Nhạc sỹ Quốc Bảo kể chuyện Tết
Nhạc sỹ Quốc Bảo
(BongDaPlus) - Tết bất kỳ nơi đâu trên quê hương mình đều có phong vị riêng, đáng nhớ, vừa vui vẻ vừa cảm động. Tết Sài Gòn - tôi đã trải qua gần năm mươi cái Tết trên mảnh đất này - có cả niềm vui lớn lẫn nỗi buồn nho nhỏ, nhưng dù vui hay buồn thì vẫn đáng nhớ và đáng yêu.
Tết Sài Gòn, nơi đây tôi có gia đình. Có gia đình trong nửa thế kỷ, không phải bơ vơ luân lạc, là may mắn lớn và hiếm hoi. Bây giờ, hẳn không còn ai nhớ màu xác pháo ra làm sao, còn khi tôi còn bé, một chiếc áo sơ-mi mẹ may cho để mặc Tết nhất định phải có màu xác pháo. Đó là màu hồng đỏ.
Cái màu hòa vào không khí đỏ rực của đèn lồng, quà bánh, mứt kẹo, xác pháo ngập sân, mẹ tôi dẫn tôi vào chợ Bến Thành chọn mua vải và tôi nhất mực phải tìm cho ra vải màu xác pháo. Rồi xúng xính thử áo mới còn nguyên vệt phấn mẹ may. Rồi mặc suốt đến ngày mùng bốn không chịu thay bộ khác.
Quần shorts trắng, giày trắng và sơ-mi xác pháo, hình ảnh đứa bé là tôi trong những ngày Tết nhất đến giờ vẫn còn nguyên vẹn trong trí tưởng; con trai tôi giờ hoàn toàn không có khái niệm và nhu cầu mặc như thế. Vậy mới biết cái hồn Tết dù muốn dù không, đã bạc màu qua năm tháng. Nửa thế kỷ rồi còn gì!
Mẹ tôi là nhà giáo, được nghỉ Tết sớm (so với công nhân viên chức các ngành khác) và tranh thủ tối đa những ngày nghỉ để cắt may cho khách đặt hàng từ trước rất lâu. Giáp Tết, tôi không thấy mẹ ngủ lúc nào. Có khi chợt tỉnh giấc lúc hai, ba giờ sáng vì tiếng pháo vọng lại đâu đó trong xóm, vẫn thấy nhà dưới sáng đèn và tiếng đạp máy may lạch xạch.
Mọi đơn hàng đều phải giao trước Giao thừa, nên từ mùng một Tết mẹ chỉ còn sức để đặt mâm cúng rồi nằm vùi ngủ bù. Những việc giao tế, sắm sửa, tiếp khách, bà ngoại tôi đảm trách. Tôi thì chỉ đi ra đi vào bốc kẹo mứt ăn và chúc tuổi khách khứa, nhận tiền lì xì.
Rồi loanh quanh trong xóm đốt pháo, đánh bài, chơi tam cúc, hoặc lấy xe đạp chạy lòng vòng xem không khí Tết mọi nhà ra làm sao. Nhà nào cũng đầy xác pháo, vỏ hạt dưa; nhà nào cũng thơm phức hương trầm; nhà nào cũng đầy tiếng cười và xe xếp hàng trước cửa.
Ngày tôi còn bé, Tết vui thực. Có lần tôi đã so sánh bằng câu nói ngây ngô: Tết vui như ngày giỗ. Vì sao vậy? Vì chỉ có những đám giỗ lớn, gia đình tôi mới có họ hàng quây quần đông đủ. Mới có thức ăn ngon, mới được ngả đầu vào lòng bà buổi trưa nghe chuyện ngoài Bắc, những chuyện có thật mà như cổ tích.
Tết với tôi, ngay cả hôm nay, vẫn như cổ tích.
Họ hàng tôi thực ra không nhiều, lưu lạc tứ tán. Cả năm có khi không thấy mặt nhau, nên ngày Tết quan trọng lắm. Ngày 24 tháng chạp, giỗ ông ngoại tôi, thành thử không khí Tết nhất và những món sắm sửa bày bàn thờ gia tiên đã được chuẩn bị trước 23. Ngày 23 đưa ông Táo về trời.
Từ 23 đến tận mùng bốn Tết, bàn thờ gia tiên không bao giờ thiếu hương trầm và ngũ quả. Những năm nào may mắn mẹ tôi không quá bận, thì còn bày ra làm mứt quất và tôi là đứa bé được giao “trọng trách” dùng lưỡi lam lạng mỏng lớp vỏ quất. Nhà tôi sên mứt bằng bếp dầu hôi.
Một chảo mứt bày giữa nhà, nóng bỏng, thơm lựng. Tôi dùng tăm xiên những quả quất còn sôi sục trong chảo, lúng búng thổi cho nguội rồi nhấm nháp. Ăn như thế, đến đúng ngày Tết không còn bụng dạ nào mà ăn.
Vậy là chỉ uống nước ngọt, cắn hạt dưa, đến bữa thì ăn qua loa vài miếng thịt kho trứng cuốn bánh tráng. Có nhiều năm ăn Tết nghèo túng, gia đình chỉ mua được con gà và thổi xôi cúng, vậy mà vẫn vui. Hoặc có khi đó là tôi vui, trẻ con thì biết lo lắng gì, chứ người lớn lòng tan dạ nát không chừng.
Tôi chưa kể chuyện hoa. Đường Nguyễn Huệ xưa là chợ hoa, chưa có khái niệm “đường hoa”. Đơn thuần là cái chợ bán hoa đủ loại: cúc, thược dược, huệ tây, tulip, mai vàng, vạn thọ, hồng, cẩm chướng. Tôi đạp xe ra nghiêng ngó, thuận chỗ nào vui thì ghé vào, mua chẳng mua vì đắt, phải chờ đến chiều ba mươi giá mới hạ. Lúc đó thì mua, khệ nệ bưng về.
Nhà tôi không thích mai, cồng kềnh, nên chỉ mua những chậu nhỏ bày hai hàng trước cửa. Cả nhà, mẹ tôi thích hoa nhất, nên mua hoa là dành cho mẹ. Hoa để trưng, hoa để cúng. Cũng nhờ mẹ chú trọng việc cúng lễ, tôi biết ý nghĩa đích thực của Tết.
Ấy là, Tết chính là dịp ta bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên ông bà. Tết không chỉ là ngày hội, là dịp nghỉ dài (học sinh thì nghỉ miệt mài!), Tết là lúc mời gia tiên về sum họp với người sống. Nghi lễ đó bắt nguồn từ đạo thờ ông bà, đạo của riêng người Việt. Tết ta không giống Tết Tàu dù cùng dịp lịch âm.
Ý nghĩa Tết ta hoàn toàn khác, mang nặng yếu tố tâm linh và hiếu nghĩa. Từ khi hiểu được, tôi bớt thành kiến với Tết hơn - đây là lúc tôi lớn, thấy bày vẽ Tết nhất quá tốn kém và mùa nghỉ quá dài ảnh hưởng công việc. Không hẳn hòa được vào Tết, nhưng ít nhất không dị ứng, không “sợ” Tết.
Nếu bạn đã từng ăn Tết phương Nam, hẳn biết ngày Tết trời không hề lạnh. Vài năm có mưa vào chiều mùng một, nhưng nắng gay gắt từ chín giờ sáng đến tận năm giờ chiều. Trời nắng như thế, cái thú xuýt xoa vì rét và áo bông áo kép hoàn toàn vắng bóng. Người Sài Gòn ăn Tết nóng.
Những chỗ công cộng càng nóng và ngộp hơi người. Nơi giải trí như công viên, đường hoa đúng ra không phải dành cho dân Sài Gòn gốc, mà chủ yếu phục vụ khách nhập cư. Người Sài Gòn thường ở nhà vui với gia đình, đi thăm họ hàng, thăm bạn hữu lâu ngày, và nghỉ ngơi. Cái Tết đích thực ở Sài Gòn thuộc về những nếp nhà, không ở đường phố.
Bạn tôi, có những người treo bảng “Chúng tôi đi vắng” để đóng cửa miễn tiếp khách, dành những ngày nghỉ để chăm sóc gia đình, giải trí tại gia, ngủ bù. Nhà tôi không đến mức cực đoan vậy, nhưng cũng hoàn toàn xa lánh chốn lao xao. Tết là rút về tổ ấm của mình, là tận hưởng hạnh phúc mình có một gia đình, là sum họp, là chia sẻ những ý nghĩ mà trong năm bận rộn không có dịp nhắc, là ôn lại “cổ tích” tổ tiên ông bà, sửa sang nơi thờ tự, đi chùa cầu an. Kể hết ra những điều ấy, có khi các bạn thấy Tết sao mà chán quá.
Thì Tết (nhà tôi) đâu phải là lễ hội. Chúng ta đã có kỳ nghỉ dài trước đó (Giáng Sinh và Tết dương lịch), nên Tết ta mà chỉ rong chơi thì hóa ra rong chơi suốt năm. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh cổ truyền nay cũng chỉ còn lại bánh chưng, người miền Nam không biết hạ cây nêu là gì.
Bánh chưng gia đình tôi thích ăn trước Tết (giống như mứt quất), thế nên đúng ngày thì thành ngán. Những năm sau này, mẹ tôi lớn tuổi ăn chay trường, nhà tôi vì vậy không có thịt mỡ dưa hành, chỉ toàn món chay trên bàn thờ và bàn ăn. Tết không vì thiếu thịt mà nhạt đi chút nào, tôi thấy còn ấm áp hơn vì thanh tịnh hơn.
Màu xác pháo giờ tôi đâu còn ham nữa, có tả cũng ít người biết đó là cái màu gì. Tết, ở nhà chơi với con, viết một ít nhạc, làm một ít thơ, ngẫm nghĩ nhân tình thế thái và tưởng nhớ những người đã xa, âu vẫn là cảm động.
Nửa thế kỷ qua với Tết Sài Gòn, Tết quả có thay đổi màu sắc hình thức. Nhưng cái hồn ẩn sâu bên trong thì vẫn vậy: là mùa của đoàn viên, mùa của tưởng nhớ, mùa của hy vọng.