Ăn chay đã trở thành nét văn hóa ẩm thực |
Dịch vụ nấu cỗ chay hốt bạc ngày rằm tháng Giêng
Bài & ảnh: Quỳnh Trang (Vietnam+)
(Vietnam+) - Ngao ngán với thịt mỡ, bánh chưng nên các món ăn chay đang là cách để thay đối khẩu vị, lấy lại sự cân bằng của nhiều thực khách sau kỳ nghỉ Tết.
Món ăn thời thượng
Sau 9 ngày nghỉ Tết, chị Trang ở Cầu Giấy, Hà Nội, đi làm trong trạng thái uể oải, bao nhiêu dư âm của những đặc sản vẫn còn khiến chị rùng mình.
Chính vì vậy, những món ăn chay được chị cùng nhiều đồng nghiệp chọn để cân bằng lại khẩu vị và sức khỏe của mình. “Ban đầu tưởng khó ăn, nhưng đồ chay được nhiều nơi chế biến rất ngon mà lại có lợi cho sức khỏe, không bị tăng cân nên mình được bạn bè rủ đi ăn nhiều,” chị Trang nói.
Dạo quanh các nhà hàng nấu cỗ chay ở Hà Nội như Bồ Đề Tâm, Linh Đan 4B, Loving Hut…, đồ ăn chay cũng được thể hiện rất cầu kỳ, đa dạng và mang hương vị riêng của từng đầu bếp.
Phổ biến nhất là các món như gà hấp, bò xào, tôm chiên, nem rán, giò chay, chả quế chay, sườn chiên kẹp dừa sốt, kim tiền kê (xiên nướng), phở cuốn (hoặc cơm lá sen), đậu cuốn nấm, xào hải sản ngũ quả, nai xào lá lốt rắc vừng, nộm chua ngọt, xôi ba tầng, canh ngũ sắc (hoặc canh nấm)...
Trong khi đó, tại các chùa thường nấu cỗ thuần chay, nghĩa là các món ăn không mang vẻ "hồn chay, dáng mặn" như ở các nhà hàng.
Ví như cỗ chay ngày rằm ở các chùa Vân Trì (Từ Liêm) hay chùa Phụng Khánh (Tây Sơn), chùa Thọ (Cầu Giấy)… thì món ăn chay không gợi nhắc đến những hương vị của động vật. Bác Tuyết, một Phật tử tại chùa Vân Trì, cho biết: "Sư trụ trì ở đây dạy, thành tâm là cả khi ăn cũng không tưởng tượng hay tâm niệm là đang ăn mặn, thế mới là tu".
Mỗi dịp rằm tháng Giêng đến là các Phật tử lại đổ về các chùa đông nghìn nghịt, họ phải đăng ký tham gia từ rất sớm để được tham dự bữa cơm chay cầu phước đầu năm. Không chỉ đơn thuần là thưởng thức ẩm thực, giờ đây nhiều người còn lựa chọn ăn chay để dưỡng tâm, tìm lại sự thư thái trong tâm hồn.
Nhộn nhịp dịch vụ nấu cỗ chay
Sự phổ biến của thức ăn chay đã giúp dịch vụ này ngày càng "vào cầu", trong khi giá cả thì nhích lên từ 20-30% so với trước Tết Nguyên đán.
Các nhà hàng đua nhau tung các dịch vụ nấu cỗ chay với mâm 6 suất giá từ 400.000 đồng/8 món - 1,2 triệu đồng/13 món dù trước Tết, giá chỉ từ 300.000 - 1 triệu đồng/mâm.
"Dù trước Tết đã đặt cỗ rằm tháng Giêng cho đỡ cập rập nhưng đến giờ các nơi đều đồng loạt báo tăng giá với lý do phí dịch vụ cao đầu năm, thực phẩm khan hàng nâng giá đầu năm", bác Chanh, phụ trách cỗ chay rằm cho chùa Thọ, Cầu Giấy, cho biết.
Trong dịp này, các nhà hàng cũng tổ chức tiệc buffet chay ngày rằm với giá từ 175.000 - 200.000 đồng/suất phục vụ cho khách thập phương cũng như các đại gia đình có nhu cầu đi ăn "đổi gió" sau Tết.
Một số các món mới được các cơ sở cung cấp dịch vụ giới thiệu thêm như từ bi hỷ xả (Gà đen rang muối) giá 89.000 đồng/đĩa, súp yến mùa Xuân giá 68.000 đồng, trứng hấp vân giá 45.000 đồng, ngư thu sốt ngũ liễu (cá thu sốt ngũ liễu) giá 68.000 đồng...
Chị Giang, quản lý nhà hàng ẩm thực Linh Đan 4B Hàng Bồ cho biết, thời gian này nhà hàng đã kín lịch nhận đặt làm cỗ chay phục vụ rằm tháng Giêng, chiều lòng khách có nhu cầu, nhà hàng đứng ra nhận thêm đơn hàng nhưng phải đẩy sang cho các cơ sở nhỏ khác cùng làm.
Các quán cơm chay bình dân cũng không bỏ qua cơ hội này tăng giá cơm chay theo suất từ 20.000 - 25.000 lên 35.000 - 40.000 đồng. Ngoài ra các món chay bình dân khác dao động từ 15.000 - 30.000 đồng/món vô cùng phong phú.
"Từ Tết ra, mỗi ngày quán phục vụ gần 200 lượt khách, khách chủ yếu là dân văn phòng đặt cơm ăn buổi trưa, có hôm không còn hàng mà bán cho khách", bác Lan, chủ quán cơm chay bình dân Loving Hut ở 10/121 Chùa Láng, nói.
Ăn chay đang ngày càng phổ biến và trở thành nét văn hóa thu hút nhiều thực khách, không chỉ vào các dịp lễ Tết, ngày rằm mà có nhiều thực khách ăn chay trường để nâng cao sức khỏe.
http://www.vietnamplus.vn/Home/Dich-vu-nau-co-chay-hot-bac-ngay-ram-thang-Gieng/20132/184111.vnplus