Trending: Vietnamese youth are finding peace and good friends in Buddhist retreats. Attendees are said to quickly adapt to the delicious meatless, fishless and eggless meals.
Tu tại chùa: Nơi giới trẻ tìm bạn hiền, tránh kẻ dữ
Phan Kiệt
(Báo Giao Thông) - Hình ảnh giới trẻ lên chùa gần đây đã trở thành phổ biến, mang lại cái nhìn thiện cảm đối với xã hội.
Nơi tìm bạn hiền, tránh bạn dữ
Được biết, vào những dịp đầu năm, trong kỳ thi, nghỉ hè… nhiều nhà chùa đã tổ chức các hoạt động hướng đến giới trẻ, như: khóa tu đặc biệt cho học sinh, sinh viên; chương trình thiện nguyện, tiếp sức mùa thi,...
Mới đây, khóa tu chào đón năm mới tại chùa Bằng A (Hoàng Mai, Hà Nội), đã thu hút hơn 500 bạn trẻ là học sinh, sinh viên tại các trường học trên địa bàn, tham gia. Tại đây, các em được nghe nhà chùa giảng pháp, tụng kinh cầu an, tái hiện không khí Tết xưa,.. Tỏ ra thích thú với hoạt động này, Trần Duy Khoa (trường ĐH Công nghệ GTVT Hà Nội), chia sẻ: “Khác với quan niệm trước đây, chùa chiền không chỉ dành riêng cho những người già mà còn là nơi cho các bạn trẻ tu tâm dưỡng tính, mà còn là nơi để tìm bạn hiền, tránh bạn dữ! Khi tới chùa, em cảm nhận được sự an lạc khác với bên ngoài”.
Kể về một ngày tu tại chùa, Khoa nói: "Buổi sáng, các sư cô “thức chúng” từ 5 giờ để chuẩn bị ngồi thiền. Vì chưa quen giờ giấc, mình không ít lần ngủ gật khi đang “tĩnh toạ” (ngồi thiền). Sau đó là nhiều hoạt động khác như đi thiền hành, hát thiền ca, ăn cơm trong chánh niệm,... Vì là khóa tu thiền nên hầu như mọi sinh hoạt đều trong im lặng”.
Đến với khóa tu, các khóa sinh còn phải làm quen là những bữa ăn chay không thịt, cá hay trứng. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày, ai cũng thấy ngon miệng hơn, tinh thần thoải mái và vui vẻ khác thường.
Tỏ ra khá chững chạc, cậu sinh viên 20 tuổi, khiến người lớn phải ngỡ ngàng với những triết lý, chiêm nghiệm từ những bài giảng đạo Phật. “Việc tới chùa sẽ có ích nếu mọi người tới chùa không phải chỉ để vái lạy, cầu xin, mà phải biết tìm hiểu giáo lý chánh tín. Khi đó, tới chùa có lợi ích cả về phước và trí. Nếu người tới chùa chỉ để có phước thì phương pháp sẽ không sâu sắc như người tới để học trí”, Duy Khoa nhận định.
Những khóa “tu” sinh viên
Không chỉ “trẻ vui nhà, già vui chùa” mà ngày nay các bạn trẻ cũng có thể “vui chùa”, chọn nơi cửa Phật làm nơi sinh hoạt tâm linh lành mạnh và phát triển bản thân.
Mới ra trường, Nguyễn Thị Ánh Tuyết (22 tuổi, Thủ Đức, TP.HCM) hiện đang là hướng dẫn viên du lịch, cho biết, đã tham gia được vài khóa tu trên chùa, hiện đang có ý định xuất gia. Tuyết tâm sự: “Kể từ ngày được tham gia các khóa tu ở chùa, mình nhận ra đạo Phật rất khoa học, giáo lý nhà Phật rất sâu sắc, những vấn đề Phật dạy thời nào cũng áp dụng được, không bao giờ lỗi thời”.
Cũng từng tham gia khóa tu, Lê Nhữ Hưng (Đại học Điện lực Hà Nội) lại có suy nghĩ khác: “Giới trẻ đi chùa học Phật sẽ có hai mặt. Mặt tốt thì nó giúp con người ta hướng thiện và hòa đồng giúp đỡ lẫn nhau nhưng ngược nó làm cho nhiều người cảm thấy an nhàn, không có chí tiến thủ, không muốn cạnh tranh, đất nước sẽ chậm phát triển. Cá nhân mình cho rằng, người trẻ lên chùa, thường là muốn tìm một thú vui gì đó mới lạ, giảm áp lực tâm lý, còn hướng Phật thì hơi ít”.
Sư ni Thích Tịnh Quán (Trụ trì chùa Đình Quán, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Nhà chùa rất quan tâm đến các bạn học sinh, sinh viên, nên thường xuyên tổ chức các khóa tu, khóa thiền dành riêng cho các bạn. “Chương trình khóa tu, cách truyền đạt cho các bạn trẻ cũng rất khác so với Phật tử lớn tuổi. Nhà chùa phải kết hợp học giáo lý khô khan với những sinh hoạt vui tươi hơn như hát thiền ca, thi hái hoa đạo lý, văn nghệ tập thể,... Nhờ vậy mà số người trẻ đến chùa ngày càng đông, có khoá tu sinh viên lên đến 400 người tham dự”, Sư ni Thích Tịnh Quán nói.