Sunday, November 06, 2011

Gương Sáng: Trang Tử và Nam Hoa Kinh - Chuang Tzu (Tường Khai)

Chuang Tzu is considered one of the greatest philosophers of our world. Some records indicated that Master Chuang was born in China around 369 BEC and passed away in 286 BCE. 
He said: "The wise person looks into space and does not regard the small as too little, nor the great as too big, for he knows that there is no limit to dimensions."

Trang Tử và Nam Hoa Kinh
Tường Khai

Trong văn học Trung Quốc từ xưa đã xuất hiện hai nhân vật kỳ bí, hai triết gia đặc biệt: đó là Lão Tử và Trang Tử. Người xưa không ai biết hai Ngài là học trò của ai, và hành đạo ra sao. Đến khi nhị vị tách mình ra đi về cõi vĩnh hằng, để lại cho đời tác phẩm của mình thì đời sau mới biết tông chỉ và chủ trương của hai Ngài.

Đức Lão Tử để lại cho đời quyển Đạo Đức Kinh theo lời thỉnh cầu của ông Doãn Hỉ, vị quan coi cửa ải Hàm Cốc…. Với quyển Đạo Đức Kinh, Đức Lão Tử đã khai sinh một học thuyết mới: ĐẠO và một cái nhìn mới về vũ trụ quan. Người đời sau tôn xưng Ngài là Đạo Tổ. "Đạo Đức Kinh" là cuốn sách khó hiểu: không ai hiểu hết lời dạy của Ngài. Đến nay, sau trên 2000 năm, cuốn Đạo Đức Kinh vẫn còn đầy đủ giá trị thực tiễn cho người tu hành chân chính tìm hiểu và thực hành chân lý.

Nếu với đạo Nho, Mạnh Tử, một người học trò không trực tiếp tiếp thu lời dạy của đức Khổng Tử, không sinh cùng thời với Đức Khổng Tử (sanh sau khoảng 100 năm) mà lại hấp thụ trọn vẹn tư tưởng của Đức Khổng Tử và lại có công phát huy nền Khổng học, được người đời sau xưng tụng là bậc Á Thánh, thì với Lão giáo, ông Trang Tử sinh sau Đức Lão Tử mấy chục năm, không tiếp xúc với Đức Lão Tử mà cũng đã tiếp thu trọn vẹn tư tưởng của Đức Lão Tử và làm cho Đạo giáo khởi sắc thêm lên: chỉ xuyên qua một cuốn Nam Hoa Kinh !

Trang Tử tên thật là Trang Châu (Trang Chu). Ông sinh vào khoảng những năm giữa của thế kỷ thứ IV trước Tây lịch và mất vào những năm đầu của thế kỷ thứ III trước Tây lịch (ngày sinh và ngày mất của Trang Tử: có nhiều ý kiến rất khác nhau). Điều chắc chắn là Trang Tử sống cùng thời với Mạnh Tử và Huệ Thi đời Lương Huệ Vương và Tề Tuyên Vương. Ông sống vào thời kỳ đảo lộn dữ dội trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, giai đoạn Chiến Quốc (403-221 trước Tây Lịch).

Trang Tử là người xứ Mông, gốc nước Tống, là một nước nhỏ ở giữa hai tỉnh Sơn Đông và Hà Nam Trung Quốc hiện nay. Ông đã từng làm chức quan "Tất Viên" (coi vườn sơn [là cây có nhựa để làm sơn]) ở xứ Mông, và sau đó sống ẩn dật cho đến cuối đời. Đã từng làm quan và là người nổi danh tài trí nên chắc chắn Trang Tử xuất thân từ từng lớp quí tộc đã sa sút, bị mất chỗ đứng trong xã hội. Địa vị và giai cấp của Trang Tử đã thể hiện rõ trong thuyết tương đối và chủ nghĩa vô vi của ông.

Trang Tử sống thanh bạch, giản dị, ghét thói hám danh cầu lợi. Gia đình, vợ con ông sống nghèo khổ, túng quẩn nhưng rất có nhân cách và bản lĩnh…Ta có thể nói cuộc đời của Trang Tử đã thể hiện một cách nhất quán quan điểm tư tưởng của ông: đó là thái độ ung dung, thản nhiên đến lạnh lùng trước mọi sự kiện quan trọng diễn ra trong đời (cảnh vợ chết, Trang Tử ca! Thương Chí Lạc – Ngoại thiên).
Ngay cả khi gần chết, các đệ tử muốn hậu táng thì Trang Tử nói: "Ta có trời đất làm quan quách, nhật nguyệt làm ngọc bích, tinh tú làm châu ngọc, vạn vật làm lễ tống. Đám tang ta như thế chưa đủ sao? Còn thêm vô chi nữa?"

Tác phẩm duy nhất của Trang Tử là bộ Nam Hoa Kinh. Nam Hoa Kinh hiện nay được lưu truyền 33 chương và được chia ra như sau:

Nội thiên: 7 chương
Ngoại thiên: 15 chương
Tạp thiên: 11 chương

Theo các học giả, cuốn Nam Hoa Kinh 33 chương không phải do Trang Tử viết hoàn toàn. Căn cứ theo nhân cách, văn phong và tư tưởng của ông thì chỉ có phần Nội thiên là của Trang Tử, còn phần Ngoại thiên và Tạp thiên có chỗ do ông viết, nhưng phần lớn là do người đời sau viết thêm thắt vào.

Trang Tử có một địa vị rất lớn trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc. Nhờ ông một phần lớn mà tư tưởng học thuyết của Lão Tử mới được phổ biến mạnh. Giới trí thức (học Hán Văn) quí những câu "cách ngôn" trong Đạo Đức Kinh, còn giới bình dân (trong xã hội Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc) thì ai cũng biết ít nhiều về ngụ ngôn của Trang Tử. Tên ông gắn liền với tên Lão Tử và hai vị đều có công làm cho dân tộc Trung Quốc bớt thực tiễn, yêu thiên nhiên, tự do hơn, khoan dung hơn, khoáng đạt hơn.

Trang Tử là người có công mài giũa viên ngọc "ĐẠO" của Lão Tử để thể hiện đầy đủ vẻ lấp lánh sáng ngời của nó. Do đó người đời sau gọi chung là tư tưởng Lão Trang.

http://www.nhipcaugiaoly.com/post?id=134