Entrepreneurs have relatively more ways and means to do charity work. Giving back to society is both our duty and blessing.
Doanh nhân làm từ thiện
(VNT) - Tất cả mọi người không ít thì nhiều, đều có những hoạt động từ thiện. Chuyện “Doanh nhân làm từ thiện” được nêu ra ở đây vì doanh nhân là người có hoàn cảnh, điều kiện thuận lợi nhất để làm từ thiện.
Theo nghĩa thông thường, doanh nhân là những người tìm kiếm lợi nhuận qua việc sản xuất kinh doanh, mua bán, trao đổi hàng hóa hoặc cung cấp các dịch vụ phục vụ cho các hoạt động ấy. Doanh nhân có phạm vi hoạt động rộng rãi và mức độ thành công phần lớn tùy thuộc vào tính chất xã hội trong các hoạt động, từ đó đóng góp vào tài sản quốc gia, vào sự giàu có, thịnh vượng của đất nước. Mặt khác, lợi nhuận của một cá nhân là do sự lưu chuyển, trao đổi, phân phối có điều kiện của nhiều hoạt động khác như sản xuất, tiêu dùng, nhu cầu, dịch vụ. Đó là chưa nói đến hoàn cảnh đất nước, chế độ chính trị, bối cảnh của khu vực và toàn cầu. Do đó, có thể nói lợi nhuận của một doanh nhân được rút ra từ các sinh hoạt xã hội và đồng thời đóng góp cho lợi ích của xã hội. Trong cách hiểu như thế, ý nghĩa hoạt động từ thiện của doanh nhân vừa là bổn phận, vừa là công đức.
Vị doanh nhân lớn nhất, có công đóng góp cho Phật giáo nhiều nhất, làm từ thiện mạnh mẽ nhất trong thời Đức Phật chính là Cấp Cô Độc (Anathapindika). Là một tài chủ ở Savatthi, xứ Kosala, được xem là doanh nhân thành đạt nhất trong thời ấy, ông đã đem hết tài sản đồ sộ của mình để làm từ thiện, giúp cho những người nghèo khó, đơn chiếc nên được người đời tặng biệt danh là Cấp Cô Độc (cấp dưỡng cho những người khốn khó, neo đơn). Vẫn theo đuổi doanh nghiệp, sống một đời sống thiện lành, ông được Đức Phật giảng dạy và chứng Thánh quả Dự lưu.
Kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Nghiệp Công Đức, ghi lời Phật dạy cho doanh nhân Cấp Cô Độc gồm bốn điều tạo hạnh phúc:
1. Có ổn định kinh tế gia đình, có tiền của do làm ăn lương thiện đúng đắn;
2. Chi tiêu đầy đủ và đúng mức cho bản thân, gia đình, cha mẹ và cho việc từ thiện;
3. Không có nợ nần;
4. Sống ngay thẳng, thiện lành, hành động, nói năng, ý nghĩ trong sạch, hiền hòa.
Việc làm từ thiện của một người xuất phát từ lòng trắc ẩn, tình yêu thương đồng loại đang bị khốn khổ. Người Phật tử thì quan niệm rằng mọi sự đều có liên hệ mật thiết với nhau, cho nên mọi người đang khốn khổ kia là một duyên sự của sự hiện hữu của ta, ta cần phải làm cho họ vơi đi nỗi khổ cũng như ta muốn vơi đi nỗi khổ của chính mình.
Lại nữa, giáo lý nhân quả, luân hồi giúp cho người Phật tử thấy rằng tất cả mọi chúng sinh đều có liên hệ cha mẹ, vợ chồng, anh em, bè bạn,… từ bao kiếp trước và cả về sau này nữa, cho nên mọi chúng sinh, mọi người đều có thể đã từng và sẽ là người thân thuộc của chúng ta; do đó ta thương yêu giúp đỡ mọi người, mọi loài, nhất là những người nghèo khó, hoạn nạn.
Lại nữa, người ta nhất định sẽ cảm thấy hạnh phúc hoặc ít hoặc nhiều tùy theo mức độ mở rộng tấm lòng theo bốn cách (tứ vô lượng tâm - bốn cái tâm vô lượng):
1. Tâm từ, tức lòng yêu thương và tạo sự an vui cho chúng sinh;
2. Tâm bi, tức lòng thương xót và tìm cách đoạn trừ sự khổ đau, hoạn nạn cho chúng sinh;
3. Tâm hỉ, tức lòng vui mừng khi thấy chúng sinh được lìa khổ;
4. Tâm xả, tức tâm thái tự tại, xem mọi chúng sinh đều bình đẳng, không phân biệt thương ghét.
Cả bốn điều trên đều là chỗ xuất phát và đồng thời là động cơ của việc làm từ thiện. Bố thí là sự thể hiện chủ yếu của việc làm từ thiện, là sự trao tặng, cung cấp mà không đòi hỏi sự trao đổi, đáp trả, là sự trao tặng tiền bạc, vật dụng, phương tiện, lời khuyên, lời chỉ dẫn đúng đắn, và ngay cả những sự việc nhỏ như trao một ánh mắt, một nụ cười thân thiện… Và như thế ta có thể tùy theo trường hợp, hoàn cảnh để bố thí cho tất cả mọi người, trong đó người nghèo khổ, hoạn nạn cần được lưu tâm trước nhất.
Hiển nhiên, khi chết đi, ta không thể mang theo cái gì cả. Người Phật tử tin rằng khi chết đi, người ta mang theo cái nghiệp của mình, tức là cái “phước” hay cái “tội” tùy theo hành động tốt hay xấu mà người ta đã làm để theo đó, những đời sống tiếp theo của ta sẽ được tốt hay xấu. Làm từ thiện là phước đức, là công đức vậy.
Việc làm từ thiện là phổ biến đối với mọi người, mọi tín đồ của mọi tôn giáo. Đối với tín đồ của các tôn giáo ở các quốc gia phát triển, việc làm từ thiện càng có kết quả to lớn, khả quan. Theo luật nhân quả, bất kể tin theo tôn giáo nào, bất kể là người có tôn giáo hay không có tôn giáo, việc làm từ thiện vẫn luôn được trân trọng, trước hết là đáp ứng được bổn phận làm người, đạo lý con người. Theo quan điểm Phật giáo, bạn tích cực, tận tụy thì dù không tin Phật, không phải là Phật tử, bạn vẫn có thể sinh lên cõi trời hạnh lạc, trong khi những người tin Phật mà chỉ biết cầu xin cho mình, tham lam, keo kiệt, không có từ bi, thương xót chúng sinh, thì chỉ có thể sinh vào đường xấu.
Doanh nhân Việt Nam đang làm giàu cho mình và cho đất nước. Việc làm ăn đúng đắn, hợp pháp, hợp lý, hợp tình để đạt lợi nhuận cao của doanh nhân là rất đáng trân trọng. Doanh nhân càng xứng đáng để được tôn vinh nếu tích cực tham gia làm từ thiện, vừa tạo hạnh phúc an lạc cho mình, vừa giúp đỡ cho mọi người.