Gặp người lồng tiếng cho các nam tài tử Hồng Kông
Phan Cường
(VTC News) - Với chất giọng truyền cảm, diễn viên lồng tiếng Nguyễn Vinh là người luôn đảm nhận các vai kép chính trong phim bộ Hồng Kông TVB từ thập niên 1990 đến nay.
Tiếp chúng tôi tại quán cơm chay, diễn viên lồng tiếng Nguyễn Vinh cho biết, anh ăn chay trường từ lâu do cái duyên khi anh đến với kinh, sách nhà Phật. Anh là người chuyên lồng tiếng phim cho các vai nam diễn diên chính, trẻ tuổi, tuy nhiên đôi lúc cũng lồng giọng ông già, người lớn tuổi nhưng dạng vai này rất ít.
Các phim đang chiếu trên SCTV 9 như Đắc Kỷ Trụ Vương một mình Nguyễn Vinh lồng tiếng cho vai vua Trụ, vai Lôi Chấn Tử (người chim), vai Dương Trung Tử (đạo sĩ) và các vai phụ khác.
Trong phim Quyền lực đen tối Nguyễn Vinh lồng vai anh Hai, phim Anh hùng xạ điêu lồng vai Quách Tĩnh (do diễn viên Trương Chí Lâm đóng), phim Hồ sơ trinh sát lồng vai sếp Dũng, phim Bao Thanh Thiên lồng vai Công Tôn Sách... Chất giọng của anh khiến người nghe thấy quen thuộc, dễ mến, gần gũi, tự nhiên mà không gượng ép.
- Theo anh, những yếu tố nào để có được chất giọng hay khiến khán giả xem phim yêu thích?
Nguyễn Vinh: Cá nhân Vinh nghĩ, nghề nói hay nghề hát, cái đầu tiên phải nói đến đó là chất giọng riêng, còn gọi là trời phú hay tổ đãi. Nghĩa là, phải có một cái gì đó để người diễn viên không cần phải cứ đóng vai chính mà đôi lúc chỉ cần vai tính cách, khi nghe họ nói, họ hát cũng khiến người nghe cảm nhận được ý nghĩa thông qua sự truyền cảm của người thể hiện.
Khi lồng tiếng, điều quan trọng là tập trung cho nhân vật, nhập tâm cùng vai diễn. Trong phim bộ Hồng Kông TVB cũng nhờ tông giọng tiếng Hoa, hầu hết là tiếng gốc Quảng Đông. Ở đây họ nói rất rõ như kịch sân khấu nên mình biết được âm điệu, âm tiết, nghe tông họ xuống hay lên đoán được.
Như vậy khi lồng vào, mình đi sát được tình cảm nhân vật hơn. Tuy không biết tiếng Hoa nhưng do lồng nhiều nên 5 - 10 chữ biết được vài chữ tiếng Hoa, khi đến câu nào, từ nào mình cũng chủ động được, biết được trước câu thoại sau, để lỡ đọc nhanh hay chậm, mình còn tiết chế, tăng giảm theo, cũng có lúc 'ăn gian' nói lời thoại khi không có cảnh nhân vật.
Ngoài ra, Vinh cũng kết hợp kinh nghiệm thời còn học sân khấu cải lương. Chẳng hạn, khi dẫn nhịp vọng cổ, vừa ca vừa nói, khuông từ 4 - 5 chữ/nhịp, đến một lúc nào đó, mình không cần phải canh chính xác theo nhịp nữa mà cảm nhận chữ mình đọc chạy trước hay sau, lồng theo trường canh.
Nhờ tích lũy kinh nghiệm, giống như cải lương đang ca dây kép trở lại dây đào, vừa hát còn hai chữ cuối ông thầy trở dây đào mình biết liền, vừa dứt chữ là đổi giọng nhờ cái đó rút kinh nghiệm.
Hôm nào khỏe là mình nhấn nhá nhiều hơn, không cần tròn chữ như ca sĩ, có những chữ mình lướt qua chạy theo tiết tấu, không nên gò ép cứng quá, đôi lúc nên lướt chữ nhấn nhá. Khi lồng tiếng mình cảm nhận nói như hát chứ không đọc, như có nhạc uyển chuyển, lên xuống chứ không quá căng theo bài bản là cứ tròn âm, rõ chữ.
- Anh thường dùng kỹ thuật nào để lồng tiếng?
Nguyễn Vinh: Đầu tiên một diễn viên lồng tiếng, không bị khiếm khuyết về giọng, đặc biệt lưỡi thon, đều, giọng chuẩn, khi đọc không bị trẹo chữ, khựng từ. Thông thường mình kết hợp cả hai trường hợp, lúc dùng hơi bụng, lúc dùng hơi cổ.
Những tình huống nói thấp thì dùng hơi bụng nhưng trường hợp, khóc nấc thì dùng hơi cổ. Lúc dùng nhiều quá có khi đơ mặt, khàn giọng. Vinh cũng thường học hỏi lớp ca sĩ lúc trước như Khánh Hà, Ý Lan về cách nhấn nhá, ép hơi nhả chữ hay ca sĩ Duy Quang (đã mất), nữ ca sĩ Hoàng Oanh để ý họ có chất giọng chân chất, giọng thật.
Chẳng hạn khi nghe Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Cảnh, Minh Phụng... ca hoặc nói là mình thấy gần gũi, tự nhiên, rất thân thuộc, dường như không thấy có khoảng cách cho dù sau này họ có lớn tuổi. Đồng thời Vinh kết hợp với kiến thức lúc học sân khấu về cách ngắt câu, lấy tiết tấu, cao trào của mình.
Thế hệ trẻ bây giờ đa phần có chất giọng tốt, khỏe nhưng cũng còn một vài khiếm khuyết có thể do chưa có kinh nghiệm nhiều. Nghĩ lại thời Vinh còn trẻ cũng vậy, khi lồng tiếng cho diễn viên có gương mặt bình thường mà mình cứ đẩy giọng cao lên, giọng như trên trời, trong khi khẩu hình người diễn xuất lại ở dưới đất, giờ nhiều khi xem lại thấy mắc cười.
Thời trẻ ai cũng có những lúc tự kiêu, tự mãn, cũng có những cái chảnh của riêng mỗi người, miễn sao chấp nhận được chứ đừng có thái quá.
(Với Thu Hương trong Thanh kiếm Đồ Long. Lồng cho Trương Triệu Huy.)
- Giọng 'thuyết pháp' của anh có người ngộ nhận anh là thầy giảng đạo?
Nguyễn Vinh: Ngoài lồng tiếng phim, Vinh còn thu âm Kinh Vô Lượng, khoảng 100 tập, 60 phút/tập của Pháp sư Tịnh Thông thuộc hệ phái Tịnh Độ và các sách nói về Phật khác. Qua giọng đọc của mình, có nhiều Phật tử muốn gặp Vinh nghĩ rằng mình là thầy giảng giáo lý.
Nhưng Vinh nói mình chỉ là người đọc, chuyển tải âm đến độc giả còn người thuyết giảng là người khác. Có lẽ Vinh đọc thuyết minh kết hợp lồng tiếng, với chất giọng trầm ấm, nhẹ nhàng, biểu cảm, tương đối khớp với câu giảng của pháp sư nên có người không nhận ra.
Bản thân Vinh ít nhiều cũng sống trong giáo lý nhà Phật, nên khi thu âm mình nhập vai, những từ của nhà Phật tuy không hiểu hết nhưng mình cũng đã hòa hợp được cái tôi của mình vào lời giảng của pháp sư, xem đó là động lực cố gắng nỗ lực hơn nữa để phục vụ công chúng.
- Bí quyết giữ giọng của anh là gì ?
Nguyễn Vinh: Vinh không hút thuốc, một phần do ăn chay nên cũng ít khi có dịp uống rượu với bạn bè, ăn cay, nóng thì hạn chế. Một phần Vinh có thói quen tụng kinh Phật cũng là cách tập luyện giọng nói.
Việc này giúp ích cho công việc Vinh rất nhiều, về cách lấy hơi, luyện giọng, nhả câu, nhấn nhá chữ, luyến láy từ, ngữ điệu trầm bổng, đọc nhanh không bị vấp, không nói lắp. Có những câu văn, lời thoại dịch ra viết không thuận, đọc không xuôi tai nhưng mình vẫn có thể lướt qua được.
http://vtc.vn/13-390496/giai-tri/gap-nguoi-long-tieng-cho-cac-nam-tai-tu-hong-kong.htm