Thursday, December 20, 2012

Vườn Nhạc: Duy Quang & ban nhạc The Dreamers


Trích bài phỏng vấn ca sĩ Duy Quang của Ánh Hường-KTNN (thực hiện tháng 8/2012)

Sinh ra trong một đại gia đình danh tiếng trong âm nhạc, cha là nhac sĩ Phạm Duy,mẹ là ca sĩ Thái Hằng (chị ruột của nữ danh ca Thái Thanh), cậu ruột là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, bác ruột là giáo sư, nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng… Sự nghiệp đi hát của anh có lẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với những ca sĩ khác? Bằng chứng là anh được khán thính giả biết đến qua những ca khúc của thân phụ anh, nhạc sĩ Phạm Duy? 

Có thể nói như vậy. Tôi bắt đầu tập đàn hát từ năm 16 tuổi. Thời điểm đó, tôi gần như không nghe nhạc Việt Nam nên khi đi hát, tôi chỉ hát được nhạc quốc tế. Sau đó một thời gian, khi đã trưởng thành, tôi có cảm xúc nhiều hơn với dòng nhạc Việt. Lúc ấy, cha tôi có gợi ý cho tôi nên chuyển qua hát nhạc Việt. Từ đó, những bài nhạc nào ông viết có âm hưởng mới mẻ, trẻ trung, cảm thấy phù hợp với chất giọng của tôi, ông dành cho tôi hát trước, như một số bài phổ từ thơ của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên: Thà như giọt mưa, Trả lại em yêu, Em hiền như ma soeur, Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, Con đường tình ta đi, Trả lại em yêu… Bên cạnh việc hỗ trợ bài hát phù hợp với chất giọng, cha tôi còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho tôi trong thời gian đầu đi hát. Tuy nhiên, ngày đó nghề ca hát còn là nghề rất thô sơ. Ca sĩ hát bằng chính thực lực của mình chứ không có một công nghệ lăng-xê nào như bây giờ. Nếu bạn có thực tài thì bạn trụ lại được, vậy thôi. Cha tôi dù tài năng đến đâu, gia đình tôi có tiếng tăm đến đâu mà bản thân tôi không có thực lực, đam mê thì cũng chịu.

Nghĩa là, để có một tên tuổi được nhiều khán thính giả biết đến như Duy Quang chính là nhờ vào thực lực của bản thân? 

Ông Trời ban cho mỗi người có một sứ mạng, mỗi người có một ngành nghề, ưu điểm có, khuyết điểm có. Tôi may mắn được ban một năng khiếu. Âm nhạc là ưu điểm nên tôi nắm lấy ưu điểm của mình để phát huy cho tốt.

Anh có phải rèn luyện nhiều để có giọng hát hay? 

Tôi chỉ giữ gìn sức khỏe tốt, tuyệt đối không hút thuốc. Hạn chế uống bia rượu hay ăn những thức ăn ảnh hưởng đến chất giọng như những thức ăn nhiều dầu mỡ, không ăn ngọt, không ăn mặn… Trước khi đi hát chỉ cần khởi động thanh quản chừng 15 phút vậy thôi chứ cũng không cần rèn luyện gì nhiều. Thật ra, người ca sĩ cần có một trình độ nhất định về cảm thụ âm nhạc, chọn lựa những nhạc phẩm sao cho phù hợp với chất giọng mình chứ không phải nhạc gì cũng hát.

Nghe anh nói, cảm giác như bước đường trở thành một ngôi sao trong âm nhạc của anh quá dễ dàng? 

Tôi không bao giờ tự nhận mình là ngôi sao. Âm nhạc là niềm đam mê lớn của tôi. Thời của tôi khác bây giờ nhiều lắm! Bây giờ là thời đại thương mại cả trong âm nhạc. Có hẳn những công ty đào tạo ca sĩ, lăng-xê ca sĩ. Thời của tôi làm gì có. Đi hát là đi hát chứ không có bất cứ công cụ hỗ trợ nào. Điều đó mang lại sự công bằng cho những người có khả năng thực sự. Riêng bản thân tôi, tôi không quá nhiều tham vọng trong âm nhạc. Tôi không phải mẫu người làm bất cứ chuyện gì để có thể nổi tiếng. Với tôi, đi hát là đi hát, còn có nổi tiếng hay không cũng không thành vấn đề. Có lẽ vì vậy nên mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn chăng?

Anh đã từng sáng tác và có những bài hát được khán thính giả khắp nơi yêu thích như Kiếp đam mê, Vì yêu em, Bài thơ vu quy, Ngày như đêm v.v… Tại sao anh không tiếp tục sáng tác? 

Tôi nghĩ khi sáng tác, người nhạc sĩ cần phải tĩnh. Tôi thì không tĩnh được, vẫn sôi nổi lắm nên chưa thể ngồi yên để viết nên những bài hát vận còn dang dở. Vả lại, những ca khúc tôi viết đều là tiếng nói từ đáy lòng mình. Tôi viết bằng chính tâm tư, tình cảm của mình, vì vậy khi nào thấy có cảm hứng thật sự thì tôi mới viết.

Được biết, anh từng thành lập ban nhạc The Dreamers, gồm 3 em trai (Duy Dùng, Duy Minh, Duy Cường) và 2 em gái (Thái Hiền, Thái Thảo), ban nhạc từng tạo được tiếng vang trong trên các sân khấu lớn ở thập niên 70, sau đó thì vắng bóng hẳn. Hiện tại, gia đình anh có còn hoạt động âm nhạc xôm tụ như trước? 

Ban nhạc do tôi thành lập và đào tạo các em gồm có: Duy Quang (Bass Guitar), Duy Minh (Drum), Duy Hùng (Lead Guitar), Duy Cường (Piano). Bây giờ chỉ còn tôi và Duy Cường (nhạc sĩ hòa âm) là còn hoạt động trong lãnh vực âm nhạc. Những người còn lại sau khi có gia đình, gần như đã bỏ nghề.

Trong suốt quãng thời gian đi hát, anh gắn bó với ca sĩ nào nhiều nhất? 

Trong những đồng nghiệp thì tôi và Ngọc Lan có nhiều kỷ niệm làm việc chung với nhau nhất.

Anh cũng chính là người phát hiện ra giọng hát của ca sĩ Ngọc Lan? 

Khi tôi biết Ngọc Lan thì cô ấy chưa nổi tiếng. Hồi ở Việt Nam, cô ấy có đi hát thánh ca trong ca đoàn (ở Nha Trang). Sau đó qua Mỹ thì mới bắt đầu đi hát. Biết cô ấy có chất giọng tốt, nhìn thấy tài năng của cô ấy nên tôi liền mời về trung tâm mình hát. CD đầu tiên của Ngọc Lan cũng do tôi thực hiện. Sau này hai anh em có dịp làm việc với nhau nhiều nên tôi càng quý mến Ngọc Lan ở tính tình cũng như tài nghệ. Từ đó, tôi và cô ấy có sự gắn bó, thông cảm nhiều hơn với những ca sĩ khác. Cô ấy ra đi ở tuổi còn quá trẻ. Thật đáng tiếc.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, anh cảm thấy đâu là thời điểm anh đứng trên đỉnh cao danh vọng trong sự nghiệp? 

Những năm 80 là thời điểm chín mùi cho sự nghiệp âm nhạc của tôi. Khi đó, tôi chính thức chuyển qua hát nhạc Việt Nam, phần lớn là nhạc của cha tôi viết, hoặc phổ thơ.

Khi rời khỏi đỉnh vinh quang đó, anh có cảm giác bị hẫng? 

Từ khi bước vào con đường ca hát này, tôi đã có sự chuẩn bị tinh thần cho mình. Lường trước được những giai đoạn mình đã đang và sẽ đi qua của cuộc đời nghệ sĩ vì vậy mà tôi có sự chủ động trong cuộc sống. Chủ động bằng cách chuyển qua kinh doanh, để thấy ngoài ca hát, mình còn là một con người của công việc khác, nhằm tránh những bi quan trong suy nghĩ. Nhiều người chỉ nắm lấy một nghề, sau đó về già hoặc khi hết thời mới chợt nhận ra mình tay trắng. Ở tình huống đó, đối diện với thực tế là điều khó khăn nhất. Tôi may mắn học được lối suy nghĩ và làm việc của nguoi Mỹ, luôn tự lên kế hoạch cho đời mình trước 10 năm. Vì vậy, mọi thứ diễn ra với tôi đều là trong tính toán, không có gì bất ngờ để phải hụt hẫng cả.

Hai lần đổ vỡ trong hôn nhân có khiến anh sợ phụ nữ? 

Phụ nữ là một tặng phẩm quý giá của Thượng Đế dành tặng cho cuộc đời, lúc nào cũng đáng yêu cả, có gì phải sợ. Tôi quan niệm hôn nhân là do định mệnh sắp đặt, là cái duyên nợ. Đến tuổi này thì tôi cũng chẳng muốn tính toán gì nữa, việc gì đến sẽ đến. Khi tình yêu đến, mình có muốn trốn cũng không được.

Nếu như cái duyên đó đến thêm lần nữa, anh vẫn sẵn sàng đón nhận? 

Tất nhiên. Không ai muốn mình đơn độc trên bước đường đời cả. Nhưng đối với tôi, tình yêu và hôn nhân không phải là thứ tìm mà có nên cứ để tự nhiên. Không nên đòi hỏi một sự hoàn hảo nào cả, chỉ cần một tình yêu thật sự là đủ rồi.