Dr. Bảo Trung: Modifying one's lifestyle can bring about greater health.
Thay đổi lối sống - liệu pháp hữu hiệu cho bất kỳ ai
BS. Bảo Trung / Sức Khỏe & Đời Sống
Bây giờ là 5 giờ sáng, có lẽ các bạn đang ngủ say, nhưng mình đã phải thức suốt đêm để trực gác. Mình vừa cấp cứu xong một ca bị suy hô hấp cấp trên nền lao phổi đa kháng thuốc. Người bệnh đến với cơ thể gầy mòn suy kiệt, thở hước hước lên, spO2 chỉ có 60%.
Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 quốc gia có tình trạng bệnh lao nặng nề nhất trên thế giới. Mỗi năm, chúng ta có khoảng 130.000 người mới mắc bệnh lao và mới chỉ phát hiện được 100.000 người. Ước tính mỗi năm có khoảng 18.000 người chết vì lao, khoảng 8.000 người vừa mắc bệnh lao vừa nhiễm HIV, khoảng 6.000 người mắc lao đa kháng thuốc (theo nguồn báo Sức Khỏe và Đời Sống).
Với những con số thống kê này, không biết bạn có giống mình, hoảng sợ và xót xa? Chúng ta đang sống trong một môi trường cực kì ô nhiễm. Và thái độ kế tiếp của chúng ta là gì khi thật sự hiểu được điều đó? Trong y văn hay nói đến "những yếu tố nguy cơ" để thúc đẩy xuất hiện và làm nặng hơn tình trạng bệnh. Những yếu tố nguy cơ ấy được chia làm hai loại: YẾU TỐ NGUY CƠ KHÔNG THAY ĐỔI ĐƯỢC (như gene, cơ địa ... ) và YẾU TỐ NGUY CƠ THAY ĐỔI ĐƯỢC (như lối sống, môi trường sống ... ).
Và phần lớn những phác đồ hướng dẫn điều trị bệnh nội khoa nói chung trên thế giới đều bắt đầu và xuyên suốt cuộc đời còn lại của người bệnh là câu: THAY ĐỔI LỐI SỐNG (Lifestyle Modification).
Vậy việc chúng ta làm bây giờ có phải là THAY ĐỔI LỐI SỐNG VÀ MÔI TRƯỜNG SỐNG?
Nếu như sáng nay chúng ta ra vườn, mỗi người trồng xuống đất một khóm hoa, một cây xanh thì sao nhỉ? Thì có hàng triệu hàng triệu cây xanh sẽ lớn lên, sẽ cho oxy, sẽ cho màu xanh, sẽ cho bóng mát ... Đẹp và an lành biết bao nhiêu.
Nếu như sáng nay chúng ta quyết tâm ăn chay một ngày thì sao nhỉ? Thì có hàng triệu hàng triệu con vật sẽ được sống thêm một ngày!
Nhiều khi, chỉ cần thay đổi lối sống như thế, chế độ ăn, chế độ tập luyện thể lực ... là có thể giảm hay khỏi hẳn bệnh rồi.
Bên cạnh việc chú ý đến dưỡng nuôi "thân", chúng ta còn phải chú ý dưỡng nuôi "tâm" nữa. Tâm không an thì thân khó mà khỏe được! Sư ông dạy rằng: Lối ra tuỳ thuộc ngõ vào nội tâm (The way out is in). Những gì chúng ta đang biểu hiện ra bên ngoài đó tùy thuộc vào những gì chúng ta dưỡng nuôi thân tâm mỗi ngày. Vậy thì nhìn lại xem hôm nay chúng ta sẽ sống ra sao, sẽ cho thân và tâm mình "thực phẩm" gì? Những "thực phẩm" ấy có làm chúng ta trở nên khỏe mạnh, an lạc, hay làm chúng ta trở nên nặng nề, bệnh tật, mỏi mệt? "Thực phẩm" cho thân rất khó, đã ngon còn phải lành, vì ông bà mình hay ghép chung hai từ: ngon lành. Chúng ta có hút thuốc, có uống rượu, có ăn nhiều năng lượng hơn mức cần thiết...?
Có nghiên cứu khá hay mà mình muốn chia sẻ. Các nhà khoa học đã chia chuột ra làm hai nhóm, một nhóm cho ăn nhiều và dư năng lượng, một nhóm cho ăn vừa đủ hay hơi thiếu thiếu một chút. Kết quả nhóm chuột ăn đầy đủ và dư năng lượng ấy chết sớm hơn, bệnh tật nhiều hơn nhóm còn lại.
"Thực phẩm" cho tâm còn khó bội phần. Chúng ta đã và đang tưới mát tâm hồn mình bằng những cuốn sách, bản nhạc, và mùi hương ... gì? Những thứ ấy có giúp chúng ta phát triển lòng từ bi, sự hiểu biết... Hay lại đầu độc chúng ta những nghi ngờ, oán hận, những mánh lới hơn thua....?
Thiền sư Thái Lan No Ahn Chan có dạy: "Muốn thân khỏe mạnh thì buộc thân vận động. Muốn tâm khỏe mạnh thì giữ tâm đứng yên."
5 giờ 40 phút, mình khe khẽ hát theo cô Lô Thủy bài thiền ca, Châu Ngọc Pháp Hoa. "Hãy buông thả dòng sầu khổ / Về nâng sự sống trên tay ..."