Thursday, October 29, 2015

Người Trường Chay: Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Mía đường Lam Sơn

Lam Sơn Sugarcane Shareholding Company's Chairman of the Board, Mr. Lê Văn Tam, is vegetarian.

TRĂN TRỞ CỦA CHỦ TỊCH MÍA ĐƯỜNG LAM SƠN
Mai Thanh thực hiện

(DĐDN) – Giờ đây, đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng dường như sức nghĩ và sức làm việc của anh hùng lao động thời kỳ đổi mới LÊ VĂN TAM – Chủ tịch HĐQT (Hội Đồng Quản Trị) Cty Cổ phần mía đường Lam Sơn Thanh Hóa vẫn là niềm mơ ước của nhiều người.

Sinh ra tại Thanh Hóa, ông Lê Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Mã CK: LSS) là doanh nhân nhiều tuổi nhất giữ vị trí đứng đầu tại một doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Có lẽ hiếm người giữ được sức khỏe và trí tuệ như ông Tam ở tuổi 80. Nhân viên trong Cty, gọi chủ tịch bằng cách xưng hô rất thân mật, gọi ông xưng con. Đã 15 năm nay, vị chủ tịch Mía đường Lam Sơn ăn chay trường. Công việc đã giúp ông làm chậm lại dấu ấn tuổi tác và làm giàu hẳn không còn là mục đích của cuộc đời ông. Những gì ông muốn tạo ra, đó là thay đổi những vùng quê nghèo cũng như cuộc sống của hàng trăm nghìn nông dân, giúp họ có thể gắn bó với đồng đất và không từ bỏ cây mía. Ông chia sẻ rằng, hết nhiệm kỳ này, sang năm 2016, ông sẽ đứng sang một bên, ở vị trí cố vấn đường hướng chiến lược cho Cty. Ông tin đội ngũ kế thừa đã được đào tạo từ lâu nay sẽ tiếp tục vững vàng trên con đường mà LSS đã hoạch định.

Ông không ngừng nghiên cứu các đề tài khoa học để làm cho cây mía có sức sống mãnh liệt hơn nữa, năng suất cao hơn nữa, và quan trọng là giúp đỡ được nhiều người hơn nữa. Ngày nào còn có hộ trồng mía chưa thoát nghèo, ngày đó ông chưa thể ngồi yên hưởng thú điền viên.

Ông Tam cho biết, mong muốn của Mía đường Lam Sơn là đến năm 2020 phải thực hiện dồn điền đổi thửa để có ít nhất 50% diện tích trồng mía quy mô lớn. 30 nghìn hộ trồng mía hiện nay sẽ được giảm xuống còn 20 nghìn hộ và tiến tới chỉ còn 210 nghìn hộ, mỗi hộ phải có 5 hecta để có thể cơ giới hóa sản xuất.

“Đắng cay đã trải – chua ngọt cũng từng”

– 35 năm quản lý DN (doanh nghiệp) ngành mía đường, ông có thể chia sẻ “vị đắng” của một ngành kinh tế nhiều thăng trầm?

Đúng là thời gian trôi qua thật nhanh! Có thể nói rằng, trong gần 10 năm đầu những khó khăn, thách thức luôn đan xen, bủa vây mía đường Lam Sơn. Bởi cứ giải được bài toán khó này thì bài toán hóc búa khác lại cần có đáp án. Nhà máy có công suất 1.500 tấn mía cây/ngày nhưng vùng nguyên liệu rất khiêm tốn, chỉ đủ sản xuất trong vài tuần, vụ đầu tiên chỉ có 24.000 tấn mía nguyên liệu.

Vì vậy, trong một thời gian dài, tôi đã cùng với ban lãnh đạo nhà máy đã đến từng nhà, từng vùng, từng xã để vận động, liên kết và bàn kế hoạch tổ chức sản xuất, khai hoang phục hóa trồng mía. Được cán bộ và nhân dân hưởng ứng, tôi lại lặn lội đi đến các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp để mua mía giống về phát cho nông dân trồng. Gần như ngày nào tôi cũng xuống với nông dân, kề vai sát cánh hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng mía. Một khí thế hăng say sản xuất tràn ngập trên từng cánh đồng vùng nguyên liệu.

Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, khí thế đó không còn được duy trì. Nguyên nhân cũng vì cái đói cản trở. Bởi xét về bối cảnh lúc đó, nền kinh tế sau khi chuyển đổi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các vùng nông thôn cái đói cứ đeo đẳng quanh năm. Thanh Hóa lúc đó cũng không nằm ngoại lệ, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tục khiến cho mùa màng thất bát triền miên, cái đói khiến bà con không còn sức để sản xuất.

Còn thời điểm hiện nay, ngành đường đang đứng trước thách thức lớn, 12 nhà máy đã tạm đóng cửa không sản xuất. Trong dự đoán của chúng tôi, đến năm 2016, nếu không có gì thay đổi thì chỉ còn không tới 50% số nhà máy tồn tại. Giá đường thời gian tới không vượt quá 500 USD/tấn, có đạt sản lượng mía 1.000.000 tấn/năm thì doanh thu đường chỉ đạt 1.800 tỷ đồng là tối đa. Lam Sơn phải mất tới 35 năm để đạt quy mô như hiện nay.

– Nhưng không thể không có “vị ngọt”, thưa ông?

Đúng thế, ngành mía đường nói chung và Mía đường Lam Sơn đã cho tôi rất nhiều. Đặc biệt, sau 35 năm, Mía đường Lam Sơn đã gây dựng được cơ đồ với 2 nhà máy luyện đường công suất chế biến 108.000 tấn mía/năm, một nhà máy điện sử dụng nguyên liệu từ bã mía, nhà máy cồn chiết xuất từ mật gỉ, với hàng chục Cty con và Cty liên kết… Đặc biệt, Cty đã xây dựng và phát triển được một vùng nguyên liệu rộng lớn, giúp nông dân 113 xã, thuộc 11 huyện nghèo của Thanh Hóa thoát khỏi cảnh đói nghèo… 

Sau khi Nhà máy đường 2 đi vào hoạt động, tỷ lệ đường luyện của DN đã đạt mức 80%, sản phẩm chất lượng đã kéo nhiều khách hàng là những nhà sản xuất lớn như Cola Cola, Pepsi, Kinh Đô, URC đến với Lam Sơn và ký kết các hợp đồng dài hạn, mua số lượng lớn…

Vẫn còn nhiều ấp ủ

– Từ gần 10 năm nay, ông đã ấp ủ nhiều dự án, trong đó có việc theo đuổi chương trình làm nông nghiệp công nghệ cao, với những sản phẩm mới như cây ăn quả (cam không hạt, dưa vàng), hoa lan, rau sạch… Vậy đâu là động lực để ông làm điều đó ?

Trong chiến lược mà Lam Sơn đặt ra, đến năm 2020, Lam Sơn sẽ có doanh thu trên 5.000 tỉ đồng. Với triển vọng thị trường như trên, Lam Sơn sẽ đến đích bằng cách nào? Chỉ có con đường đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Bởi làm đường giỏi lắm được 150 triệu đồng/ha, nếu đầu tư vào nông nghiệp như Lam Sơn đang làm, 1 hecta được từ 500 triệu đồng, thực tế có thể làm được 1 tỉ đồng, vì vậy chúng ta phải thay đổi. Đến năm 2020, tỷ trọng doanh thu từ mía đường chỉ nên ở mức 50%.

Tuy nhiên, để có được sự đồng thuận mạnh mẽ cho chiến lược này lại không đơn giản vì mặc dù đã đầu tư cho rau, hoa, quả từ rất lâu, nhưng Lam Sơn chưa thể làm lớn, chưa có nguồn thu đáng kể. Trong khi đó, khả năng tiêu thụ và đầu ra qua kênh xuất khẩu của những mặt hàng này, nếu sản xuất ở quy mô lớn, đang vô cùng khó khăn.

– Vậy, còn chương trình “làm mới lại cây mía, hạt đường” mà Lam Sơn cũng đã đề ra trong chiến lược phát triển, thưa ông?

Nếu trồng mía manh mún, không thể cơ giới hóa, đồng nghĩa với năng suất không cao. Đã từ lâu, tôi mơ ước Mía đường Lam Sơn có thể cùng người nông dân tạo ra được những “cánh đồng mẫu lớn”. Sau hơn 30 năm lăn lộn với ngành Lam Sơn có ngân hàng giống lên tới 370 loại, nhưng cứ đưa cho nông dân trồng ra ruộng được 3 năm là mất. Bởi họ làm lẫn tạp giống lung tung. Tôi đã quyết định, phải làm giống mía cho người dân. Cty đã đầu tư trung tâm giống công nghệ cao nuôi cấy mô, để mỗi năm có thể tạo ra 3 triệu cây giống, đáp ứng nhu cầu cho hơn 103.000 hecta trồng mới mỗi năm. Thêm vào đó, Lam Sơn còn hướng dẫn cho nông dân cách tổ chức lại đồng ruộng thế nào, canh tác ra sao để tới đây có thể nâng năng suất lên 50%, chất lượng đường tăng 20%.

Mơ ước của tôi là đến năm 2020 phải thực hiện dồn điền đổi thửa để có ít nhất 50% diện tích trồng mía quy mô lớn. 30 nghìn hộ trồng mía hiện nay xuống còn 20 nghìn hộ và tiến tới chỉ còn 2.000 hộ, mỗi hộ phải có 5 hecta để có thể cơ giới hóa sản xuất. Song, tôi cũng xác định được rằng, con đường sẽ đi của Lam Sơn không hề đơn giản. Vì thực tế, để tạo ra được 72 hecta đất trồng mía tập trung, chúng tôi đã phải trải qua 62 cuộc họp. Ngoài những vùng nguyên liệu đang khai thác, Lam Sơn còn có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu lên Tây Bắc Thanh Hóa với cứ điểm mới là huyện Bá Thước (năm 2014, Cty đã đầu tư xây dựng nhà máy gạch tại đây). Đây là huyện nghèo được hỗ trợ chính sách lớn, đất đai rộng, và nhà máy gạch là sự khởi đầu, mở đường cho một kế hoạch lớn. Tôi và cộng sự hoạch định, từ năm 2010 sẽ dời nhà máy số 1 lên Bá Thước nhằm xây dựng khu công nghiệp đường với quy mô 6.000 tấn tại đây, vùng có thể đảm bảo diện tích trồng mía cung cấp nguyên liệu cho nhà máy trong 30 – 35 năm.

– Ông có nghĩ đây là những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành?

Đây không phải là đầu tư ngoài ngành mà tính đến lợi ích dài hạn. Và với tất cả các DN muốn phát triển bền vững đảm bảo lợi ích cho người dân, DN và nhà nước cũng đều phải tính tới yếu tố dài hạn này.

Hơn nữa, chúng tôi vẫn đầu tư vào nông nghiệp chứ không phải đầu tư ngoài ngành. Làm đường giỏi lắm được 150 triệu đồng/hecta, nếu đầu tư vào nông nghiệp như LSS đang làm, 1 hecta được từ 500 triệu đồng thực tế có thể làm được 1 tỉ đồng, nên chúng ta phải thay đổi. Đầu tư nông nghiệp không dễ ăn nhưng chúng ta phải đi. Đến năm 2020, tỷ trọng doanh thu từ mía đường chỉ còn 50%. Công ty đường không chỉ có đường.

Văn hóa DN với tinh thần gắn bó, đồng cam đồng khổ đã tạo ra một môi trường gắn bó, thân thiết nhau như các thành viên trong gia đình tại Cty. Những gì tôi muốn tạo ra, đó là thay đổi những vùng quê nghèo cũng như cuộc sống của hàng trăm nghìn nông dân, giúp họ có thể gắn bó với đồng đất và không từ bỏ cây mía. Tuy nhiên, tuổi tác không chừa một ai. Rồi một ngày nào đó khi mọi chuyện được bố trí ổn thỏa tôi sẽ đứng sang một bên, ở vị trí cố vấn đường hướng chiến lược cho Cty. Và tôi tin đội ngũ kế thừa đã được đào tạo từ lâu nay sẽ tiếp tục vững vàng trên con đường mà Lam Sơn đã hoạch định.

– Xin cảm ơn ông và mong rằng những trăn trở của ông sẽ có lời giải!