổ chức không chỉ giới thiệu những giá trị độc đáo mà còn khẳng định về nguồn gốc xuất xứ của loại nhạc cụ này.
Từ dân gian đến chính sử
|
Trong buổi tọa đàm, NSND Nguyễn Tiến đã chia sẻ nhiều khảo dị trong dân gian về cây đàn bầu. “Có một khảo dị kể rằng cây đàn bầu gắn liền với sự tích quả bầu. Một người đàn bà mang thai 3 năm và đẻ ra một quả bầu. Người chồng mới đặt quả bầu lên gác bếp. Trong lúc anh lấy que để khều lửa vô tình chọc vào quả bầu. Từ trong quả bầu xuất hiện đứa trẻ da vàng, rồi da trắng, da đỏ, da đen. Câu chuyện đó để nói về sự đoàn kết của các dân tộc bất kể màu da trên thế giới này”, câu chuyện của NSND Nguyễn Tiến khiến các vị khách quốc tế mỉm cười thích thú. |
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết truyền thuyết dân gian có lưu truyền câu chuyện về ông tổ nghề hát xẩm Trần Quốc Đĩnh cùng với sự xuất hiện của cây đàn bầu.
Chuyện kể rằng, vua Trần Thánh Tông có hai người con trai là Trần Quốc Đĩnh và Trần Quốc Toán. Vì muốn tranh giành quyền lực, Trần Quốc Toán đã dụ em trai vào rừng sâu và dùng chiếc gương có độc chiếu vào mắt. Đôi mắt của Trần Quốc Đĩnh không còn nhìn thấy gì nữa, còn người anh độc ác đã bỏ em lại nơi rừng thiêng nước độc.
Ông Bụt thương tình bèn dạy cho Trần Quốc Đĩnh cách làm cây đàn vang lên những âm thanh da diết. Người đi rừng nghe thấy tiếng đàn đã tìm được và đưa ông về. Khi trở về cung, ông đã dạy đàn cho những người khiếm thị, người nghèo để họ làm kế sinh nhai kiếm sống. Nghề hát xẩm cũng ra đời từ đó. Trên thực tế, cây đàn bầu gắn liền với hát xẩm, loại hình diễn xướng dân gian độc đáo phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tại khu vực châu thổ sông Hồng.
Sách Đại Nam thực lục tiền biên do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, ghi chép các sự kiện lịch sử của chúa Nguyễn Đàng Trong, từ đời chúa Nguyễn Hoàng (trị vì từ 1558 - 1613) đến hết đời chúa Nguyễn Phúc Thuần (trị vì 1765 - 1777) cũng có ghi chép về đàn bầu.
Cây đàn độc đáo
Trước ý kiến cho rằng cách đây khoảng 500 năm, một bộ phận cộng đồng dân tộc Kinh (ở Việt Nam) đã di cư sang Quảng Tây (Trung Quốc) mang theo cây đàn bầu và loại nhạc cụ này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cho hay: “Tôi đã tìm hiểu và biết được loại nhạc cụ của họ gần giống như đàn bầu nhưng không phải là đàn bầu”.
NSND Hoàng Anh Tú biểu diễn hát xẩm và đàn bầu
|
Ông Quân phân tích, loại nhạc cụ ở Quảng Tây có hình dáng gần giống với đàn bầu VN, nhưng cấu tạo, chế tác lại khác nhau. Ngoài ra, cây đàn đó không có đời sống trong cộng đồng.
NSND Thanh Tâm nhớ lại, ngay từ năm 1956 khi Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (khi đó là Nhạc viện Hà Nội) được thành lập, đã có khoa đàn bầu.
Từ những năm 1960, nhiều đoàn nghệ sĩ Việt Nam đã sang Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới để biểu diễn đàn bầu. Như trong khoảng thời gian 1960 - 1970, các nghệ sĩ đàn bầu Việt Nam đã biểu diễn tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến (Trung Quốc). “Chúng tôi đã tặng cho họ những cây đàn bầu làm kỷ niệm”, NSND Nguyễn Tiến, người có mặt trong những chuyến lưu diễn đó, nhớ lại.
Ông không quên được chuyến lưu diễn tại Bắc Kinh vào năm 1973. “Lúc đó do sơ ý tôi đã làm bầu đàn bị vỡ. Tôi liền nhờ những người bạn Trung Quốc làm lại giúp tôi. Họ chưa từng làm bầu đàn như vậy bao giờ nên phải đến đo kích thước, vẽ lại hình dáng rất cẩn thận rồi mới làm được”, ông kể và cho biết thêm trong cuộc trò chuyện về đàn bầu tại học viện ở Quảng Châu (Trung Quốc), những người tham dự hôm đó đã rất khâm phục sự sáng tạo của người Việt Nam với cây đàn bầu.
“Nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Senegal cũng có những cây đàn một dây. Trên thế giới có nhiều đàn một dây, nhưng đàn một dây mang tên đàn bầu chỉ có ở Việt Nam. Đàn bầu là loại đàn duy nhất có âm thanh trong trẻo, quyến rũ, mềm mại giống tiếng người nói. Đây là loại đàn không đánh bằng âm thực mà đánh bằng âm bồi”, NSND Nguyễn Tiến nhìn nhận.
Chính sự độc đáo của cây đàn này mà nhiều người nước ngoài đã tìm học. Tôn Tiến, một giảng viên đại học ở Quảng Tây (Trung Quốc), đã tìm tới NSND Thanh Tâm theo học đàn bầu. Năm 2015, Tôn Tiến đã bảo vệ luận văn đề tài Nghệ thuật đàn bầu trong giai đoạn mới tại VN tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Tôn Tiến đã viết trong luận văn: “Đàn bầu là một cây đàn đặc sắc của Việt Nam, có từ lâu đời và vốn sinh ra để phục vụ đời sống tinh thần dân tộc. Khi nhắc tới cây đàn bầu là nhắc tới một cây đàn có vị trí đặc biệt quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân Việt Nam”.
“Thế giới có sự giao lưu giữa các nền văn hóa, nhiều loại đàn như đàn nhị của người Trung Quốc đã du nhập vào Việt Nam. Nhưng nếu nói về nguồn gốc xuất xứ của cây đàn bầu thì phải khẳng định đó là của Việt Nam”, nhà nghiên cứu âm nhạc Quang Long nhìn nhận.