Thursday, March 20, 2014

Khuôn Vàng Thước Ngọc: Kinh Hiền Nhân

In one of his previous lives, Sakyamuni Buddha was a noble, wise and virtuous being who greatly helped his king and people on a moral path. He advised against killing, hunting, fishing, and mistreating the wild. 

KINH HIỀN NHÂN
Trích Kinh Tụng Hằng Ngày
do Thượng Tọa TS Thích Nhật Từ biên soạn

Lúc bấy giờ, Đức Phật lưu trú tại nước Xá-vệ với 1250 vị Tỳ-kheo.

Cư sĩ Tu-đạt ngày ngày thân hành phụng sự Phật. Ông vâng lời Ngài giữ năm giới: không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Vốn là một người hiểu đạo đúng đắn, ông luôn phát tâm bố thí, cứu giúp kẻ bần cùng khốn khổ, nên người ta tặng ông tên Cấp Cô Độc, nghĩa là nuôi giúp những kẻ cô đơn, khốn cùng

Cư sĩ muốn lập một tinh xá cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn. Ông đi nhiều nơi tìm đất cuối cùng chỉ có khu vườn của Thái tử Kỳ-đà là vừa ý ông. Khu vườn ấy bằng phẳng, rộng hơn 80 khoảnh, cách thành không xa mấy. Trong vườn trồng nhiều cây có quả, đây đó đều có suối chảy, ao tắm rất tiện lợi, sạch sẽ, không có kiến bọ muỗi ruồi.

Nhận thấy chỗ đất ấy có thể lập tịnh xá, cư sĩ Tu-đạt liền đến năn nỉ Thái tử Kỳ-đà để mua lại. Thái tử mỉm cười đáp:
- Nếu ông có thể đem vàng ròng lót cho kín, không chừa một khoảnh đất nào trong vườn, thì với giá ấy tôi sẽ bán khu vườn này cho ông.

Cư sĩ Tu-đạt vui vẻ gật đầu, rồi sai người đem voi chở vàng trong kho của mình ra và cùng nhau lát, trong giây phút đã hơn 40 khoảnh đất.

Thái tử Kỳ-đà vừa ngạc nhiên vừa thán phục, đứng nhìn ngẫm nghĩ: “Chắc Đức Phật có đạo lý gì cao thâm lắm nên mới khiến cho ông này trọng đạo khinh tài đến thế.”

Thái tử phát tâm nói rằng:
- Thôi đủ rồi, đừng chở vàng tới nữa. Bây giờ thì thế này: Vườn đất thuộc về ông, ông lập tinh xá cúng Phật. Còn tôi thì cúng cho Đức Phật và Tăng đoàn tất cả những cây trái trong vườn.

Cư sĩ ưng thuận. Hai người đồng lòng cùng lập tinh xá và đồng đi rước Phật dâng cả vườn nhà cây trái cho Ngài.

Đức Phật nhận lời, đến tinh xá cư trú với 1250 vị Tỳ-kheo.

Từ đó về sau, chỗ ấy gọi là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên

Lúc ấy, đức vua trong nước là Ty-tiên-nặc rất sùng kính đạo pháp. Ông trị nước an dân theo lời Phật dạy, nhờ đó, lúa thóc được mùa, bá tánh lạc nghiệp, đạo Phật ảnh hưởng sâu rộng. Sự việc đó đã làm cho các hàng ngoại đạo, tà giáo ganh ghét Đức Phật. Họ bày mưu hại Đức Phật bằng cách giết thiếu nữ Tôn-đà-ly, con cháu họ, lén chôn trong khuôn viên tịnh xá rồi phao tin vu khống Đức Phật và giáo đoàn đã giết người vô tội, hòng làm giảm ảnh hưởng của Đức Phật. Nhưng việc ác đã hại kẻ ác.

Sau khi rõ âm mưu của ngoại đạo, vua với quần thần đến đảnh lễ Đức Phật. Lúc bấy giờ cư sĩ Cấp Cô Độc cùng các vị thành tín và nhân dân trong nước đều đến hầu Phật, làm lễ xong, mỗi người đều ngồi qua một bên. 

Nhà vua đứng dậy, chắp tay thưa:
- Bạch Đức Thế Tôn, khi nghe lời vu oan của ngoại đạo ai cũng lấy làm ngạc nhiên cả. Thực chỉ có Phật là chân thật hoàn toàn, thanh tịnh không lường. Bạch Ngài, song chẳng hay vì nhân duyên gì mà xảy ra việc không hay như thế!

Đức Phật chậm rãi  bảo vua Ty-tiên-nặc:
- Này Đại vương! Con người sở dĩ có tính vu khống là do lòng tham lam, tật đố mà ra. Song việc ấy trước kia đã từng xảy ra, chứ chẳng phải mới đây mà thôi.

Vua cúi đầu:
- Bạch Đức Thế Tôn, chúng con muốn nghe việc của kiếp đó.

Nhân đó, Đức Phật dạy:
- Này Đại vương! Ta đã từng trải qua bao nhiêu vô số kiếp tu hành, vì đạo Bồ-tát, đem lòng từ bi độ thoát cho mọi loài.    

Thời xưa có một nước tên Bồ-lân-nại, nhân dân đông đúc, sự sinh hoạt thật là phồn thịnh.

Trong nước có một người Phạm-chí tên là Cù-đàm, tài trí thông minh bậc nhất. Ông có ba người con, đứa con út có một thân hình đoan chính, đẹp đẽ không ai bằng, tên là Hiền Nhân.

Hiền Nhân thuở nhỏ rất chăm chỉ học hành. Lớn lên, tài nghệ hơn người, làu thông kinh sử, và có tiết hạnh, giới đức đặc biệt. Hiền Nhân tánh từ bi, lại rõ việc tai nạn họa phúc, bào chế thuốc men, không gì không biết.

Sau khi ông Cù-đàm qua đời, hai người anh của Hiền Nhân trở nên tham lam, ích kỷ và ganh tỵ. Hiền Nhân xin phép mẹ xuất gia, học đạo, chẳng bao lâu đã giác ngộ tự tâm. Người lại trừ được năm món dục lạc: Mắt không còn tham đắm hình sắc trần gian. Tai không còn tham đắm âm thanh vi diệu. Mũi không nhiễm mùi hương ngây ngất. Lưỡi không ưa thích vị ngon, và thân không còn ưa lụa là và cảm giác êm dịu.  

Hiền Nhân hay dùng trí huệ phương tiện tùy thuận giáo hóa thiên hạ, khuyên người làm mười điều lành, thảo thuận cha mẹ, vâng thờ sư trưởng. Những ai lòng nghi hoặc, Hiền Nhân đều giáo hóa họ tư tưởng đạo đức. Người dạy họ rằng: Có sanh ắt có tử, làm lành gặp lành, làm dữ mắc họa, tu đạo đắc đạo, là lẽ dĩ nhiên. 

Thấy người nào bị nguy ách, Hiền Nhân độ cho thoát khỏi. Ai bị bệnh tật thì Người ban cho thuốc thang. Ai đói khổ thì Người ban cho vật thực. Ở đâu có nước lụt, cháy nhà, nắng hạn nguy hiểm, nếu có Hiền Nhân đến đều được bình an. Bao nhiêu độc hại đều bị tiêu diệt. 

Khi bấy giờ có một nước lớn, nhân dân giàu có đông đúc, yên vui. Vua nước ấy tên là Lâm Đạt thường giao trách nhiệm triều chính cho bốn quan cận thần. Nhưng bốn quan cận thần ấy chuyên làm những việc tà siểm, dâm ô, gian dối và bóc lột đủ điều. Dân chúng thiệt hại, ta thán mà vua không hề hay biết. Hiền Nhân thấy thế lấy làm thương xót, Người cầm bát ra ngoài thành ở trọ lại nhà của đạo nhân Sa-đà bảy ngày. Qua ngày thứ tám Hiền Nhân mới vào thành khất thực.

Khi đó nhà vua đứng trên thành trông thấy Hiền Nhân tuổi còn trẻ mà đã có phong vị đoan chánh ung dung, dáng đi có vẻ phi thường, liền sanh lòng kính mến. Ngài liền bước xuống và  đến thưa hỏi:
- Xin đạo nhân lưu trú tại đây. Tôi có tinh xá ngoài thành, đạo nhân nên ở lại trong ấy. Tôi sẽ xin cung cấp những thứ cần dùng.

Hiền Nhân nhận lời. Vua từ giã về cung bảo phu nhân:  
- Vị đạo sĩ ấy không phải người thường, sáng mai phu nhân nên đến ra mắt ta.

Phu nhân lấy làm vui vẻ và con chó của vua là Tân-kỳ nằm dưới gầm giường cũng mừng rỡ ngoắc đuôi.

Sáng hôm sau, Hiền Nhân vào cung, nhà vua và phu nhân ra nghênh tiếp làm lễ thỉnh Ngài thọ thực.

Thọ thực xong vua mời Ngài ra tinh xá. Hiền Nhân tiện dịp nói cho vua hiểu phép tắc trị nước an dân. Nhà vua vui mừng quá, nhân đó thỉnh Người phụ lực cùng bốn vị đại thần chung lo việc nước, Hiền Nhân nhận lời.

Bốn quan cận thần vốn quen ăn chơi, khiếp nhược, không hết lòng với quốc gia, chỉ biết tham ô bóc lột dân chúng. Một ông thường nói: “Sau khi người ta chết, thần hồn sẽ diệt mất không sinh trở lại nữa.”  Ông thứ hai chủ trương: “Nghèo, giàu, vui, khổ cũng đều do trời định.”  Một ông lại nói: “Làm lành không được phúc cũng như làm ác không có tai họa gì.”  Ông thứ tư lại ỷ mình biết xem tinh tú. Không ông nào lo việc triều chính, ông nào cũng tham lam siểm nịnh. 

Còn Hiền  Nhân từ khi giúp nước, làm nhiều điều lợi ích. Hiền Nhân rất thông minh, tài cao, sức mạnh, lại có lòng nhân nghĩa, cung kính. Hiền Nhân ít nói mà hễ nói gì thì miệng luôn nở nụ cười, nên trong khi đối đãi người, không làm phật ý một ai. 

Người thật là trong sạch và thiểu dục, không tham sắc, giản dị; phép trị dân không làm phiền ai. Người lại biết được cả tai họa có thể xảy ra, cứu người khỏi chết, thương dân như con. Người lấy đạo đức dạy dân, khuyên họ không nên say sưa săn bắn, chài lưới chim cá và loài dã thú, không sát sinh, trộm cắp, dâm ô dối trá, dèm siểm, hỗn ẩu, gian nịnh, ganh ghét, gây sự, kình lộn, giận dữ, yêu nghiệt và nghi ngờ.

Bấy giờ nhân dân trong nước nhờ Hiền Nhân giáo hóa đều trở nên hiền lương. Từ khi Hiền Nhân giúp vua, việc triều chính, nước nhà yên ổn, mưa thuận gió hòa, mùa màng sung túc, các quan đều thừa hành pháp luật, không dám nhiễu hại nhân dân nữa.

Cũng vì thế nên bốn quan cận thần đem lòng ganh ghét, đố kị, và mưu hại Hiền Nhân. Họ hùn rất nhiều vàng bạc mua lòng hoàng hậu và bày cách cho hoàng hậu đặt điều vu khống lên vua rằng Hiền Nhân có ý tư thông với bà và âm mưu sát hại vua để đoạt ngôi. Vì vốn thương hoàng hậu, vua đã cả tin và lập kế với hoàng hậu xua đuổi Hiền Nhân bằng thái độ và cách cư xử khinh miệt.

Ngày hôm sau Hiền Nhân vào cung thì con chó chạy ra gầm gừ sủa. Hiền Nhân thấy phu nhân chỉ chắp tay chào sơ sài và thấy cách bày biện có khác hơn mọi ngày thì biết ngay là có mưu kế. Người suy nghĩ:
- Mình không muốn hại ai mà nay người ta trở lại hại mình, như vậy chi bằng phải lánh mặt vào núi tu hành là hơn. Người oán mình tất sau sẽ sinh thù lớn, ta không nên khinh thường.

Nghĩ xong, Hiền Nhân nói lời cảm hứng như sau:

- Ở đời có thịnh ắt có suy, có hội họp ắt có ly tán, lành dữ vô thường, họa phúc tự mình chuốc lấy. Kết bạn mà không bền chắc thì không nên thân. Thân mà không có chừng mực, thân lâu sẽ sanh khinh lờn. Ví như múc nước giếng, múc sâu thì nổi cặn. Gần người hiền được thêm trí huệ, ở với kẻ dốt càng thêm ngu si. Thấy nhau thường thì hay khinh lờn, xa nhau quá thì thành thờ ơ.  

Do đó, giao tiếp qua lại với người lành nên có chừng mực, thân mà có cung kính thì thân lâu càng có hậu. Giao thiệp với kẻ bất lương, họ ăn ở không thực thà, lời ngon tiếng ngọt chẳng qua là để lợi dụng mình, dù cho có kết hợp, cũng không tin. 

Vua lấy lễ độ tiếp tôi, tôi cung kính đáp lại. Nay vua đối đãi khinh dễ thì tôi phải lánh xa. Thân yêu nhau rồi có sự giận ghét nhau, khi thương thì muốn nhờ cậy, lúc ghét thì chẳng muốn gần. Lấy sự cung kính nhau để làm thân thiện, lấy sự răn dạy lẫn nhau để tránh xa điều ác. Mà nay có người chẳng phân biệt cái nào là ác, cái nào là thiện, ấy chẳng phải là đạo an thân. Người không có lỗi với mình, thì mình không nên bày chuyện vu oan cho họ. Người muốn xa ta thì ta không nên miễn cưỡng gần họ. Sự thương đã xa lìa thì không nên nghĩ đến.

Con chim đậu gãy nhánh còn biết đi tìm nhánh  khác để đậu, huống chi làm người qua lại có pháp độ, hà tất phải thủ thường. Cành mục ta không nên vịn nắm; người loạn ý, ta chẳng nên phạm nhằm họ. 

Người muốn đem việc xấu cho nhau, dù thấy nhau cũng không vui; ta xướng mà người không phụ họa theo, nên biết đó là người ở bạc. Người muốn đem việc lành cho nhau thì dù chậm, dù gấp cũng đi; đem lời trung chính nhắc nhủ nhau, thì đủ biết người ấy là người có hậu. 

Mà nay lại có người không chịu gần người hiền, chẳng lánh xa kẻ ác, trước kính sau khinh, không phân biệt kẻ hiền người ngu, thì nếu ta không đi, còn đợi đến bao giờ mới đi! Phu nhân ban đầu lễ lạy mà nay chỉ vòng tay, nếu ta không đi để đợi chừng mắng đuổi rồi mới đi hay sao? Ban đầu thì giường vàng nay giường tre, ban đầu đũa ngà chén ngọc, mà nay chén sành đũa tre, ban đầu thì cơm ngon canh ngọt, mà nay cơm hẩm gạo tấm, vậy nếu ta không đi, đợi đến cơm đổ đất mới đi hay sao? Bạn trí thức gặp nhau như chủ đãi khách, đêm đầu thì quí trọng như vàng, đêm thứ nhì thì làm lơ như bạc, đêm thứ ba lạnh ngắt như đồng, chứng cớ rõ ràng như vậy nếu ta không đi đợi đến bao giờ mới đi?

Vua vừa nghe vừa hổ thẹn, cảm động thưa:
- Nước trẫm mà được giàu có, thịnh vượng là nhờ Ngài. Nếu Ngài bỏ đi, sau này nước nhà sẽ nguy khốn.

Hiền Nhân từ tốn đáp:
- Trong thiên hạ có 4 điều tự hoại: Một là cây có nhiều hoa trái nặng sẽ gãy nhánh; hai là rắn ngậm nọc độc, nọc độc sẽ trở lại hại nó; ba là kẻ làm tôi không hiền thì sẽ hại nước nhà; bốn là người làm việc bất thiện thì khi chết sẽ đọa vào địa ngục. 

Vậy nên trong kinh dạy: Sự độc ác do tâm sinh ra và sẽ trở lại tự hại tâm mình, cũng như sắt sinh ra sét, chất sét ấy trở lại tiêu hình của sắt.

Hiền Nhân dạy tiếp:
- Bạn có 4 thứ: Một là kết bạn như hoa, hai là kết bạn như cân, ba là kết bạn như núi, bốn là kết bạn như đất. 

Sao gọi là kết bạn như hoa? Khi bông hoa còn tươi tốt thì giắt trên đầu, khô héo rồi bỏ đi. Bạn loại này cũng thế; hễ thấy giàu sang thì xu phụ theo, thấy nghèo nàn lại làm lơ.

Sao gọi là kết bạn như cân? Khi để vật nặng thì đầu gục xuống, vật nhẹ thì đầu vổng lên, có qua lại thì cung kính nhau, không qua lại thì khi dễ nhau.

Sao gọi là kết bạn như núi? Hòn núi vàng loài chim thú tụ về, lông cánh được chói màu vàng rực. Kết bạn cũng thế, khi sang thì sang với nhau, khi vui đồng vui.

Sao gọi là kết bạn như đất? Tất cả mọi vật đều dựa đất mà sinh. Làm bạn để nuôi dưỡng ủng hộ, ân hậu không quên.

Nhà vua thưa:
- Nay trẫm biết cái trí suy nghĩ của trẫm còn cạn hẹp, tin theo lời tà siểm, khiến Ngài phải ra đi.

Hiền Nhân đáp: 
- Người có trí có 4 việc không nên tinMột là bạn tà ngụy; hai là bề tôi nịnh siểm; ba là vợ yêu nghiệt; bốn là con bất hiếu. Ấy là bốn cái không tin theo. 

Vì thế, kinh dạy: Bạn tà hại người, tôi nịnh hại triều, vợ yêu nghiệt phá nhà, con bất hiếu hại cả cha mẹ.

Nhà vua thưa:
- Trước kia trẫm yêu quý, hậu trọng Ngài, xin Ngài nghĩ lòng tốt của trẫm không nên bỏ đi vậy.

Hiền Nhân đáp:
- Có 10 trạng thái tỏ cho biết là có yêu quý hậu trọng
Một là xa nhau lâu không quên; 
hai là thấy nhau thì vui mừng; 
ba là có món ngon vật lạ san sẻ cho nhau; 
bốn là khi có lỡ lời, đừng chấp trách nhau; 
năm là nghe điều lành càng thêm vui vẻ; 
sáu là thấy việc dữ đem lời trung chính mà can gián; 
bảy là làm được những việc khó làm; 
tám là không đem chuyện riêng nói với người; 
chín là khi gặp việc bối rối phải giải quyết cho nhau; 
mười là đến lúc nghèo khổ không rời bỏ nhau. 

Nên trong kinh có dạy: Bỏ dữ làm lành tu tập đúng như Pháp, đem lời trung chánh dạy dỗ, nghĩa hiệp, có đạo.  

8 việc biết là không ưa nhau
Một là thấy nhau mặt đổi sắc; 
hai là không liếc ngó, không thẳng thắn; 
ba là lời nói không ôn hòa; 
bốn là nói phải cho là quấy; 
năm là nghe lời suy bại thì vui thích; 
sáu là nghe lời hưng thịnh thì không vui; 
bảy là hủy bỏ chê bai việc tốt đẹp của người; 
tám là tán thành việc ác của người.

Nên trong kinh dạy rằng: Lỡ đánh chết người, tội ấy còn có thể dung thứ; dùng tâm độc âm mưu để hại người, tâm niệm ấy không nên gần.  

- Thưa Hiền Nhân, trẫm là người ngu si, không biết phân biệt kẻ trí người ngu, nên nghe lời tà siểm, làm trái mất ý thánh nhân.

- Tâu Đại vương, có 10 sự chứng tỏ đó là người trí
Một là biết kẻ hiền, người ngu; 
hai là biết kẻ sang, người hèn; 
ba là biết kẻ giàu, người nghèo; 
bốn là biết việc nào khó, việc nào dễ; 
năm là biết việc nào đáng bỏ, việc nào nên làm; 
sáu là biết nhiệm vụ của mình; 
bảy là vào nước nào biết được phong tục nước ấy; 
tám là biết được chỗ trở về; 
chín là học rộng hiểu nhiều; 
mười là biết được túc mạng. 

Mười việc đó chứng tỏ người có trí. 

Kinh dạy: Khi tai nạn gấp rút mới biết được lòng bạn, có đánh nhau mới biết kẻ yếu người mạnh, có luận nghị mới biết được người trí người ngu, lúc cơm thua gạo kém mới biết người có lòng nhân.    

- Thưa Hiền Nhân, nước trẫm từ khi được Ngài giúp đỡ, trong ngoài đều được an ổn. Nếu nay Ngài bỏ ra đi thì trẫm biết nương nhờ ai.

- Tâu Đại vương, có 8 điều kiện để được an ổn
Một là được của cha mẹ để lại; 
hai là có nghề nghiệp bảo đảm lấy sự sống của mình; 
ba là học thức cao; 
bốn là có bạn hiền; 
năm là có người vợ trinh lương; 
sáu là được người con hiếu thảo; 
bảy là tôi tớ được hòa thuận; 
tám là lìa xa việc ác. 

- Thưa Hiền Nhân, lời của Thánh nhân thật không một ai nghe mà không thích.

- Tâu Đại vương có 8 cái thích
Một là cùng làm việc với người hiền; 
hai là được học với bậc thánh nhân; 
ba là tánh thể nhân từ và ôn hòa; 
bốn là sự nghiệp mỗi ngày mỗi hưng thịnh; 
năm là diệt được tánh giận dữ; 
sáu là biết phòng ngừa tai nạn; 
bảy là biết nương gần đạo pháp; 
tám là bạn bè không dối gạt nhau. 

- Thưa Hiền Nhân, Ngài thường khi dễ khuyên can mà sao nay lại khó cầm lắm thế?

- Tâu Đại vương, có 10 trường hợp khó có thể khuyên can
Một là tham lam che mất lương tri; 
hai là tham đắm sắc đẹp; 
ba là ưa danh vọng địa vị; 
bốn là kẻ ngang tàn bạo ngược; 
năm là kẻ nhút nhát; 
sáu là kẻ khờ khạo lừ đừ; 
bảy là kẻ kiêu ngạo buông lung; 
tám là người ưa đấu tranh; 
chín là người chấp tập tục si mê; 
mười là kẻ tiểu nhân. 

Kinh chép: Nói pháp cho người ngu nghe cũng như nói với kẻ điếc, những ai khó hóa độ, thì không thể khuyên can.

- Thưa Hiền Nhân, trẫm là kẻ kiêu ngạo lại thêm buông lung, chưa thể xa lìa được sắc đẹp, còn Ngài là người đã chứng pháp vô vi, lẽ nào không nói với trẫm nữa?

- Tâu Đại vương, có 10 trường hợp mà mình không nên nói với người
Một là kẻ ngạo mạn; 
hai là kẻ ngu độn; 
ba là kẻ hay lo sợ; 
bốn là kẻ ham vui chơi; 
năm là kẻ hay e lệ; 
sáu là kẻ câm ngọng; 
bảy là kẻ cừu hận; 
tám là kẻ đói lạnh; 
chín là kẻ mắc nhiều việc; 
mười là người đang tham thiền tịnh lự.

Trong kinh có câu: Làm được hãy nên nói, làm không được thì đừng nói suông; lời hư ngụy không thành tín thì các bậc minh triết không thèm đoái đến.

- Thưa Hiền Nhân, người đàn bà xinh đẹp, nói năng khôn khéo êm tai, mà trong thì độc ác, hai lòng, thì căn cứ vào đâu mà hiểu họ được? 

- Tâu Đại vương, có 10 triệu chứng sẽ hiện diện cho ta thấy: 
Một là đầu tóc rối, bới nghiêng qua một bên; 
hai là mặt hay biến sắc và mồ hôi tự nhiên chảy; 
ba là lớn tiếng nói cười; 
bốn là hay liếc ngó, không đoan chính; 
năm là trang sức lộng lẫy; 
sáu là hay nhìn trộm qua kẽ vách; 
bảy là ngồi không yên; 
tám là hay dạo chơi trong xóm làng; 
chín là hay đi dạo ngoài đồng vắng; 
mười là hay giao thiệp với hạng dâm nữ.

- Thưa Hiền Nhân, quả thật cái đó đáng ghét lắm.

- Tâu Đại vương, có 5 cái đáng ghét
Một là ác khẩu hại người; 
hai là dèm pha siểm nịnh và thúc giục sự đấu tranh; 
ba là rầy rà, không thuận hòa; 
bốn là ganh ghét và trù rủa; 
năm là nói hai lưỡi gạt người.

- Thưa Hiền Nhân, làm thế nào để người kính mến?

- Tâu Đại vương, có 5 tính tốt này thì được người cung kính:
Một là nhu hòa nhẫn nhục; 
hai là cung kính và có tín tâm; 
ba là mau mắn và ít nói; 
bốn là lời nói đi đôi với việc làm; 
năm là đối với bạn càng lâu càng thân hậu. 

Trong kinh có câu: Nếu biết thương lấy mình thì phải dè dặt giữ mình. Các bậc hiền sĩ có chí hướng cao thượng học hiểu chính đáng thì không bao giờ lầm lạc.   

Nhà vua năn nỉ:
- Xin Ngài cùng trẫm trở lại tinh xá.

Hiền Nhân đáp:
- Có 10 kẻ mà mình không nên mời về nhà
Một là thầy ác; 
hai là bạn tà; 
ba là kẻ hay khinh bỉ bậc thánh; 
bốn là kẻ hay nói tráo trở; 
năm là kẻ dâm ô; 
sáu là người thèm rượu; 
bảy là kẻ có tánh xấu; 
tám là người không biết ân nghĩa; 
chín là đàn bà con gái mất nết; 
mười là kẻ tỳ thiếp ưa trang sức. 

Nhà vua thưa:
- Được Ngài ở lại thì trẫm cùng thiên hạ được an vui vô sự. Nay Ngài bỏ đi thì nhân dân oán trách trẫm.

Hiền Nhân đáp lời:
- Có 8 điều kiện để được an vui
Một là vâng thờ kính thuận các sư trưởng; 
hai là đem sự hiếu thuận dạy cho dân; 
ba là khiêm nhường kẻ trên người dưới; 
bốn là phải tập tánh nhân đức ôn hòa; 
năm là đến cứu người trong cơn nguy cấp; 
sáu là phải quên mình, nghĩ đến người; 
bảy là phải thu thuế, lấy lãi ít và phải biết tiết kiệm; 
tám là bỏ hận thù xưa. 

Trong kinh có câu: Chuyên tu cội đức, nghĩ trước rồi làm sau, cứu giúp người trong cơn nguy cấp và bần khổ, thì  trọn đời được an vui.

- Thưa Hiền Nhân, trẫm luôn luôn nghĩ tới Hiền Nhân nào có bao giờ lãng quên.

- Tâu Đại vương, bậc trí giả có 12 điều luôn phải nghĩ tới không bao giờ lãng quên: 
Một là khi gà gáy sáng đã nghĩ tới tội lỗi mà lo việc phúc đức để đền bù lại; 
hai là nhớ việc hầu hạ tôn thân; 
ba là gặp việc gì phải suy nghĩ dự bị trước; 
bốn là phải lo nghĩ lánh xa sự nguy hại; 
năm là phải nghĩ trước mới nói sau để khỏi phải lạc lầm; 
sáu là phải đến những kẻ lạc lầm mà đem lời trung chính dạy bảo nhắc nhở họ; 
bảy là nghĩ đến những kẻ nghèo khổ để thương xót cấp hộ; 
tám là phải lo làm việc bố thí nếu mình có của; 
chín là phải nghĩ đến sự ăn uống cho có chừng mực; 
mười là phải nhớ giữ sự công bình khi phân xử hoặc phân chia; 
mười một là phải nhớ đem ân đức ban rải dân gian; 
mười hai là phải thường nghĩ đến sự huấn luyện nếu mình là quân sĩ hay vua quan. 

Đấy là 12 điều mà người trí phải thường nghĩ đến. 

Vậy nên trong kinh có câu: Làm việc gì phải lo dự bị trước, như vậy sự nghiệp sẽ mỗi ngày mỗi lớn, không khi nào thất bại.  

- Thưa Hiền Nhân, tiếc rằng trẫm không có một bậc đại hiền nào để cầu Hiền Nhân lại cho trẫm.

Hiền Nhân lại tiếp:
- Bậc đại hiền có 10 hạnh tốt
Một là học rộng hiểu nhiều; 
hai là không phạm giới luật trong kinh dạy; 
ba là kính thờ Tam Bảo; 
bốn là thọ pháp lành không quên; 
năm là kềm chế được tham sân si; 
sáu là tu được pháp bốn tâm bình đẳng; 
bảy là ưa làm việc ân đức; 
tám là không nhiễu hại chúng sinh; 
chín là hay hóa độ được người bất nghĩa; 
mười là không lầm lộn việc lành việc ác.

- Thưa Hiền Nhân, thực là tội trẫm quá nặng: nuôi dưỡng kẻ ác làm cho Ngài giận mà bỏ đi.

- Tâu Đại vương, kẻ đại ác thường được biểu hiện qua 15 tội nặng
Một là sát sanh; 
hai là trộm cắp; 
ba là quen thói dâm ô; 
bốn là dối trá; 
năm là nịnh hót; 
sáu là chuốt ngót; 
bảy là dèm pha; 
tám là khinh bậc hiền sĩ; 
chín là tham sự ô trược; 
mười là buông lung; 
mười một là say sưa; 
mười hai là ganh ghét kẻ hiền; 
mười ba là hủy báng đạo đức; 
mười bốn là sát hại thánh nhân; 
mười lăm là không kể tội lỗi.

- Thưa Hiền Nhân, trẫm năn nỉ Ngài mãi không được, lấy làm hổ thẹn quá.

- Tâu Đại vương, người đời có 10 cái hổ thẹn
Một là làm vua không hiểu chánh trị; 
hai là tôi thần mà vô lễ; 
ba là thọ ân không lo báo đáp; 
bốn là có tội lỗi không chịu chừa bỏ; 
năm là một vợ hai chồng hay một chồng hai vợ; 
sáu là chưa cưới mà có thai; 
bảy là tập hợp không thành; 
tám là có binh khí mà không thể chiến đấu; 
chín là kẻ bỏn sẻn không bố thí; 
mười là tôi tớ mà chủ không sai khiến được.   

- Thưa Hiền Nhân, nay trẫm biết rằng: Người đạo đức rất khó chiều chuộng.

- Tâu Đại vương, có 12 điều khó
Một là làm việc với người ngu; 
hai là yếu đuối không chống lại được với sức mạnh; 
ba là thù nhau mà ở chung một nhà; 
bốn là học ít mà đứng ra nghị luận; 
năm là nghèo hèn mà trả được nợ; 
sáu là ra trận không có tướng sĩ; 
bảy là thờ vua trọn đời; 
tám là học đạo mà mất tín tâm; 
chín là làm ác mà muốn quả báo đẹp; 
mười là sinh ra đời được gặp Phật; 
mười một là được nghe chánh pháp của Phật; 
mười hai là làm theo được chánh pháp ấy mà thành tựu.   

Nhà vua khen ngợi:
- Gần bậc minh đức thật có lợi. Đàm luận với Ngài, trẫm lại được thêm trí tuệ.

- Tâu Đại vương, người có trí huệ, đại khái biết 45 việc
1. Là sửa sang nhà cửa. 
2. Là gây không khí hòa hợp trong gia đình. 
3. Là giao thân với chính họ. 
4. Là tin ở bạn bè. 
5. Là theo học với bậc minh sư. 
6. Là làm việc gì quyết cho thành tựu. 
7. Là tài trí cao rộng.  
8. Là mọi hành vi đều hướng về việc lành. 
9. Là giàu sang thì lo làm việc ân đức. 
10. Là tạo tác và sửa sang đều phải thận trọng.  
11. Là có của phải mở mang sự nghiệp. 
12. Là không giao của cải cho con cái nếu chúng còn quá nhỏ. 
13. Là kết bạn với người hiền. 
14. Là không quá tin những ai vừa mới quen biết. 
15. Là tiền của ở chỗ huyện quan phải đem về đừng để lâu. 
16. Là mua bán đổi chác phải thật thà, không lường gạt. 
17. Là dời ở nơi nào phải đến xem trước. 
18. Là đến đâu phải biết đó giàu hay nghèo, quý hay tiện. 
19. Là phải giao thiệp thân cận với người lành. 
20. Là phải nương tựa vào một thế lực. 
21. Là đừng tranh hơn kém với kẻ cường bạo. 
22. Là xưa giàu mà nay suy thì có thể mong phục hưng cơ nghiệp. 
23. Là nếu bần khổ thì đừng có cao vọng to tát. 
24. Là có của quý không keo với người. 
25. Là việc bí mật đừng nói cho vợ nghe. 
26. Là làm vua phải kính người hiền đức. 
27. Là phải ăn ở có hậu, nhất là bậc trung chính. 
28. Nếu là thanh liêm, có thể dùng trị nước, hay có thể đứng ra trị nước. 
29. Là gặp việc phải lo lập công. 
30. Là trong công cuộc giáo hóa, lấy sự hiếu thuận làm căn bản. 
31. Là phép của ông thầy là quý sự ôn hòa, như thế học trò đủ cung kính. 
32. Là thầy có nhiều học trò, phải dạy chúng làm việc trung nghĩa. 
33. Là làm thuốc phải hiệu nghiệm, nghề còn vụng chớ đem ra thi thố. 
34. Là đau ốm phải nghe lời thầy thuốc. 
35. Là ăn uống phải giữ cho có độ lượng. 
36. Là có của ngon vật lạ chia sẻ cho nhau, đừng tiếc. 
37. Là cho ai, hoặc cho ai mượn gì, phải tự tay mình trao cho họ. 
38. Là làm chứng cớ cho người chính. 
39. Là đừng vu oan cho kẻ vô tội. 
40. Là khuyên can sự oán giận và làm cho sự thuận thảo trở về giữa hai người.
41. Là nhẫn nại và xa lánh việc ác. 
42. Là đừng phân biệt giàu nghèo mà ở với người. 
43. Là lấy sự thuận hòa làm quý. 
44. Là theo đạo phải giữ giới. 
45. Là lấy sự trong sạch làm quý hơn tất cả. 

Trong trần thế chỉ có đạo Niết-bàn là cao quý hơn cả.

Vì sao? Vì Niết-bàn là cảnh giới không có sự già nua, bệnh, chết, không đói lạnh, không tai họa nước lửa, không oan gia, không trộm cướp, không dục vọng ân ái, không lo buồn hoạn nạn, không tất cả những khổ sở đớn đau. Cảnh giới đó là diệt độ. Diệt độ không phải là một sự chết, nhưng đấy là sự giải thoát tự tại thôi.

Cảnh giới ấy hoàn toàn an vui, một niềm vui thanh tịnh vô biên, có thể kiến lập cảnh giới ấy trên trần thế, cho riêng mình và cho chung tất cả muôn loài. Bệ hạ hãy tự lo, tự tu, tự tỉnh lấy. Bệ hạ hãy tự thương lấy Bệ hạ. Hiền Nhân này xin lên đường.  

Vua lại hỏi:
- Ngài lên đường, thế không còn răn dạy trẫm điều gì nữa ư?

- Tâu Đại vương, chỗ đất bị nước mạnh xoáy lỡ thì dù 100 năm sau cũng không nên dựng lấy một cái gì trên ấy, vì giòng nước sẽ theo thói cũ mà lôi cuốn đi tất cả. Người có ác tâm mà bây giờ họ bảo mình là bắt đầu làm lành, thì mình quyết không nên tin vội, vì tâm ác của họ chưa diệt, họ sẽ trở lại làm việc ác, ta phải nên dè dặt. Người muốn làm việc gì phải lần lần, như người đào giếng, đào mãi xuống sâu sẽ có mạch nước. Kẻ trí giả thấy sự nguy hiểm hoặc bất bình giữa cuộc thế thì hay ra tay cứu giúp, cũng như người có tài bơi lội có thể lội ngang qua giòng nước mạnh. 
  
Nhà vua thưa:
- Trẫm muốn nghe lời Ngài dạy, và nếu như có người nào khác đến thì trẫm làm sao biết được người đó là bậc trí?

Hiền Nhân đáp:
- Chỗ vấn đáp người trí bao giờ cũng khác xa kẻ tầm thường. Không lời nói nào của họ mà không phải là lời nói lành. Bậc thầy bao giờ cũng chính đáng. Và những đức tánh này chứng tỏ rằng kẻ ấy là bậc trí giả: Nhân từ mềm mỏng cẩn thận chắc thật, ôn hòa, nhã nhặn, lời nói hoạt bát và hay hâm mộ các việc lành. 

Tâu Đại vương, nghe lời nói, thấy việc làm của họ, thì biết là tâm và khẩu giống nhau. Xem cách cư xử, vẻ đi đứng của họ mà biết là không giả dối; nghiệm việc họ làm, cách ăn mặc, cách làm lụng cũng dư biết là bậc trí tuệ.

- Đàm luận với người trí phải cho vừa ý họ, mà muốn cho vừa ý họ thì thiệt là khó. Thưa Hiền Nhân, trẫm muốn tôn thờ người trí mà đừng làm mất ý họ, thì phải làm sao?

- Tâu Đại vương, kính mà đừng khinh, nghe lời dạy phải làm theo, vì chỗ hiểu biết của người trí rất đúng, bao giờ họ cũng có thể theo chánh đạo và không có tâm tham cầu, lại có thể suy xét rõ được việc quá khứ, hiện tại và tương lai. Tầm mắt của bậc trí giả rất rộng, họ thấy rõ muôn vật trong không gian và thời gian đều chỉ là biến hiện, muôn pháp đều quay về nơi nhất điểm không tịch bản nhiên. 

Kẻ trí thì thấy rõ ràng đời là một sự biến đổi tang thương; trẻ trung rồi sẽ già nua; cường tráng rồi sẽ suy nhược; có sống thì sẽ có chết; giàu sang như mây nổi, đều là vô thường cả. 

Cho nên lúc an ổn phải nghĩ đến khi nguy ngập, khi hưng thịnh thì nghĩ đến lúc vô thường, người lành thì kính mến, người ác thì phải lánh xa. Nếu có giận hờn ai thì nên trừ bỏ, đừng vì thế mà gây ác hại người. Nhu hòa mà khó xâm phạm, yếu đuối mà khó thắng. Người trí như vậy đó. 

Người trí theo pháp thánh hiền, thường làm việc nhân từ và ưa dạy dỗ kẻ ngu muội trở nên sáng suốt như họ. Người trị nước thì nên ban bố ân huệ cho kẻ biết làm lành, kẻ tu hành thì lo dẫn dắt mọi người về nơi chánh đạo; quốc gia có hoạn nạn thì cùng nhau đàm luận lo toan; tới lui phải biết thời mới khỏi bị sự nghi ngờ oán trách. 

Tuy có ơn rộng đức lớn với người, nhưng đừng cầu mong người báo đáp, thờ người trí thì được phước và trọn đời không mắc phải tai nạn. Bệ hạ đừng có nghi ngờ. Pháp chánh trị không nên trái với lý đạo, dạy dân làm lành thì càng ngày càng thêm lợi ích cho đất nước.  

Đức vua than thở:
- Thưa Hiền Nhân, thực lòng trẫm rất sầu thảm, hoảng hốt như kẻ điên cuồng.

Vua bèn rơi lụy khóc lóc, đến trước Hiền Nhân sám hối cầu xin xá tội. Hiền Nhân đỡ đức vua từ tốn thưa:
- Hiền Nhân này cũng như con chim bay, không nhất định đậu ở cành nào. Đạo pháp của Hiền Nhân không thể lẫn lộn với lỗi lầm để mất chỗ thanh cao quý giá. Cũng như lửa cháy ngoài đồng trống, những cây gần bên sẽ bị cháy sém, hễ chỗ có nước xoáy là thuyền quay, hễ độc trùng là hại người. Vì thế Hiền Nhân muốn tùng sự với người trí để khỏi bị ngu hèn quấy nhiễu, Hiền Nhân này đã rõ ràng: Cỏ cây mỗi thứ mỗi khác,  loài chim muông cũng thế, bạch hạc thì lông trắng, chim quạ thì lông đen, nay Hiền Nhân khác mà ai kia cũng khác, nên Hiền Nhân này không muốn lưu lại hoàng cung nữa. Đem cái áo lụa đẹp mặc cho người nhà quê cày ruộng thực là vô ích. Vì sao? Người nhà quê ấy chỉ quen bùn đất, làm gì biết mặc áo lụa đẹp và có mặc cũng chỉ làm hư.    

Ở nhân gian, có một thứ cây gọi là phản lệ. Người chủ trồng nó thì không được ăn trái, còn có kẻ muốn hái trộm thì trái lại sinh ra cho mà hái. Bệ hạ cũng như cây ấy: Người giúp nước được an ổn thì hất hủi đuổi xô, còn kẻ nịnh thần gian dối, phá tan việc triều chánh lại cầm ở lại cho ăn bổng lộc. Khách ở lâu, chủ nhà sinh nhàm chán, nên Hiền Nhân này phải đi vậy.   

Nhà vua kính cẩn thưa:
- Mạng người rất trọng, cúi xin Ngài mở lòng từ nghĩ thương đến. Trẫm nay muốn đem thân mạng tôn thờ Ngài hơn xưa.

- Bệ hạ nói thế nhưng cũng chưa chắc gì làm được. Ý Hoàng hậu rất độc ác, Hiền Nhân này không nên ở lại làm chi. Hiền Nhân là vị Sa-môn mang bình bát khất thực, tự vui và dứt trừ tham vọng, giữ trọn giới luật của đạo và xa lìa tất cả tội lỗi.

Nhà vua khẩn khoản:
- Ngài đã quyết định, trẫm không thể cản ngăn. Nhưng Ngài chớ đoạn giao, cúi mong một phen trở lại để lòng trẫm khỏi ân hận. 

- Nếu như Bệ hạ và Hiền Nhân này đều mạnh giỏi thì có lúc gặp nhau. Hiền Nhân này muốn vào núi để tu dưỡng tâm linh, rèn thêm trí tuệ. Gần nhau để mà nghĩ đến chuyện ác hại nhau thì chi bằng xa nhau mà nhớ nhau trong tâm niệm lành. Người trí nghe thí dụ cũng đủ rõ; nay Hiền Nhân này xin đem một câu chuyện để thí dụ Bệ hạ nghe. 

Như người lấy mật xoa vào lưỡi dao, đưa cho con chó liếm, vì tham chút ngọt nên bị đứt lưỡi, mà chó không biết đau đớn. Nay bốn quan cận thần cũng thế, chỉ nói ngon ngọt ngoài miệng, mà trong tâm dường như dao bén. Vậy Bệ hạ phải đề phòng và từ đây về sau nếu gặp những sự kinh hãi, Bệ hạ thường nhớ đến Hiền Nhân này thì kinh sợ sẽ tiêu tan.

Loài chim cú, chim mèo thì ưa ở nơi bụi rậm, chuột bọ thì ưa núp dưới đống rơm, đống rác; chim chóc thì đậu trên cành, con hạc thì ưa ở gần ao nước đục. Mỗi vật đều có tánh riêng, chí nguyện bất đồng, sự ưa thích có khác. Hiền Nhân này mến đạo, Bệ hạ thì ưa việc trị dân, đó là sự sai khác.

Những vật thô xấu cũng đều có chỗ cần dùng, không nên phí bỏ tồi tàn. Hạng người nào dù bần tiện, ngu hèn đến đâu, ta cũng không nên hất hủi. Họ đều là những người hữu dụng, dụng nhơn như dụng mộc, Bệ hạ phải hiểu như thế. Hiền Nhân này cũng đã biết người, biết lời nói, biết ý nghĩ của họ thế nào rồi. Con chim ban đầu đậu ở cành thấp, sau nhảy lên nhánh cao. Hiền Nhân thấy chó Tân-kỳ sủa, biết rằng không ngoài thì trong, đã có sắp đặt mưu mô gì đó, nên trong lòng chán ngán. Hiền Nhân này xin đi. 

Nói xong liền đứng dậy mang bát, chống tích trượng ra khỏi thành. Vua cùng đình thần và nhân dân làm lễ Hiền Nhân rồi tiễn Người ra khỏi thành quá một đoạn đường. 

Từ ấy về sau, nhân kẻ trung chính đi rồi thì kẻ loạn thần tha hồ tung hoành gian nịnh. Ngoài thì bốn quan cận thần cậy thế bắt ép lương dân, trong thì phu nhân dùng thói yêu nghiệt, làm nhà vua mê hoặc, không còn lo nghĩ việc nước, chỉ dâm lung, ưa vui ngày đêm vùi thân trong say đắm. Quan liêu cầm quyền tự do thâu thuế bắt ép nhân dân không một chút từ tâm, nhân đạo. Kẻ lấy thuế chợ mà không thèm nhìn món đồ, người mạnh lấn hiếp kẻ yếu, bóc lột tàn sát lẫn nhau, không kể gì đến pháp luật. Có kẻ lại bắt con gái của người về làm nô lệ, tỳ thiếp. Thân thuộc ly tán, tìm đường trốn tránh tản lạc, mỗi người sống vất vưởng mỗi nơi, tai họa liên miên mà nhà vua không bao giờ biết đến. Mưa gió không phải thời, trồng trọt mất mùa, nước loạn dân nghèo, sự đói khó đầy đường, tiếng than van oán trách phổ vào câu ca dao cảm động đến cả quỷ thần. Nhân dân sầu khổ, lo sợ chết không biết bao nhiêu, kẻ sống vừa than khóc vừa đi, không một ai không nhớ tưởng và mong cầu Hiền Nhân độ nước.   

Lúc ấy có vị Đạo Nhân, vốn là cháu trai của Hiền Nhân, thấy trong nước loạn lạc, xóm làng hư hoại, nhân dân cùng khốn, bèn vào cung tâu với nhà vua: 
- Tâu Bệ hạ, các quan đại thần làm việc bất chánh, buông kẻ trộm cướp, bắt giết kẻ vô tội, tàn hại nhân gian, hết đường vô nhân đạo. Muôn dân oán thán, quỷ thần giận dữ nên gieo nhiều tai họa. Đâu đâu cảnh khổ cũng lan tràn mà Bệ hạ thì không hay biết gì cả. Nếu Bệ hạ không sớm trừ bọn loạn thần gian ác ấy thì sau này sẽ không còn một lương dân! 

Nhà vua nghe nói kinh hãi, hoảng sợ đáp:
- Quả thật như lời Hiền Nhân dạy trẫm khi trước. Trẫm đã dùng bốn tên loạn thần phá hoại nước nhà chẳng khác gì thả chó sói trong bầy cừu vô tội. Trẫm chắc thế nào dân chúng cũng bị khốn ách. Trẫm đã buông cương mặc cho con ngựa điên lôi kéo cỗ xe trị quốc, thế nào nó cũng kéo xe xuống hố sâu. Ngài đến đây thức tỉnh trẫm và bảo trẫm như thế, xin Ngài có cách gì dạy trẫm để trị an xã tắc được không?

Đạo nhân thưa:
- Từ khi Hiền Nhân ra đi đến nay, trong nước bị rối loạn luôn, tất cả đều do bọn gian thần. Bệ hạ phải trù tính phương kế gì để hưng phục lại giang sơn. Nước nhà còn có thể hưng phục được. Xin Bệ hạ hãy cùng thần du hành một phen, để chính mắt Bệ hạ được thấy, chính tai Bệ hạ được nghe những nỗi thống khổ rồi mới biết thế nào là đúng sự thật. 

Nhà vua liền cùng Đạo Nhân cải trang ra đi để dọ xét tình hình trong nước.
Vừa ra khỏi thành thì thấy một toán phụ nữ xiêm y rách rưới, vừa đi vừa khóc. Đạo Nhân thấy thế liền hỏi: 
- Các chị tại sao mà khổ sở rách rưới như thế? Sao không lo làm ăn, hoặc có khó khăn lắm thì đi lấy chồng, tuổi các chị đã lớn rồi kia mà.

Một người trong bọn trả lời:
- Vì nhà vua cả. Phải chi nhà vua rách rưới nghèo đói như chúng tôi thì mới bỏ ghét.

Đạo Nhân bảo:
- Các vị nói như thế là không đúng rồi, vì nhà vua là bậc cao sang chỉ lo những việc to tát, đâu có thì giờ lo cho các chị được, các chị phải tự đi làm mà sinh sống lấy chứ. 

Có một chị không hài lòng nói:
- Không phải thế đâu. Vì vua trị nước không minh, nên trong nước phải đói rách và loạn lạc. Ngày thì khốn với bọn quan lại tham ô vơ vét, đêm thì khốn với  trộm cướp tứ tung; áo không đủ mặc, cơm không đủ ăn, vì thế còn ai thèm cưới gả chúng tôi nữa.

Đi một quãng nữa, nhà vua gặp một bà già, áo không kín thân, hình hài gầy yếu, mắt lòa sờ soạng, vừa đi vừa khóc. Đạo Nhân hỏi:
- Bà cụ lo lắng gì mà khóc vậy?

Bà già ngẩng lên đáp:
- Vì nhà vua cả. Phải như nhà vua mà mù như lão đây thì mới đáng kiếp, lão sung sướng lắm vậy.

Đạo Nhân hỏi:
- Bà nói như thế là lầm rồi, hễ già thì mắt mờ, nhà vua có lỗi chi đâu?

Bà lão phân trần:
- Đêm thì bị cướp, ngày thì bọn quan lại hiếp bức, phải chịu nghèo đói, nên lão đây mới phải hái rau lượm củi đổi gạo để nuôi sống, đạp phải độc trùng, vương phải độc khí, nên mới bị mù què như thế này. Vậy không phải lỗi của nhà vua hay sao?

Vua tôi lại đến một quãng đường, thấy có người đàn bà rách rưới đang vắt sữa bò. Con bò đá một cái, người đàn bà ngã lăn xuống đất, lòm còm bò dậy mắng:    
- Phải chi mày đá Hoàng hậu vợ vua một đá như vậy cho bỏ ghét. Mày đá tao làm gì!

Đạo Nhân hỏi:
- Tự con bò dữ đá bà, chứ Hoàng hậu có tội lỗi gì?

Bà lão trách móc:
- Không lỗi à? Nhà vua bất chính, vợ vua xúc siểm, nước nhà mới rối loạn, không lo cấm ngăn trộm cướp, để nó bắt bò lành của  tôi, chỉ để lại một con bò dữ, vắt sữa nó là nó đá đau điếng người. Tại nhà vua chứ ai nữa.

Đạo Nhân bảo:
- Tại bà không biết cách nặn sữa nên bị nó đá.

Bà lão đáp:
- Không phải thế đâu! Nếu nhà vua ở chính thì Ngài Hiền Nhân sẽ ở lại đây, nước nhà đâu có bị loạn lạc.

Đi một lát nữa, đến khoảng đồng ruộng, nhà vua thấy con chim đang mổ một con ếch. Con ếch lún vào bùn, mắng rằng: 
- Phải chi mày mổ vua một cái như thế thì tao mới thích cho. Mầy đừng mổ tao.    
Đạo Nhân bảo con ếch:
- Người bị con chim mổ, chứ đâu lỗi ở nhà vua, nhà vua đâu có giữ hộ cho ngươi được.

Con ếch đáp:
- Tôi không mong nhà vua giữ hộ cho tôi đâu.Vì nhà vua không lo việc trị nước, chính trị bỏ bê, pháp luật không minh, bỏ phế việc cúng tế, bỏ phế việc dẫn thủy nhập điền, nên trời hạn, nước khô, thân tôi phải bày ra để cho con chim nó mổ.

Con ếch lại than:
- Nếu nhà vua biết cách giữ quyền chính thì bỏ một người ác, lợi cho một nhà; bỏ một nhà ác lợi cho một làng, rồi sẽ đến cảnh một quốc gia thịnh trị. Vua không biết chấp chính nên nhân dân khổ sở, thiên hạ kêu ca.

Liền đó, Đạo Nhân tâu vua:
- Xin Đại vương xét kỹ: Trăm họ vô tội, khổ sở than khóc, cảm động đến cả quỷ thần, đến nỗi con ếch còn thốt lời như vậy, chắc Đại vương cũng đã thấy rồi. Vậy Đại vương đuổi kẻ ác, kiến thiết quốc gia lại trên nền tảng thiện chánh, để muôn dân hồi đầu trở lại. Tâu Đại vương, bây giờ bắt đầu gieo giống lúa ở ruộng, gặp mưa thuận gió hòa thì lo gì mùa màng không trúng. 

Vua hỏi:
- Vậy theo ý Ngài, thì nên giao phó trách nhiệm này cho ai?       

- Bệ hạ hãy mau mời Ngài Hiền Nhân trở về, vì Ngài là người rõ biết thời cơ, nếu trở về trong nước sẽ lại được bình an.

Nhà vua mặc triều phục ra đến tận nơi Hiền Nhân, yết kiến, làm lễ và thành khẩn thỉnh Hiền Nhân về. Sau khi hỏi han, vua ngồi lại một bên, vòng tay tạ tội thưa với Hiền Nhân:
- Trẫm vì sơ sót, suy nghĩ không đến nơi đến chốn, nên làm hại nhân dân, trăm họ oán trách. Nay trẫm một lòng chí thành cầu sám-hối, xin Ngài tha thứ cho trẫm bao nhiêu tội lỗi lầm lạc. 

Hiền Nhân đáp lễ:
- Người có tội mà biết sám-hối là hay lắm.

Rồi thấy bốn quan cận thần kề tai nói nhỏ, thầm thì với  nhau. Hiền Nhân bảo:
- Các ngươi mê hoặc lấy mình, không phân biệt cái gì là chân chính, không phân biệt cái gì là tà ngụy, không biết rằng khổ vui đều có luật nhân quả, không thể tránh được.

Làm việc ác, tội ác sẽ theo đòi; làm điều lành, quả báo tốt sẽ đền trả, trọn đời không mất. Họa phúc tự mình, kẻ ngu tưởng đâu là xa cách. Phải biết họa phúc rõ ràng như âm thanh vang theo tiếng, bóng theo hình, chứ không phải họa phúc tự trên trời rơi xuống. Các ngươi làm ác mà không tự biết, muốn che giấu nhưng nào có giấu được. Lại lấy sự chê bai ta mà cho là đắc sách. Trong bọn ngươi há chẳng có một người nói rằng: “Hễ người chết thì thần hồn tiêu diệt không sanh trở lại nữa.” Lời nói ấy có phải là bậc thánh nhân chăng? Hay là tự ý ngu muội của các ngươi bịa đặt ra? Các ngươi muốn làm chuyện ác rồi trở lại bảo rằng làm ác không tai họa, làm lành không được phước. Đó phải là lời nói bịa người để che tội lỗi của mình không? Kìa hiện tượng của vũ trụ rõ ràng kia, nhật nguyệt và tinh tú đó, các ngươi bảo là ai tạo ra đó vậy?  

Bốn quan cận thần nghe nói, làm thinh không còn biết trả lời sao nữa.

Hiền Nhân tiếp:
- Tất cả hiện tượng trong vũ trụ đều do nghiệp lực, tội phước. Làm lành, làm ác đều có quả báo như bóng theo hình; người chết bỏ xác thân nhưng không bỏ được nghiệp nhân. Gieo giống, tuy hạt lúa thối mục dưới đất, nhưng sau này sẽ sanh ra nhánh lá và kết hạt trên ngọn. Thắp đèn tim dần dần lụn, nhưng lửa vẫn đỏ mãi; hạnh nghiệp, tội phước vẫn còn luôn luôn như người thắp đèn viết thơ, rồi đèn tắt, nhưng chữ vẫn còn. Hồn thần tùy hạnh nghiệp chuyển sinh đời khác, không hề gián đoạn. Các người làm ác mà tự cho là cao cả, cũng như người giết cha mẹ mà lại có thể cho là vô tội sao?  

Bốn quan đáp:
- Một nhánh cây còn không nên hái lá của nó thay, huống chi giết cha mẹ mà cho là vô tội.

Hiền Nhân đáp:
- Còn bọn ngươi chủ trương tà quấy, bề ngoài giả làm lành, mà bên trong lại uẩn khúc làm việc gian ác. Cũng như vàng giả, bề ngoài thì nước vàng mà trong thì toàn đồng. Bề ngoài diện mạo tốt đẹp, mà trong tâm toàn là sàm tặc. Thiệt chẳng khác gì chó sói lẫn vào bầy dê, ngấm ngầm ăn hết bầy dê mà người giữ dê không hề hay biết.   

Kẻ ác trong đời lắm khi cũng tự xưng đạo đức, giả khổ hạnh, cùng diễn giải kinh giới, nhưng bên trong chuyên hành tà siểm, dối trá để cầu mong danh lợi.
Người ngu không biết, quay về tin phục. Rồi như nước sông ngập lụt chảy tràn đầy dẫy, chưa kịp rút về bể cả, làm hại biết bao nhiêu người. Chỉ có bậc thánh nhân mới có thể cứu giúp thiên hạ, cải bỏ ác tục, sửa sang việc lành, ai ai cũng đều nhờ vậy.   

Nếu cho làm lành không phước, làm ác vô hại, thì các bậc cổ thánh để lại bao nhiêu kinh điển làm chi? Và truyền trao gươm báu cho vua làm chi? Hành nghiệp đều có quả báo rõ ràng. Làm dữ bị tai họa, mọi người đều ghét, không mau thì lâu tai họa ấy sẽ đến. Làm việc ân đức tuy ẩn kín nhưng sau này sẽ bày ra và phước quả sẽ đem lại cho mình.

Vậy nên trong nước có vua, vua phải thuận theo phép đạo, ủy nhiệm vụ cho người hiền, phó thác việc làm cho kẻ tài trí, ban thưởng người lành, trừng phạt người gian ác. Bánh xe lăn tròn không ngừng, hành nghiệp cứ tùy theo đấy thọ sanh nơi lành, nơi dữ. Phải tin chắc có tội phước, đừng làm điều gian dối. Phải hết sức cẩn thận lánh xa những kẻ ác và biết ăn năn tội lỗi. Nếu mọi người đều lành thì bẩm tánh và quả báo sẽ lành đẹp giống nhau, song vì người làm ác rất nhiều nên nhân quả bất đồng: Kẻ sống lâu, người chết yểu, kẻ nhiều bệnh, người ít bệnh, kẻ xấu xa, người tốt đẹp, kẻ nghèo hèn, người giàu sang. Kìa những người ngu, đui, điếc, câm, ngọng, kẻ mù què, tàn tật trăm điều đều do đời trước gây ác nhân mà nay gặp lấy ác quả. Còn người đức độ, trung chính, hiền từ nên có trí tuệ, sống đời đế vương, hào phú và muôn sự hạnh phúc. Như thế là nhân quả rõ ràng, sao lại bảo rằng không. Xin hãy suy nghĩ kỹ càng, đừng lầm lạc vào tà đạo.

Hiền Nhân giảng xong, vua cùng quần thần và tất cả nhân dân không một ai là không hiểu rõ và vui mừng.

Hiền Nhân lại nói tiếp:
- Và nay Hiền Nhân này xin nói một sự tích: Thuở xưa có một ông vua tên là Cẩu Lạp, có một cái ao, trong ấy nuôi nhiều thứ cá ngọt. Vì cá ngọt ít xương mà ngon lắm nên nhà vua cử một quan giám ngư để giữ gìn ao cá, mỗi ngày dâng vua tám con, nhưng quan giám ngư mỗi ngày ăn chùng, ăn lén mất tám con. Vua biết cá mất, nên cử tám quan giám ngư nữa để giữ gìn ao cá. Song tám vị giám ngư tùng đảng với nhau mỗi ngày mỗi người đều ăn lén hết tám con, té ra người giữ cá nhiều chừng nào thì cá lại mất nhiều chừng ấy. Giao nhiệm vụ cho nhiều người thì nước nhà càng thêm rối loạn. Cũng như kẻ hái trái non, ăn đã không có mùi vị gì mà lại càng mất giống, vua trị nước mà không dùng kẻ hiền, đã thiệt hại cho dân mà sau này tiếng tăm cũng mất và phước phần đều không. Trị nước bất chính làm cho thiên hạ có tâm tranh đoạt cũng như muốn sửa sang và hưng nghiệp gia sản, mà không chịu để tâm dụng chí thì của cải mỗi ngày mỗi hao bớt đi.  

Nước có tướng giỏi binh nhiều mà không chịu tập chiến trận, không lo lắng kiến thiết nước nhà, thì nước ấy sẽ bị hèn yếu. Làm vua không kính đạo đức, không tôn thờ bậc cao thì hiện tại không người giúp đỡ và tương lai không gặp phước lành. Hằng ngày giết hại muôn họ kêu ca thì tai hại thường xảy ra tới tấp, chết đi để tiếng xấu muôn đời. Theo chính pháp trị dân thì được lòng người. Kính thờ bậc tôn trưởng, yêu mến trẻ thơ, hiếu thuận cha mẹ, vâng làm việc lành thì hiện tại an ổn và kiếp sau được hưởng phước. 

Làm việc trung chính cũng như đi thẳng đường, lấy việc trung chính làm cội gốc thì mọi người đều khâm phục. Như thế sẽ gây được hạnh phúc thái bình. Lại phải sáng suốt, lượm lặt những lời xưa để làm kinh nghiệm cho đời nay, động tịnh cho biết thời, ân oán cho có lý, ban bố ân huệ cho nhân dân, bố thí nên bình đẳng. Được như thế thì đời nay sẽ an ổn vui vẻ, sau này sẽ quyết tu chứng đạo Giác ngộ.

Chúng hội nghe Hiền Nhân dạy, đều vui mừng vỗ tay khen ngợi. 

Nhà vua liền đứng dậy cúi đầu thưa rằng:
- Nay trẫm được nghe lời Ngài dạy, cũng như cơn gió mạnh thổi tan mây mù. Xin Ngài mở lòng từ bi, nghĩ đến quốc gia, dạy bảo quốc dân và giúp đỡ trẫm trị dân như trước.

Hiền Nhân liền đứng dậy, theo vua về cung cùng luận bàn chính sự. Bốn quan cận thần rồi sau bị đuổi. Hiền Nhân giúp nước, ân huệ thấm nhuần, gió mưa hiệp thời, mùa màng rất trúng, nhân dân đều vui vẻ, bốn biển một nhà, trên dưới hòa thuận đều chung sức gây lại một cuộc sống thái bình, thạnh trị.  

Đức Phật ngừng một lát, Ngài nhìn đại chúng và tiếp:     
- Này đại chúng! Hiền Nhân đời ấy, có phải ai đâu lạ, chính là ta đây. Còn đạo nhân cháu Ngài là A-nan-đa đây, vua Lâm Đạt thuở đó chính là vua Ty-tiên-nặc này đây. Hoàng hậu đó là Tôn-đà-lỵ, con chó Tân-kỳ là Sa-nặc, bốn quan cận thần lúc ấy là bốn kẻ ngoại đạo giết nàng Tôn-đà-lỵ ngày nay. Và sau cùng, con ếch hỏi đó là ông Âu-đà-gia, đã chứng quả A-la-hán đang đứng kia.

Khi Đức Thế Tôn nói kinh này xong, hơn ba ức người hiểu được lý đạo, đều thọ ngũ giới và vui lòng làm theo.