Touching stories about some Vietnamese orphans who have turned out to be successful- and giving - adults in society, including Huệ the physician and Nhựt the proprietor of Vô Thường (Ephemeral) vegetarian restaurant. They are likened to cactuses that, despite growing in the dessert, still blossom to beautify this world. Their extraordinary examples serve as an inspiration for us all.
Những cánh chim non lạc tổ - Phần 2: Những ước mơ đã sáng
Hồng Thúy
(VOH) - Trong phần 1, VOH đã gửi đến quí vị câu chuyện về những đứa trẻ mồ côi với những kí ức đau thương thời thơ ấu. Những đứa trẻ ấy đã không chịu đầu hàng số phận, từ sự nâng đỡ của các Trung tâm nơi họ nương tựa thời thơ ấu, họ đã không ngừng phấn đấu, không ngừng vươn lên trong cuộc sống và rồi đạt được những thành công mà với không ít người sẽ chỉ là giấc mơ nếu như không cố gắng. Những con người ấy, những tấm gương vượt qua số phận ấy - thật đáng khâm phục biết bao.
Sự tự ti, mặc cảm về số phận, ánh mắt nhút nhát ngày nào của cậu bé Nguyễn Văn Dũng đã không còn nữa, thay vào đó là sự cương nghị, mạnh mẽ. Tiếp chúng tôi trong khuôn viên nhà hàng Đỗ Phủ - rộng 1600m2 nằm trên đường Hòa Bình - Quận Thủ Đức, không ai có thể ngờ rằng, Dũng mồ côi ngày xưa đã trở thành ông chủ của nhà hàng có số vốn bạc tỷ với vài chục nhân viên, đồng thời anh còn là Trưởng phòng Hành chánh -Tổ chức - Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam - chi nhánh Thủ Đức. Anh cũng là trụ cột của một mái ấm gia đình hạnh phúc, là cha của cô con gái dễ thương 4 tuổi. Nhớ lại những ngày tháng đã qua, Dũng ngậm ngùi: Sau khi tốt nghiệp lớp 12, mình quyết tâm thi vào ĐH Ngân hàng. Ngày đi thi, không có ai bên cạnh, Dũng một mình đạp xe gần 3 tiếng đồng hồ để đến địa điểm thi, trong túi không có một đồng để uống nước. Rồi ngày cầm trên tay giấy báo trúng tuyển ĐH, Dũng đã âm thầm khóc, khóc cho những đêm mò mẫm học bài một mình đã có kết quả đẹp, khóc vì niềm hạnh phúc ấy giờ đây không có ai ruột thịt để sẻ chia.
Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, giờ đã thành đạt nhưng Dũng vẫn không quên những ngày mình sống trong mái ấm. Anh thường thu xếp thời gian quay về mái ấm thuở nào tổ chức sinh nhật và các hoạt động vui chơi cho các em nhỏ sống tại đây. Không những thế, Anh còn giới thiệu những em có năng lực vào Ngân hàng làm việc. Bên cạnh đó, chàng trai trẻ này cũng luôn ấp ủ ước mơ.
Đến Trung tâm Linh Xuân-Thủ Đức-nơi nuôi dưỡng các em nhỏ bị nhiễm AIDS , chứng kiến cô bác sĩ trẻ chăm sóc những đứa bé bị nhiễm bệnh, nhẹ nhàng rửa và bôi thuốc vào những chỗ nhọt đã vỡ mới cảm nhận tấm lòng tận tụy và bao la của bác sĩ Đào Thị Huê - cô bé mồ côi ngày nào.
Có mấy ai hay được, Sau khi tốt nghiệp ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, bỏ qua những lời can ngăn của bạn bè, Huê viết đơn tình nguyện ở lại chăm sóc những đứa bé nhiễm HIV. Đối với bác sĩ Huê, khi một đứa con mà mình giành giật lại được sự sống từ thần chết, đó chính là niềm hạnh phúc nhất. Còn khi một em ra đi, đó là một mất mát không gì bù đắp nỗi. Chúng tôi hỏi Huê, có tấm bằng Bác sĩ trong tay, sao không ra ngoài làm có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Huê lắc đầu.
Viên mãn với một mái ấm gia đình hạnh phúc, cậu con trai 2 tuổi kháu khỉnh, một công việc ý nghĩa mang lại cho Huê sự nhẹ nhàng khi biết mình đang dần đáp trả tình thương của những người từng cưu mang mình. Vậy nhưng, trong ánh mắt của Huê dường như vẫn day dứt một điều gì đó, phải chăng là khát khao tìm lại mái ấm gia đình và lời hứa ngày nào của Mẹ: “Sẽ quay lại tìm để tìm con”.
Có lẽ trong số những nhân vật mà chúng tôi gặp, Tạ Đình Nhựt đã để lại cho chúng tôi một ấn tượng khó quên. Sau khi xin Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi và bụi đời Khánh Hội cho nghỉ học để ra ngoài mưu sinh, cậu được Trung tâm giới thiệu đến học ngành Bếp của Trường Nghiệp vụ nhà hàng dành cho trẻ em đường phố. Đi học cả ngày, đêm đến lại nhờ thầy cô giới thiệu các mối đi phục vụ nhà hàng buổi tối. Nhờ những nỗ lực của bản thân cộng với năng khiếu bẩm sinh, Nhựt liên tục được lựa chọn đi thi và đoạt giải trong các cuộc thi tay nghề trẻ cấp quốc gia và cả khu vực… Sau đó, may mắn đã mỉm cười khi cậu được tuyển vào làm tại khách sạn Majestic. Làm việc được một thời gian, Nhựt quyết định rẽ ngang, chọn cho mình một con đường đi riêng, theo cậu, đó là con đường bình yên và thanh thản nhất.
Nhà hàng chay Vô Thường của Nhựt nằm trên đường Trần Quang Khải-Q1 nay đã dần ổn định. Nhựt thường xuyên đến với Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi, góp phần cùng các sơ giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh giống như mình trước đây. Bởi vì hơn ai hết, Nhựt hiểu họ cần những bàn tay chia sẻ lúc khó khăn đến như thế nào…
Hơn 6 năm làm công tác Đội, 10 năm làm công tác Đoàn. Nguyễn Thanh Tâm-Bí thư Đoàn Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Picasso - Thủ Đức không nhớ mình đã từng bao lần đi gõ cửa các Doanh nghiệp để xin việc làm cho những bạn trẻ có hoàn cảnh mồ côi như mình. Không nhớ bao lần mình chở xe đạp từng em đi phỏng vấn tìm việc. Nhiều lúc mệt lắm, nhưng Tâm làm sao quên được mình cũng đã từng có những tháng ngày chênh vênh như các em khi vừa bước ra đời. Tâm nhút nhát và mau nước mắt của ngày xưa khi mới bước chân vào trại trẻ mồ côi nay đã khác, rắn rỏi và cương nghị hơn trong vai trò là một thủ lĩnh Đoàn. Chặng đường đã qua của Tâm cũng như những bao đứa trẻ mồ côi khác: hụt hẫng lắm nhưng bằng niềm tin chàng trai trẻ tin rằng: “Con người tuy nhỏ bé nhưng có thể thay đổi được định mệnh của cuộc đời”.
Trong cuộc sống ồn ào và náo nhiệt bây giờ, trớ trêu thay không ít những thanh thiếu niên có gia đình trọn vẹn và yên ấm nhưng lại chỉ biết hưởng thụ, sống ỷ lại, thậm chí buông thả và ăn chơi. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những người trẻ như anh Dũng, chị Huê, Đình Nhựt và Thanh Tâm - bằng nghị lực của mình, họ đã làm cho cuộc sống này đẹp hơn. Họ như những cây xương rồng bé nhỏ dù sống trong sa mạc khô cằn nhưng vẫn vươn lên, đơm hoa kết trái cho đời. Chúng ta cảm mến và khâm phục họ. Những câu chuyện vượt qua số phận của họ - Liệu có làm cho ai đó phải nghĩ suy về mình, sống trong ấm êm và hạnh phúc mà vẫn thờ ơ, vô tình với cuộc sống quanh mình?
http://www.voh.com.vn/News/NewsDetail.aspx?id=30110