Vietnamese award-winning photographer Trần Thế Phong (born 1969) has been a vegetarian for more than 27 years.
Nhiếp ảnh gia của trẻ em cơ nhỡ
Đào Văn Sử
(PL) - Mới ba tuổi, Trần Thế Phong đã thiếu hơi ấm tình thương của cha mẹ. Anh lấy gầm cầu, vỉa hè làm nhà. Phong đã lớn lên và chụp ảnh từ bụi bặm phố phường.
Vừa hoàn thành 50 ngày tham quan, tổ chức triển lãm ảnh và sáng tác ảnh tại Thụy Sĩ theo lời mời của Tổ chức Easy Productions, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong trở về nước là đến thăm và tặng quà các em nhỏ Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Sau đó anh lại khoác ba lô lên các huyện vùng cao Hà Giang sáng tác và tặng quà cho người già, trẻ nhỏ dân tộc thiểu số nghèo ở các bản vùng cao mù sương. Trần Thế Phong thương yêu, gắn bó với những trẻ em nghèo, bất hạnh vì chính anh cũng từ đó đi lên.
Trần Thế Phong (người cầm máy ảnh)
trong chuyến đi tặng quà các cháu vùng cao Hà Giang
(Ảnh do Trần Thế Phong cung cấp)
Tuổi thơ cực nhọc
Số phận khiến cậu bé Phong mới ba tuổi đã rời xa bố mẹ để về sống với bà cô. Cô Phong lại nghèo, không chồng con, khắt khe, dữ đòn nên lên sáu tuổi Phong đã bươn chải, lầm lũi kiếm sống bằng đủ nghề: dọn hàng, bán vé số, bán kem, bán dừa, làm nhang, khuân vác... Những hôm hết tiền thì Phong vào nhà chùa ăn cơm chay. Các nhà sư luôn thiện tâm cưu mang anh. Đến nay Phong đã 28 năm ăn chay trường.
Vừa làm, vừa học lại học giỏi nhưng hoàn cảnh không cho phép Phong nghĩ đến cổng trường đại học. Phong kể: “Những ngày đi bán báo dạo, tôi đã thấy nhiều đứa trẻ cùng lứa được chụp ảnh cùng bố mẹ, tôi thèm lắm và thấy tủi thân. Qua mỗi ngày tôi nhận thấy những tấm ảnh đẹp và ảnh tư liệu lịch sử có tác động rất lớn đến xã hội và mỗi con người. Tôi ước mơ được học nghề chụp ảnh. Từ đó, tôi quan sát mọi cử chỉ, động tác của những người thợ ảnh trên đường phố. Tôi quyết chí học nghề này. Đến khi dành dụm mua được chiếc máy Zenit rẻ tiền của Nga, tôi đến Nhà văn hóa Phụ nữ TP ghi danh học lớp nhiếp ảnh do thầy Phùng Hiệp phụ trách. Để có tiền học và mua phim, tôi xin vào làm phục vụ trong một quán cà phê. Năm 1998, tôi bắt đầu đi chụp ảnh dạo kiếm sống”.
Những ngày chạy bàn ở quán cà phê là quãng thời gian Phong có thêm vốn sống, tích lũy được những kiến thức xã hội, thương trường và học được kha khá tiếng Anh và tiếng Hoa. Khoản tiền dành dụm được sau khi trả tiền thuê mướn nhà, Phong mua máy ảnh.
Chỉ sau hai năm, giới nhiếp ảnh bất ngờ ghi nhận một tác giả mới toanh: Trần Thế Phong. Tác phẩm chụp cảnh cầu Mỹ Thuận của anh được Hội Nhiếp ảnh TP.HCM trao huy chương vàng và sau đó Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trao huy chương bạc.
Gặt hái vụ đầu bội thu không chỉ là niềm vui mà là động lực lớn củng cố niềm tin và tình yêu nhiếp ảnh của Phong. Dù bước lên bục vinh quang nhận giải thưởng lớn trong và ngoài nước, Phong vẫn luôn nghĩ đến trẻ em nghèo, bất hạnh. Phong vẫn chưa đủ tiền mua nhà song anh vẫn luôn có tiền làm từ thiện. Tính đến nay anh nhớ hơn 50 lần chuyển nhà thuê tại các quận Phú Nhuận, Tân Bình, quận 4, quận 3, quận 11 và quận 6.
Trẻ thơ “níu giữ” ống kính nhiếp ảnh
Mặc dù cuộc thử sức ban đầu thành công mỹ mãn nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong vẫn dành nhiều thời gian hướng ống kính của mình vào trẻ em nghèo và luôn đồng cảm với những trẻ tật nguyền, bất hạnh.
Ảnh của anh xuất hiện trong các triển lãm là những trẻ lam lũ, cực nhọc kiếm sống đủ nghề: bán báo, đánh giày, chăn bò, chăn vịt… Chúng nghèo nhưng luôn cười rạng rỡ, yêu lao động và tin vào tương lai.
Tập sách ảnh Những nẻo đường tuổi thơ và cuộc triển lãm ảnh cùng tên của anh đã gây xôn xao dư luận về tính nhân văn của nhiếp ảnh nghệ thuật.
Sau gần hai năm thương yêu, gắn bó với các em bị khiếm thị ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, Trần Thế Phong tổ chức cuộc triển lãm ảnh Vượt qua bóng tối và có tập sách ảnh về chủ đề này. Cuốn sách là câu chuyện thần kỳ của những em nhỏ sống trong thế giới của bóng tối - không sắc màu, không hình ảnh, không biết đến không gian... Trần Thế Phong đã tạo ra ánh sáng nghệ thuật từ trái tim nhân hậu của mình. Cùng với hai tập sách ảnh trên là tập sách Gánh đã được Trần Thế Phong đem sang Thụy Sĩ và triển lãm ảnh tại đó.
Trần Thế Phong tâm sự: “Hai cuộc triển lãm tại Bern và Wetzikon thành công ngoài sức tưởng tượng. Mình không nghĩ là bộ ảnh ấy lại tạo nên những cảm xúc yêu thương sâu lắng như vậy đối với người Thụy Sĩ. Triển lãm ở cả hai thành phố đều thu hút đông đảo người xem. Có cả các bạn du học sinh và bà con kiều bào ta tại Thụy Sĩ. Nhìn họ xem ảnh, mình nhận ra tình cảm của những người Việt xa quê thật nồng ấm yêu thương và có cả niềm vui, tự hào về dân tộc mình”.
Tạo ấn tượng hơn cả trong những tác phẩm ảnh của Trần Thế Phong vẫn là ảnh về trẻ thơ. Trần Thế Phong kể: “Ánh mắt của trẻ em trong các tác phẩm của tôi đã lay động tâm hồn, tình cảm của nhiều thế hệ bên nước bạn. Họ thực sự xúc động khi xem những tác phẩm: các em học sinh khiếm thị sinh hoạt, vui chơi, học chữ nổi; những trẻ em nghèo ở các miền quê Việt Nam hồn nhiên, vô tư thả diều, chăn bò, nhảy dây”.
Có thể nói những tác phẩm ảnh chân thực của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong vừa có chất báo chí phóng sự lại thể hiện tính nghệ thuật thông qua góc nhìn, bố cục, màu sắc của ảnh. Hai yếu tố ấy đã tạo nên sự rung động, truyền cảm trong ảnh của anh.
Những ngày ở Thụy Sĩ, anh còn vinh dự được sang nước Cộng hòa Áo nhận huy chương vàng cho tác phẩm Giờ học định hướng di chuyển - buổi học của các em khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu. Trước đó, cũng tại nước này, năm 2006 Trần Thế Phong nhận huy chương vàng tác phẩm Hồn nhiên; năm 2009 nhận huy chương vàng tác phẩm Cùng vui. Chuyến đi này anh đã đến nhiều vùng Thụy Sĩ sáng tác ảnh - đủ một triển lãm về Thụy Sĩ.
Ông Bùi Thanh Trường, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ:
Nhìn những tấm ảnh chân thật về cuộc sống hằng ngày của người Việt Nam qua sự tác nghiệp tinh tế và đầy cảm xúc của nghệ sĩ Trần Thế Phong được triển lãm tại Thụy Sĩ - một quốc gia tươi đẹp ở trung tâm châu Âu…, chúng tôi - những người đang công tác tại Đại sứ quán Việt Nam rất lấy làm tự hào. Cảm ơn Phong đã góp phần quảng bá đất nước, hình ảnh văn hóa con người Việt Nam đến bạn bè Thụy Sĩ và thế giới. Một kênh truyền tải hình ảnh, con người Việt Nam ra thế giới rất đáng được hoan nghênh.
(Trích sổ ghi cảm tưởng triển lãm ảnh tại Thụy Sĩ)
Chỉ gần 10 năm lại đây, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong đã ba lần nhận huy chương vàng nghệ thuật nhiếp ảnh tại Cộng hòa Áo; sáu lần nhận giải ảnh xuất sắc quốc gia; hơn 100 giải thưởng nhiếp ảnh; tám lần triển lãm ảnh cá nhân trong và ngoài nước...
|