Wednesday, July 06, 2011

Biến Đổi Khí Hậu: Biến đổi khí hậu ngày càng bất lợi cho sản xuất lương thực (Nguyễn Hà)

FACT: Food production in our world is affected by climate change. 
FACT: Reducing emissions is one way to help curb climate change.
ACT:  To help reduce emissions, adopt a vegan diet.
Kindly consider it - as a present for the future of our Earth.

Biến đổi khí hậu ngày càng bất lợi cho sản xuất lương thực
Nguyễn Hà
Ngày 05/07/2011

Trái đất đang ngày càng nóng lên, bão và lũ lụt diễn ra thường xuyên, buộc các nhà khoa học phải chạy đua trong việc tìm ra các giống cây lương thực có khả năng thích nghi tốt và cho năng suất cao.

Tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang ngày càng bất lợi cho sản xuất lương thực. Hiện tượng nước biển dâng, nhiệt độ tăng cao, nguồn tài nguyên bị cạn kiệt, nguồn đất và nước ngày càng bị thu hẹp... đã tác động xấu đến giống cây trồng, tăng nguy cơ thiếu lương thực. Theo các nhà khoa học, đến năm 2050, sản lượng lương thực tại các nước đang phát triển có thể bị sụt giảm nghiêm trọng nếu con người không có biện pháp hạn chế biến đổi khí hậu. Cùng với đó, tốc độ tăng dân số nhanh như hiện nay khiến nhu cầu lương thực  ngày càng lớn, gây áp lực lên sản xuất lương thực toàn cầu, và theo đó, giá lương thực cũng tăng cao.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, hiện vẫn còn khoảng 900 triệu người đang trong tình trạng thiếu ăn. Con số này tăng từ năm 1995 đến 1997, nhất là tại các nước nghèo, do giá lương thực tăng cao, các cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra liên tiếp, sản xuất nông nghiệp không được đổi mới và luôn đình trệ. 


Tổ chức Oxfam cũng đã đưa ra lời cảnh báo, giá trung bình các loại lương thực thiết yếu sẽ tăng gấp đôi, thậm chí còn cao hơn nữa trong vòng hai thập kỷ tới. Hệ thống cung cấp lương thực suy yếu cùng với khủng hoảng môi trường đang làm đảo ngược thành quả xóa đói, giảm nghèo hàng thập kỷ qua của LHQ.

Sự tăng vọt của giá cả, tình trạng bất ổn và nỗi lo thời tiết đã thúc đẩy một cuộc chạy đua toàn cầu để tạo ra các giống cây trồng cho năng suất cao và có khả năng thích ứng với tình trạng Trái đất đang ngày càng nóng lên. Tại một phòng thí nghiệm tại trung tâm Can-bơ-rơ (Ô-xtrây-li-a) hàng trăm cây con được đặt trên một băng chuyền đi qua một phòng công nghệ cao, mỗi cây đều được mã hóa và quét các dấu hiệu di truyền ưu việt. Quá trình lựa chọn thực hiện trước đó vài tháng đang hoàn thành nốt công đoạn cuối cùng. Phòng kiểm tra cây trồng cao ba mét, được trang bị hệ thống chiếu la-de 3D và nhiều thiết bị khác để đo kích thước, tốc độ tăng trưởng và lượng nước tiêu hao. Nhờ những thiết bị công nghệ cao này, các nhà khoa học có thể nhanh chóng chọn ra được những giống cây trồng tốt nhất, phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp.

Những nỗ lực nói trên của các nhà khoa học dẫu mang lại thành tựu tăng sản lượng lương thực toàn cầu nhưng không thể giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng thiếu lương thực toàn cầu. Bởi, theo tính toán của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ (FAO), để cung cấp đủ lương thực cho thế giới vào năm 2050, sản lượng lương thực thế giới sẽ phải tăng lên 70% so với hiện nay. Nhưng, sự biến đổi khí hậu kéo theo những hiện tượng thời tiết cực đoan như những đợt hạn hán kéo dài và mưa to không ngớt, gây thiệt hại mùa màng, làm ảnh hưởng lớn nguồn cung cấp lương thực. Ngoài ra, con người sẽ phải đối mặt  những hiểm họa thiên nhiên không thể dự đoán trước do tình trạng biến đổi khí hậu gây nên.

Hiện nay, nhiệt độ Trái đất đang trên đà tăng hơn 2oC, ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng, sẽ gây ra những biến đổi khí hậu nguy hiểm, tác động trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Hậu quả, tốc độ tăng trưởng sản lượng nông nghiệp trung bình tăng trì trệ ở mức 0,6 tới 0,7% mỗi năm, tức là chỉ đạt một nửa tốc độ tăng cần thiết từ nay tới năm 2050. Trước thực trạng này, nâng cao sản lượng lương thực trở thành vấn đề cấp bách đối với các chính phủ,  ngành nông nghiệp và tổ chức khoa học.

Cùng với tình hình sản lượng lương thực giảm sút, thế giới cũng đang phải đối mặt  tốc độ tăng giá lương thực chóng mặt. Chỉ số giá lương thực, theo tính toán của WB đã tăng lên 36% so với cùng kỳ năm ngoái, gần bằng mức đỉnh điểm của năm 2008. Trong khi việc giá lương thực tăng là một tin tốt đối với người nông dân tại các quốc gia phát triển, thì đối với tầng lớp dân nghèo đó thật sự là cú sốc, bởi những con người nghèo khổ này phải chi đến 80% tổng thu nhập để mua lương thực. Giá lương thực tăng cao một cách chóng mặt cũng kéo theo nhiều hệ quả đáng lo ngại. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vẫn còn hơn 680 triệu người có mức sống dưới 1,25 USD/ngày, hơn 70% trong số đó thuộc khu vực Nam Á  như Băng-la-đét, Nê Pan, Ấn Ðộ, Pa-ki-xtan.


Hiện tượng Trái đất ấm lên cùng với những hậu quả nghiêm trọng mà nó kéo theo - trong đó có những tác động xấu tới vấn đề an ninh lương thực toàn cầu - đang là một sự thật tàn khốc mà cả thế giới phải đối mặt. Nhiều nhà phân tích cho rằng, để khắc phục tình trạng thiếu nước uống, lương thực, giá nhu yếu phẩm tăng vọt, các quốc gia cần chung tay hợp tác trong việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường.

http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/quocte/tinchung/bi-n-i-khi-h-u-ngay-cang-b-t-l-i-cho-s-n-xu-t-l-ng-th-c-1.302597#9cR3yGQsoMmc