Photo: H. Hải |
Nhiều người Việt bị mù vì chủ quan
Băng Thu
(Dân trí) - Tại Việt Nam có khoảng 2 triệu người bị mù lòa, thị lực kém. Đáng nói, tới 83% số người mù có thể phòng ngừa, chữa trị nhưng vì chủ quan, không hiểu biết, người bệnh đánh mất cơ hội, từ một người khỏe mạnh trở thành mù lòa, khiếm thị.
Tại Hội thảo xây dựng kế hoạch phòng chống mù lòa giai đoạn tới diễn ra tại Hà Nội ngày 16/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tại Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người bị mù lòa, kém thị lực. Đáng nói, đến 83% số người bị mù hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Ví như với bệnh đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù hàng đầu, chiếm tỷ lệ tới 61% trong tổng số người mù, sau đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ, sẹo giác mạc... đều là những bệnh có thể phòng ngừa, chữa trị hiệu quả, người bệnh không bị mất đi cơ hội nhìn thấy ánh sáng.
PGS.TS. Nguyễn Chí Dũng, Trưởng Phòng CĐT, Bệnh viện Mắt TƯ lấy dẫn chứng về bệnh lý đục thủy tinh thể. Đây là một căn bệnh rất phổ biến tại Việt Nam. Căn bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam. Hiện cả nước có đến 251.700 người mù cả 2 mắt do đục thủy tinh thể và mỗi năm cả nước có thêm khoảng 170.000 trường hợp cần được điều trị do căn bệnh này.
“Đến viện càng sớm, cơ hội được điều trị đúng, bảo tồn thị lực càng cao và ngược lại. Đáng nói người Việt Nam rất chủ quan, khi thị lực giảm chỉ nghĩ đó là dấu hiệu của tuổi già nên không đi khám bệnh, không chữa trị. Và rất nhiều người trong số đó (35%) không biết mình bị đục thủy tinh thể mà nếu biết, cũng cho rằng đó là bệnh không thể điều trị khỏi”, TS Dũng nói.
Ngoài đục thủy tinh thể, nhiều vấn đề mới đang nổi lên như tật khúc xạ (tỷ lệ mắc 15-40%, tương ứng với khoảng 3 triệu trẻ bị tật khúc xạ cần đeo kính, trong đó có 2/3 là trẻ cận thị) và các bệnh phần sau như bệnh võng mạc đái tháo đường, võng mạc ở trẻ đẻ non... đang là những thách thức cần quan tâm và can thiệp trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, trên thế giới cứ 5 giây lại có thêm một người bị mù và cứ 1 phút thế giới có thêm một trẻ bị mù. 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ khó khăn, Việt Nam được xếp trong nhóm các nước này.
Vì thế, kế hoạch phòng chống mù lòa giai đoạn tới sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực, tăng cường số lượng cán bộ cho các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện, tăng cường đào tạo cán bộ có chuyên môn cao. Mục tiêu kế hoạch nhằm đẩy nhanh tốc độ mổ thủy tinh thể, nâng cao chất lượng mổ với tỷ lệ người có thị lực trên 3/10 ở mức hơn 80%, hạn chế biến chứng phẫu thuật, lập kế hoạch thanh toán bệnh mắt hột.
“Cần phải khẳng định, đục thủy tinh thể có khả năng chữa khỏi. Nếu phát hiện sớm, việc điều trị vô cùng đơn giản bằng kỹ thuật mổ Phaco. Thị lực người bệnh được phục hồi tốt. Thế nhưng, đa số người bệnh lại đến viện khi ở giai đoạn muộn, rất khó phục hồi thị lực. Nhất là ở những trường hợp mà các dây thần kinh thị giác (nhiệm vụ cung cấp thông tin nhìn thấy đến não) có thể đã bị phá hủy hoàn toàn, gây mù vĩnh viễn hoặc nếu điều trị được cũng gặp nhiều khó khăn”, PGS Hơn cảnh báo.
http://dantri.com.vn/suc-khoe/nhieu-nguoi-viet-bi-mu-vi-chu-quan-790698.htm