According to this chapter on karma by author Bạch Liên of the Theosophical Society, all our thoughts and actions are registered in the Akashic Records. There are Lords overseeing various realms who handle karmic debts to adjust the balance in our universe, based on each being's actions.
"What you sow, so shall you reap" is not at all Heaven's revenge but a lesson for us to be wiser and not to violate the law of Nature. By being held accountable and paying for the consequences, we learn not to repeat the same mistake.
CHƯƠNG THỨ TƯ (A): QUẢ BÁO TRẢ TỪ CẢNH
Trích: "NHÂN QUẢ"
Tác giả BẠCH LIÊN
1971
www.thongthienhoc.com
Người ta thường nói: Làm lành lành đến, làm dữ dữ đến. Đúng vậy, nhưng đây là lời nói tổng quát mà thôi. Thật ra quả báo trả từ cảnh.
Quả báo của tư tưởng thuộc về cõi Trí tuệ thì trả cho cái Trí.
Quả báo của ý muốn và tình cảm thuộc về cõi Dục giới thì trả cho cái Vía.
Quả báo của lời nói và việc làm thuộc về sự hành động ở cõi Trần thì trả cho xác thân.
Biệt Nghiệp và Cộng Nghiệp
Quả riêng của một người gọi là Biệt Nghiệp, còn quả chung của nhiều người gọi là Cộng Nghiệp.
Tỷ như dân chúng một nước, một xứ, một tỉnh, một quận, một tổng, một làng, một xóm, một gia đình đồng chịu chung một tai nạn về chiến tranh, giặc giã, hạn hán, lụt lội, đói khát, thất mùa, hỏa hoạn, loạn ly v.v…hoặc những người đi chung một chuyến xe, một chuyến tàu, một chuyến máy bay mà xe lật, tàu chìm, máy bay rớt.
Nhưng mà không phải tất cả đều chia sớt gánh nặng đồng đều với nhau mà có người ít, có người nhiều, có khi có người chết, có khi không có, có khi có nhiều người bị thương tích, nặng có, nhẹ có, mà cũng có những người trong lúc bị tai nạn chỉ hoảng hốt sợ sệt trong một lúc chớ không có hề chi cả. Ấy tại căn quả của mỗi người mỗi khác, chúng ta tai phàm mắt thịt không biết đâu mà định được.
Chúng ta có thể nói rằng: Có những sự khác nhau là tại cũng thời phạm chung một tội mà có người hữu ý, có người vô tâm. Có người trong thời gian quả chưa tới lại phát nguyện tu hành, làm nhiều việc phước thiện. Quả tốt nầy bù trừ quả xấu đã tạo ra.
Những người chết là những người tới số, còn những người căn phần chưa tới đều có những người khuất mặt che chở.
Tôi đã chứng kiến một tai nạn xe hơi xin thuật lại cho quí bạn nghe.
Cách đây trên ba chục năm, tôi không nhớ rõ ngày nào và năm nào, một bữa kia, hồi 4 giờ sáng tôi từ Tân Định ra chợ Bến Thành lên xe hơi đặng về Châu Đốc. Xe tôi đi chạy tới cầu Tân An thì trời sáng. Tôi thấy bên kia dốc cầu một chiếc xe cam nhông lật xuống ruộng đưa bốn bánh lên trời. Ấy là chiếc xe chạy đường Sài gòn Bạc liêu, đi trước xe tôi 15 phút. Xe tôi ngừng lại cho hành khách xuống, đặng chở những người bị bịnh đến nhà thương Tân An. Cũng may không có ai chết. Có nhiều người bị thương, trong đó có một thiếu phụ bị gãy chơn mà đứa con nhỏ lối 7 – 8 tháng (không nhớ trai hay gái) của thiếu phụ không hề gì.
Tôi muốn quí bạn lưu ý đến trường hợp nầy. Xe lật nó lăn không biết mấy vòng mới xuống tới ruộng. Đáng lẽ đứa nhỏ văng khỏi tay mẹ nó và bị gãy cổ hay là bể sọ chết rồi. Tại sao mẹ nó phải mang tật mà nó với bao nhiêu hành khách nữa không bị thương tích chi cả. Có phải là điều hết sức lạ lùng không ?
Nếu có người nầy may, còn người nọ rủi thì sao là may, sao là rủi, nói là số mạng thì đúng hơn.
Ai định cách trả quả?
Xưa nay người ta vẫn tin rằng trời định số mạng cho con người. Phú bần, thọ yểu, thạnh suy, bỉ thới, đều do Trời sắp đặt sẵn trước, không ai cưỡng lại được. Điều nầy đúng vậy. Nhưng phải có lý do nào đó, cho nên phần số của mỗi người đều mỗi khác. Không tri ra nguyên nhơn rồi lại nói rằng: Tại Đức Thượng Đế muốn như vậy đặng cho thiên hạ biết quyền năng của Ngài thì không có giải chi hết mà lại làm ra một vị Thượng Đế bất công. Tất cả nhơn loại là con của Ngài, cớ sao lại có đứa thương, đứa ghét, nên chi cõi trần của Ngài sanh ra không hỗn loạn sao được.
Vậy thì sự thật thế nào ?
Các Đấng Chí Tôn Nam Tào Bắc Đẩu
Thật sự là Trời định số mạng của chúng sanh do theo những quả của họ đã gây ra trong những kiếp trước, nhứt là kiếp mới rồi hay là kiếp chót.
Những Đấng Chí Tôn thay mặt Đức Thái Dương Thượng Đế đặng định số phần của con người, tiếng Phạn gọi là Lipika, tiếng Pháp là Seigneurs du Karma, Tàu gọi là những vị Nam Tào Bắc Đẩu.
Các Ngài thành chánh quả ở Thái Dương Hệ trước và qua giúp Thái Dương Hệ của chúng ta, không biết đã mấy tỷ năm rồi, để tạo lập và điều khiển Tiểu Vũ Trụ nầy.
Các Ngài cho hòa giải tức là điều chỉnh lại những lực của con người đã phóng ra làm xáo trộn sự thăng bằng và sự điều hòa của Vũ trụ. Các Ngài cho lập lại sự quân bình nầy xuyên qua con người, trong đạo đức gọi là trả quả cho dễ hiểu. Các Ngài không thêm mà cũng không bớt cái chi cả và không hề làm sai lạc sự công bình một mảy lông.
Các Ngài còn coi theo khả năng và trình độ tiến hóa của mỗi người rồi cho họ trả một số quả thích ứng với sức chịu đựng của họ. Số quả nầy được chọn lọc kỹ lưỡng, nó gồm một số quả đã gây ra ở kiếp trước, hiệp với một số quả thuộc về loại quả tích trữ, làm sao cho trong lúc trả quả con người tiến thêm một bước nữa, gần mục tiêu của Đức Thái Dương Thượng Đế đã định sẵn. Trả quả là một bài học khôn ngoan, sau đừng vi phạm luật Trời nữa, chớ không phải là sự trả thù của Thiên Nhiên.
Thường thường những sự đau khổ đến cho con người là tại con người gây ra ở kiếp nầy và cũng tại con người tính toán lầm lạc và không biết cách trả quả, không chịu trách mình mà cứ trách Trời.
Làm sao các Đấng Nam Tào Bắc Đẩu biết được những quả của mỗi người gây ra tốt hay xấu, đặng định tội phước?
Có người còn thắc mắc điều nầy: “Tư tưởng, lời nói và việc làm của con người vốn vô hình, sanh ra rồi chẳng bao lâu chúng nó tan mất hết”.
Mỗi ngày, mỗi người tưởng, muốn và hành động cả trăm, cả chục lần; ngày nầy qua ngày nọ như vậy mãi, mà không phải chỉ có một người, hiện giờ [vào đầu thập niên 1970] trên địa cầu có 4 ngàn triệu tức là 4 tỷ con người. Trọn ngày, có cả chục ngàn triệu tư tưởng, ý muốn, lời nói và việc làm của họ rải lên không trung lẫn lộn nhau và kéo dài trọn kiếp sống của họ, bực trung là 4 – 5 chục năm.
Vậy thì làm sao các Đức Nam Tào Bắc Đẩu biết được, mỗi người tưởng, muốn và hành động bao nhiêu lần, và tốt hay xấu đặng định tội phước.
Chí lý thay những nghi vấn nầy. Vậy tôi xin giải ra sau đây:
Những hình “Tiên Thiên Ký Ảnh” bất diệt
Ít ai biết rằng từ hình dáng, diện mạo, y phục, cho tới tư tưởng, ý muốn, lời nói và việc làm của mỗi người tại đâu, thuở nào, và năm, tháng, ngày, giờ đều có ghi trên chất khí rất tế nhuyễn A ka sa (Akasa) và những hình ảnh của chúng nó làm ra, pháp môn gọi nó là Clichés akasiques, xin tạm dịch là Tiên Thiên Ký Ảnh. Những Tiên Thiên Ký Ảnh nầy vốn bất diệt, tới chừng nào Thái Dương Hệ nầy tan rã chúng nó mới tiêu mất.
Theo nghĩa thường, A ka sa là chất khí làm ra cõi Niết Bàn và người ta gọi chỗ chứa những Tiên Thiên Ký Ảnh là ký ức của Đức Thái Dương Thượng Đế (Mémoire du Logos).
Những Tiên Thiên Ký Ảnh dọi hình xuống tới ba cõi dưới: Bồ đề, Thượng giới và Trung giới. Nhưng xuống cõi Trung giới thì chúng nó thường bị đứt đoạn.
Người nào có Thiên nhãn và Huệ nhãn thấy chúng nó dễ dàng, còn những người mới có Thần nhãn thì có khi thấy, nhưng không được rõ ràng và có chỗ còn, có chỗ mất, vì thế họ thường lầm lạc. Phải luyện tập lâu ngày và có kinh nghiệm mới nói trúng.
Mấy người có Thần nhãn không bao giờ nói đúng hết những chuyện vị lai. Trong mười chuyện họ nói trúng chừng hai ba chuyện thôi.
Một lẽ khác nữa, mỗi người gây ra những quả với cả trăm, cả ngàn kẻ khác. Có những sợi dây vô hình buộc họ với những người đó, không khác nào một con nhện bủa lưới khắp chung quanh mình nó, những đường tơ nhện đều dính với con nhện ở chính giữa. Đối với mắt phàm của chúng ta, chúng ta không thấy chi hết, nên chúng ta không tin hay là còn hoài nghi.
Còn đối với các Đấng Chí Tôn, Nam Tào Bắc Đẩu, thì không có quá khứ, không có vị lai, chỉ có hiện tại vĩnh cửu. Các Ngài thấy rõ những việc đã xảy ra và sẽ xảy ra cả ngàn triệu năm trước và cả ngàn triệu năm sau như đọc một cuốn sách giở ra trước mắt các Ngài. Không bao giờ các Ngài lầm lạc được.
(Chương 4 còn tiếp)
CHƯƠNG THỨ NHỨT: CÁC TÔN GIÁO ĐỀU CÓ DẠY NHÂN QUẢ
CHƯƠNG THỨ NHÌ: VÀI THÍ DỤ VỀ NHÂN QUẢ
CHƯƠNG THỨ BA: BA THỨ QUẢ
http://www.thongthienhoc.com/sach%20nhan%20qua.htm