In Sài Gòn, south Việt Nam, vegetarian foods - both in restaurants and stores - are highly popular. It's a cultural trademark in the city around this Ullambana season to express gratitude for one's parents. Around this time, some non-veg restaurants also turn to offer vegetarian fares.
Thực phẩm chay “nóng sốt” mùa Vu Lan
Hải Thanh - Hồng Nhung
(Dân trí) - Rằm tháng 7, khi mọi tâm hồn cùng hướng về cõi thanh tịnh thì mọi người mọi nhà cùng tìm đến với những món chay. Ăn chay vào ngày báo hiếu có thể nói đã trở thành một nét văn hóa quen thuộc của người dân Sài thành.
Ra đường gặp quán chay
Thời điểm này, không khí đón rằm sôi động trên từng tuyến phố. Những ngày này, muốn tìm quán ăn mặn khó hơn quán chay. Nhiều quán cơm quanh năm bán mặn, những ngày này cũng chuyển sang bán hàng chay.
Không phải Phật tử mới ăn chay, ngày rằm tháng 7, người người ăn chay vì nguyện ước "Cầu bình an cho cha mẹ, ông bà và tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên đã khuất".
Thực phẩm chay ngày càng được ưa chuộng bởi tính kinh tế và xu hướng "ăn xanh", hạn chế thịt, mỡ động vật trong các bữa ăn.
Bà Hồ Minh Tiết, chủ quán cơm chay Thuyền Viên đường Nguyễn Văn Đậu, Q.Bình Thạnh, bán quán chay gần 30 năm, hồ hởi: “Vào tháng 7 hàng năm, lượng khách đến quán năm sau luôn cao gấp đôi so với năm trước. Ngay từ đầu tháng này, nhiều gia đình đã đặt hàng theo từng món. Trước là ăn chay nhân ngày báo hiếu cha mẹ, tổ tiên, sau là để làm quà biếu”.
Các quán cơm chay trên đường Lê Quang Định (Q.BT) luôn đông nghẹt thực khách, sở dĩ như vậy vì xung quanh khu vực này có rất nhiều ngôi chùa lớn. Lê Hoa, nhân viên phục vụ quán chay Cát Tường nói: “Quán mở cửa từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm nhưng vẫn luôn đông khách. Đông khách quá nên quán phải ngừng giao cơm tại nhà khách hàng, để dồn sức phục vụ khách đến quán”.
Bà chủ sạp bán thực phẩm chay ở chợ An Đông cho biết: “Đa số người buôn bán mỗi năm họ đều ăn chay vào dịp lễ lớn. Mỗi tháng chọn ngày rằm hay mùng một để ăn chay, vừa cầu buôn may bán đắt và cũng để nhắc mình cần thanh tịnh, giảm bớt sân si”.
Người ta không chỉ ăn chay vì tín ngưỡng mà còn ăn chay vì mục đích ăn kiêng và hợp túi tiền. Thu Vân, nhân viên văn phòng cho hay: “Mỗi tháng, mình thường ăn chay 4 lần, gọi là Tứ trai, bởi vì ăn chay tốt cho sức khỏe. Thêm vào đó giá của một suất cơm từ 10.000 -18.000 đồng nên nó cũng khá hợp túi tiền”.
Tha hồ chọn lựa thực phẩm chay
Cách đây vài chục năm, người ăn chay chỉ có thể thưởng thức các món ăn đơn giản chế biến từ đậu hủ, rau củ tươi. Sau đó, các sản phẩm chay khô được được chế biến cầu kỳ và mới lạ hơn.
Có thể nói, ăn mặn có món gì thì ăn chay có món đó. Với các món phong phú và đa dạng như thịt bò hầm, thịt gà cắt lát, xúc xích xốt cà chua, cá rô xốt chua cay, lợn sữa quay... trông rất bắt mắt nhưng giá cũng khá mềm chỉ bằng 2/3 thực phẩm mặn. Như món ruốc tôm chỉ có 35.000 đồng một gói, tôm sú chay, mực chay cũng chỉ có giá 14.000 đồng/ gói, cá thu xốt tương 18.000 đồng/ hộp.
Ngày nay, người ăn chay cũng có… bia chay. Tuy đắt hơn bia thường chút đỉnh nhưng loại bia này không khiến thực khách say xỉn vì không có cồn, lại còn rất thơm ngon.
Bánh chay cũng được nhiều người ưa chuộng. Mới giữa tháng 7 âm lịch, nhiều người đã tất tả hỏi mua bánh Trung Thu chay. Chị Xuân (nhà ở Q. Gò Vấp) rất hài lòng khi tìm được sản phẩm ưng ý: “Gia đình tôi đã nhiều lần dùng các loại bánh chay. Ăn vẫn thơm ngon mà còn đỡ ngán. Giá cả cũng không đắt hơn so với bánh mặn”.
Đối với người kinh doanh thực phẩm chay, thị trường tháng 7 là mùa “hốt bạc”. Ông Nguyễn Văn Tuyển, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm K. Chi, chuyên sản xuất đồ chay cho biết: “Doanh số bán hàng tăng đều hàng năm. Các mặt hàng khô trở nên hút khách lắm”.
Theo xu thế chung, các mặt hàng thực phẩm chay này đã tăng giá chút ít so với trước đây nhưng nhu cầu của người tiêu dùng vẫn không hề giảm, nhiều cửa hàng phải nhập thêm sản phẩm về để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
http://dantri.com.vn/c20/s20-507751/thuc-pham-chay-nong-sot-mua-vu-lan.htm