A group of young Vietnamese vegetarians started a small business supplying clean and quality veggies.
Khởi nghiệp với thực phẩm sạch
Bài & ảnh: Quốc Ngọc
(TP) - Thực phẩm bẩn đang là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Và theo các chuyên gia, đây cũng đang chính là cơ hội tốt để người dân, đặc biệt các bạn trẻ, khởi tạo sự nghiệp kinh doanh bằng cách đưa ra các giải pháp đột phá mang đến các sản phẩm sạch cho cộng đồng.
Phát biểu tại chuỗi hội thảo tiếp sức khởi nghiệp vừa được tổ chức tại TPHCM, TS Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ (Đại học Bách khoa TPHCM) cho rằng, vấn đề thiếu an toàn thực phẩm cũng chính là cơ hội để mọi người dân khởi nghiệp.
Không ít thách thức
Theo ông Dũng, cơ hội đó nằm ở câu trả lời hoặc giải pháp mà chúng ta có thể đưa ra cho những câu hỏi thường trực của xã hội: Tìm thực phẩm sạch ở đâu? Làm thế nào để mua được thực phẩm sạch với giá hợp lý? Cơ sở hay công ty có thực tâm sản xuất thực phẩm sạch cho cộng đồng hay không? v.v…
Cũng theo ông Dũng, các cơ sở và hộ sản xuất nhỏ lẻ sẽ là một lực lượng sản xuất thực phẩm sạch trong tương lai. Hiện lực lượng này đang chiếm một phần lớn trong hệ thống cung cấp thực phẩm và cũng là đối tượng để xảy ra nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng, quy trình nuôi trồng và chế biến. Do đó, cần kết nối các cơ sở và hộ sản xuất nhỏ lẻ mong muốn cung cấp thực phẩm sạch thành một cộng đồng sản xuất thực phẩm sạch.
Lấy kinh nghiệm trong quá trình nâng cao giá trị gạo Việt của mình, ông Nguyễn Hoàng Cung, đại diện Công ty Đại Thuận Thiên nêu lên những khó khăn mà các doanh nghiệp muốn sản xuất thực phẩm sạch phải đương đầu. Đó là năng suất lúa còn thấp, bộ giống không đa dạng. Chất lượng sản phẩm ổn định, lấy được lòng tin người tiêu dùng nhưng giá bán còn cao, khó mở rộng quy mô, hiệu quả kinh tế không cao.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Nguyên Chí, Công ty Nông sản Bền vững Sinh Lộc cho rằng, yếu tố quyết định cho con đường khởi nghiệp bằng sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch vẫn là con người và trình độ quản trị hệ thống. Ông Chí đưa ra mô hình chuỗi liên kết chất lượng cần phải có nhằm bảo đảm thực phẩm sạch. Đó là một hệ thống gắn kết xuyên suốt từ giải pháp công nghệ - kỹ thuật, vật tư đầu vào như giống, phân bón cho đến kiểm soát hệ thống sản xuất, chế biến, nghiên cứu thị trường và cuối cùng là hệ thống phân phối lẻ.
Trồng rau sạch để ăn chay, ngờ đâu “khởi nghiệp”
Tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ (Đại học Bách khoa TPHCM), hiện có khoảng 30 bạn trẻ tạo dựng doanh nghiệp với vốn đầu tư nhỏ cùng các sản phẩm cam kết sạch.
Chúng tôi tìm đến câu chuyện khởi nghiệp của nhóm anh Lê Hồng Vinh, Trần Kim Thanh với cửa hàng rau sạch, rau thủy canh tại số 12 Trương Hán Siêu, quận 1, TPHCM. Anh Vinh kể, ban đầu nhóm của anh là những người cùng “đi tu và ăn chay” tại Đà Lạt, từ trước đến giờ chỉ trồng rau sạch nhằm mục đích tự cung cho nhu cầu ăn chay.
“Thế nhưng, nhiều bạn bè cũng như người thân ở Sài Gòn muốn ăn rau sạch nên nhờ chúng tôi trồng và gửi xuống. Hai năm trời như thế, bỗng một hôm chúng tôi phát hiện số lượng người yêu cầu ngày càng đông và không có dấu hiệu dừng lại”, anh Vinh kể.
Để đáp ứng nhu cầu “bất đắc dĩ” này, nhóm những người cùng ăn chay bằng rau sạch “đánh bạo” lập một trang trại nhỏ ở đường Mimosa, TP Đà Lạt để chuyên canh rau sạch. Đồng thời, mở luôn cửa hàng ở TPHCM nhằm cung cấp các loại rau và dâu tây được trồng từ trang trại.
“Bạn bè, khách hàng thân thiết trước đây phải cực khổ đặt hàng trước nhiều ngày thì giờ đây đã có cửa hàng của chúng tôi ngay tại Sài Gòn để bảo đảm có ngay sản phẩm sạch trong ngày”, anh Vinh nói.