A popular utensil to accompany Asian cuisines, chopsticks are called by different names: kuaizi in Chinese, hashi in Japanese, jeotgarak in Korean, and đũa in Vietnamese.
Tại sao người Châu Á lại có văn hóa dùng đũa thay vì dao dĩa?
Hoàng Hà / Theo Trí Thức Trẻ
Được cho là ra đời cách đây khoảng 4.000 đến 5.000 năm ở Trung Quốc, những “phiên bản” đầu tiên của đũa ăn mà chúng ta sử dụng ngày nay, thường được làm từ cành cây và được dùng để nấu nướng do chịu được nhiệt trong môi trường nước sôi hay dầu nóng.
Đến khoảng năm Công Nguyên 500-400 thì đũa bắt đầu được sử dụng như một phần của bộ dụng cụ ăn.
Có rất nhiều câu chuyện lí giải nguồn gốc của đôi đũa ăn. Nhiều người cho rằng, đôi đũa được lấy cảm hứng từ những chú chim với chiếc mỏ dài dùng để ngậm hay gắp cá, các loại hạt, quả nhỏ…
Nhưng bên cạnh đó, thì cũng có những lí do thực tế hơn như sự gia tăng dân số khiến rất nhiều nguyên liệu, đặc biệt là lương thực thực phẩm trở nên ngày càng khan hiếm. Do đó, người ta bắt đầu cắt thức ăn ra thành từng miếng nhỏ để có thể nấu được nhanh hơn và tiết kiệm hơn.
Những mẩu thức ăn được cắt bé làm cho những chiếc dao bếp trở nên “lỗi thời” bởi chúng còn quá ít để có thể cắt được nhỏ thêm nữa. Lúc đó, đôi đũa trở thành một công cụ vô cùng đơn giản, tiện dụng do chúng được làm rất dễ dàng từ những nguyên liệu rẻ tiền và dễ kiếm. Và thế là một xu hướng mới được ra đời.
Sự có mặt của dao trên bàn ăn dần bị phai mờ một phần cũng là do chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của đạo Khổng. Là một người ăn chay, Khổng Tử cho rằng dùng dao để ăn là không thích hợp bởi theo quan điểm của ông, “một người đàn ông đáng kính và ngay thẳng thì phải tránh xa lò mổ và bếp núc”.
Ở các nước châu Á, thức ăn chính là gạo hay hạt. Những hạt gạo nhỏ, ngắn hay trung bình thường rất dính và vón cục. Khi chúng dính lại với nhau như vậy thì việc dùng đũa quả là hiệu nghiệm.
Trong khi đó, các nước Tây Âu thường ăn các loại hạt có kích thước dài hơn và thường đã qua chế biến nên trở nên mịn hơn hay ở dạng bột. Khi đó, việc dùng đũa ăn gần như là rất khó hoặc không thể.
Trong vòng một thế kỷ, đũa ăn đã “di cư” cả sang các nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Dù tiêu chuẩn, nguyên liệu làm đũa hay cách cầm đũa… có khác nhau ở mỗi nước, thì đôi đũa nói chung vẫn được coi là linh hồn trong bữa ăn của người châu Á.
Một vài điều thú vị về đũa ăn:
- Những chiếc thìa cổ ở Trung Quốc thường nhọn ở một đầu do vậy, nó đôi khi cũng được dùng như dao hoặc dĩa.
- Những di vật từ đời nhà Kim ở Trung Quốc là một trong những minh chứng tiêu biểu và cổ xưa nhất về chữ viết cũng như đũa ăn của người Trung Hoa. Người ta đã tìm thấy những chiếc đũa ăn bằng đồng trong những ngôi mộ của triều đại này.
- Khác với người Nhật Bản, đũa ăn truyền thống của người Trung Quốc được làm bằng gỗ hay tre chưa được mài giũa hay để thô.
- Dùng đũa ăn thế nào cho phù hợp và văn minh chính là một trong những yếu tố rất quan trọng trong văn hóa và lịch sử các nước châu Á. Mỗi nước lại có một quan niệm riêng về văn hóa dùng đũa.
Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, sẽ là mất lịch sự nếu trong bữa ăn bạn:
- Xiên đồ ăn bằng đũa.
- Dùng đũa gẩy hay bới để chọn thức ăn. Hành động này được cho là khiếm nhã và thiếu văn minh vì nó giống như bạn đang “đào mộ” vậy.
- Gõ đũa lên miệng bát. Đừng làm điều này nếu bạn không muốn người ngồi cùng bàn nghĩ bạn là một người hành khất đang cố gây chú ý để cầu xin sự thương hại của người qua đường.
- Trẻ em cũng phải học cách cầm đũa sao cho đúng, bởi cách cầm đũa cho thấy cách dạy dỗ con cái của cha mẹ chúng.
Nếu bạn đang ở trên đất nước Nhật Bản, hãy nhớ rằng, những hành vi sau sẽ chứng tỏ bạn thiếu văn mình nếu bạn:
- Để chéo hai chiếc đũa trên mặt bàn ăn.
- Cắm đũa thẳng đứng vào bát cơm của bạn. Điều này gần như là cấm kị trong bữa ăn, vì người ta chỉ cắm thẳng đũa vào tô cơm trong tang lễ.
- Gắp thức ăn cho người khác bằng đũa của bạn.
Trong văn hóa Đài Loan, bạn sẽ bị đánh giá là không lịch sự nếu bạn:
- Cắn đũa hay ngậm đũa trong miệng quá lâu.
- Dùng đũa để gắp thức ăn trong bát súp.
- Đặt đũa trên bàn. Dù đã dùng bữa xong hay chưa thì bạn nên cầm đũa hay đặt chúng trên miệng bát cơm của mình.
Người Hàn Quốc quan niệm bạn không nên:
- Dùng đũa trước những người lớn tuổi hơn.
- Đưa bát gần miệng quá để ăn.
- Dùng đũa để ăn cơm, trừ khi bạn thuộc tầng lớp dưới. Thay vào đó, bạn nên dùng thìa.
Còn ở Việt Nam, bạn sẽ bị coi là khiếm nhã nếu:
- Gắp thức ăn lên và ăn ngay. Thay vào đó, bạn nên gắp thức ăn vào bát của mình trước, sau đó mới ăn phần thức ăn đó.
- Ngậm đũa trong miệng trong khi đang chọn thức ăn.
Hy vọng rằng, qua bài viết trên đây, bạn sẽ hiểu thêm phần nào về lịch sử và văn hóa dùng đũa của các nước châu Á. Để dù có đi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn vẫn sẽ dùng đũa một cách đầy tự tin để có một bữa ăn văn minh và lịch sự.