Monday, April 25, 2011

Môi Trường Quanh Ta: Đồng bằng Sông Cửu Long đang kêu cứu (Gia Minh)

The Mekong Delta is crying for help.
  
Đồng bằng Sông Cửu Long đang kêu cứu
Gia Minh, biên tập viên RFA
Ngày 25 tháng 4, 2011
Copyright © 2006, RFA. Đăng tải lại với sự cho phép của Radio Free Asia, 2025 M St. NW,
Suite 300, Washington DC 20036. http://www.rfa.org.


(RFA) Gần đây, nhất là trong tuần qua, vấn đề xây dựng đập thủy điện Xayaburi của Lào trên dòng chính Sông MêKông là đề tài nóng tại khu vực Đông Nam Á.

Vấn đề có thêm một đập nước trên dòng chính Mêkông, cùng với những đập được xây dựng lâu nay trên phần dòng sông này chảy qua Trung Quốc, làm tăng thêm mối quan ngại về những biến đổi về môi trường, thủy văn, thổ nhưỡng… tác động đến cuộc sống của hằng triệu người sống nhờ vào dòng sông này, nhất là ở dưới hạ nguồn.

Tác động từ những đập thủy điện liên tục được xây dựng cộng với tình hình biến đổi khí hậu: dự báo mưa thất thường, nước biển dâng lên được cho là những thách thức trước mắt đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.Thực tế đó qua đánh giá của một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về vấn đề này lâu nay ra sao? Đây là đề tài trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này.

Nguy cơ từ thượng nguồn và từ hạ nguồn


Trong bài viết ‘Đồng bằng Sông Cửu Long đối mặt với thách thức kép của Biến đổi khí hậu’, giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, đồng thời cũng là một đại biểu quốc hội khóa 12 của Việt Nam, ghi rõ: “Nằm ở tận cùng của lưu vực giáp với Biển Đông, châu thổ Sông Mêkông là một trong những châu thổ của thế giới bị uy hiếp nghiêm trọng nhất bởi sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Phần lãnh thổ Việt Nam của châu thổ, nơi có gần 20 triệu người dân sinh sống, phải đối mặt với một thách thức kép phát sinh từ sự biến đổi khí hậu này: một từ những biến động từ nguồn nước đến; hai từ những tác động của biển mạnh lên, trong đó có cả mức nước biển dâng.”  

Tác giả Nguyễn Ngọc Trân đã phân tích rõ những thách thức từ phía nguồn. Đó là khi dân số mỗi ngày một tăng lên, nhu cầu về nước của con người tăng, chính phủ của các quốc gia đã, đang và sẽ có những kế hoạch chuyển nước từ những dòng sông chính đến những nơi cần nước. Ông nêu ra hai dự án chuyển nước từ lưu vực Sông Mê kông của Thái Lan lập ra trong mấy thập niên qua, đó là dự án chuyển nước Kok-Ing-Yom-Nam ra khỏi lưu vực và dự án chuyển nước Kong Chi-Mun trong lưu vực.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trân, Trung Quốc cũng có dự án chuyển nước trên lãnh thổ của họ theo ba tuyến. Thế rồi tình trạng xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông bên Trung Quốc và nay đến các nước khác. Đó là những tác động từ trên xuống, trong khi những cơ quan nghiên cứu về tình hình biến đổi khí hậu đưa ra cảnh báo hiện tượng trái đất ấm dần lên khiến băng từ hai cực tan ra làm cho nước biển dâng ảnh hưởng đến những quốc gia ven biển như Việt Nam.  
     
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân trong bài viết ‘Đồng bằng Sông Cửu Long đối mặt với thách thức kép của Biến đổi khí hậu’ ghi rõ:  “Với mức nước biển dâng, quá trình biển mạnh lên sẽ có  những tác động tương ứng lên vùng duyên hải, vùng cửa sông và truyền theo sông vào trong nội địa châu  thổ. Những thay đổi trong sự giao thoa giữa quá trình sông và quá trình biển, cũng như sự giao thoa giữa hai chế độ triều Biển Đông và Vịnh Thái Lan sẽ làm thay đổi môi trường tự nhiên, các diện sinh thái và từ đó tác động đến sản xuất và đời sống ở châu thổ này."

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi hồi năm ngoái, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân nhắc lại những nhận định của ông về tác động kép đối với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long do biến đổi khí hậu và tình trạng xây dựng các đập thủy điện, can thiệp vào dòng chảy của Sông Mêkông:

Nói ‘kép’ vì có tác động từ trên thượng nguồn xuống và từ biển lên. Hai tác động này không tách rời nhau mà quyện vào nhau.

Về phía thượng nguồn có rất nhiều đập đã, đang được xây dựng và sẽ đề xuất được xây dựng. Nếu như vậy, chế độ thủy văn trên dòng chính Sông Mêkông sẽ trở thành chế độ dòng chảy theo bậc thang với tất cả những ‘thuận và nghịch’ của nó. Theo tôi nghĩ mặt thuận là ‘tốt’ nếu có sự đồng thuận về mặt sử dụng chế độ vận hành của các đập đó và bao nhiêu đập là vừa. Nhưng mặt ‘nghịch’ theo tôi rất nhiều, bởi vì qua mỗi đập dòng chảy tự nhiên bị thay bằng dòng chảy của chuỗi đập. Một ví dụ như ở  miền Trung Việt Nam vừa qua phải xả lũ gây hại cho dưới hạ lưu. Thứ hai phù sa qua mỗi nhà máy như thế đều bị lọc đi rất nhiều. Lượng phù sa sẽ giảm đi rất nhiều chứ không phải 150 triệu  mét khối mỗi năm chảy về Đồng bằng Sông Cửu Long trước khi ra biển. Rồi nguồn lợi thủy sản cũng bị lọc đi rất nhiều, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt lớn.

Năm vừa rồi cũng có thể do hạn hán, nhưng không  biết vận hành của các đập trên thượng nguồn thế nào, mà đã có tình trạng Sông Mêkông ‘phơi đáy’ chẳng những ở phía dưới Việt Nam, mà ở Luang Prabang, Vientaine… giáp với thượng lưu Sông Mêkông cũng bị. Vấn đề này trước Hội nghị Hua Hin, người ta nói nhiều rồi.

Còn dưới hạ lưu phía Việt Nam, mực nước biển dâng lên là một thực tế rồi. Ở những nơi  mặn vào sâu hơn, bà con nông dân đang chờ đợi chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, nhiều khi luôn cả tập quán canh tác và tập quán sản xuất nữa.

Đây là bài toán rất hệ trọng ảnh hưởng đến an ninh lương thực và đời sống người dân.
Trong những bài phát biểu tôi đều đã nói như thế.


Làm sao cứu Đồng bằng Sông Cửu Long

Trước những cảnh báo về các tác động kép do tình trạng biến đổi khí hậu cũng như thay đổi nguồn nước từ thượng nguồn đổ về mà khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long phải đối mặt, những nhà khoa học như tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân đã có đưa ra những đề xuất để có thể giảm thiểu các tác động tiêu cực đó. Ông có ý kiến về kế hoạch tổng thể chống biển đổi khí hậu của Việt Nam:

Nhà Nước, Chính phủ đã có triển khai một số công việc; nhưng tôi nghĩ, trong ‘sự đời’ được mặt này thì không được mặt kia: được mặt tích cực chuẩn bị công bố với quốc tế, ra các mức ‘mực nước biển dâng’; nhưng vấn đề cụ thể đối với người dân, nhận thức thế nào không phải chỉ nói chung chung mà phải rất cụ thể. Việt Nam có bảy tám vùng kinh tế sinh thái, nên cụ thể của từng vùng là gì, những biện pháp thế nào cần phải làm tích cực hơn.


Đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long ông cũng có đề xuất như sau:

Đối với địa bàn rộng bốn triệu hécta, rộng gần bằng Bỉ và Hà Lan, thì vấn đề cấp bách nhất là phải nhận thức đầy đủ về việc ứng phó. Việc xây dựng công trình này, công trình kia sẽ được thực hiện khi đã có cơ sở khoa học đầy đủ.

Bốn kiến nghị mà tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân đưa ra trong bài viết ‘Đồng bằng Sông Cửu Long đối mặt với thách thức kép của Biến đổi khí hậu’ gồm có việc xem xét kỹ lưỡng tất cả những tác động đối với môi trường toàn bộ khu vực của những dự án xây đập trên dòng chính sông Mêkông từ phía Trung Quốc cho đến các nước hạ nguồn; các quốc gia cần hợp tác để khai thác nguồn nước một cách bền vững, cũng như chia xẻ số liệu, thông tin về khí tượng- thủy văn cũng như chế độ vận hành các đập.

Ông nói về hướng hợp tác cần có giữa các nước trong khu vực đối với những vấn đề vừa nêu:

Chuyện đã qua ai cũng biết rồi. Tôi chỉ muốn nói đến hướng tương lai. Ủy hội Sông Mekong có bốn nước Lào, Thái Lan, Kampuchia và Việt Nam; còn hai nước Trung Quốc và Miến Điện (Myanmar) thì tham gia khi nào có lợi cho họ thôi, cho nên vấn đề là sáu nước cùng chia xẻ Dòng sông Mêkông phải ngồi lại với nhau và đặt tiêu chí, mục tiêu đầu tiên là sự phát triển bền vững của cả lưu vực; như vậy mới phát huy được và hợp tác để cùng phát triển nguồn nước Sông Mêkông - một lợi thế mà thiên nhiên ban cho cả sáu nước trong lưu vực. Đây là con đường duy nhất. Điều này tôi cũng đã phát biểu ở các hội nghị quốc tế như Hội nghị Các Đập lớn Quốc tế hồi tháng 5 vừa rồi ở Hà Nội.

Rất nhiều nhà khoa học như tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân đã có những phân tích về các tác động tiêu cực, mà có thể nói mạnh là những tai họa sinh thái mà người dân sống dọc Dòng Mêkông, nhất là ở hạ nguồn như vùng Đồng bằng Sông Cửu Long phải hứng chịu. Dân gian từ lâu đã có câu vì ‘quyền lợi trước mắt mà không thấy cái họa lâu dài’; điều này đúng với hiện trạng khai thác nguồn lợi tự nhiên một cách vội vã lâu nay, mà không màng đến những cảnh báo khoa học đưa ra.


http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ScienceAndEnvironment/double-impacts-on-mekong-delt-04252011070232.html