Friday, August 31, 2012

Vì Sao Ăn Chay: Loài người có thể phải ăn chay do thiếu nước

Thức ăn giàu đạm động vật tiêu tốn nước tới 10 lần so với thức ăn chế biến từ thực vật (Ảnh: AP)

Loài người có thể phải ăn chay do thiếu nước

(VOV) - Theo suy đoán của các nhà khoa học Thụy Điển, đến năm 2050, loài người có thể sẽ buộc phải ăn chay để khắc phục tình trạng thiếu nước.

Hơn 2.000 học giả, chính trị gia, lãnh đạo các tập đoàn và các nhà khoa học từ hơn 100 nước đang tham dự Tuần lễ Nước thế giới lần thứ 22, hội nghị hàng năm lớn nhất về những vấn đề liên quan đến nguồn nước, vừa khai mạc hôm 26/8 và kéo dài cho tới ngày 31/8 tại Stockholm (Thụy Điển).

Phí phạm lương thực là phí phạm nước

Các nước sẽ không thể đảm bảo an ninh lương thực nếu thiếu nước. Đó là thông điệp mà Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) José Graziano da Silva đưa ra tại Lễ khai mạc Tuần lễ nước năm nay.

Theo dự đoán của Liên Hợp Quốc, tới năm 2030, nhu cầu về nước trên toàn thế giới sẽ vượt quá mức cung 40%. Ông Jens Berggren, Giám đốc Tuần lễ Nước Thế giới tại Viện Nước Quốc tế Stockholm cho biết, mặc dù hiện nay có đủ nước cho con người nhưng nhiều nguồn nước đang bị sử dụng lãng phí.

“Nhiều báo cáo đã cho thấy chúng ta đang sử dụng nước vô cùng phí phạm. Chúng ta không chỉ lãng phí một số lượng lớn nước trong quá trình sản xuất lương thực mà chúng ta còn phí phạm một lượng lớn lương thực được sản xuất ra. Có đến 50% lương thực sản xuất trên thế giới không đến được người tiêu dùng”, ông nói.

Ông Berggren nhấn mạnh, phí phạm lương thực được so sánh với phí phạm nước vì phải cần rất nhiều nước để sản xuất lương thực. Ông dẫn chứng, hàng năm, người tiêu dùng tại Hoa Kỳ và Tây Âu vứt đi lượng lương thực tương đương giá trị khoảng 300 tỷ USD.

“Chúng ta hoang phí ngay trong hệ thống cung cấp nước, do những rò rỉ trong hệ thống cung cấp nước nội địa không được sửa chữa kịp thời. Chúng ta cũng phí phạm nước bằng những phương pháp tưới tiêu không đúng cách. Thay vì tưới nước cho cây với một số lượng vừa đủ và đúng thời điểm, chúng ta lại tưới ngập cả cánh đồng. Và đôi khi người ta trồng cả lúa trên sa mạc nơi có lượng nước bốc hơi nhiều. Những việc làm đó khiến cho chúng ta bị tổn thất rất nhiều nước”.

Nguy cơ chiến tranh vì nguồn nước

Không chỉ có sự phí phạm trong sản xuất, sinh hoạt, mà việc khan hiếm nguồn nước dẫn đến tranh chấp về nguồn nước đang châm ngòi cho các cuộc xung đột giữa các quốc gia. Liên Hợp Quốc đã từng cảnh báo nhiều lần về nguy cơ này. Ở châu Á, trong điều kiện tăng trưởng dân số, tăng trưởng kinh tế và gia tăng khối lượng tiêu thụ nước, các cuộc xung đột vì nguồn nước ngọt là yếu tố rất quan trọng làm trầm trọng thêm tình hình giữa các quốc gia có tranh chấp về nguồn nước.

Trong khi đó, khu vực Trung Đông đang chuẩn bị nhập khẩu nước uống từ Nam Mỹ và đang gấp rút xây dựng kho nước dự trữ chiến lược. Việc Iran thường xuyên dọa đóng cửa eo biển Hormuz không chỉ tạo ra chiến tranh về dầu mỏ, mà còn là cuộc chiến vì nguồn nước ngọt cho các quốc gia trong khu vực. Hầu như toàn bộ khối lượng nước ngọt tiêu thụ ở Saudi Arabia, Kuwait, Qatar và UAE được nhập khẩu thông qua eo biển này.

Còn ở khu vực Nam và Đông Nam Á, nhiều quốc gia sẵn sàng tham gia cuộc chiến vì các dòng sông. Ấn Độ và Pakistan đã 3 lần xung đột và nay lại đứng trên bờ vực xung đột mới vì nguồn nước. Dự án thủy điện của Trung Quốc trên sông Brahmaputra và các con sông khác ở Tây Tạng đe dọa hàng triệu nông dân Ấn Độ bị mất nguồn nước.

Ở khu vực Đông Nam Á, trong thời gian dài, Lào, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan cũng đối mặt với vấn đề thiếu nước do việc xây dựng các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong.

Thế giới sẽ buộc phải ăn chay để tiết kiệm nước

Theo suy đoán của các nhà khoa học Thụy Điển, đến năm 2050, loài người có thể sẽ buộc phải ăn chay để khắc phục tình trạng thiếu nước.

Theo Viện Nước quốc tế Stockholm, sẽ không có đủ nguồn nước để sản xuất lương thực cho 9 tỷ dân trên thế giới ​​vào năm 2050 nếu chúng ta tiếp tục sử dụng nước như hiện nay và thay đổi chế độ ăn phổ biến ở các nước phương Tây.

Theo thống kê của tờ The Guardian London, khoảng 20% lượng protein hàng ngày của con người có trong các sản phẩm nguồn gốc động vật. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, dân số thế giới sẽ phải cắt giảm 5% tổng lượng protein trên vào năm 2050 để thích ứng với sự thiếu hụt nước trên hành tinh.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy, 900 triệu người đang sống trong cảnh đói kém và 2 tỷ người bị suy dinh dưỡng mặc dù trên thực tế sản lượng lương thực bình quân đầu người tiếp tục có xu hướng tăng. Hiện tại, ngành nông nghiệp toàn cầu đã phải sử dụng đến 70% lượng nước ngọt, do đó việc sản xuất đủ lương thực để nuôi thêm 2 tỷ người vào năm 2050 chắc chắn sẽ tạo nên một áp lực lớn đối với nguồn nước và đất. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng ăn chay là một lựa chọn để chống lại tình trạng thiếu nước.

Theo Orion Jones, việc chuyển sang chế độ ăn chay có thể giúp giải phóng phần lớn đất canh tác để sản xuất lương thực của con người. "Một phần ba diện tích đất nông nghiệp hiện nay đang được sử dụng để nuôi trồng thức ăn cho gia súc. Trong khi, thức ăn giàu đạm động vật tiêu thụ nước nhiều hơn từ 5-10 lần so với một chế độ ăn chay".

Thống kê của Hội đồng Nước Thế giới cho thấy, hiện trên thế giới có khoảng 1,1 tỷ người không được dùng nước uống sạch. Còn Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp cảnh báo, đến năm 2025, ước tính gần 2 tỷ người trên thế giới sẽ phải đối mặt với điều kiện sống vô cùng khan hiếm nước. Do đó, việc quản lý hiệu quả sử dụng nước, tránh lãng phí trong quá trình sản xuất là vấn đề vô cùng cấp thiết.

Theo Tiến sĩ Colin Chartres, Tổng Giám đốc Viện Quản lý nước quốc tế - người đã được nhận Giải thưởng “Nước thế giới” năm nay - khẳng định, việc sản xuất đủ lượng lương thực nuôi sống 9 tỷ người trên thế giới vào năm 2050 là khả thi nếu chúng ta biết tận dụng tối đa 2 nguồn tài nguyên quan trọng là đất và nước.

http://www.baomoi.com/Loai-nguoi-co-the-phai-an-chay-do-thieu-nuoc/45/9208106.epi