Bác xe ôm tốt bụng Thạch Ngọc Khanh - A kindhearted pedi-cabber (Photo: Đức Tuyên) |
Gieo mầm thiện, hái quả phúc
Huy Thọ
Ngày 28/04/2011
TT - Bạn bè, bà con ở miền Trung, vào loại dân quê nghèo khổ, mỗi lần “đi Sài Gòn” thường chép miệng than thở chuyện xe ôm bắt chẹt. Vì vậy trong mắt người dân quê, lực lượng xe ôm ở các bến xe, bến tàu thường không được nhìn bằng vẻ thiện cảm. Và cũng vì vậy câu chuyện về hai người xe ôm, một nam một nữ mà Tuổi Trẻ giới thiệu liên tiếp gần đây, được xem là “chuyện lạ”!
Người đàn ông chạy xe ôm tên Thạch Ngọc Khanh và người phụ nữ chạy xe ôm tên Nguyễn Thị Thu Hà tuy ở hai nơi cách xa nhau - một người ở bến xe miền Đông, một người ở đường Lạc Long Quân - nhưng đều giống nhau ở nghĩa cử đẹp: cứu giúp những em thiếu niên ở miền quê lạc bước. Giải thích cho việc làm của mình, anh Khanh với bản chất đàn ông mạnh mẽ đã nói thẳng “phải ngăn chặn cái xấu” - cái xấu ở đây là những kẻ bất lương bán người miền quê vào những nơi tăm tối. Còn chị Hà thì nhẹ nhàng: “Làm điều thiện sẽ gặp điều lành”.
Chị Nguyễn thị Thu Hà chạy xe ôm hào hiệp - A generous pedi-cabber (Photo: Sơn Bình) |
Họa sĩ Nguyễn Văn Vinh trong một lần góp ý cho Tuổi Trẻ đã bảo rằng: ”Đọc báo bây giờ nhiều lúc tôi thấy mệt quá. Lúc nào cũng thấy tin tai nạn, chết chóc, lừa đảo... Vạch mặt cái xấu để lên án nó là điều cần thiết, nhưng nhiều quá đâm mệt. Giá như số báo nào cũng có những chuyện vui, chuyện con người đối xử tốt với nhau sẽ thấy lòng ấm áp hơn”.
Vẫn biết các nhà văn hóa, xã hội đang liên tục báo động rằng xã hội ta hiện nay đang xuất hiện nhiều biểu hiện xấu. Vâng, cứ vài ba ngày lại thấy một clip học sinh “bụp” nhau tung lên mạng; vài ba ngày lại xảy ra một vụ xấu xí kiểu xe dưa lật và người dân đua nhau hôi của chứ không chia sẻ với nạn nhân, rồi tin giết chóc, hiếp dâm... Ngay đến cái chỗ mà ngày xưa người ta bảo rằng nên đưa trẻ con đến đó để chúng giải trí lành mạnh, để chúng thấm cái tinh thần thượng võ của thể thao là sân bóng đá, thì nay lại trở nên rất bẩn với đủ trò không hay.
Nhưng các phương tiện truyền thông nếu cứ “tương” lên tất tần tật những hình ảnh xấu xí đó thì liệu nó có phải là cách tích cực để đẩy lùi cái xấu?
Đặt ra câu hỏi đó, tôi chợt nhớ đến câu chuyện này: cách đây mấy hôm, trong lúc ngồi nói chuyện với một chị nhà ở đường Lê Văn Sỹ (phường 11, quận Phú Nhuận), tình cờ nghe chị nói chuyện điện thoại với một người quen về chuyện nhận sinh viên nghèo tá túc ở mùa thi đại học sắp tới.
Hỏi thêm thì được biết mọi chuyện xuất phát từ một câu chuyện đăng trên báo ở mùa tuyển sinh 2009. Năm ấy có câu chuyện em học sinh nghèo tên Trương Văn Dương đạp xe hơn 100km từ Tiền Giang lên TP.HCM dự thi. Hành trang mang theo của Dương là bình nước uống năm lít cùng bốn đòn bánh tét và nơi thí sinh nghèo này tá túc là dưới một mái hiên nhà trong hẻm 438 Ngô Gia Tự.
Anh Phạm Ngọc Đáng, một người dân nghèo sống trong căn nhà vỏn vẹn có 20m2, nhưng đã hào hiệp đưa Dương về nhà mình ở. Những người phụ nữ ở trên con đường Lê Văn Sỹ (đoạn thuộc hai phường 12, quận 3 và phường 11, quận Phú Nhuận) đã truyền nhau câu chuyện của anh Đáng với em Dương, và họ đã mở một “chiến dịch” đón thí sinh nghèo về nhà từ mùa thi 2010 để cho ăn ở miễn phí.
Năm nay, họ tiếp tục lên kế hoạch đón thí sinh nghèo của mùa tuyển sinh 2011. Và cũng được biết, việc làm tốt đẹp này không chỉ có ở khu vực đường Lê Văn Sỹ mà thôi...
Muốn hái quả phúc thì phải gieo mầm thiện, đó là quy luật trong trời đất vậy.
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/435492/Gieo-mam-thien-hai-qua-phuc.html