Sunday, September 30, 2012

Sức Khỏe Của Bạn: Nghiện cờ bạc hại sức khỏe


Nghiện cờ bạc hại sức khỏe
T. Nghĩa (Theo Alternet)

[PNO] -Trong các thói quen tai hại, nghiện cờ bạc thường được cho là ít hại sức khỏe nhất, nhưng theo các nhà khoa học của Hội đồng Quốc gia về các Vấn đề của Cờ bạc (NCPG) Mỹ, cờ bạc có sức tàn phá sức khỏe bạo liệt nhất, đặc biệt là sức khỏe tâm thần, và biểu hiện phổ biến nhất là tự tử.

Vấn đề đáng lo nhất, xét theo góc độ sức khỏe, là cờ bạc không có triệu chứng nào báo hiệu cơ thể con bạc đang bị đe dọa. Chơi ma túy hay nhận say “quắc cần câu”, cuộc chơi có thể kết thúc ở bệnh viện hay nhà xác tùy theo sức chịu đựng của cơ thể. Những con nghiện cờ bạc dẻo dai một cách lạ thường. Họ có thể chơi trò đỏ đen từ sáng đến tối, ngày này sang ngày nọ mà không sợ bị kiệt sức.

Tiến sĩ Rachel Volberg, Chủ tịch công ty Gemini Research, tác giả nhiều công trình nghiên cứu về cờ bạc, nhận định rằng con nghiện cờ bạc nếu có bệnh là do lạm dụng rượu và thuốc lá. Suy nhược cơ thể và lo âu cũng là những vấn đề của con bạc.

Tuy nhiên, theo ông Volberg, những thứ đó chỉ làm cho vấn đề thêm mơ hồ, bởi vấn đề cốt lõi của con bạc gói gọn trong một từ duy nhất: nợ. Đó chính là sát thủ giấu mặt. Nó thường đẩy con bạc tới bước đường cùng là tìm đến cái chết để thoát nợ tiền và nợ đời.

Theo báo cáo mới đây của NCPG đăng trên trang tin trực tuyến Alternet, có đến 80% con bạc nghĩ đến tự tử và cứ 5 người thì có 1 người tự kết liễu đời mình bằng cách này hay cách khác. Tỷ lệ này nhiều gấp đôi so với nghiện thuốc lá, ma túy, rượu và các dạng nghiện ngập khác.

Con nghiện cờ bạc tìm đủ mọi cách để giấu nợ, kể cả giấu vợ (chồng) và con. Họ tự cô lập với gia đình và xã hội. Họ làm những điều mà họ biết là tội lỗi như rút tiền tiết kiệm của vợ, bán đất bán vườn. Con nghiện nào cũng có thể đi cai nghiện nhưng con nghiện cờ bạc thì không. Keith Whyte, Giám đốc điều hành NCPG, giải thích: “ Nếu bạn cai rượu, bạn còn cơ hội đi làm trở lại. Nhưng nếu bạn nghiện cờ bạc và món nợ của bạn nhiều hơn thu nhập cả năm gấp nhiều lần thì bạn không có cơ hội nào. Nói chung, sống mà thiếu rượu đỡ khổ hơn nhiều thiếu tiền và thiếu nợ”.

Tại Hồng Kông, một cuộc nghiên cứu năm 2010 cho thấy trong số 233 trường hợp con bạc tự tử, có 110 trường hợp do thiếu nợ không thể trả. Đa số là đàn ông, tuổi trung niên, sức khỏe bình thường, có gia đình và có công ăn việc làm đàng hoàng. Rất ít người có triệu chứng mắc bệnh tiền tâm thần.

http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/bac-si-gia-dinh/nghien-co-bac-hai-suc-khoe/a74672.html