A good-hearted Vietnamese couple from Tây Ninh runs an eatery serving low-cost ($3,000 đồng) vegetarian food to the poor. The banner reads: "As long as we still have a bowl of rice, we promise to share half of it with you." The shop is aptly named Love.
Sẻ nửa bát cơm
Bài & ảnh: Yến Trinh
(TT) - San sẻ nỗi nhọc nhằn với người lao động nghèo, từ tháng 9-2013 vợ chồng anh Đặng Quý Nhân và chị Nguyễn Thị Lan mở quán cơm chay Tình Thương (đường Phạm Hùng, huyện Hòa Thành, Tây Ninh) với giá bán chỉ 3.000 đồng/đĩa.
Tôi gọi đĩa cơm gồm mấy loại rau xào, đậu hủ chiên được bày biện ngon mắt rồi ngồi cạnh những thực khách lưng đẫm mồ hôi suốt một sáng nắng, nhiều người lem nhem ướt vì cơn mưa vừa ào xuống...
“Một nắm khi đói...”
Chưa tới 11g nhưng quán đã đông kín, có người không còn chỗ nên ngồi đỡ trên chiếc võng dành cho đứa con 2 tuổi của chủ quán mắc gần đó. Quán bài trí giản đơn với hơn chục bộ bàn ghế nhựa con, hai bình đựng sữa đậu nành và trà đá đặt giữa quán để khách tiện rót uống.
Trời càng về trưa càng oi bức nhưng lòng người dịu lại vì hai tấm bảng chữ trắng nền xanh trên vách quán đề: “Nếu chỉ còn một chén cơm, tôi hứa sẽ chia cho bạn một nửa” và “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”.
Anh Nhân, chủ quán, nói: “Tôi để hai tấm bảng này để bà con tới ăn cơm cảm thấy được sự sẻ chia, và cũng để tự nhắc mình phải phục vụ bà con thật tốt”. Nói đoạn, anh lật đật vào trong bưng ra hai đĩa cơm, miệng cười tươi trao cho hai khách vừa mới ngồi xuống. Chị Lan cũng tất bật ra vào đưa cơm, lấy cơm thêm, nhắc mọi người rót sữa đậu nành uống, rồi quay qua dỗ dành đứa con 2 tuổi đang khóc. Chị nói nhiều khi mê bán cơm quá quên luôn con mình không ai đưa võng...
Tôi để ý một người đàn ông mặc chiếc áo quân phục cũ mèm đang ngồi ăn chậm rãi đĩa cơm của mình. Ông tên Lâm Văn Hữu, 53 tuổi, từ Đồng Tháp lên đây bán vé số được ba tháng nay.
“Tui có phước quá, ở dưới bán buôn không được, lên đây đang lo lạ nước lạ cái, ai ngờ gặp được hai vợ chồng bán cơm tốt bụng vầy. Họ bán với giá như cho không mà còn tự tay bưng cho mình, đối xử với mình như người nhà” - ông nói. Từ sáng tới chiều, ông đạp xe đi bán lời được chừng trăm ngàn, mỗi tháng nhín nhút gửi về cho vợ 1 triệu đồng. Giọng ông mừng mừng tủi tủi: “Trước khi biết quán này, mỗi ngày tui tốn cỡ 40.000 đồng tiền ăn cơm, nay tui ráng dành phần đó để cuối tháng gửi thêm cho vợ, bả ở dưới bệnh dữ lắm...”.
Năm ngoái ông mới mổ túi mật nên giờ ăn rất ít nhưng cũng vét sạch những hạt cơm còn lại để không phụ lòng người nấu, ăn nhanh miếng dưa hấu tráng miệng, ực một hơi trà đá rồi cẩn thận rút 3.000 đồng trong xấp tiền lẻ xếp phẳng phiu trao tận tay chủ quán. Trưa nào ông cũng tới đây ăn và chưa khi nào ông quên nói hai chữ “cảm ơn” chân thành.
Khách đến quán không chỉ người bán vé số, thợ hồ, làm mướn mà có cả tiểu thương, công chức, học sinh... Em Trần Thiện Phước, học sinh lớp 12, trưa nào cũng đạp xe 2 cây số từ trường qua đây ăn và mua về một phần cho em trai.
Phước nói: “Mẹ em đi bán thuê ngoài chợ, trưa hơn 12g mới về nên nhiều khi nấu cơm không kịp giờ cho em trai đi học buổi chiều. Từ ngày biết quán cơm này, em đạp xe xa nhưng lo được cho em của em, mẹ đỡ cực, mừng lắm!”. Phước kể mỗi ngày mẹ được trả công 50.000 đồng nên hai anh em ăn cơm như vầy tiết kiệm được khá nhiều cho mẹ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (32 tuổi) đưa cho đứa con gái 2 tuổi của mình hai tờ tiền lẻ. Đứa bé đi lẫm chẫm, giơ hai tay trao tiền cho chị chủ quán và nhoẻn cười, rồi theo mẹ đi bán tiếp giữa trời nắng rát. Ai nhìn cảnh đó cũng vừa thương vừa xót. Chồng chị làm thợ hồ, từ khi con được hơn tuổi chị phải vừa đi bán vé số vừa ẵm theo con vì để ở nhà không ai trông.
“Lúc mới tới ăn quán này tôi ngại lắm, vì bỏ ra 3.000 đồng mà được ăn một bữa no nê, nhưng chị chủ quán luôn nói tôi đừng ngại gì hết, ráng ăn mà có sức đi bán. Trưa nào hai mẹ con cũng kêu một đĩa cơm ăn chung, ngày nào quán vắng thì ngồi đây nghỉ trưa luôn” - chị bộc bạch.
“Một nắm khi đói” của quán đã giúp nhiều người như chị, như em học sinh, ông lão bán vé số... được bữa no, được đong đầy tình người.
Những người tốt bụng
Khi quán ngớt khách cũng đã hơn 13g, tôi mới chuyện trò được với hai vợ chồng.
Chị Lan đang vui bỗng trầm lại khi nói lý do mở quán cơm Tình Thương: “Tôi mồ côi cha từ nhỏ, nhà sáu anh em nheo nhóc đói khổ. Tôi đã từng húp nước thừa trong tô của khách khi đi phụ bán hủ tiếu vì quá đói. Lúc đó tôi tự nhủ nếu sau này đủ ăn đủ mặc phải chia sẻ với những người có hoàn cảnh như mình ngày xưa”.
Hai vợ chồng cũng thường góp tiền từ thiện cho chùa, hỗ trợ an táng cho những người vô gia cư. Nhưng lâu dần thấy như vậy không giúp được nhiều người, chị Lan bèn bàn với chồng mở quán cơm.
Anh Nhân trước đây công tác ở Quân khu 7, sau về ở hẳn nhà, nghe vợ nói ủng hộ hết lòng. Chẳng dựa trên mô hình nào, họ cứ vậy mà làm cho đến nay được gần một năm.
Tận dụng mặt bằng đang thuê (1 triệu đồng/tháng) để bán lẻ đồ điện tạp hóa, hai vợ chồng sắm sửa đồ đạc rồi rủ thêm ba phụ nữ hay làm công quả ở chùa đến phụ giúp.
Chị Lan chọn bán cơm chay một phần vì nguồn tài chính gia đình cũng eo hẹp, phần vì chị mong muốn ăn chay sẽ giúp người ta hướng thiện.
“Tôi cũng cân nhắc cái giá 3.000 đồng, nếu cao hơn thì tội cho khách đến ăn, mà nếu miễn phí sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của họ vì họ nghĩ mình được bố thí” - chị Lan nói. Chị nhớ hoài ngày khai trương quán 10-9-2013 bởi chẳng có kinh nghiệm nên chuẩn bị không đủ nồi nấu cơm, hộp cơm cũng thiếu, lúng túng khi bưng bê phục vụ...
Phải đến hai tháng sau mọi việc mới đâu vào đó, số lượng cơm bán ra cũng giữ ổn định chừng 200 phần/ngày. Mỗi ngày quán bán từ 10g tới 16g, nghỉ ngày 2 và 16 âm lịch hằng tháng. Những ngày ăn chay theo tín ngưỡng đạo Cao Đài, quán bán đến 400 phần cơm. Đây cũng là những ngày cực nhọc nhất với vợ chồng chị Lan nhưng “làm riết cũng thành quen, khách càng tới nhiều thì mình càng giúp được nhiều người” - anh Nhân nói.
Phía bên trong, ba chị phụ bán, người ngồi rửa chén, người sắp xếp lại đồ đạc. Họ đều mặc màu áo nâu sồng của nhà chùa, nét mặt phúc hậu.
Anh Nhân nói mỗi ngày anh đều chia lại số tiền bán cơm cho các chị nhưng chẳng đáng bao nhiêu vì công việc ở đây cực nhọc đủ thứ, chủ yếu họ gắn bó với quán cơm vì lòng thương người.
Bà Võ Thị Hiếu từ Bạc Liêu lên ở nhà con trai để chữa bệnh, nghe chị Lan nói về quán cơm, thấy “ham quá” nên qua phụ mỗi ngày. Sáng bà dậy từ 5g đạp xe sáu cây số qua quán, lui cui nấu nướng bày biện, chiều sau 16g - lúc quán đóng cửa - bà lại đạp xe về. Là giáo viên tiểu học về hưu, bà nói trước giờ chưa từng bưng bê phục vụ như vầy, nhưng đây là việc tốt nên bà thấy khỏe người hẳn.
Chị Đỗ Thu Cúc cũng nghỉ luôn việc bán quà vặt ở cổng trường để qua đây phụ bán. Chồng chị đi làm phụ hồ không dư dả gì nhưng cũng đồng tình cho chị đi.
Chị nói đùa đây là “nghề số một” của mình dù ít khi nhận tiền công.
Còn bà Phạm Thị Diễm gần như không nghỉ ngày nào vì “nghỉ một ngày là thấy buồn, già cả rồi giúp được ai cái gì thì giúp”. Chị Lan nghe vậy nói với tôi: “Chính nhờ những chị này, nhờ nét mặt giãn ra bớt lo toan của những người đến ăn cơm mà vợ chồng tôi bền lòng với việc mình làm”.
Từ chối tiền từ thiện
Biết hai vợ chồng làm việc tốt, nhiều người tìm đến để ủng hộ gạo, tiền cho quán nhưng cả anh Nhân lẫn chị Lan đều chối từ. Chị Lan kể có nghệ sĩ đến ủng hộ 50 triệu đồng, có những nhà hảo tâm mang đến cho số tiền lớn... nhưng chị đều không nhận. Có chị bán vé số ăn xong đưa 20.000 đồng kêu khỏi thối, chị cũng kiên quyết từ chối.
Chị bộc bạch: “Tụi tôi rất quý tấm lòng của những nhà hảo tâm, nhưng hai vợ chồng còn sức lo được cho quán. Trong khi đó có những nơi cần sự giúp đỡ hơn tụi tôi nhiều”.
Tôi hỏi chuyện lời lỗ ra sao thì anh Nhân cười xòa nhẩm tính: “Mỗi ngày tôi bù lỗ khoảng 300.000 đồng cho quán, ngày nào bán nhiều thì tính ra phải 800.000 đồng. Mà tính chuyện bù lỗ cũng chẳng để làm gì, đã quyết tâm nên tụi tôi sẽ làm hết sức”.
Địa chỉ cho và nhận quần áo cũ
Ở góc quán, hai vợ chồng để bảng “Ở đây thu nhận quần áo cũ” để ai có đồ cũ thì đem đến, ai cần quần áo cứ thoải mái lựa chọn đem về. Mỗi khi có người đem đồ đến, chị Lan giặt sạch, treo móc hoặc xếp gọn gàng để khách ăn cơm hoặc người đi đường tiện lựa chọn. Anh Nhân kể quần áo còn tốt nhưng ít mặc của hai vợ chồng và con trai anh chị cũng được “trưng dụng” ra đây cho khách ăn cơm cần quần áo!
|