Monday, July 21, 2014

Khu Vườn Nhà Ta: Trồng rau sạch trong nhà - an toàn và hiệu quả

Photo credit: Vũ Quỳnh / VietnamAnChay.com
There are a few good reasons to grow your own veggies. Click here for a Southern Living article on this very subject.

Trồng rau sạch trong nhà - an toàn và hiệu quả
Thu Hằng

(Viện Dinh Dưỡng) - Hiện nay rau sạch đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu khi trên thị trường rau quả, người tiêu dùng luôn phải đối mặt với các loại rau củ quả có sử dụng dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, vi khuẩn, hóa chất gây bệnh…bởi lẽ đằng sau đó là sự lo lắng về chất lượng, về sức khoẻ cho bản thân và gia đình. Nắm bắt đựơc tâm lý đó, các chuyên gia nghiên cứu đã đưa ra phương pháp trồng rau sạch trong nhà vừa hiệu quả, tiết kiệm lại vô cùng an toàn khi sử dụng.

“Vườn rau” chỉ 1m2:

Từ lâu vấn đề rau sạch đã được nhiều người nhắc đến, bàn đến nhưng khái niệm rau sạch là gì lại ít người hiểu được. Hiện nay có rất nhiều quan niệm khác nhau về rau sạch. Nhưng có thể hiểu rau sạch hay rau an toàn là loại rau được sản xuất theo quy trình kỹ thuật đảm bảo được các tiêu chuẩn sau: hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích…. nhằm giảm tối đa lượng độc tố trong rau như natri, thuốc trừ sâu, kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh. 

Tuy nhiên trên thị trường rau quả hiện nay để mua được rau sạch quả là việc làm khó khăn bởi nơi nào cũng quảng cáo là bán rau an toàn, rau sạch nhưng sự thật đôi khi ngược lại. Ngay cả trong siêu thị - nơi tưởng như an toàn nhất, lý tưởng nhất để các bà nội trợ yên tâm lựa chọn - nhưng cũng không có ai đứng ra đảm bảo 100% về chất lượng. Chị Thu Trang (Thanh Xuân- Hà Nội) chia sẻ: “Bây giờ cứ ra chợ thì phải mua rau vì bữa ăn không thể chỉ có thịt cá mà không có rau xanh,  nhưng còn để biết được rau mình mua có phải là rau sạch không thì chịu thôi, nhiều lúc mình cứ phải 'nhắm mắt bỏ qua'  để mua cho xong”. 

Đặc biệt trong thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng không ít lần cảnh báo về các loại rau sạch có sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, rau sạch được trồng bằng nước thải công nghiệp, nước cống rãnh… gây nên sự hoang mang cho người tiêu dùng.

Trước thực trạng đó, những chuyên gia nghiên cứu đã đưa ra giải pháp trồng rau sạch trong nhà. Đây không phải là phương pháp mới nhưng lại là biện pháp có thể coi là khá hữu hiệu và an toàn nhất cho người tiêu dùng trong tình hình hiện nay.

Trồng rau sạch trong nhà là việc không quá phức tạp bởi theo các chuyên gia,  trồng rau trong nhà tốn rất ít diện tích vì có thể tận dụng tối đa khoảng không gian ở nhiều nơi như ngoài ban-công, sân thượng, sân trước hoặc sân sau ngôi nhà,  thậm chí là hành lang chung cư…

Theo PGS Hồ Hữu An, khoa nông học, Đại học nông nghiệp I, gợi ý: “Chỉ với 1m2, bạn cũng có thể có  một 'vườn rau' với đủ loại rau quả phục vụ cho bữa ăn hàng ngày”. 

Để tiết kiệm diện tích có thể trồng từng cụm xen kẽ hay phân thành các tầng, hoặc cũng có thể dùng kệ xoay tròn, kệ phân tầng với mức độ cao thấp khác nhau để rau hấp thu được ánh sáng và trồng được nhiều rau hơn. 

Thường những cây ăn trái như cà chua, ớt, chanh.. nên trồng tầng trên cùng. Còn tầng kế tiếp thì trồng các loại rau nấu canh như rau dền, muống, mùng tơi… Tầng dưới cùng trồng rau mầm hoặc các loại cây dưa leo, mướp đắng,  rau húng… Nên trồng mỗi tầng cách nhau khoảng 10-30 cm.

Trồng rau sạch trong nhà có thể tiến hành theo các mùa trong năm, tùy vào thời tiết để chọn các loại rau trồng sao cho hợp lý. Ví như mùa hè nên chọn các loại rau như mùng tơi, muống, rau đay, rau cải, hoặc trồng thêm một số loại rau  thơm như kinh giới, húng, rau mùi… Nếu trồng trên sân thượng có thể trồng thêm các loại cây dây leo như mướp, bầu, bí, thiên lý, chanh leo, khổ qua…vừa để lấy quả, vừa để lấy bóng mát. Còn mùa đông nên chọn các loại rau chịu được thời tiết lạnh giá như bắp cải, su hào, cà chua, rau cải…

Việc trồng rau tại nhà không chỉ đem lại hiệu quả về chất lượng mà đồng thời còn tạo không gian xanh làm cho môi trường sống được trong lành hơn. Nó vừa là một thú vui giải trí, lại vừa tạo không khí trong lành, vui vẻ sau một ngày làm việc mỏi mệt.

Cô Nguyễn Minh Tâm (Cầu Giấy- Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi cũng mới áp dụng phương pháp này được ba tháng, nhưng tôi thấy rất hiệu quả, đặc biệt là  khi đi làm về cùng con gái  chăm sóc mấy chậu rau mình trồng, lại thấy chúng lớn rất nhanh, tôi vui lắm”. 

Tiết kiệm, đơn giản và an toàn

Mô hình trồng rau sạch rất phù hợp với người dân sống ở thành phố và đô thị, vì phương pháp này vừa đơn giản, vừa dễ làm lại ít tốn kém và rất an toàn khi sử dụng.

Nguyên liệu chính để có một vườn rau sạch là một chậu đất, bồn hoặc khay nhựa, máng xốp, thùng nhựa, hộp xốp và ít đất sạch (được làm từ mùn cưa, xơ dừa…. đủ dinh dưỡng) và một số loại giống cây trồng rau, củ quả với một loại nước dung dịch được bào chế đặc biệt để tưới rau. 

Theo nghiên cứu thì trồng trong khoảng hai tuần là ta đã có thể thu hoạch, như rau muống chỉ cần trồng bằng ngọn, tưới tắm thường xuyên là 10 ngày sau hái rau ăn được. Tính toán cho thấy chỉ cần một khay xốp có diện tích từ 30-40m2 là thu hoạch được gần 1kg rau sạch đã bỏ rễ.

Hằng ngày nên dành khoảng 1 tiếng để chăm sóc, tưới nước,  tốt nhất là phun sương nhẹ để ướt mặt khay. Không nên tưới buổi tối và tưới quá nhiều vì như vậy rau dễ bị ngập úng, trước khi thu hoạch khoảng 1 ngày nên ngưng tưới nước. 

Kỹ thuật trồng khá đơn giản, đầu tiên tạo bề mặt đất bằng phẳng trong hộp xốp, gieo hạt giống rồi trải đều, tiếp đó phủ một lớp đất sạch lên hạt khoảng 1cm. Sau một vài hôm hạt nảy mầm thì đưa ra nơi có ánh sáng và thường xuyên tưới nước. Liều lượng trồng như sau: 40m2cần 10 hạt giống và khoảng 350g đất sạch. Do vậy chỉ trong một khoảng thời gian ngắn là bạn đã có một lượng rau sạch đủ dùng mà không phải đi chợ mua, đặc biệt là tuyệt đối an toàn vệ sinh không phải lo lắng về các nguy cơ độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Chị Tuyết (Đống Đa - Hà Nội) cho biết: “Từ ngày sử dụng phương pháp này, gia đình tôi rất yên tâm khi ăn rau vì tự tay mình trồng, không dùng thuốc hóa học, thuốc kích thích thì có gì phải lo nữa. Bây giờ gia đình tôi đã có hẳn một vườn rau ngoài ban-công với nhiều loại rau khác nhau, rất tiện sử dụng”.

Phương pháp này mặc dù dễ làm nhưng để có một vườn rau xanh tốt cũng tốn khá nhiều thời gian, đặc biệt là lúc mới trồng cây hay bị chết và bị sâu bệnh, đôi khi mô hình này cũng gây sự bất tiện trong gia đình vì phải dành một khoảng không gian vốn đã chật chội cho việc trồng rau. Tuy nhiên để đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho bản thân và gia đình, nhất là trong tình hình dịch bệnh đang hoành hành hiện nay thì phương pháp này nên chăng cần được nhân rộng, phát triển ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các khu đô thị và thành phố lớn.