Vietnamese architect Hoàng Thúc Hào (Ashui Awards' Architect of the Year, 2015) contributed pro bono in the design of Bhutan's Gross National Happiness Centre. Mr. Hoàng Thúc Hào shared in an interview with Voice of Vietnam that as soon as he arrived in Bhutan he was able to eat vegetarian right away - something he had never done before.
KTS Hoàng Thúc Hào: Hạnh phúc là đóng góp cho cộng đồng
Hà Thành
(VOV.VN) - Năm 2008, Bhutan trở thành nước đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn đo GNH (Gross National Happiness - Tổng hạnh phúc quốc gia) để đánh giá những yếu tố mang lại giá trị cho đời sống, thay cho chuẩn đo GDP.
Nhân sự kiện này, Hoàng gia và Chính phủ Bhutan quyết định thành lập một trung tâm, nơi mọi người từ khắp thế giới có thể đến tìm hiểu, chia sẻ về triết lý sống hạnh phúc của người Bhutan thông qua thực hành thiền, thông qua trao đổi, thảo luận những phương pháp giúp trở nên hạnh phúc mà không phụ thuộc quá nhiều vào vật chất, tiêu dùng.
Thiết kế “Trung tâm hạnh phúc” là người Việt Nam - KTS Hoàng Thúc Hào - kiến trúc sư trưởng văn phòng thiết kế 1+1>2. Đây là vinh dự lớn, hiếm hoi với một kiến trúc sư Việt. Lễ khánh thành công trình diễn ra cuối tháng 10/2015.
“Trung tâm hạnh phúc Quốc gia Bhutan” đã đi vào hoạt động và bước đầu được người dân Bhutan cũng như cộng đồng Quốc tế đón nhận. Phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn KTS Hoàng Thúc Hào xoay quanh tác phẩm này và những câu chuyện nghề nghiệp.
Cơ duyên nào đã đưa anh đến với công trình ở Bhutan?
Tôi có người quen - một cô gái Đức gốc Việt, làm về nghệ thuật đương đại - Ở làng Mai bên Pháp, cô ấy tình cờ quen ông giám đốc chương trình “Trung tâm hạnh phúc Bhutan”.
Sau này, khi biết Bhutan tìm người thiết kế trung tâm, cô ấy giới thiệu tôi với tư cách là kiến trúc sư có một số dự án cộng đồng đã được ghi nhận như Nhà cộng đồng Suối Rè (Lương Sơn, Hòa Bình), nhà cộng đồng Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), nhà cộng đồng Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam). Họ xem những công trình của chúng tôi và rất thích, rồi mời tôi sang trao đổi, khảo sát, thiết kế.
Cảm nhận của anh về đất nước Bhutan? Anh có thể nói về vùng đất xây dựng “Trung tâm hạnh phúc”?
Sang Bhutan tôi ăn chay được ngay. Đó là điều rất lạ vì trước đến giờ tôi chưa từng ăn chay. Đất nước Bhutan rất vắng người, hiền hòa; nhưng giao thông khó khăn lắm, đường xá xấu. Trẻ con trước khi vào học ngồi thiền, các gia đình trước lúc đi ngủ cũng thiền.
Mỗi tỉnh có một “Dzong”, giống Uỷ ban nhân dân nhà mình, xây theo thức rất nhất quán. Trong đó một bên là cơ quan hành chính, bên kia là nơi ở tu sĩ. Nhà nhiều lớp, nhiều sân trong. Đặc biệt màu sắc đẹp lắm, rất đặc trưng Bhutan, ảnh hưởng đậm đặc của đạo Phật và văn hóa Tây Tạng.
Vị trí xây dựng thuộc tỉnh Bumthang, nằm về phía đông bắc thủ đô Thimphu. Đây là vùng hẻo lánh, hiểm trở, ở độ cao 3000m, khí hậu khắc nghiệt, mùa đông rất lạnh. Có lẽ chính phủ muốn xây dựng công trình làm hạt nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội vùng, cuốn hút du lịch, khách quốc tế, những người hành thiền tới.
Khu đất nằm dọc con sông lớn, trên triền núi, có rừng thông ấn tượng. Ở đây chưa có cầu qua sông, người ta qua sông bằng một thiết bị như ròng rọc. Lúc đầu dự án định xây bên kia sông, song không đủ tài chính, cuối cùng chuyển về bên này với quy mô nhỏ hơn.
“Trung tâm hạnh phúc” được thiết kế như thế nào?
Quần thể gồm nhiều hạng mục, trong đó nhà thiền chính có sức chứa khoảng 200 người, một nhà hội nghị, hội thảo 100 chỗ, ngoài ra có khu hành chính, nhà bếp, nhà ở cho thiền sinh, những người đến học tập. Cấu trúc tổng thể chạy dọc theo sông, tựa lưng vào núi, bố cục hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới cảnh quan, cố gắng giữ lại những cây thông, thảm thực vật, tảng đá...
Trung tâm là Nhà thiền chính lấy ý tưởng từ sự giao thoa, thống nhất giữa tự nhiên (khối đế tròn) với nhân tạo (khối vuông bên trên). Mong muốn cuộc sống con người là duy trì, bảo vệ “thế cân bằng tự nhiên – nhân tạo”. Nhà hội nghị hình elip, cảm hứng từ hình ảnh lá cây bồ đề. Các mô tip decor đặc trưng văn hóa Bhutan được tiết chế, gia giảm hợp lý. Thiết kế chủ động xoay theo hướng mặt trời, vào mùa đông, mùa xuân ánh sáng xuyên sâu vào nhà, tạo sự ấm áp và hiệu quả tâm linh, khác biệt.
Có những thuận lợi hay khó khăn gì trong quá trình thiết kế: việc tiếp cận văn hoá bản địa, ngôn ngữ kiến trúc, vật liệu địa phương...?
Không khó khăn gì cả. Chúng tôi đã quen với việc này. Tổ hợp công trình là cuộc đối thoại giữa đất - đá - gỗ, giữa không gian bên trong và khung cảnh bên ngoài, giữa tri thức hàn lâm với kinh nghiệm dân gian. Các công trình có tường dầy nửa mét, xây đá kết hợp trình đất, bảo đảm giữ nhiệt trong mùa đông giá lạnh; vì kèo bê-tông, gỗ; sử dụng nước trên nguồn và năng lượng mặt trời. Nhà mái dốc hình kỷ hà theo truyền thống Bhutan. Một chút khó khăn trong quá trình thi công là ở đó rất ít người, phải thuê nhân công từ Ấn Độ, Bangladesh sang.
Ai là người phê duyệt đồ án? Nhận xét, đánh giá của họ như thế nào?
Ban giám đốc “Trung tâm hạnh phúc” đã làm việc cùng chúng tôi. Lần cuối, chúng tôi trình bày phương án ở nhà nguyên thủ tướng Bhutan. Ông ấy trực tiếp nghe và xúc động. Ông nhận xét: Rất Bhutan nhưng lại hiện đại hóa. Ông thích ý tưởng tạo hình của nhà thiền tròn – vuông, nhà hội nghị elip.
So sánh với những công trình trước đây anh và cộng sự thực hiện ở Việt Nam (Suối Rè, Tả Phìn, Cẩm Thanh, Nậm Đăm…), thì công trình này…
Trung tâm ở Bhutan nằm trong chuỗi dự án xã hội - cộng đồng của chúng tôi, với khuynh hướng cơ bản là phát huy bản sắc nhưng cách tân. Vẫn trung thành với triết lý 1+1>2 theo đuổi: Công trình phải tạo ra sự tiện nghi, hứng khởi cho người sử dụng; phải truyền cảm hứng cho cư dân địa phương, cho du khách, những người thực hành thiền. Nó cộng vào khung cảnh, là tín hiệu văn hóa tích cực, hướng thượng. Còn so sánh cụ thể từng dự án rất khó, vì mỗi công trình thuộc một vùng đất khác nhau, văn hóa khác nhau.
Năm 2009, tổ chức News Economics Foundation (NEF) có trụ sở ở Anh xếp Việt Nam vào top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới, là nước châu Á duy nhất có mặt trong top 10. Năm 2014, trang Movehub xếp Việt Nam đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI), trong tổng số 151 quốc gia được đánh giá. Là người sống ở Việt Nam, và đã thiết kế “Trung tâm hạnh phúc Bhutan” - một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, anh nghĩ sao về chuyện này? Việt Nam có thực sự là quốc gia hạnh phúc?
Cá nhân tôi chắc chắn không tin. Bởi vì nếu dựa trên yếu tố môi trường – là yếu tố quan trọng của chuẩn đo hạnh phúc – thì Việt Nam không thể là quốc gia hạnh phúc. Môi trường tự nhiên ô nhiễm, môi trường văn hóa ô nhiễm, môi trường giáo dục, thực phẩm ô nhiễm… Còn nếu lấy thước đo dựa trên sự thỏa mãn của ngưòi dân thì có thể đúng, vì dân Việt Nam rất dễ thỏa mãn.
Anh vẫn nhiệt huyết theo đuổi kiến trúc xã hội - cộng đồng. Liệu có lúc nào anh cảm thấy nản vì những gì mình làm quá nhỏ bé trước cơn lốc kim tiền?
Chưa bao giờ tôi nghĩ chuyện nản, vì làm công trình loại này đầy hứng khởi, dù hiệu quả kinh tế không cao hoặc chỉ làm thiện nguyện. Nhưng với những dự án đấy mình được toàn quyền quyết định, là kiến trúc sư toàn quyền, không lệ thuộc vào chủ đầu tư như những dự án thương mại... Cần nhất là vượt lên chính mình, phải tạo ra những bất ngờ mới trên cái nền cũ quen thuộc. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tìm đến chúng tôi; gửi gắm hy vọng; đó cũng là may mắn, là cái duyên, hạnh phúc của chúng tôi.
Những năm gần đây, nhiều tác phẩm của anh và đồng nghiệp Việt Nam được vinh danh trên thế giới, nhưng đó vẫn là những công trình trong nước. Anh có tin rằng tương lai kiến trúc sư Việt sẽ tiếp tục ghi dấu ấn ở nước ngoài, như anh đã làm với “Trung tâm hạnh phúc Bhutan”.
Chắc chắn! Đây là xu thế không thể đảo ngược. Bởi Việt Nam đã là một góc của ngôi làng thế giới. Kiến trúc hưởng lợi rất nhiều từ quá trình hội nhập, toàn cầu hóa, nhất là những kiến trúc xã hội, cộng đồng. Tuy không mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng là những cơ hội tốt cho các bạn trẻ bộc lộ khả năng, ở phạm vi rộng.
Ví dụ như Lào, Cam Pu Chia đầy tiềm năng. Người nghèo còn nhiều lắm trên trái đất này. Mặt khác, xã hội càng phát triển người ta càng cần sống chậm; những kiến trúc liên quan đến xã hội, người nghèo, cộng đồng, thiền, Yoga, Phật giáo… sẽ phát triển. Những kiến trúc này không đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao siêu, nó rất phù hợp, gần gũi với kiến trúc sư Việt.
Theo cách nhìn riêng anh, thế nào là hạnh phúc và kiến trúc sư hạnh phúc? Kiến trúc và kiến trúc sư liệu có đem lại hạnh phúc cho con người, xã hội, cộng đồng? Nếu có thể, kiến trúc sư phải làm gì?
Hạnh phúc nói chung và với kiến trúc sư nói riêng, theo tôi, là sự đóng góp cho xã hội, cộng đồng. Tuy nhiên, hạnh phúc cũng như tự do, nó không thể tuyệt đối, nó vẫn gắn với những ràng buộc trách nhiệm. Hạnh phúc cũng là việc đem lại cảm hứng, truyền cảm hứng, thúc đẩy sự phát triển, hướng thiện.
8/10 kiến trúc trên quả đất không có kiến trúc sư, mà do người dân tự làm. Việt Nam 70% nông dân, phần lớn là người nghèo. Con người có quyền sống trong những không gian tử tế, môi trường chất lượng, tiết kiệm năng lượng. Kiến trúc sư dấn thân, nếu có tấm lòng và phương pháp, sẽ chủ động góp phần tạo ra những không gian ấy, thích ứng với từng mức độ và hoàn cảnh xã hội. Kiến trúc sư có thể tư vấn, giúp đỡ cho hàng vạn, hàng triệu người, sao lại không?
Kiến trúc hiển nhiên đem lại hạnh phúc cho con người. Kiến trúc sư làm ra những không gian sống tiện nghi, người sử dụng thấy mình trong đó, có lịch sử, quá khứ, tương lai; người ta sống thấy khỏe, ấm cúng, khoan khoái và không tốn tiền bảo dưỡng, duy tu… tức là người sử dụng cảm thấy hạnh phúc.
Kiến trúc có nghĩa khi là những không gian mà con người phát hiện ra chính họ, vận hành mãi vẫn mới, không chán. Tôi theo đuổi ý niệm kiến trúc “Ngạc nhiên bền vững”, sinh ra từ quá trình thụ hưởng của người sử dụng trong sự bền vững tự thân về vật lý và văn hóa của công trình.
Kiến trúc sư cần rèn luyện tầm nhìn dài hạn và có trách nhiệm hơn nữa, phải đưa ra những quy ước, khuyến cáo cộng đồng, thường xuyên kiến nghị, phản biện chuyên môn giúp duy trì, vận hành công trình – dự án hiệu quả, đóng góp vào phát triển văn hóa.
Kiến trúc sư dấn thân sáng tạo chỉ vì con người và tương lai văn hóa, có cam kết dài hạn, lòng tự trọng nghề nghiệp cao, cần được xã hội tôn vinh.
Xin cảm ơn anh./.