Caodaism is one of the major religions in Vietnam, officially established in 1926.
According to Caodai.org: "The noble effort of Cao Đài is to unite all of humanity through a common vision of the Supreme Being, whatever our minor differences, in order to promote peace and understanding throughout the world. Cao Đài does not seek to create a gray world, where all religions are exactly the same, only to create a more tolerant world, where all can see each other as sisters and brothers from a common divine source reaching out to a common divine destiny realizing peace within and without."
Devout practitioners of Caodaism have the tradition of keeping a lifelong vegan diet.
Tìm hiểu về quan niệm ăn chay của đạo Cao Đài
Thiên Ân / Việt Nam Ăn Chay
(VNAC) - Cao Đài là một trong những tôn giáo lớn tại nước ta, được chính thức thành lập vào năm 1926.
Theo cô Nguyễn Thị Diệu Thúy (Chuyên viên Vụ Cao Đài), tôn chỉ của đạo Cao Đài là “lấy sự thương yêu làm nền tảng, lấy nhân nghĩa làm phương châm hành đạo, lấy việc phụng sự chúng sinh làm hành động, lấy sự cứu rỗi các chơn linh làm cứu cánh, phấn đấu xây dựng một xã hội đạo đức, an lạc bằng tinh thần thương yêu đồng đạo." Như thế, tâm từ ái là điều mà tín hữu Cao Đài luôn trân trọng giữ gìn và trau giồi phát triển.
Trong đời sống con người, đức tin là điều vô cùng quan trọng, do đức tin lèo lái tư duy và từ đó, hướng dẫn mọi hành động của chúng ta. Hãy tìm hiểu quan điểm của Cao Đài giáo về một vấn đề đời thường nhưng căn bản: ăn uống.
Trong quyển "Ăn Chay" do Hội Thánh Cao Đài giữ bản quyền, Thuần Đức biên soạn, việc trường chay cho người tu đạo được giải thích như sau:
Về việc giữ trường trai đặng luyện Ðạo, Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế, kiêm viết Cao Ðài Giáo Ðạo Nam Phương có giáng cơ ngày mồng tám, tháng 6, năm Bính Dần (1926), dạy như vầy:
"Chư môn đệ phải giữ trai giái (giới). Vì tại sao? Chẳng phải Thầy còn buộc theo Cựu luật, song luật ấy rất nên quý báu, không giữ chẳng hề thành Tiên, Phật đặng.
Thầy cắt nghĩa: Mỗi kẻ phàm dưới thế nầy đều có hai xác thân: Một phàm gọi là corporel (thuộc về xác thịt), còn một thiêng liêng gọi là spirituel (thuộc về thiêng liêng, không thấy, không nghe, không rờ được). Mà cái thiêng liêng do nơi cái phàm mà ra, nên gọi nó là bán hữu hình, vì có thể thấy đặng, mà cũng có thể không thấy đặng. Cái xác vô hình huyền diệu thiêng liêng ấy do nơi Tinh Khí Thần mà luyện thành. Nó nhẹ nhàng hơn không khí.
Khi nơi xác phàm xuất ra, thì lấy hình ảnh xác phàm như khuôn in rập. Còn như đắc đạo mà có Tinh Khí, không có Thần, thì không thế nhập mà hằng sống đặng. Còn có Thần không có Tinh Khí, thì khó hườn đặng Nhị xác thân. Vậy ba món báu ấy phải hiệp mới đặng. Nó vẫn là hình chất, tức hiệp với không khí Tiên thiên, mà trong khí Tiên thiên thì hằng có điển quang.
Cái Chơn thần buộc phải tinh tấn, trong sạch mới nhẹ hơn không khí ra khỏi ngoài Càn khôn đặng. Nó phải có bổn nguyên Chí Thánh, Chí Tiên, Chí Phật mới xuất Thánh, Tiên, Phật đặng. Phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất chơn thần tinh khiết. Nếu như các con còn ăn mặn, luyện đạo rủi có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho đặng?
Như rủi bị hườn (được Nhị xác thân) thì đến khi đắc đạo, cái trược khí ấy vẫn còn, mà trược khí thì lại là vật chất tiếp điển (bon conducteur d'électricité) thì chưa ra khỏi lằn không khí đã bị sét đánh tiêu diệt. Còn như biết khôn thì ẩn núp tại thế mà làm một bậc "Nhơn Tiên" thì kiếp đọa trần cũng còn chưa mãn.
Vì vậy Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện đạo".
Do đó, trong tín ngưỡng Cao Đài, đối với những người tu đạo thuần thành, việc trường chay là điều tất yếu.
Cũng trong quyển "Ăn Chay", phần "Cách thức ăn chay", tác giả Thuần Đức cũng ngụ ý rằng ăn chay có nghĩa là thuần chay, không bao gồm sản phẩm động vật. Ông viết:
Gà vịt do nơi trứng mà nở ra, ăn một trứng tức là làm tuyệt một mạng sống vậy. Ăn sữa bò, tuy không làm hại đến mạng con bò, song sữa ấy lại thuộc về chất thú (matière animale), ăn vào không được tinh khiết cho phần xác và phần hồn.
Có người lại cho rằng phàm hễ con gì không máu thì chay nên ăn được như: tôm tép, ngao sò, mực v.v…. Nói vậy đặng ăn cho ngon miệng đó thôi, chớ không trúng luật ăn chay của tôn giáo. Phàm những con động vật nào, hễ thuộc về loài tứ sanh (*1) biết bò, bay, máy, cựa, thì đều có sanh mạng cả, ăn thịt chúng nó tức là phạm tội sát sanh.
(*1) Tứ sanh là bốn loại sanh:
1- Thai sanh là loài đẻ con như trâu bò.
2- Noãn sanh, đẻ trứng.
3- Thấp sanh, loại ở nước.
4- Hóa sanh, loại hóa hình, như đuông, nhộng, v.v…
Ở đây cũng xin nói thêm, ngoài lý do là sản phẩm động vật ăn vào không được tinh khiết cho "phần xác và phần hồn" như tác giả Thuần Đức nêu rõ bên trên, ngày nay ngành chăn nuôi, nhất là tại các xứ Âu Mỹ, đã được kỹ nghệ hóa cực kỳ, khiến việc đối xử với các loài vật như bò, dê... để lấy sữa đã trở thành một đề tài gây nhiều tranh luận. Những việc làm khá tàn bạo của kỹ nghệ sữa, như bò cái bị ép thụ thai ngoài chu kỳ tự nhiên, sau đó phải chịu tách lìa khỏi bò con, chịu đựng các máy móc vắt sữa vô cùng đau đớn... khiến người ăn chay vì lý do nhân đạo không thể nào chấp nhận và ủng hộ được.
Riêng câu hỏi về ngũ tân (hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu), soạn giả Tùng Thiên Từ Bạch Hạc ghi nhận trong "99 Câu Hỏi Đáp Tìm Hiểu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ" (2010):
Trong quyển sách Thiên Đạo của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu có dạy như sau:
“Trong Trời Đất không có chi là tuyệt đối, thì sự ăn chay tất nhiên cũng không nên tuyệt đối. Cái nguyên tắc của sự ăn chay là ăn toàn những chất thuộc thảo mộc, thì năm thứ: hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu, gọi là Ngũ huân, vẫn là thảo mộc.
Có cữ chăng là những bậc công cao quả dày, tham thiền nhập định, vì nó có tính cách kích thích và thương tổn tinh thần. Người mới học đạo cần phải lao động trong trường công quả thì chưa buộc phải kiêng cữ, nhưng ai kiêng cữ được cũng nên.
Vậy, việc ăn chay cũng như việc tu hành, không nên thái quá mà cũng không nên bất cập.”
Tóm lại, dựa theo một số ấn phẩm và tài liệu của đạo Cao Đài, tín ngưỡng này khuyến khích việc thuần chay (không ăn thịt loài vật và những sản phẩm từ động vật, kể cả trứng, sữa động vật và phụ phẩm từ sữa động vật). Định nghĩa về loài vật, theo đạo Cao Đài, dĩ nhiên bao gồm hải sản như cá, tôm, cua, sò, tép, v.v., vì chúng cũng là một sinh mạng. Việc giảng giải này rất hợp lý với quy luật từ bi và giới không sát sinh của đạo Cao Đài nói riêng, cũng như các tôn giáo khác nói chung.
Cao Đài giáo đề cao những nguyên tắc song hành với một trái tim hòa bình, thanh tịnh. Ăn chay là để thể hiện trái tim hòa bình, thanh tịnh đó một cách cụ thể và cũng giúp ta được phần lợi ích trên phương diện tâm linh.
http://www.vietnamanchay.com/2013/09/truyen-thong-chay-tim-hieu-ve-quan-niem.html