Tuesday, February 07, 2012

Cùng Đọc Sách Hay: Pháp Hoa Thi Hóa - Lotus Sutra versified

A versified version of the Lotus Sutra was penned by Vietnamese poet Vũ Anh Sương.

Vũ Anh Sương, hóa ngòi bút trong Diệu Pháp Liên Hoa…
Trần Hoàng Vy

Giác Ngộ - Mở đầu tập Pháp Hoa Thi Hóa dày 360 trang là các lời giới thiệu của Đại đức-Tiến sĩ Thích Minh Thành, Giảng viên trường Đại học Phật giáo VN, Đại đức-Tiến sĩ Thích Nhật Từ, Phó ban Phật giáo Quốc tế Trung ương, lời tựa của Thượng tọa Thích Huyền Diệu và 2 bài thơ đề từ của Phạm Thiên Thư, độc giả mới thấy hết được tầm “quan trọng” được sự quan tâm của các bậc chân tu đạo hạnh đối với công việc “thi hóa” tập kinh Pháp Hoa của nhà thơ Vũ Anh Sương, là tác phẩm thứ 14 của anh.

Vũ Anh Sương  tên thật cũng là bút danh, mà theo cách diễn giải của Đại đức Thích Minh Thành đó là “Hạt sương tinh anh trong lòng vũ trụ”. Anh sinh tại huyện Bến Cầu, Tây Ninh. Một thời gian dài sinh sống ở xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, Tây Ninh, là cây bút thơ quen thuộc với nhiều độc giả và anh em Văn nghệ sĩ ở TP.HCM và Tây Ninh. Đã bước qua cái tuổi 60…thuận nhĩ, nhưng vóc dáng xem ra còn “bụi bặm” với mái tóc quăn “phiêu bồng”. Thơ Vũ Anh Sương được biết đến vừa mang cái tính cách “giang hồ”, phóng khoáng, lại trìu trĩu những tâm sự của một nghệ sĩ thích đi vào chiều sâu của tư tưởng và nghệ thuật.

Công việc “thi hóa”, đưa ngòi bút thơ đầy chất… phàm trần để làm cho những bài kinh gần hơn với chất văn học, chất nhân sinh, gần gũi với đệ tử chúng sinh, xưa nay cũng đã có nhiều người nghĩ đến và thực hiện. Cụ thể, trong thập niên 70 của thế kỷ trước, nhà thơ Phạm Thiên Thư cũng đã thực hiện ở bộ kinh “Kim Cang”, và bây giờ, Vũ Anh Sương cũng có cái tâm thi hóa kinh Phật, tiếp nối một công việc đầy khó khăn nhưng cũng hết sức thú vị bởi tấm lòng hướng thiện và cái duyên với cửa thiền…

Theo Đại đức Thích Nhật Từ: “Pháp Hoa Thi Hóa là một thi phẩm rút ngắn triết lý của kinh “Diệu Pháp Liên Hoa”, dựa trên bản dịch chữ Hán của ngài Cưu Ma La Thập, thành bốn ngàn năm trăm ba mươi sáu câu, là nỗ lực rất lớn để bản kinh triết lý sâu xa trở nên gần gũi và dễ hiểu” và Đại đức đã đánh giá: “Bản Thi Hóa này súc tích và ngắn gọn hơn nguyên tác rất nhiều, ngay cả so với phần thi kệ trùng tụng của phần chánh văn. Câu chữ và lời thơ rất trong sáng, vần điệu êm dịu, giúp người đọc dễ tiếp cận, dễ đọc tụng và đặc biệt là dễ hành trì…”.

Có lẽ chính vì thế, mà nhà thơ Phạm Thiên Thư, người đi trước trong việc thi hóa đã có những câu thơ “Cảm đề”: “ Hỏi non/Rằng ngọc nơi đâu?/Non rằng/Kho báu ở đầu cố nhân!/Hỏi sông rằng bến xa gần?/Sông rằng/Cái bến chính chân nơi lòng!..”. Đó chính là những giác ngộ, cảm nhận thật gần gũi của nhà thơ: “Như ngồi trong nhà này/Ngoài đường anh có thấy/Thương ghét ở lòng người/Lòng anh anh có biết?” (trang 80), hay như : “Anh nên nhìn nhận rằng/Cái sáng kia là tối/Cái anh cho tối mù/Thật ra là trí sáng!” (trang 81).

Và trong cái thế giới loài người, rất nhiều những nhà tư tưởng đã đưa ra những suy nghĩ để đúc kết tìm kiếm chân lý, cũng chỉ là : “Dưới thế giới Ta bà/Phân biệt chỗ suy nghĩ/Sức chí niệm vững bền/Chướng ngại không vướng phải” (trang 179).

Khuyên con người ta làm lành lánh dữ, không bị cái bã vinh hoa vật chất quyến rũ, là điều mọi người mơ ước và nghĩ đến, cũng như hành thiện, là luật bù trừ cho một xã hội tốt đẹp, vượt qua cảnh khổ: “Thời gian triệu quang niên/Kiếp người bao nhiêu tuổi/Trời tham vọng não phiền/Vướng luân hồi, sanh tử” (trang 341) và đấy cũng là trách nhiệm của những người mong ở chốn yên bình và giải thoát giữa Đạo và Đời…

Chỉ ghé dạo để mà cảm nhận ở góc độ của một người làm thơ, mong cho ngòi bút của mình hữu dụng. Chưa có cái tham vọng lĩnh hội sâu sắc bởi “triết lý và văn chương của kinh Hoa Sen Chánh Pháp được thể hiện qua chín ngụ ngôn, mang tư tưởng khai phóng và phát kiến chất liệu giác ngộ… Trọng tâm của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là giúp ta nhận thức được lớp triết lý sâu xa đó.” (trang 11).

Cho nên với bản thi hóa, sử dụng cấu trúc thơ ngũ ngôn tự do, cước vận gieo ở câu một- ba và hai- bốn, nhà thơ Vũ Anh Sương đã thực hiện được sự “thi hóa”, đem kinh gần gũi đến người đọc trong một tâm thế “tu dưỡng”, ít ra cũng giúp mọi người cảm và hiểu được qua ngòi bút của nhà thơ với mong ước: “Nếu thực lòng bụng đói/Tự tay lấy thức ăn/ Kinh sách đọc vô ích/Nếu đọc không thực hành”…

Gò Dầu, tháng 9-2011
(Nhân ghé đọc Pháp Hoa Thi Hóa, NXB Phương Đông ấn hành tháng 8-2011)

http://www.giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2011/10/01/5E7403/