Ullambana Festival arrives in the seventh month of the lunar calendar, with greatest celebrations occurring around the 15th day (full moon). This year, 2011, Ullambana is on Saturday, August 13. It is a special time to express - through actions - gratitude for one's beloved parents. Many Vietnamese customarily choose to be complete vegetarians for the whole month and dedicate all the merits to their parents. It is believed that being vegetarian sows the seeds of compassion and good retribution.
Rộn rịp ăn chay tháng Vu Lan
Lê Phương
Tháng 7 về cũng là lúc không ít người dân Sài Gòn bắt đầu tháng ăn chay cho mùa Vu Lan, như một cách báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
“Đạo Phật coi trọng chữ hiếu nhất, nên đến tháng Vu Lan mình quyết tâm ăn chay cả tháng trong khi bình thường chỉ ăn ngày rằm và mồng một”, Ngọc Tuyền, sinh viên năm 3 trường ĐH Kinh tế TP HCM chia sẻ.
Từ miền Trung vào Sài Gòn học, không thể bên cha mẹ trong dịp lễ Vu Lan, lại là người ngại thể hiện tình cảm với ba mẹ mình, cô sinh viên xa nhà đã quyết định ăn chay một tháng, coi như một cách để báo hiếu, cầu mong bình an cho ba mẹ.
Sau khi tham dự khóa tu mùa hè cho sinh viên do Chùa Hoằng Pháp tổ chức, Tuyền nhập tâm câu thơ lục bát “Muốn biết nguồn gốc binh đao/ Lắng nghe lò mổ tiếng gào đêm thanh” do một sư thầy truyền dạy và bắt đầu tìm được ý nghĩa của việc ăn chay. Với Tuyền, ăn chay không những giúp bảo vệ được môi trường mà còn làm cho tính tình mình bớt nóng nảy. Ăn chay giúp gieo nhân lành, lòng từ bi, thấy mình từ tốn và điềm đạm hơn, không thể nghĩ ác được.
“Ở nhà mẹ thường ăn chay nhưng không cho mình ăn cả tháng, sợ ăn uống đạm bạc, thiếu chất, không đảm bảo sức khỏe để lo chuyện học hành. Đến khi thấy con càng ăn chay thì càng lên cân ù ù, mẹ mới hết lo”, Tuyền cười tươi.
Cuối tuần này Tuyền sẽ cùng nhóm bạn đến chùa Viên Chiếu ở Đồng Nai để giúp đỡ nhà chùa chuẩn bị lễ Vu Lan. Nhờ những chuyến đi như thế này mà Tuyền quen được thêm rất nhiều bạn. Đây là tháng Vu Lan đầu tiên Tuyền quyết định ăn chay trường.
Không phải xa nhà như Tuyền, Minh Thông, nhà ở quận 7, đang là sinh viên ngành Quản trị kinh doanh ĐH Kỹ thuật công nghệ TP HCM cũng quyết định ăn chay cả tháng 7. “Mình sẽ ăn chay cho hết tháng để hồi hướng công đức này cho ba mẹ, để ba mẹ luôn được mạnh khỏe và hạnh phúc”, Thông cho biết.
Chàng sinh viên lý giải, được cài lên ngực áo bông hồng đỏ thắm là niềm may mắn, hạnh phúc to lớn nhất mà mỗi người cần phải hết sức trân trọng. Là con trai, có những tình cảm không thể nói ra thành lời, Thông đã chọn cách thể hiện âm thầm, nhẹ nhàng mà đầy ý nghĩa này.
Không còn có mẹ để được cài hoa đỏ, mấy năm nay từ ngày mẹ mất, chị Hà, chủ một sạp trái cây ở Quận Gò Vấp vẫn giữ cho mình thói quen ăn chay suốt cả tháng 7.
“Lúc mẹ còn sống, mình đã không nghĩ tới việc ăn chay, còn làm nhiều chuyện mà nghĩ lại thấy tệ quá đỗi. Giờ chỉ biết thành tâm ăn chay, lễ Phật, cầu mong cho linh hồn mẹ được bình an, thanh thản, siêu sanh tịnh độ", chị Hà ngậm ngùi khi đặt lọ cúc trắng lên bàn thờ mẹ.
Thầy Thích Tâm Kiệt ở chùa Hoằng Pháp, Hóc Môn, chia sẻ, trong giáo lý đạo Phật, Kinh Địa tạng lấy tám chữ "Hiếu đạo, Độ sanh, Bạt khổ, Báo ân" làm tông chỉ, do đó đạo Hiếu là điều không thể thiếu của đạo làm người. Có nhiều cách để mọi người tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, trong đó việc ăn chay để cầu bình an cho đấng sinh thành là điều vô cùng đáng quý. Trong những ngày giỗ, những ngày báo hiếu cha mẹ, nếu người thành tâm chay lễ, phóng sanh chứ không sát sinh, giết trâu bò thì sẽ góp phần giảm nghiệp cho cha mẹ của mình.
"Có thể thấy, bản thân việc ăn chay không chỉ có ý nghĩa tốt về mặt khoa học, tốt cho thể chất người ăn, mà vấn đề quan trọng còn ở tâm linh, giúp nuôi dưỡng cội rễ của lòng từ bi, hỷ xả", thầy Tâm Kiệt nhấn mạnh.
http://vnexpress.net/gl/doi-song/gia-dinh/2011/08/ron-rip-an-chay-thang-vu-lan/