An article by Oriental medicine practitioner Bàng Cẩm indicates that a nutritionally balanced plant-based diet can be beneficial for one's health.
Dinh dưỡng trong bữa ăn chay
Lương y Bàng Cẩm
(TNO) - Chế độ ăn chay nếu đảm bảo đủ protein và các chất dinh dưỡng sẽ có lợi cho sức khỏe. Thức ăn chay có nguồn gốc thực vật đều là loại giàu chất xơ, nhờ đó làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh đường ruột.
Ăn chay càng ngày càng phổ biến, đặc biệt, ăn chay trong những ngày lễ tết cũng là hình thức ẩm thực mà nhiều người thích chọn cho nhẹ bớt bụng.
Mỗi nơi cách ăn mỗi khác
Tập tục ăn chay ở các nước có sự khác nhau. Ở một số nước người ta phân biệt 4 loại ăn chay khác nhau tùy theo kiêng một hoặc nhiều loại thức ăn có nguồn gốc động vật: thịt động vật bốn chân (heo, bò, dê...), thịt chim và gia cầm (chim, gà, vịt...), cá, trứng, sữa và sản phẩm từ sữa (bơ, pho mát...). Tùy nơi mà việc ăn chay người ta kiêng các nhóm thức ăn nào. Người ăn chay hoàn toàn thì kiêng mọi loại thịt, cá, trứng, sữa, sản phẩm từ sữa, chỉ ăn các thức ăn từ nguồn gốc thực vật.
Có người ăn chay trường, có người ăn chay theo định kỳ một vài ngày trong tháng, hoặc mỗi tuần. Chế độ ăn chay của người Việt thường không có thực phẩm nguồn gốc động vật kể cả trứng và sữa.
Chú ý cân bằng dinh dưỡng
Khi ăn chay đừng quên bổ sung và cân bằng chất dinh dưỡng, chẳng hạn như:
Chất đạm: Chế độ ăn chay có thể không ảnh hưởng gì tới sức khỏe nếu như các thực phẩm từ thực vật cung cấp đủ lượng và các loại protein khác nhau. Tuy thức ăn từ nguồn gốc thực vật có thể cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể, vì nó chứa nhiều tinh bột, đường (bột mì, gạo...) và mỡ (đậu phộng, mè, dừa...) nhưng lại chứa ít protein hơn các thức ăn có nguồn gốc động vật. Các loại protein từ nguồn gốc động vật lại thường chứa đủ các loại a xít amin cần thiết cho hoạt động và phát triển của cơ thể người; trong khi protein từ nguồn gốc thực vật thường thiếu một số trong các a xít amin đó. Do vậy, người ăn chay trường trước tiên cần đảm bảo lượng protein trong chế độ ăn, phải ăn các thực vật chứa nhiều đạm như các loại đậu. Đồng thời cũng cần ăn phối hợp các loại thực vật khác nhau để có đủ loại a xít amin cần thiết cho cơ thể (phối hợp mì, gạo, các loại đậu khác nhau, đậu phộng, mè...).
Vitamin: Chế độ ăn chay có thể cung cấp đủ vitamin cho cơ thể, vì thực vật chứa hầu hết các loại vitamin như vitamin A, C, E và vitamin nhóm B. Đối với người ăn chay hoàn toàn, hấp thụ sinh tố B12 là khó hơn, vì sinh tố B12 chủ yếu đến từ các thức ăn động vật. Đối với người ăn chay với trứng và chế phẩm từ sữa, bữa ăn có thể cung cấp đủ sinh tố B12 thỏa mãn nhu cầu hằng ngày. Do vậy, người ăn chay hoàn toàn nên dùng các thức ăn giàu sinh tố B12 - chẳng hạn như bột bắp, bánh mì và sản phẩm từ các loại đậu.
Chất khoáng: Người ăn chay với trứng và chế phẩm từ sữa, chất can xi có thể hấp thu từ loại sữa ít béo. Với người ăn chay hoàn toàn, có thể hấp thu can xi từ bông cải xanh, nước bưởi, ngũ cốc và sữa đậu nành... Còn chất khoáng ma giê thì có trong tất cả các sản phẩm lúa mạch, đậu hũ, hạt giống, quả có hạt.
Tóm lại, chế độ ăn chay nếu đảm bảo đủ protein và các chất dinh dưỡng sẽ có lợi cho sức khỏe. Thức ăn có nguồn gốc thực vật đều là loại giàu chất xơ (rau, đậu, gạo...), nhờ đó làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh của ruột như ung thư, viêm ruột thừa.