Thursday, July 25, 2013

Làm Thế Nào Để: Sơ cứu nạn nhân đuối nước


Summer is synonymous with fun in the water. Dr. Vũ Đức Định cites 6,000 children deaths last year (2012) in Vietnam due to drowning. He discusses how to provide preliminary emergency help. For prevention, Dr. Vũ also suggests that one learns swimming as soon as possible.

Ðuối nước, cấp cứu sao cho đúng?
TS.BS. Vũ Đức Định
(SK & ĐS) - Hè về đồng nghĩa với các nhu cầu vui chơi, giải trí, bơi lội... được trẻ em tận dụng tối đa. Nhưng hầu như năm nào cũng xảy ra những vụ đuối nước do trẻ tự ý đi bơi lội, tắm táp là nỗi đau cho cả gia đình và xã hội. Tính riêng năm 2012, nước ta đã có gần 6.000 trẻ em bị chết đuối. Điều này cho thấy công tác phòng chống ngạt nước của chúng ta vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức và ngạt nước vẫn là một vấn đề thời sự nhức nhối cần nhắc tới mỗi khi hè về.

Ngạt nước dưới góc nhìn y học
Ngạt nước hay đuối nước là tình trạng thiếu oxy do cơ thể bị chìm trong nước. Có 2 tình huống xảy ra.

Thứ nhất là khi nạn nhân bị chìm trong nước, vùng vẫy một vài phút sau đó kiệt sức và nước tràn vào phổi gây suy hô hấp và ngừng tim nhanh chóng sau đó. Nếu được cứu lên bờ, nạn nhân có biểu hiện suy hô hấp nặng: tím môi, đầu chi, da tái lạnh, thở nhanh nông, có thể sùi bọt hồng do phù phổi cấp, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt, lơ mơ hoặc hôn mê.

Thứ hai là sốc do ngạt nước hay nước giật. Trường hợp này thường do các biến cố về tim mạch xảy ra khi nạn nhân đang bơi lội. Các biểu hiện bao gồm mức độ nhẹ: cảm giác ớn lạnh, khó chịu, cảm giác co thắt ngực và bụng, nôn, buồn nôn, nhức đầu, mạch nhanh, nổi mề đay kiểu dị ứng (với nước), mức độ nặng hơn: trụy mạch, nổi mề đay, ngất. Ngất đột ngột khi đang bơi, ngất trắng kiểu ức chế thần kinh. Nạn nhân chìm luôn không kêu cứu, giãy giụa được và sau đó có thể có nước hít vào phổi hoặc không.

Sau khi nạn nhân đã được đưa lên bờ, các triệu chứng của hội chứng sau ngạt nước như giảm thân nhiệt, rối loạn chức năng thần kinh do thiếu oxy não (lẫn lộn, co giật, giãy giụa, hôn mê...), phù phổi cấp, trụy mạch, các rối loạn về nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan, tăng đường máu, tình trạng tan máu... có thể sẽ tiếp tục xảy ra.

Làm sao cứu người ngạt nước?
Việc đầu tiên cần phải làm của người cứu hộ là nhanh chóng kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người chung quanh đồng thời tìm kiếm những vật nổi như phao, mảnh gỗ, can nhựa... cho nạn nhân bám vào. Cũng có thể dùng cây sào dài, quăng dây thừng hoặc nối nhiều quần áo thành dây cho nạn nhân bám để kéo vào bờ. Trường hợp nạn nhân ở quá tầm ném, có thể buộc dây quanh eo người cứu hộ, để chừa một đoạn ngắn để ném cho nạn nhân bám khi người cứu hộ bơi tới gần nạn nhân. Đầu dây còn lại sẽ do những người trên bờ kéo vào hoặc buộc vào vật cố định chắc chắn trên bờ để cho người cứu hộ có thể đu dần vào bờ. Nếu nạn nhân ôm bám quá chặt, người cứu hộ cần bình tĩnh luồn ra khỏi nạn nhân bằng cách tát mạnh hoặc lặn sâu xuống cho nạn nhân buông ra sau đó tìm cách kéo nạn nhân vào bờ bằng các kỹ thuật cứu hộ như kéo tóc, đẩy chân, hoặc bơi ngửa phía sau một tay đỡ nạn nhân phía trước. Đương nhiên, việc có các phương tiện cứu hộ như phao, tàu thuyền... thì công tác cứu hộ sẽ đơn giản hơn nhiều.

Sau khi đưa nạn nhân vào bờ, cần thực hiện ngay những động tác sơ cứu cơ bản như khai thông đường thở bằng cách lấy bỏ sạch những dị vật, bùn đất... trong miệng nạn nhân, cho nạn nhân nằm nghiêng, hà hơi thổi ngạt hoặc ép tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân có ngừng tim. Sau đó nhanh chóng gọi đội cấp cứu chuyên nghiệp hoặc tìm sự hỗ trợ để nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Phòng chống ngạt nước
Thứ nhất là bạn phải học bơi càng sớm càng tốt; thứ hai là không tắm, bơi ở những nguồn nước nguy hiểm như sông, suối nước sâu, dòng chảy xoáy và mạnh, vùng biển có sóng quá to; nên dùng phao, áo bơi khi bơi ở vùng nước sâu, xoáy; những người có bệnh tim mạch, động kinh không nên tắm chỗ nước sâu; không bơi khi người ốm, mệt, sau khi ăn no hoặc uống bia rượu, khi trạng thái tâm lý không ổn định. Đặc biệt cẩn thận khi trông giữ trẻ em, tránh xa các hồ nước, ao sâu phòng trẻ bị ngã xuống nước.

Đối với cơ quan quản lý, phải đặt biển cảnh báo ở những vùng nước sâu nguy hiểm, thành lập các đội cứu hộ chuyên nghiệp và y tế tại các điểm du lịch sông biển, hồ... Có kế hoạch huấn luyện cấp cứu ngạt nước cho các đối tượng như công an, quân đội, các đội tình nguyện và thậm chí phổ cập toàn dân những kiến thức y học hết sức đơn giản mà vô cùng hữu ích này.      

Nguồn: Sức Khỏe & Đời Sống