Sunday, April 17, 2016

Sức Khỏe Của Bạn: Ăn gì để hạn chế nguy cơ ung thư đại trực tràng? (PGS.TS. BS Nguyễn Xuân Ninh)

Assistant Professor Nguyễn Xuân Ninh (MD, PhD): Making healthy changes in nutrition, lifestyle and environment can help reduce colon cancer risks.

Ăn gì để hạn chế nguy cơ ung thư đại trực tràng?
PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh / Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC

(Dân Trí) - Theo PGS.TS. BS Nguyễn Xuân Ninh, Chuyên khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC: Những yếu tố như môi trường, dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt hàng ngày có liên quan rõ rệt tới nguy cơ phát sinh bệnh ung thư... trong đó có ung thư đại trực tràng.

Đến bệnh viện khi cơ thể không còn chịu đựng nổi với những cơn đau dai dẳng kéo dài nhiều tuần lễ vùng đại tràng, anh Trần Văn T., 36 tuổi (Phúc La, Hà Đông) đã vô cùng hoang mang và suy sụp khi nhận được kết luận của bác sĩ cho biết anh đã mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối.

Anh Trần Văn T. không phải là trường hợp duy nhất tới viện khi đã có những biểu rõ ràng về ung thư. Điều đáng buồn là phần lớn người bệnh đến khám khi đã ở giai đoạn muộn, khiến tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư ở Việt Nam chưa được cao như mong muốn. Mỗi năm tại Việt Nam, số bệnh nhân ung thư mắc mới là 150.000 người và có 75.000 người tử vong. Trong đó, ung thư đại trực tràng là căn bệnh phổ biến đứng hàng thứ 4, và chiếm hàng thứ 2 về tỷ lệ tử vong. Những yếu tố như môi trường, dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt hàng ngày có liên quan rõ rệt tới nguy cơ phát sinh bệnh.


Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị ung thư đại trực tràng

Do sự thay đổi về điều kiện môi truờng cũng như thói quen ăn uống mà tại Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây tỷ lệ ung thư nói chung, cũng như ung thư đại trực tràng nói riêng có sự phát triển đột biến. Những đối tượng của căn bệnh này thường nằm trong nhóm từ 30-60 tuổi và chủ yếu là nam giới. Vậy đâu là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị ung thư?

Táo bón kéo dài: Khi bị táo bón, các chất độc hại sẽ tích tụ trong ruột già, từ đó gây nên những viêm nhiễm, rối loạn chức năng đường tiêu hóa, các chất độc hại hấp thụ ngược lại vào máu, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp gây ung thư cho đường tiêu hóa.

Thực phẩm kém chất lượng: Hiện nay, thực phẩm chứa các chất độc hại gây ung thư như chất bảo quản, kích thích, bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn nhiễm bẩn chứa vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh…ngày càng nhiều. Các chất độc hại này tích tụ trở thành nhiễm độc mạn tính gây viêm nhiễm, thuận lợi cho tế bào ung thư phát triển.

Sử dụng thực phẩm chế biến không hợp vệ sinh: Các chất độc hại sinh ra trong quá trình bảo quản chế biến, nấu nướng như thực phẩm trong nhóm ngũ cốc: gạo, ngô khoai sắn, đậu, đỗ, lạc, vừng bị nấm mốc, sản sinh ra các chất độc gây ung thư. Vì vậy, không nên ăn các thực phẩm bị nấm mốc trong quá trình bảo quản. Khi chế biến các món quay, nướng trên than hồng, rán cháy vàng… thường có mùi. Chính những chất thơm này sinh ra tác nhân gây ung thư đường tiêu hóa.

Các loại thực phẩm muối như: Dưa, cà, kim chi… được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống, cũng bị nhiễm một số loại vi khuẩn mốc gây ung thư, đặc biệt khi để lâu, hoặc đã qua giai đoạn chua (dưa khú).

Thói quen ăn quá nhiều thịt màu đỏ: Ăn quá nhiều thức ăn màu đỏ, nhiều mỡ, ít rau xanh cũng làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Lạm dụng rựợu bia: Một số nghiên cứu đã chứng minh uống với số lượng > 1 cốc rượu/ngày đối với nữ và 2 cốc rượu/ngày đối với nam làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng gấp 1,84 lần ở nam giới, và 1,64 lần ở nữ giới.

Hút thuốc lá: làm tăng nguy cơ bị ung thư cao gấp 2 lần so với bình thường.

Béo phì: thừa cân béo phì, ít vận động thể lực làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư. Những người thừa cân quá tiêu chuẩn, cứ tăng thêm 5kg/năm sẽ có nguy cơ ung thư đại trực tràng nhiều hơn 4%, nam giới có nhiều nguy cơ hơn nữ giới.

Lời khuyên sử dụng thực phẩm, chế độ dinh dưỡng từ chuyên gia

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh (ảnh trên), việc duy trì chế độ ăn uống, tạo thói quen cùng lối sống lành mạnh, có thể giảm 40-50% nguy cơ ung thư đại trực tràng. Bạn đọc có thể tham khảo và thực hiện 6 thói quen tốt được chuyên gia khuyến khích thực hiện như sau:

Chế độ ăn nhiều rau quả, ngũ cốc không xay xát kỹ: Các thực phẩm này chứa nhiều chất xơ, có thể làm giảm 40% nguy cơ ung thư đại trực tràng. Nên ăn hoa quả có màu xanh sẫm, vàng đậm, tím, da cam… chứa nhiều chất chống oxy hóa, có tác dụng trung hòa các tác nhân gây ung thư. Ngoài ra, việc thường xuyên ăn hành, tỏi cũng có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh ung thư đường tiêu hóa.

Uống đủ nước hàng ngày: Một biện pháp rất đơn giản mà nhiều người hay quên là uống đủ nước 1,5 - 2 lít/ngày với người bình thường, hoặc cao hơn cho những người làm việc trong những điều kiện đặc biệt. 

Nhìn màu sắc nước tiểu có thể đánh giá uống đủ nước hay không: màu trắng hoặc vàng nhạt là đủ, màu sẫm là chưa đủ. Không nên sử dụng các đồ uống có ga, đồ ngọt đóng chai có chất bảo quản không phù hợp, không rõ nguồn gốc.

Nên uống nhiều trà xanh, hoặc cà-phê nếu có thể: Một số nghiên cứu cho thấy uống cà-phê hoặc nước trà xanh/ngày làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng tới 40-50%. Do trà và cà-phê chứa các chất polyphenols, flavonoids, là những chất chống oxy hóa có tác dụng triệt tiêu nhiều tác nhân gây ung thư.

Không nên ăn quá nhiều thịt màu đỏ: Một số nghiên cứu cho thấy khi tiêu thụ lượng thịt màu đỏ nhiều dễ bị ung thư hơn, cứ 100 gam thịt sẽ có tỷ lệ ung thư tăng 12-17%. Một số nghiên cứu cho thấy những người ăn chay tỷ lệ ung thư thấp hơn 30%-40% so với người không ăn chay.

Cần cung cấp đủ canxi, vitamin D và acid folic trong khẩu phần hàng ngày:
Nhiều công trình khoa học chứng minh người dùng 700-800 mg calci/ngày có nguy cơ ung thư đại tràng thấp hơn 40-50% so với người dùng ít hơn 500 mg canxi/ngày. 

Nguồn thực phẩm có canxi tốt có trong váng sữa hoặc sữa có hàm lượng chất béo thấp và các sản phẩm bơ sữa khác, cải xanh, cải canh...

Nhu cầu vitamin D hàng ngày khoảng 5-10 microgam giúp hấp thu canxi, cũng làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng... Ánh nắng mặt trời cũng làm biến đổi hóa chất trên da bạn thành dạng vitamin hữu ích.

Dùng lượng acid folic thích hợp: đủ acid folic hàng ngày giúp giảm 30-50% nguy cơ ung thư đại trực tràng. Liều khuyến nghị là 400 mg acid folic/ngày. Folat có nhiều trong lá rau xanh thẫm như rau bina, đậu, đậu tây và đậu xanh, một số quả và hạt, ngũ cốc đã bổ sung.

Có thể dùng viên multivitamin với liều khuyến nghị hàng ngày, chứa canxi, vitamin A, E, acid folic….

Tập thể dục hàng ngày: Cần giữ cân nặng trong giới hạn cho phép; tập luyện thể dục thường xuyên để giảm một nửa nguy cơ ung thư đại tràng.

Dinh dưỡng đối với những người đã phát hiện ung thư, hoặc đang điều trị ung thư đại trực tràng

Đa số bệnh nhân trong tình trạng thiếu dinh dưỡng, thậm chí sức khỏe bị suy kiệt. Vấn đề dinh dưỡng rất quan trọng giúp hồi phục bệnh cũng như có sức khỏe để tiếp tục các phương pháp điều trị ung thư. Một số vấn đề về dinh dưỡng cần chú ý thêm như sau:

- Đa dạng thực phẩm, đảm bảo đủ các nhóm chất: đạm, bột đường, chất béo, vitamin, khoáng chất, nước… theo nhu cầu và sở thích của bệnh nhân để phục hồi sức khỏe, cải thiện chức năng miễn dịch, tăng cân tốt hơn.

Nên chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày (6-8 bữa), thực phẩm nên chế biến dưới dạng cháo, súp… các bữa phụ có thể dùng sữa tách bơ, nước hoa quả, trái cây. Ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, ít chất béo, ít mặn. Ăn nhiều rau xanh, nước ép hoa quả nhiều vitamin. Tránh ăn thức ăn khô cứng, ăn đồ ăn nướng, rán… Không uống rượu, hút thuốc lá;

- Ưu tiên các món luộc, hấp, không nên ăn những món rán, quay, nướng hoặc những thực phẩm chế biến sẵn như xúc-xích, thịt hun khói, những thức ăn sinh hơi như đậu, bắp cải, dưa hấu, mít hoặc những thức uống có gas…

- Chọn các loại thực phẩm tươi, sạch, giàu chất dinh dưỡng, chọn thức ăn tinh bột từ ngũ cốc, củ quả (gạo, lạc, đậu…).

- Cần được cung cấp đủ lượng đạm cần thiết, nhưng thịt đỏ chỉ nên ăn  ít hơn 100g/ngày. 

Để tư vấn tầm soát sớm ung thư đại trực tràng, bạn đọc có thể đến các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố, trung ương... hoặc có thể đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, địa chỉ 42 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội, tại đây có thực hiện được các kỹ thuật, xét nghiệm và thủ thuật tầm soát ung thư đại trực tràng.