Tịnh Tâm Trai – Đi tìm sự bình yên trong ẩm thực
Đoàn Phước An Nhiên
(Petronews.vn) - Từ 18/5 (nhằm 01/4 Ất Mùi) đến nay, tại số 246E Bạch Đằng, phường 24, quận Bình Thạnh, có rất đông Phật tử, người dân ghé vào một quán ăn chay ngay cạnh chùa Bồ Đề. Quán có cái tên “Tịnh Tâm Trai” nghe khá lạ tai với những người không theo đạo Phật.
Thiện Duyên
Nhìn từ bên ngoài, Tịnh Tâm Trai nổi bật bởi sắc hồng của một bông Sen, màu xanh lá đậm hàng chữ tên quán. Ở trước cửa, các nhân viên của Tịnh Tâm Trai đang tất bật phát cơm từ thiện cho người nghèo, lần lượt là các bác xe ôm, cụ già bán vé số, em nhỏ khuyết tật… lại nhận cơm chay giữa cái nắng trưa bỏng rát, khuôn mặt vẫn toát lên niềm vui vì ở đời vẫn còn những tấm lòng…
Bước vào trong ngồi, chúng tôi hỏi một người phụ nữ trạc 60, là chủ quán: “Thưa cô, chữ “Trai” trong “Tịnh Tâm Trai” có nghĩa là gì?”
Bằng cái giọng Huế nhẹ nhàng, cô rằng: “Trong đạo Phật có hai phương thức ăn chay là chay trường và chay kỳ. Đối với ăn chay trường là tự nguyện suốt đời dùng chất thanh đạm, không thọ dụng đồ huyết nhục. Còn ăn chay kỳ thì theo những ngày trong tháng, trong năm. Cụ thể là Nhị trai, Tứ trai, Lục trai, Thập trai, Nhất ngoạt trai, Tam ngoạt trai. Như Nhị trai là ăn chay mỗi tháng hai lần vào ngày mùng một và rằm. Tứ trai là ăn bốn lần chay trong tháng, vào ngày mùng một, mùng tám, rằm, hăm ba (hoặc ba mươi, mùng một, mười bốn, rằm)… Như vậy, “Chay” và “Trai” cũng được hiểu nghĩa như nhau…”
Tịnh Tâm Trai được bài trí nhẹ nhàng với sắc vàng, những nét chữ thư pháp và tiếng nhạc kinh êm dịu, một sự lắng đọng đối nghịch với những ồn ào từ con phố buôn bán sầm uất bên ngoài, dòng người, xe tấp nập lại qua…
Quán có diện tích độ 80m2 tầng trệt, trên lầu là các phòng lạnh riêng tư. Khu bếp nằm ngay lối vào, là nơi bày thực phẩm và chế biến hàng chục món chay thơm ngon, bắt mắt mà thực khách có thể nhìn thấy tận mắt.
Đặc biệt, khi bước vào quán, thực khách sẽ nhìn thấy ngay một kệ sách, là những cuốn sách nhỏ dạy người đời sự Từ tâm, Thứ tha, Tu thân…, do các vị đại đức viết nên. Bên cạnh là những đĩa DVD thuyết pháp về Phật giáo, về cách đối nhân xử thế ở đời… Cô chủ quán tên Bích Ngọc, một Phật tử, một doanh nhân nặng lòng với đời, với người, chia sẻ: “Cô để sách trên kệ, để ở mỗi bàn ăn để khi chờ món, khách có thể đọc sách. Nếu thích, có duyên, khách có thể mang về…”
Một sự đặc biệt của Tịnh Tâm Trai nữa là quán không kêu gọi đóng góp từ thiện, không đặt các hòm công đức lớn trong không gian quán. Mà ở một góc nhỏ, bên cạnh hoa và những cuốn sách nhà Phật, một hộp nhôm nhỏ nhắn với hai chữ “Thiện Duyên” dành cho những thực khách có lòng hảo tâm, góp chút tiền để Tịnh Tâm Trai tăng thêm số lượng các phần cơm từ thiện cho người nghèo. Phải là có duyên, bởi không phải ai cũng nhìn thấy chiếc hộp “Thiện Duyên” này. Cũng giống như cô Bích Ngọc, mở một quán chay cũng là “Thiện Duyên” với đạo Phật. Khách ghé đây, âu cũng là “Thiện Duyên”…
“Thôi kệ” và “Thứ tha”
Ngồi thưởng thức những món ăn gồm các loại trà sen, cơm trắng, các món rau xào, chả, rong biển, nấm…, chúng tôi lại được nghe rất nhiều câu chuyện của cô chủ quán.
Ở gần quầy bar, cô nhờ một người bạn viết cho hai chữ thư pháp thật lạ “Thôi kệ”. Rồi cô cười: “Thuở xưa, ở một ngôi làng hẻo lánh, có một ngôi chùa, trụ trì một nhà sư. Một ngày, có người phụ nữ bế một đứa bé con tới cổng chùa rồi nói với nhà sư rằng: “Nó là con ông. Ông nuôi đi!”
Choáng váng, ngại ngần, nhưng nhà sư vẫn bình thản chấp nhận và cười: “Thôi kệ…”
18 năm sau, người đàn bà tới chùa, rồi đòi con. Nhà sư gọi chú tiểu ở phía trong ra, nói với chú rằng: “Đây là mẹ ruột con…”
Người đàn bà dắt chú tiểu đi. Vị sư già vẫn bình thản, và “Thôi kệ” nhìn theo…”
“Thôi kệ” và câu chuyện nói trên có lẽ như gắn với cuộc đời người phụ nữ này, với bao sóng gió đổ ập, nhưng luôn trọn tin vào nhân – quả, vào yêu thương và vị tha…
Cô bảo “Phải tin vào nhân – quả” mới có thể tu thân, tu tâm và hướng thiện, vượt qua mọi nỗi khổ của cuộc đời…”
Một kiếp người rút gọn trong bốn chữ Sinh, Lão, Bệnh, Tử, nhưng đều là hư vô.
Và để hóa giải nỗi khổ của kiếp người, phải bằng một báu vật của tâm hồn, là tấm lòng, là cái tâm.
Nhà Phật có một câu chuyện nhiều ý nghĩa, về chọn Nghiệp, về Thứ tha . . .
Xưa, một vị sư già, trước lúc viên tịch đã quyết định đọc một biến kinh sau cùng của đời mình để bày tỏ lòng ăn năn hối cải. Nhưng biến kinh của ông đã không bao giờ thực hiện được. Vì khi sắp hết bài thì ngọn đèn chợt tắt, bởi có con thằn lằn đã bò lên đĩa đèn và uống cạn dầu. Vị sư già mắng nó là “nghiệt súc” và cầm dùi chuông đánh chết nó.
Linh hồn con thằn lằn bay về địa ngục. Diêm vương cho nó lựa chọn cách hóa thân. Thằn lằn nguyện xin đến đài hoàn vũ và thiêu hủy thân thể nó thành tro bụi. Mỗi hạt bụi được tung ra khắp bốn phương trời, sẽ hóa thành một tia sáng, soi rọi vào chốn mê lầm của con người.
Con thằn lằn đã chọn nghiệp từ thuở ấy, biết thứ tha từ thuở ấy. . .