Less meat, less heat - a solution to global warming. Urgent call to earthlings - Anybody home?
Bớt thịt, bớt nóng
Nguyên Thanh (New Scientist, WWF Suisse, Le Monde)
Ngày 26 tháng 4, 2011
SGTT.VN - Nhờ mức sống được nâng cao, nhân loại ngày càng tiêu thụ nhiều thịt, sữa, trứng… mà sự sản xuất cần nhiều ngũ cốc (có khả năng sẽ thành khan hiếm). Ngành chăn nuôi cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường. Chính vì thế mà nhiều người hô hào hạn chế chăn nuôi và bớt ăn thịt.
Trong vòng hơn nửa thế kỷ, lượng thịt do cả thế giới sản xuất tăng gấp bảy lần: từ 40 triệu tấn (năm 1950) lên 280 triệu tấn (năm 2008). Hiện nay, bình quân người Mỹ tiêu thụ khoảng 100kg thịt/năm, tức gấp hơn hai lần mức tiêu thụ bình quân của thế giới (khoảng 41kg). Nhưng họ vẫn còn thua xa Hồng Kông (126kg) và nhất là Đan Mạch 145,9kg!
Theo tổ chức bảo vệ môi trường WWF Thụy Sĩ, diện tích đất cần thiết để sản xuất 1kg thịt bò là 323m2, tức gấp sáu lần so với heo và gà (53m2), gấp hơn 18 lần so với gạo và bột mì (17m2), gấp 24 lần so với rau và khoai tây (6m2).
Hiện nay, ngành chăn nuôi dùng đến 33% đất đai của thế giới (tức 471 triệu hecta) để sản xuất thức ăn cho vật nuôi; và tiêu thụ đến 8% lượng nước ngọt, tức gấp tám lần lượng nước mà cả nhân loại dùng cho tất cả các sinh hoạt khác.
Chăn nuôi làm ô nhiễm môi trường
Thú nuôi thải nhiều khí có hiệu ứng nhà kính. Khí metan, do các vi sinh vật sống trong bao tử của thú nhai lại – nhất là bò và cừu – tạo ra, có hiệu ứng nhà kính rất mạnh. Theo báo cáo Livestock’s Long Shadow (Tác động của chăn nuôi trên môi trường) do tổ chức Lương nông của Liên hiệp quốc (FAO) công bố năm 2006, một con bò thả nuôi trên đồng cỏ ở Mỹ bình quân thải 50kg metan mỗi năm, cao gần gấp đôi bò nuôi theo lối công nghiệp.
Theo phân tích của Bo Weidema, chuyên gia về phát triển bền vững người Đan Mạch, để sản xuất 1kg thịt, bò thải ra 28,1kg CO2, tức gấp gần ba lần so với heo, và gấp hơn tám lần so với gà công nghiệp...
Việc phá rừng để làm đồng cỏ, việc chăn thả quá nhiều gia súc khiến đất đai bị bào mòn. Cũng theo báo cáo nói trên của FAO, ngành chăn nuôi thải ra chiếm đến 18% tổng số khí có hiệu ứng nhà kính, tương đương với ngành vận tải.
Ở Mỹ, chăn nuôi bào mòn 55% diện tích đất đai và sử dụng 37% lượng thuốc trừ sâu; hơn một nửa sản lượng thuốc kháng sinh được trộn với thức ăn cho thú nuôi, khiến cho các vi khuẩn sống trong thịt ngày càng có sức đề kháng chống lại các thuốc kháng sinh dùng cho con người.
50% các ô nhiễm nguồn nước ở châu Âu là do chăn nuôi. Ngoài ra, chăn nuôi còn gây ra nạn phá rừng, thải ra 68% lượng khí amoniac làm phát sinh mưa axít.
Giải pháp?
Để chống lại các tai họa nói trên do chăn nuôi gây ra, một số người đưa ra giải pháp triệt để là không ăn thịt! Nhưng theo ông Helmut Habert, nhà nghiên cứu ở viện Sinh thái học xã hội (Vienna, Áo), “khó chuyển sang một chế độ không ăn thịt mà vẫn có được sữa, vì ta không thể sản xuất sữa mà không sản xuất thịt”. Bò sữa phải đẻ con mỗi năm mới có khả năng sản xuất sữa. Chẳng những thế, một nửa các con của chúng là bê đực: nếu mọi người đều không ăn thịt, thì làm sao “thanh toán” chúng cũng như những con bò sữa quá già? [VNAC: 1. Về điểm này, chúng ta có thể để cho loài bò vãng sinh khi thời gian đến, đồng thời không tiếp tục chăn nuôi thêm lớp bò mới để lấy thịt. 2. Sữa của bò mẹ là cho bò con; em bé loài người có sữa của mẹ; còn người lớn thì không cần bú sữa nữa. 3. Quý vị xem phim tài liệu cảnh người ta nuôi bê thì sẽ biết vì sao không nên ăn thịt bê.]
Hơn nữa, nếu không chăn nuôi thì tìm đâu ra 11 triệu tấn da và 2 triệu tấn len mà nó cung cấp mỗi năm? Chẳng những thế, nông dân sẽ không có phân chuồng để bón, cho dù họ ngày càng dùng nhiều phân hóa học. [VNAC: 1. Da và len không cần thiết, ngày nay có nhiều loại hàng nhân tạo giống y như vậy; chúng ta không cần làm đẹp trên xương máu của kẻ khác. 2. Nông dân có thể dùng phân bón hữu cơ từ thực vật, tốt và lành hơn nhiều.]
Khẩu hiệu “less meat = less heat” (bớt thịt = bớt nóng) do Paul McCartney (ca sĩ danh tiếng thuộc nhóm The Beatles) đưa ra trước hội nghị thượng đỉnh Copenhagen 2009 (về sự nóng lên của khí hậu) dường như hợp lý hơn nhiều. [VNAC: Một bước khác là "no meat = no heat" (không thịt = không nóng).]
Một số người chủ trương nên trở về với lối chăn nuôi truyền thống: trước đây, bò, cừu và dê không ăn ngũ cốc mà ăn toàn cỏ và lá cây trên các vùng đất không canh tác được. Nhưng nếu làm như thế thì sản lượng thịt sẽ giảm rất nhiều. Hơn nữa, lượng khí metan do bò, cừu thải ra còn nhiều gấp đôi so với chăn nuôi công nghiệp, vì được nuôi lâu hơn do chúng tăng trọng chậm và tiêu thụ nhiều năng lượng để đi tìm thức ăn!
http://sgtt.vn/Khoa-giao/143683/Bot-thit-bot-nong.html