Dare to think... outside the box!
Nghĩ ngược lại và làm khác đi!
Phúc Minh
(TBKTSG Xuân) - Khi người khác vội vã, ta vẫn có thể sống chậm lại; người khác chạy theo vật chất, ta sống đơn giản; người khác có thể trở nên thâm hiểm, ta hãy cứ từ bi. Giống như cà-phê vẫn có thể uống với muối, bánh mì vẫn có thể chấm mắm nêm... Không phải cứ thấy ta khác người mà sợ. Ta là ta.
Trong cuốn sách Nghĩ ngược lại và làm khác đi, tác giả kể chuyện trước Thế vận hội Mexico năm 1968, kiểu nhảy truyền thống của vận động viên nhảy xà ngang là cơ thể song song úp người về phía thanh xà. Nhưng một vận động viên ít tên tuổi đã lập kỷ lục thế giới với mức xà 2,2415 mét, thay vì úp người xuống thì anh lại quay lưng về phía xà ngang. Anh chính là Dick Fosbury và phương pháp nhảy của anh được nhiều người biết đến với tên gọi “Cú nhảy Fosbury”. Anh đã nhảy cao hơn bất kỳ vận động viên nào trước đó bằng cách nghĩ ngược lại mọi người.
Sống chậm lại
Chị H. kế toán trưởng một công ty nội thất tại TPHCM, kể cách đây hai năm, chị bắt đầu sống chậm lại: sáng dậy ngồi thiền từ 15-30 phút, làm việc không vội vã, tối về có thời gian rảnh lại trồng cây, đọc sách thay vì xem ti-vi như trước đây. Từ ngày làm như vậy, chất lượng cuộc sống của chị cải thiện rất nhiều, chị làm được nhiều việc hơn nhưng lại thấy thảnh thơi và hiệu quả. Tối về, sau khi chăm sóc con và dạy con học, có thời gian rảnh, chị không xem ti-vi mà đọc sách.
Mỗi tuần chị dành hẳn một ngày cuối tuần không làm gì (sắp xếp làm các việc vặt vào những ngày trong tuần) để được thảnh thơi. Mỗi năm chị dành mười ngày tìm đến những nơi ít người, thực hành tĩnh lặng. Những khoảng thời gian sống chậm như thế giúp ta nghĩ ra những điều lớn lao hơn, mục tiêu và kế hoạch của cuộc đời cũng rõ ràng hơn, tập trung hơn vào những việc bản thân muốn làm, sống cuộc sống cũng vì vậy mà ý nghĩa hơn, chị H. chia sẻ.
Chị H. cho biết những điều trên chị học được từ những người đã áp dụng thành công chúng rồi dạy lại cho chị. Chúng ta hay làm việc liên tục mà không dành thời gian cân nhắc xem điều gì đúng với mình. Cũng vì vậy, những quyết định trong cuộc sống có khi không xuất phát từ ý thức riêng mà được thực hiện như một sự mặc định, dễ dẫn đến mệt mỏi và không hiệu quả. Không phải lúc nào ta cũng dễ đưa ra những quyết định và làm ngược lại số đông. Ta dễ nản lòng khi không được thấu hiểu, và mệt mỏi khi phải giải thích nhiều lần về quan điểm và hành động của bản thân.
Ít có nghĩa là nhiều hơn
Khi sống chậm lại như thế, khi suy nghĩ của con người thay đổi thì nhu cầu vật chất cũng giảm, và ta chợt nhận ra có thể tập trung cao độ vào những công việc mình yêu thích. Điều quan trọng là chúng ta phải phân tích cho được thứ gì cần thêm và thứ gì bỏ bớt. Bớt chút thời gian đánh giá hoàn cảnh cuộc đời là cách tốt nhất để chắc chắn ta sẽ sống cuộc đời ít bất trắc hơn trong tương lai.
Không riêng chị H., tôi biết nhiều người khác cũng đang hướng đến cuộc sống tối giản. Trong một “status” trên Facebook, đạo diễn K. dẫn link về một người đàn ông sống không tiền bạc trong bảy năm giữa xã hội phương Tây, viết sách và trở nên nổi tiếng; rồi chị cho biết chị đang hướng đến điều này và cảm thấy hạnh phúc thật sự... Chị và một số bạn bè trên Facebook đánh giá sống như vậy thật hay, thật an lành, đó là khởi nguồn của tinh thần sống giản dị, lược bỏ từ từ những nhu cầu xa xỉ. Chị K. nói muốn xa hoa khó, muốn giản dị... càng khó hơn, nhưng là điều có thể làm được. Một bạn bình luận: “Không ai giống ai... nhưng thật đáng khâm phục... những người dám sống theo ý của bản thân chứ không theo ý của người khác...”.
Trên thế giới, “xu hướng ít hơn có nghĩa là nhiều hơn” đã được nhiều người và doanh nghiệp áp dụng. Cuối năm 2014, một bài báo trên USA Today cho biết các chuỗi nhà hàng trên thế giới đang cắt giảm số lượng món ăn thay vì mở rộng thực đơn để cạnh tranh như trước đây. Trong tình trạng kinh tế không ổn định và thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi thường xuyên tại Mỹ thì việc cắt giảm số lượng món ăn trong thực đơn dường như là điều không thể nhưng nó lại trở thành xu hướng mới. Lý giải rất đơn giản: ít có khi là nhiều hơn, do chất lượng món ăn tăng, dịch vụ nhanh và món ăn nóng hơn nên thu hút nhiều thực khách. Đây cũng là lý do một loạt chuỗi nhà hàng mạnh dạn cắt giảm thực đơn mà không lo khách hàng phản ứng, như chuỗi nhà hàng IHOP đã giảm thực đơn từ 200 món ăn xuống còn 170 món, chuỗi nhà hàng BJ chỉ còn 150 món ăn so với 181 món trước đây, hay chuỗi nhà hàng Tony Roma’s mạnh tay cắt đến 92 món ăn trong thực đơn xuống còn 60 món.
Triết lý “ít hơn có nghĩa là nhiều hơn” đang lan truyền ngày càng rộng trong ngành công nghiệp nhà hàng. Phó chủ tịch hãng nghiên cứu thị trường Technomic, ông Darren Tristano, nhận định việc đưa ra quá nhiều lựa chọn sẽ gây khó khăn cho khách trong quyết định mua hàng cũng như tạo được sự ghi nhớ sự đặc biệt về nhà hàng.
Thành công trong tâm trí
Bên cạnh việc sống chậm lại, tối giản hóa nhu cầu vật chất, nhiều người còn đang hướng đến việc tạo sự an lạc trong tâm tưởng.
Một nhà kinh doanh nhỏ lẻ, đang tham gia một nhóm thiện nguyện tại TPHCM, kể một lần đi hớt tóc, anh vô tình gặp mấy bạn trong nhóm thiện nguyện đang hớt tóc cho người nghèo, thấy hay hay rồi tham gia nhóm.
Nhóm có nhiều hoạt động như cung cấp bữa ăn cho bệnh nhi nghèo, tổ chức Trung thu cho trẻ em, dạy người dân Tây Nguyên trồng cây để thoát nghèo... Anh chia sẻ, “đi đến những nơi như vậy mới thấy hoàn cảnh của một số người rất bất hạnh, càng trân trọng những gì mình đang có và chia sẻ cho cộng đồng nhiều hơn”. Sau các chuyến đi như vậy, anh cảm thấy cần làm việc nhiều hơn để có thể giúp đỡ cho nhiều người, anh phát tâm tìm hiểu đạo Phật và chuyển sang ăn chay trường.
Ngoài nhà kinh doanh nhỏ này, tôi còn biết nhiều bạn trẻ, doanh nhân trẻ cũng đang cùng thực hành cách tạo ra thành công cả “bên trong tâm trí” và “bên ngoài đời thực”. Họ học cách vượt qua những giới hạn về nguồn lực, ý tưởng để hướng đến những mục tiêu sống tích cực, mối quan hệ hoàn hảo, sức khỏe tốt, sự bình an trong tâm hồn, cống hiến và đóng góp cho cuộc đời.
Cuộc sống có thể trở nên đơn giản hơn so với điều mà chúng ta vẫn thường mường tượng về nó. Nên chăng chúng ta cần ủng hộ lối sống không màu mè, bỏ qua sự tập trung vào những chi tiêu vật chất vô thức, chú ý kết nối với người khác và tham gia những hoạt động có ý nghĩa với cộng đồng. Quan trọng nhất là ý thức về những quyết định liên quan đến cuộc đời chúng ta. Để đi đến con đường đã chọn, chúng ta cần chắc chắn mình đang hướng đủ năng lượng và sự chú ý lên những điều ưu tiên, cũng như gạch bỏ những điều không giúp ta đi trên con đường đó.
Nếu bạn sống theo số đông mà thấy thoải mái, hãy cứ tiếp tục sống như thế. Nhưng nếu bạn thấy rằng làm theo họ khiến bạn mệt mỏi, ốm yếu, nghèo khó, buồn tẻ... thì hãy là chính mình bằng cách này hay cách khác.
Rồi có lúc, bạn sẽ bàng hoàng nhận ra để thành công, phải nghĩ khác. Nghĩ khác, làm khác, đi đường khác... mới khiến mình thành công.