Stuffed bitter melon, a vegan dish from Cơm Chay Sen Vàng |
People in Vietnam, especially those from the Mekong Delta, are rather quite familiar with the vegetarian lifestyle.
Cách ăn chay của người miền Tây Nam Bộ
Út Tèo
(Dân Việt) - Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam hay còn gọi là vùng đồng bằng Nam Bộ hoặc miền Tây Nam Bộ. Đây là một bộ phận của châu thổ sông Mêkông có diện tích khoảng 40.000 km2, với trên 17 triệu người dân cư ngụ.
Nơi đây, điển hình nhất là bốn dân tộc chính: Việt – Hoa – Khmer và Chăm cư ngụ. Trong đó, người Việt, người Hoa phần lớn theo Phật giáo Đại thừa Bắc Tông, người Khmer theo Phật giáo Tiểu thừa Nam Tông, còn người Chăm theo đạo Hồi.
Ngoài những tín ngưỡng chính thống, người dân lao động miền Tây Nam Bộ còn thực hiện những nghi thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đậm chất dân gian. Một trong những biểu hiện đó là ăn chay, ăn lạt.
1. Dân gian miền Tây Nam Bộ gọi ăn chay là ăn lạt, người ăn chay thường chỉ ăn thực vật như: lúa, bắp, khoai, đậu, rau, trái cây, không ăn thịt động vật từ tôm cá đến heo, gà...
Thực tế, khái niệm này cũng phức tạp bởi các hình thức thể hiện của nó. Bởi:
Một là, ăn chay là ăn những thứ ăn không qua chế biến. Có người ăn chay chỉ ăn toàn trái cây chín. Có người lại vừa ăn trái cây chín, vừa ăn những rau đậu nào mà xưa nay con người dùng ăn sống như rau má, dưa leo, cải bẹ, …
Hai dạng thức này không ăn thức ăn qua chế biến trên lửa vì họ quan niệm rằng đã nấu nướng thì không còn hạp với lẽ tự nhiên, hơn nữa nấu nướng làm cho cây trái giảm bớt tinh chất vốn có của nó.
Hai là, ăn những loại thực vật kể cả còn tươi nguyên hay đã qua chế biến như xào, nấu, nướng, … Đến đây, lại có người giữ chính chắn không dùng ngũ tân. Ngũ vị tân là năm món gia vị có mùi cay nồng gồm: Hành (cách thông), hẹ (từ thông), tỏi (đại toán), kiệu (lan thông), và hưng cừ, tên khoa học là Allium fistulosum, là loại gia vị có hình dáng và mùi vị tương tự củ nén không có ở Trung Quốc và Việt Nam (Theo Từ điển Phật học Hán – Việt, Nxb Khoa học Xã hội, 2003, tr. 806).
Lý do người ăn chay không nên ăn, vì đặc tính của những thứ này chứa nhiều tố chất kích thích và mùi vị cay nồng, ăn nhiều, thân thể có mùi hôi, nóng nảy và bị kích dục.
Theo Kinh Lăng Nghiêm, quyển 8, Phật dạy: Các chúng sinh cầu thiền định (Samadhi) không nên ăn năm món cay nồng của thế gian. Vì năm món cay nồng đó nếu ăn chín thì phát dâm, ăn sống thì sinh nóng giận. Người nào ăn năm món cay nồng ấy thì dẫu có tài giảng thuyết mười hai bộ kinh, chư thiên mười phương đều chê bai hôi thúi và xa lánh...
Tuy vậy, cũng có người không kiêng kị các vị này.
Ba là, ăn thảo mộc cùng với những thứ không máu như mật ong, sữa bò, thậm chí cả tôm, tép, nghêu, vọp, đuông,… (dân gian cho rằng đây là những thứ không có máu, dù thực tế thì những loài sinh vật này có máu màu trắng, xanh…). Xét cho cùng thì cách ăn này đã “vượt luật” Phật giáo, vì giáo lí cho rằng hễ động vật nào, thuộc tứ sanh (gồm: 1. Thai sanh: loài đẻ con/ 2. Noãn sanh: loài đẻ trứng/ 3. Thấp sanh: loại ở nước/ 4. Hóa sanh: loại hóa hình, như đuông, nhộng,…) biết bò, bay, bơi lội, đi đứng, cử động thì đều có sinh mạng, ăn thịt chúng, tức là phạm tội sát sinh.
Riêng về rượu, người ăn chay cũng không dùng. Rượu tuy không phải là vật mặn và là một vật không thể thiếu khi tiến hành các nghi lễ dân gian như đám cưới, đám giỗ, đám tang, …
Rượu đứng đầu tứ đổ tường (tửu, sắc, tài, khí) lại thuộc vào hạng ngũ giới cấm (sát sanh; du đạo; tà dâm; tửu nhục; vọng ngữ). Ngoài chức năng nghi lễ, dân gian cho rằng rượu có nhiều tác hại:
- Hại cho cơ thể: rượu vẫn là chất nóng, uống nhiều rượu sẽ làm cho tạng phủ mau chóng hao mòn, suy kém. Người nghiện rượu dễ mắc những căn bệnh hiểm nghèo.
- Hại về tinh thần: người uống nhiều rượu sẽ làm cho tinh thần bấn loạn, rối loạn hành vi, đi đứng lảo đảo, kẻ uống rượu nhiều thường hay lảng trí, tay chân tê bại, tai điếc mắt lờ.
- Hại về thuần phong mỹ tục, luận lí xã hội: người uống rượu không chỉ làm lụy cho thân mình, mà còn lưu hại đến người thân, gia đình, dòng họ và làng xóm. Tục ngữ có câu: Rượu vào lời ra, dễ gây mất niềm hòa khí.
Vì những lẽ đó mà người ăn chay cử rượu.
2. Có hai hình thức ăn chay là: Ăn chay trường và ăn chay kỳ.
Trường trai: là ngày nào cũng ăn chay.
Kỳ trai, cách ăn chay này lại chia làm nhiều hình thức:
- Nhị trai: mỗi tháng ăn 2 ngày là mồng 1 và ngày rằm. Ngày xưa không có lịch, đặt ra cách ăn 2 ngày vào ngày trăng tròn (ngày vọng: ngày rằm) và ngày không trăng (ngày sóc: mồng một).
- Tứ trai: mỗi tháng ăn 4 ngày: mồng 1, 14, rằm, 30 (tháng thiếu thì ăn vào ngày 29).
- Lục trai: mỗi tháng ăn 6 ngày: mồng 1, mồng 8, 14, rằm, 23, 30 (tháng thiếu thì ăn vào ngày 29).
- Thập trai: mỗi tháng ăn 10 ngày là mồng 1, mồng 8, 14, rằm, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu ăn vào các ngày 27, 28, 29).
- Nhất nguyệt trai: ăn chay trọn tháng giêng hoặc tháng bảy.
- Tam nguyệt trai: ăn chay trọn tháng giêng, tháng bảy và tháng mười.
3. Ðối với tôn giáo, ăn chay tất khỏi sát sanh, mà sát sanh nằm trong những điều cấm kị của Ðạo Trời, Phật. Dân gian truyền rằng Phật đã dạy, phàm làm người không ai nỡ ngồi nhìn con người vì miếng ăn mà hại mạng thú cầm. Cầm thú tuy không biết nói, chứ cũng biết muốn sống, sợ chết như mình, cũng biết đau đớn, buồn vui như mình, cũng biết tình nghĩa thân ái như mình. Một động vật là một mạng sống vậy. Mình nỡ nào vì ngon miệng mà hại mạng nó cho đành?
Theo học thuyết Nho giáo, Mạnh Tử nói: Quân tử chi ư cầm thú giả, kiến kỳ sanh bất nhẫn kiến kỳ tử, kiến kỳ thinh bất nhẫn thực kỳ nhục. (Người quân tử đối với cầm thú, trông thấy sống mà không nỡ trông thấy chết, nghe tiếng kêu la mà không nỡ ăn thịt.)
Dân gian miền Tây Nam Bộ còn truyền câu chuyện liên quan đến việc cúng chay và cúng mặn cho người đã khuất. Chuyện kể rằng: Có một người nọ nhà giàu khi chết, con cháu làm ba bò bốn heo để đãi đằng khách khứa. Mấy năm sau nữa, đám giỗ cũng cúng rất to. Bỗng năm ấy, khi gần ngày giỗ, trưởng nam của người chết nằm mộng thấy cha hiện về hình hài xơ xác tay dắt theo nào bò, nào trâu, chó, gà, vịt, …
Người cha than rằng: Bấy nhiêu súc vật cầm thú con làm cúng cha, nó không đi đầu thai được, Diêm Vương bắt cha phải giữ nó, cực thân cha quá, có thương cha, con hãy làm đồ chay và vô chùa cầu cho linh hồn chúng mau siêu thăng, có vậy cha mới đi đầu thai kiếp khác được!
Tỉnh dậy, người con lạnh toát mồ hôi, nguyện làm mâm cơm chay cúng cha để phụ thân sớm lên miền cực lạc.
4. Những người ăn chay vốn là những người đã tu tại tâm, nhờ ăn chay tánh tình sẽ hiền lành đối với mọi người, mọi loài, được mọi người thương yêu và kính trọng.
Người ăn chay là người hồi tâm hướng thiện, rèn luyện tính tình cư xử khiêm cung, ăn ngay ở thật, lửa giận biết dằn, lòng hay nhẫn nhịn, gặp việc phải thường chẳng bỏ qua.
Dân gian còn khuyên nhau rằng, người ăn chay nên tránh những điều sau đây:
Thứ nhất, không nên kiêu ngạo, không khoe khoang rằng vì lòng từ với chúng sinh nên mới ăn chay, không nên tự cho là hay, giỏi, coi rẻ người chưa ăn chay, sẽ gây ác cảm với người khác và làm tổn đức của mình.
Thứ hai, không nên ăn uống quá kiêng cữ, thiếu dinh chất, gây bệnh cho cơ thể.
Thứ ba, người ăn chay thì không nên giả mặn, không dùng tên gọi có xuất xứ từ động vật, không nắn thành hình con chim, gà, vịt hay thịt bò, thịt heo...
Thứ tư, không nên gây phiền cho người khác. Đến nhà người ăn mặn thì nên chủ động chuẩn bị trước cho mình, hoặc giả cứ ăn tạm với những thức ăn có thể ăn được như rau cải, dưa leo, tương, muối...
5. Ăn hoa quả tươi có nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe con người. Nhờ lượng enzim mà rau quả mang đến, các độc tố sẽ bị đào thải khỏi gan, ruột, thận và các bắp cơ. Nó cũng làm lành sẹo, làm trẻ hóa các tế bào, phục hồi các bộ phận bị tổn thương hay nhiễm độc.
Ăn chay còn giúp cho cơ thể có thân hình cân đối bởi rau xanh và hoa quả cung cấp nhiều chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, việc các năng lượng thừa tích trữ thành mỡ trong cơ thể cũng không có điều kiện xảy ra.