Mr. Huỳnh Văn Lạc (b. 1901) & his darling wife Nguyễn Thị Lành (b. 1905) |
Cuộc hôn nhân dài gần một thế kỷ không tỳ vết
Phạm Khoa - Minh Thư (Đời Sống & Pháp Luật)
Vừa qua, Trung tâm kỷ lục Việt Nam đã ghi nhận một cặp vợ chồng sống tại Quận 12, TP.HCM là cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam. Cụ ông Huỳnh Văn Lạc năm nay đã 110 tuổi, còn cụ bà Nguyễn Thị Lành trẻ hơn một chút với 106 mùa xuân.
Dù đã sống với nhau 82 năm nhưng cách sống và tình cảm mà họ dành cho nhau vẫn khiến nhiều người nhìn vào phải trầm trồ ngưỡng mộ.
Duyên số trai quá lứa, gái lỡ thì
Sau một hồi lòng vòng hỏi thăm tại khu phố Đông Hưng Thuận (Q12, TP.HCM), chúng tôi được người ta chỉ đến một ngôi nhà với mặt tiền dài đến hàng chục thước, có hẳn. Ba chiếc cổng rộng. Sau một chút lưỡng lự, tôi tiến đến chiếc cổng ở trong vì hai lý do: Thứ nhất là do cánh cổng này đang khép hờ như đang chờ đợi một vị khách nào đó, thứ hai là bởi từ đó khẽ toát ra một mùi hoa vừa quen lại vừa lạ -mùi hoa Vạn Thọ vừa mới nở.
Mở cổng cho tôi là bà Tư Hoa, con gái thứ 3 của hai cụ Lạc, Lành. Sau khi giới thiệu mình là PV đến để viết về hai cụ, bà khẽ cười xòa rồi mời khách vào đón tiếp rất thân tình. Bà cho biết hai cụ vừa ăn chút cơm chiều nên đang nghỉ. Mấy hôm nay, sau khi báo chí đưa tin hai cụ là cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam, khách cứ đến thăm nườm nượp nên hai cụ cũng hơi mệt. Bên ly trà, những câu chuyện về cha mẹ mình được bà Tư Hoa lần giở một cách vừa hóm hỉnh, lại vừa sâu sắc.
Cách đây từ hơn một trăm năm, khu đất mà gia đình cụ Lạc hiện đang sinh sống thuộc về địa phận của 18 thôn Vườn Trầu - Bà Điểm, Hóc Môn, nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Sinh vào năm đầu tiên của thế kỷ XX (1901), lúc mới 6 tuổi cậu bé Huỳnh Văn Lạc đã phải chịu cảnh mồ côi cha. Mẹ thương mấy anh chị em còn nhỏ nên cũng ở vậy để nuôi con chứ không chịu đi bước nữa như lời thúc giục của anh chị em xóm giềng. Thương mẹ vất vả, ông Lạc cứ ở vậy đợi cho anh chị em dựng vợ gả chồng xong hết thì mới bắt đầu nghĩ đến chuyện xây dựng gia đình cho mình. Ngày ấy ông thường vào khu Tân Chánh Hiệp... Dần dần sau một thời gian qua lại ông quen thân với cậu Bảy (là anh trai của cụ Lành).
Thấy ông Lạc là người hiền lành, chăm chỉ, lại ở vào hoàn cảnh hơi quá lứa (ngày ấy dù là con trai thì 28 tuổi cũng đã bị coi là ế), trong khi gia đình mình lại có một người em gái nổi tiếng là xinh đẹp nết na, nhưng chỉ vì ý muốn quyết tìm bằng được ý trung nhân nên dù 24 tuổi vẫn chưa chịu đi lấy chồng, cậu Bảy đã sắp xếp giới thiệu để hai người gặp gỡ. Ngay sau lần gặp nhau đầu tiên người thiếu nữ tên Lành đã cảm động trước một người đàn ông với vẻ ngoài giản dị, cao to và đặc biệt là làm đất rất khỏe. Từ đó cả hai người dần tỏ ý mến nhau. Cho đến khi cậu Bảy hỏi: “Mày chịu em gái tao không, tao gả cho”, thì ông Lạc gật đầu cái rụp.
Sau khi về nhà ông Lạc do hoàn cảnh khó khăn nên cưới nhau từ năm 1929 nhưng mãi đến tận năm 1936 ông bà mới quyết định sinh người con đầu tiên. Liền đó, liên tiếp 3 năm 1940, 1941, 1943 ông bà sinh thêm ba người con nữa. Làm dâu nhà ông Lạc cho đến nay tròm trèm cũng đã hơn 80 năm, thế nhưng chưa bao giờ bà để lại điều tiếng nào. Với các con mình bà luôn dặn dò: "Ai làm rớt tiền không lượm, thối dư thì phải trả lại, đi đâu không nói dối. Thấy nhà khác họ hơn thì chỉ ngó thôi chứ đừng có ý lấy”.
Nhà có 4 anh chị em, hai trai hai gái. Dù là trong thời kỳ loạn lạc nhưng ông Lạc vẫn muốn các con mình được ăn học đầy đủ. Tuy nhiên nhận thấy chỉ có bà Tư Hoa là người chăm chỉ đọc sách, tìm tòi kiến thức nên ông Lạc đã dồn sức chăm lo cho cô học hành đầy đủ. Sau khi tốt nghiệp cấp II, ông gửi con gái lên nhà người bà con ở khu chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh bây giờ) để học cấp III, rồi học tiếp lên trường Cán sự xã hội. Cứ cuối tuần bà Tư lại bắt xe ngựa về thăm gia đình rồi mang gạo, đồ ăn lên nhà trọ. Sau khi học xong bà được nhiều nơi mời về làm, hiệu trưởng trường Cán sự xã hội lúc đó cũng mời bà ở lại công tác tại trường. Trong khi đang còn lưỡng lự thì ông Lạc bảo: "Cừu nhân ba không sợ bằng ân nhân, cái nợ lớn nhất là nợ ân tình”. Nghe cha bảo vậy bà Tư quyết định ở lại trường công tác dù lúc đó, những chỗ ở ngoài mời bà về với lương cao hơn rất nhiều.
Bí quyết “món hòa giải” của cụ Lành
Về mẹ mình bà Tư kể: Ngày đó nhà có vườn trầu khá rộng nên bà nội thường đi chợ bán trầu, bố đi làm ruộng còn mẹ chủ yếu ở nhà chăm lo chuyện cơm nước, dạy dỗ con cái. Má nấu ăn rất giỏi, chính nhờ điều này mà ông Lạc cũng ít đi nhậu nhẹt bên ngoài, trừ những dịp lễ lạt ông luôn luôn về nhà để được ăn bữa cơm do chính tay vợ mình nấu.
Sống với nhau hơn 80 năm nhưng đặc biệt chưa bao giờ con cái thấy hai ông bà cãi cọ nhau. Cứ khi nào ông nóng giận thì bà Lành lại nín nhịn chờ lúc ông nguôi mới lựa lời để nói. Tuy nhiên có một lần bà Tư nhớ như in: Hôm đó vừa đi học về thấy mẹ ngồi im lặng một chỗ chẳng nói năng gì. Hỏi ra thì được biết hôm đó mẹ mình thấy mấy nhà bên cạnh bán trầu cũng hái lá để bán xô chứ không phân ra lá xấu lá đẹp để bán. Thế là ba trách má, nên má buồn nhưng vẫn nín thinh không nói gì.
Buổi tối hôm đó bà Lành ra ngoài cây đu đủ hái mấy trái về làm nộm... Chẳng biết bà chế biến thế nào mà suốt bữa hôm đó ông Lạc cứ chép miệng khen ngon rồi sự giận dỗi cùng không khí căng thẳng trong gia đình cũng tan biến lúc nào không biết. Từ đó, cứ mỗi khi giận nhau là thế nào bà Lành cũng làm cái “món hòa giải” đó. Chính nhờ tài nấu ăn, cũng như sự nín nhịn cư xử đúng mực của bà Lành mà gia đình dù có lúc khó khăn vẫn luôn giữ được sự yên ấm, hòa hợp.
Bà Tư Hoa cho biết, bình thường hai cụ rất khỏe mạnh thỉnh thoảng có chi chỉ là bị cảm vặt. Tuy nhiên có một dạo vào khoảng cuối năm 1998 bỗng dưng cả hai cụ chả ai bảo ai cùng nhau đổ bệnh nặng. Cụ ông thì bị chẩn đoán đau bao tử nặng, còn cụ bà thì bị khối u vùng trực tràng. Cả hai ông bà mỗi người phải nằm một viện. Lúc nhập việc cụ ông vẫn còn khá tỉnh táo, bệnh tật của mình thì chả lo, cứ nhấp nhổm hỏi thăm con cháu về tình hình của vợ. Còn cụ bà thì lúc nhập viện đang trong tình trạng mê mệt. Lúc đó bác sĩ chuẩn bị ca mổ cho cụ cũng lưỡng lự sợ tuổi cao không đảm bảo sức khỏe sau khi mổ. Con cháu trong nhà ai nấy đều rất lo lắng. Vậy mà lạ thay khi chỉ còn vài phút nữa là vào ca mổ thì bất ngờ cụ bà tỉnh dậy nhìn quanh một hồi rồi hỏi: "Tao đang ở đâu đây?”. Khi biết mình chuẩn bị được mổ bà xua tay bảo: "Tao già rồi không chịu được dao kéo, chúng mày cho tao về nhà uống thuốc." Sau một hồi thuyết phục không được, con cháu cũng quyết định đưa bà về nhà. Còn ông Lạc sau khi nghe tin vợ đã về nhà thì cũng nằng nặc: “Mẹ mi về rồi thì tao cũng về, sống chết có số”. Không thuyết phục nổi trước sự quyết tâm của ông, vậy là con cháu cũng đem cụ về nốt. Tuy bệnh nặng là vậy thế nhưng chả hiểu hai cụ bảo nhau uống thuốc thế nào mà bệnh tình cứ ngày một thuyên giảm rồi khỏi hẳn, cùng nhau sống với con cháu cho đến ngày hôm nay.
Hạnh phúc giản đơn
Cách đây khoảng một năm cụ ông vẫn giữ thói quen đọc báo, xem tivi, nghe cải lương. Tuy nhiên hiện tại do bị điếc từ khoảng hơn một năm nay cộng với việc mắt ngày một kém nên không còn được minh mẫn như trước. Tuy nhiên bà vẫn còn khá tỉnh táo. Hàng ngày sau khi thức dậy hai cụ đều uống một ly nước, rồi nhâm nhi cốc cà phê, ăn một quả chuối, sau đó cụ ông thường ăn một tô cháo hoặc bún, còn bà thì vẫn ăn được cơm bình thường nên hôm nào bà thích ăn gì thì con cháu nấu món đó. Những món ăn ưa thích của hai ông bà cũng rất giản dị...
Dù không còn tỉnh táo nhưng sáng nào ông cũng ra ngoài hiên ngồi hong gió, phơi nắng, cặp mắt mờ đục nhìn về phía những khóm hoa cúc vạn thọ, hải đường được trồng ngay trước cửa. Và đặc biệt sau khi cụ ông ra ngồi khoảng 5 phút mà chưa thấy vợ ra ngồi cùng thì thế nào cũng bảo con cháu đưa cụ bà ra ngồi cùng. Bà Tư kể: Mới sáng nay lúc ngồi cùng nhau cụ bà còn quay sang chồng bảo: "Mấy bông hoa vạn thọ này nở đều thật." Ông thì có lẽ chả còn nhìn rõ được những bông hoa đó nhưng dường như vẫn cảm nhận được mùi hương của chúng. Ngẫm ngợi một lát cụ ông bảo: "Đẹp thì đẹp thật nhưng mà trồng cái cây giờ ra trái được cho con cháu chúng nó ăn thì tốt hơn." Nói đến đây hai ông bà quay lại nhìn nhau hai cái miệng móm mém rung rung như tủm tỉm cười.
Sáng ra là vậy, còn cả ngày, hai ông bà được con cháu kê cho hai cái giường cạnh nhau để cho sạch sẽ và dễ chăm sóc. Tai bà tuy không bị điếc tuy nhiên cũng không còn thính nhạy như xưa. Vậy là cả buổi cứ lúc nào tỉnh táo là bà lại nói vọng sang giường ông đủ mọi chuyện. Còn ông có lẽ cũng chẳng nghe rõ câu được câu chăng nhưng cũng vọng sang huyên thuyên hết chuyện này đến chuyện khác. Nhiều lúc mắt kém tai kém, ông nhìn sang giường bên cạnh chả thấy bà đâu thế là ông lại quay sang hỏi: "Tư ơi, má mày đi đâu rồi?" dù bà Lành thì vẫn đang ngồi quay sang ông nói chuyện.
Sự quan tâm yêu thương của bà dành cho ông như đã thành bản năng. Đến bữa ăn, nếu bà mà ăn trước thể nào cũng hỏi con cháu sao ông chưa ăn, hôm nay ông ăn gì. Mới tuần trước, ông bị sốt mất gần bốn ngày, sau khi nắn nắn tay ông, bà còn trách con cháu chăm sóc thế nào mà để ông ốm nhom, rồi bà dặn dò con cháu phải nấu món cháo... để tẩm bổ. Cảm nhận được sự quan tâm mà vợ dành cho mình, ông cũng nắn nắn tay vợ dặn dò: "Bà, tôi dặn bà nghe, tối bà ráng ngủ nghe bà." Nhìn cảnh cụ ông, cụ bà thân mật như vậy, con cháu ai nấy cũng tủm tỉm cười. Thỉnh thoảng con cháu, hàng xóm mỗi khi cưới xin đều nhờ cụ bà têm trầu hoặc đeo bông tai dùm để xin đại lộc từ hai cụ.
Tình yêu và sự giản dị giúp họ trường thọ?
Về bí quyết sống lâu của cha mẹ mình bà Hoa cho biết trong dòng họ mình cũng ít người sống thọ. Tuy nhiên có lẽ chính nhờ lối sống giản dị cùng tình yêu bền chặt mà bố mẹ dành cho nhau chính là thuốc tiên giúp hai người trường thọ như vậy. Được biết cả hai bên nội ngoại của hai cụ đều không có truyền thống sống thọ như hậu bối. Bố của ông Lạc mất sớm năm mới 38 tuổi, còn mẹ ông sống tới 79 tuổi. Cha mẹ bà Lành cũng lần lượt chia tay con cháu năm 65 và 58 tuổi. Hiện hai cụ có 24 cháu nội ngoại cùng 41 chắt. Vài tháng nữa hai cụ sẽ đón chào đứa chút đầu tiên của mình. Khi đó ngũ đại đồng đường sẽ sống cùng nhau trong một gia đình, quả là một đại phúc xưa nay hiếm.
Sau buổi gặp gỡ những người trong gia đình hai cụ Lạc và Lành, cảm nhận sự đầm ấm ở đây, tôi thiển nghĩ ngoài danh hiệu "Cặp vợ chồng trường thọ nhất Việt Nam" hai cụ hoàn toàn xứng đáng được coi là "Cặp vợ chồng hạnh phúc nhất Việt Nam".
http://www.doisongphapluat.com.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=56&ID=9643