Vegan cuisine is an essential element of the Vietnamese culture. This ancient practice is met with great support from the young and old alike in the modern day. No wonder Vietnam can easily be considered one of the top destinations for vegan travelers.
Ẩm thực chay – nét đặc sắc của ẩm thực Việt
CHƯƠNG TRÌNH FM SỨC KHỎE (KÊNH VOV GIAO THÔNG QUỐC GIA)
(VOVGT) - Ăn chay là tập tục tín ngưỡng, văn hóa truyền thống lâu đời của các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam.
Trong xã hội hiện địa ngày nay, ăn chay giờ đây không chỉ dành cho các nhà tu hành mà đã trở thành một xu hướng trong xã hội, đặc biệt là đối với giới tri thức và doanh nhân. Ngoài vấn đề về ẩm thực, người ta còn ăn chay để tìm kiếm sự bình yên, và cũng là tìm cho mình một nơi thích hợp để tịnh tâm suy nghĩ, giải thoát những phiền muộn của cuộc sống hiện đại.
Ăn chay - với những lợi ích và ý nghĩa mà chúng mang lại đã trở thành một phần văn hóa tốt đẹp trong cuộc sống ẩm thực của người dân Việt Nam. Ăn chay, gốc từ chữ Hán là trai, tức là giữ lòng được trong sạch. Xưa, có lệ trai giới, mỗi khi cầu nguyện với đất trời hay có việc tế tự trước 3 ngày ăn uống đồ chay (gọi là trai), trước 7 ngày giữ gìn thành kính tâm niệm việc mình cầu nguyện (gọi là giới).
Văn hóa ăn chay của người Việt xuất hiện từ lâu đời và được duy trì cho đến ngày nay. Thời phong kiến trước khi tế trời ở Đàn Nam Giao, nhà vua đã sống biệt lập, cử ăn thịt cá ba ngày, không được gần gũi cung phi, mỹ nữ.
Ngày nay, nhiều người tuy không đến chùa Phật để quy y Tam Bảo cũng nguyện ăn chay vì lý do nào đó. Hoặc ông bà cha mẹ ăn chay, con cháu giữ lệ cũng ăn theo, để báo hiếu. Cũng có trường hợp ăn chay để ngừa cao huyết áp, ăn những món thực vật để giảm lượng cholesterol trong máu.
Không có nghiên cứu nào thống kê tỉ lệ những món ăn có nguồn gốc từ thực vật chiến tỉ trọng bao nhiêu trong những bữa cơm của người dân Việt, cũng không có số liệu chính thức nào chỉ ra rằng người dân Việt Nam ăn chay từ bao giờ. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định rằng, người Việt Nam có truyền thống làm các món chay cũng lâu dài như nền văn hiến Việt Nam vậy.
Từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, cùng với lịch sử Phật giáo gắn liền với đời sống người dân Việt, ăn chay đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực nước nhà. Theo lời các Phật tử, chúng ta ăn chay để tránh nghiệp sát sinh, cũng như nuôi dưỡng lòng từ bi, yêu thương muôn loài; và khi ta yêu thương muôn loài cũng là ta đã yêu thương, tu dưỡng bản thân mình. Ăn chay còn thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình.
Văn hóa ăn chay của người Việt ngày nay đã phổ biến hơn trước rất nhiều. Từ nhiều năm nay, ngay cả trong những đám cưới, đồ ăn chay, cỗ chay đã xuất hiện ngày một nhiều và sánh vai cùng với những món mặn khác. Các bữa cỗ chay, buffet chay cũng phổ biến rộng rãi và thường xuyên hơn trước với số lượng món ăn nhiều hơn. Nguyên liệu sử dụng để nấu cỗ chay đang ngày càng trở nên nhiều chủng loại hơn và sự sáng tạo tìm tòi của đầu bếp để đồ ăn chay trở nên phong phú hơn làm cho văn hóa ăn chay trở nên gần gũi, thân thiện hơn đối với người Việt, nhất là những người đến với ăn chay với một sự tò mò.
Người Việt tìm đến đồ ăn chay với nhiều mục đích khác nhau. Tìm đến đồ ăn chay như một sự thưởng thức một nét ẩm thực đặc biệt, khác biệt hoàn toàn với những sơn hào hải vị đã chán ngán và không có lợi cho sức khỏe. Ăn chay để làm thanh tịnh tâm hồn sau những lo toan trăn trở, bộn bề của cuộc sống, có được chút thư giãn của tâm linh thật quý giá vô ngần, để cuộc sống giản đơn, thanh cao mà năm tháng ít dành được sự bình tâm, nhằm trở lại với cội nguồn của niềm an lạc. Ăn chay để tìm đến thú ẩm thực nhẹ nhàng mà nâng đỡ tâm hồn qua bữa cơm chay thanh đạm, giúp con người hướng đến bản nguyện nguyên thủy.
Ăn chay mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích mà chúng ta có thể chưa biết. Rất nhiều nghiên cứu khoa học trong 20 năm qua đều cho thấy ăn chay có lợi cho sức khỏe, vì giảm nguy cơ mắc các bệnh “hiện đại” như tim mạch, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, ung thư… Ăn chay là cách để bảo vệ chúng ta trước những hiểm nguy vô hình từ những món ăn có nguồn gốc từ động vật.
Ăn chay đã trở thành một nét văn hóa đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Những bữa cơm chay đã xuất hiện ngày một nhiều trong những bữa cơm của gia đình Việt. Giới trẻ đã tiếp cận với văn hóa ăn chay nhiều hơn, khái niệm ăn chay không còn trở nên lạ lẫm với những người trẻ tuổi. Họ tìm đến những bữa cơm chay với một sự tò mò, để rồi dần dần những bữa ăn chay đã trở thành một điểm đến thường xuyên.
Tìm đến những bữa ăn chay giờ đây đã không chỉ là thưởng thức những món ăn đặc biệt, những món ăn thanh đạm, mà là còn là sự trải nghiệm, là để lắng nghe những câu chuyện về Phật, về nhân quả của con người. Lắng nghe để cảm nhận, để chiêm nghiệm lại cuộc đời, chiêm nghiệm bản thân. Từ đó tìm cho mình một con đường đi đúng đắn hơn, làm tâm hồn của chúng ta trở nên thanh sạch hơn. Đó là những điều mà có lẽ không có nét văn hóa ẩm thực nào làm được ngoài văn hóa ăn chay.