Friday, April 22, 2011

Ích Quốc Lợi Dân: Muốn có văn hóa đọc, toàn dân phải đọc sách

"23 April is a symbolic date for world literature for on this date in 1616, Cervantes, Shakespeare and Inca Garcilaso de la Vega all died. It is also the date of birth or death of other prominent authors such as Maurice Druon, Haldor K. Laxness, Vladimir Nabokov, Josep Pla and Manuel Mejía Vallejo.

It was a natural choice for UNESCO's General Conference, held in Paris in 1995, to pay a world-wide tribute to books and authors on this date, encouraging everyone, and in particular young people, to discover the pleasure of reading and gain a renewed respect for the irreplaceable contributions of those who have furthered the social and cultural progress of humanity. In this respect, UNESCO created both the World Book and Copyright Day and the UNESCO Prize for Children's and Young People's Literature in the Service of Tolerance." (from UNESCO)

Muốn có văn hóa đọc, toàn dân phải đọc sách
Hoài Thương / Thể thao & Văn hóa Online

(TT&VH) - Chưa bao giờ, cụm từ “văn hóa đọc” được nhắc đến nhiều như trong những ngày này. Bởi lần đầu tiên, Ngày hội đọc sách Việt Nam – một sự kiện mang tầm quốc gia do Bộ VH,TT&DL tổ chức – sẽ diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội vào ngày 23/4/2011.

Cách đây khoảng 10 năm, khi còn xa lạ với khá nhiều công chúng, Ngày hội đọc sách Pháp đã được Tổng công ty sách Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Pháp tổ chức tại Hà Nội. Đây là hoạt động nhằm hướng mọi người đến với sách và say mê đọc sách theo sáng kiến của Bộ Văn hóa và Truyền thông Pháp. Theo thông lệ, năm nào hoạt động này cũng được tổ chức vào mùa Thu tại Pháp và được nhân rộng ra khắp mạng lưới các trung tâm văn hóa của Pháp tại hơn một trăm nước trên thế giới...

Những đặc biệt của ngày hội

Năm 2011, Ngày hội đọc sách được coi là một sự kiện lớn, mang tầm quốc gia do Bộ VH,TT&DL phê duyệt và tổ chức vào ngày 23/4 tới tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Với Slogan: Đọc sách cho ngay mai, BTC muốn nhấn mạnh, bắt đầu từ năm nay, ngày 23/4 hằng năm sẽ là ngày tôn vinh sách, tôn vinh văn hóa đọc. Được biết, sẽ có gần 40 đơn vị như: các NXB, thư viện, công ty sách, nhà sách tham gia ngày hội. Và đặc biệt, có 2 doanh nghiệp sách đã tham gia trong BTC là Công ty CP sách Thái Hà và Công ty Hà Thế.

Đối tượng của Ngày hội đọc sách là tất cả các bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ.
Năm nay, ngay sau khi biết tin, sẽ diễn ra Ngày hội đọc sách tại Văn Miếu, nhiều trường phổ thông đã đăng ký để đưa các em học sinh đến tham dự. Riêng khối các trường ĐH và CĐ đến nay đã có ít nhất 6 trường đăng ký cử sinh viên đến tham gia là: ĐH Văn hóa, ĐH KHXH&NV Hà Nội, ĐH Đông Đô, Cao đẳng Sư phạm TƯ, Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và Cao đẳng Nội vụ. Mỗi trường đăng ký ít nhất 60 em (CĐ Nội vụ) và nhiều là 140 em (ĐH Văn hóa).

Trong Ngày hội đọc sách ngoài phần “lễ”, sẽ có nhiều chương trình vui chơi giải trí để thực sự biến 23/4 thành “ngày hội”. Đó là các hoạt động như: thi nghệ thuật xếp sách thành những hình đẹp, ấn tượng; thi vẽ bìa sách, vẽ tranh minh họa sách; thi hùng biện về 1 cuốn sách yêu thích; giao lưu với các diễn giả, tác giả; thu thập chữ ủng hộ ngày đọc sách 23/4 hằng năm và đặc biệt là Tặng sách giờ vàng...

Tặng 5.000 cuốn sách để “kích cầu”

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Thái Hà Books, là một trong những người “thiết kế” nội dung cho ngày hội cho biết, dự kiến sẽ có 5.000 cuốn sách được tặng cho bạn đọc trong Tặng sách giờ vàng (10 - 11h sáng và 15 - 16h chiều). Theo ông Hùng, hiện nay, trung bình mỗi năm, mỗi người Việt Nam chỉ mua 3,3 cuốn sách, đọc 2,8 cuốn là quá ít. Tối thiểu phải là 50 cuốn/ người/năm thì chúng ta mới có thể có văn hóa đọc. Sách đã có nhiều hơn, nhưng vẫn còn đến 80% nông dân không đọc sách.

Muốn có văn hóa đọc thì phải đi từ gốc, phải là toàn dân đọc sách. Và phải tặng sách để kích thích việc đọc. Cũng theo ông Hùng, đang có rất nhiều tri thức dẫn đường cho văn hóa đọc, cổ vũ cho việc đọc sách như: GS Chu Hảo, TS Quách Thu Nguyệt, Giản Tư Trung, Lý Trường Chiến... Rất nhiều bạn trẻ lăn lộn với sách. Nhiều em đi xin sách, gom sách mang về tặng các vùng sâu vùng xa. Nhiều CLB yêu sách đang hoạt động rất hiệu quả. Và chúng ta hoàn toàn kỳ vọng vào phong trào toàn dân đọc sách.

Tuy nhiên, Nhà nước cũng nên quan quan tâm hơn đến văn hóa đọc. Cần có ngân sách lớn hơn cho việc xây dựng các thư viện, hỗ trợ xuất bản sách, có ngân sách mua sách cho các thư viện từ trung ương đến làng xã. Có sách sẽ có tri thức. Tri thức có từ sách và văn hóa đọc sách, mà tri thức là nền tảng để phát triển đất nước... Và Ngày đọc sách Việt Nam phải được tổ chức hàng năm với quy mô toàn quốc.


http://thethaovanhoa.vn/133N20110419090744967T133/muon-co-van-hoa-doc-toan-dan-phai-doc-sach.htm